Nhiều trường trung cấp ở TPHCM đang “mỏi mắt” tìm thí sinh
Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 đều vào học các trường đại học, dẫn đến công tác tuyển sinh tại các trường trung cấp có rất ít thí sinh đến đăng ký học.
Nhiều trường trung cấp đang rất khó khăn trong tuyển sinh. Ảnh: Huân Cao
Mỏi mắt ngóng tìm thí sinh đăng ký
Tại TPHCM có gần 100 trường trung cấp, phần lớn đều khó tuyển được thí sinh vào học. Ảnh: Huân Cao
Việc lựa chọn học thẳng lên trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đang được nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện đặc biệt. Cụ thể, học sinh đã tốt nghiệp THCS sẽ được hỗ trợ miễn giảm 100% học phí khi đăng ký học trung cấp theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp để “nhường” phần này cho các trường trung cấp chuyên nghiệp. Chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo nghề là thế, nhưng trên thực tế các trường trung cấp ngày càng khó tuyển sinh.
Ông Nguyễn Quốc Thệ – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh. Ảnh: Huân Cao
Ông Nguyễn Quốc Thệ – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh (quận 12, TPHCM) cho biết, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Nghị định 86 của Chính phủ hỗ trợ rất nhiều để học sinh đi học trường nghề, nhưng trên thực tế hầu hết các trường nghề gần như rất khó trong việc tuyển sinh.
“Việc đậu đại học rất dễ dàng, khi đầu vào đại học, nhất là các trường tư thục ngày càng thấp, cùng với đó là tỉ lệ đậu tốt nghiệp lớp 12 đến 98%, nên những bạn yếu nhất vẫn có thể vào đại học. Đã chính thức bước vào năm học mới, thế nhưng trường chúng tôi chỉ mới tuyển được 30% chỉ tiêu được giao” – ông Thệ nói.
Video đang HOT
Học sinh thực hành ngành điều dưỡng tại trường Trung cấp Vạn Hạnh. Ảnh: Huân Cao
Ông Nguyễn Công Danh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Khoa cho biết, năm nay trường tuyển sinh ở 8 ngành, mỗi ngành 50 chỉ tiêu, thế nhưng đến giờ chỉ tuyển được 30 học sinh.
Theo ông Danh các trường trung cấp đang rất khó khăn trong tuyển sinh. Ảnh: Huân Cao
“Trước đây chúng tôi tuyển sinh rất tốt ở những ngành thế mạnh của trường, bởi thời điểm đó có chính sách phân luồng 40% vào đại học, 30% vào cao đẳng, số còn lại vào trung cấp. Thế nhưng hiện nay, có đến 90% học sinh chọn vào đại học, còn lại rất ít vào giáo dục nghề nghiệp, nên vấn đề tuyển sinh trung cấp cực kỳ khó khăn” – ông Danh nói.
Cách nào để hút được học viên?
Lê Hồng Sơn (đứng) chọn học nghề trước vì có thể sớm đi làm phụ giúp gia đình. Ảnh: Huân Cao
Ông Lê Việt Hà – Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Việt Khoa cho biết, để hút được học sinh vào học nghề, bên cạnh những chính sách của nhà nước thì tự bản thân các trường phải tìm được hướng đi thế mạnh của riêng mình.
“Chúng tôi phải tự mình tạo dựng cho một vài ngành mũi nhọn và có lợi thế để thu hút học sinh vào học. Trường ký kết với mấy đơn vị hỗ trợ để đào tạo những ngành nghề mới thiết thực với nhu cầu thị trường. Phải tạo cho học sinh có cảm giác yên tâm học cái nghề đó là có việc làm ngay, mà không nhất thiết phải có bằng đại học” – ông Hà nói.
Ông Hà chia sẻ thêm thông tin, bản thân các trường trung cấp cũng nên tập trung đào tạo những ngành nghề mà bậc cao đẳng, đại học không có để tạo lợi thế thu hút học sinh vào học.
“Hiện nhà trường mở thêm một ngành mới là ngành kỹ thuật chế biến món ăn hay gọi là đầu bếp. Trước giờ chưa có ai học đại học ngành đầu bếp cả, ngành này tạo cho người học cảm giác chỉ học trong thời gian ngắn 18 tháng nhưng ra trường sẽ có việc làm ngay và thu nhập tốt không kém gì đại học” – ông Hà nói.
Ông Lê Việt Hà – Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Việt Khoa. Ảnh: Huân Cao
Ông Nguyễn Quốc Thệ – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh cho rằng, để thay đổi thực trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm ở các nước tiên tiến trong công tác phân luồng đào tạo nghề.
“Các nước Đức, Nhật Bản hay Hàn Quốc, ngay từ cấp 2 họ chỉ phân luồng cho 70% vào học cấp 3, còn lại hướng dẫn đi học nghề. Làm được như họ thì tỉ lệ vào trường nghề sẽ tăng lên, có thể mới đáp ứng được đội ngũ lao động có tay nghề trong thời kỳ Công nghiệp hóa đất nước” ông Thệ nói.
Đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, nên rất cần đội ngũ lao động có tay nghề. Ảnh: Huân Cao
Người dân có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp
Vì sao với hệ thống giáo dục - đào tạo lớn mạnh như Việt Nam mà chỉ có 20% dân số (từ 15 tuổi trở lên) được đào tạo chuyên môn kỹ thuật?
Sinh viên một trường cao đẳng nghề trong giờ thực hành - ẢNH: MỸ QUYÊN
Theo thống kê, cứ 100 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, sau 3 năm có từ 60 - 65 HS tốt nghiệp THPT, trong số đó có 20 - 25 HS đỗ ĐH. Đào tạo nghề tác động đến 75 - 80% HS sau THCS, cho thấy tầm quan trọng của nó đối với nhân lực quốc gia.
Cơ cấu bất hợp lý
Những năm gần đây, nhiều chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về hướng nghiệp, phân luồng và đào tạo nghề được triển khai như: chuyển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) về Bộ LĐ-TB-XH quản lý, trừ trung cấp và cao đẳng (CĐ) sư phạm; HS sau THCS học nghề được miễn học phí và có thể liên thông lên CĐ, ĐH; Chính phủ ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy định các luồng sau THCS và THPT... nhờ đó tỷ lệ người dân có trình độ chuyên môn kỹ thuật được tăng lên.
Nâng cao thu nhập cho người có chuyên môn kỹ thuật
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau: Tuyên truyền tầm quan trọng của hướng nghiệp, phân luồng và đào tạo nghề đối với cá nhân cũng như toàn xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, xã hội. Một số trường đặc thù có thể tổ chức thi tuyển đối với HS tốt nghiệp THCS, những HS thi đỗ được cấp học bổng cao. Nhà nước, doanh nghiệp tuyển dụng, nâng cao thu nhập cho người có chuyên môn kỹ thuật...
Theo điều tra dân số thời điểm 1.4.2014, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 17,2%, trong đó trình độ sơ cấp: 1,9%, trung cấp: 5,8%, CĐ: 2,6%, ĐH trở lên: 6,9%. Đến thời điểm 1.4.2019, tỷ lệ người dân có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 19,2%, trong đó sơ cấp: 3,1%, trung cấp: 3,5%, CĐ: 3,3% và ĐH trở lên: 9,3%. Sau 5 năm, tỷ lệ người dân có chuyên môn kỹ thuật tăng thêm 2% là tín hiệu đáng mừng, nhưng về cơ cấu lại bất hợp lý hơn.
Nếu như năm 2014, 1 người trình độ ĐH trở lên có 1,5 người trình độ dưới ĐH, thì đến năm 2019, 1 người ĐH có 1,1 người dưới ĐH. Sau gần 5 năm giao GDNN về Bộ LĐ-TB-XH quản lý, tỷ lệ người có trình độ ĐH trở lên tăng 2,4%, trong khi người có trình độ dưới ĐH giảm 0,4%, điều này trái ngược với dự báo của Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH đưa ra năm 2017. Điều đáng lo ngại là nước ta vẫn còn trên 80% người dân (15 tuổi trở lên) không có chuyên môn kỹ thuật, trong khi các nước như Nhật Bản, Mỹ, tỷ lệ này dưới 20%.
Những hạn chế về phân luồng và đào tạo nghề
Hướng nghiệp - phân luồng - đào tạo nghề nước ta vẫn là những khâu yếu, mục tiêu 30% HS sau THCS tham gia GDNN đặt ra cho năm 2010, nhưng đến 2020 vẫn còn xa vời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
Xã hội vẫn còn nặng bằng cấp. Nhiều người dân mong muốn con em có được tấm bằng ĐH, thậm chí cao hơn, bất chấp khả năng, điều kiện và nguyện vọng của con em. HS sau THCS chủ yếu lên THPT, dẫn đến có trường THPT hạ điểm chuẩn trúng tuyển trung bình chưa tới 1 điểm, như trường hợp một trường vùng cao Thanh Hóa. Nhiều địa phương tỷ lệ này chiếm trên 80%. TP.HCM là địa phương làm tốt công tác hướng nghiệp, nhưng số liệu hằng năm cho thấy có 70% HS THCS vào THPT công lập, số còn lại học THPT tư thục hay trung tâm GDTX, ra thị trường lao động và một tỷ lệ (dưới 30%) theo GDNN.
Rất ít HS khá giỏi học nghề đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Hầu hết những HS không đỗ THPT công lập ở tất cả các nguyện vọng, học lực trung bình và yếu mới vào trường nghề, vừa học nghề vừa học văn hóa nên nhiều em không theo kịp, dẫn đến chán nản, bỏ học. Các ngành kỹ thuật cao, đòi hỏi người học phải có năng lực tư duy, tính toán nhưng khó tuyển được HS đáp ứng yêu cầu.
Theo phân loại giáo dục quốc tế, bậc 4 (sau trung học) rất đa dạng, phong phú về hình thức, chương trình và trình độ đào tạo. Theo đó, mô hình trường trung học nghề, trung học kỹ thuật phù hợp với bậc 4, vừa học nghề, vừa học văn hóa phổ thông đã thành công ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam quy định bậc 4 là trung cấp. Còn mô hình trường trung học kỹ thuật thí điểm nhiều lần nhưng vẫn không triển khai được, do vướng mắc cơ chế quản lý và nguồn lực đầu tư.
Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng đến nay chưa ban hành đầy đủ văn bản pháp quy về liên thông này.
Công tác hướng nghiệp cho HS vẫn là một khâu yếu ở trường THCS, THPT. Các trường chú trọng hướng HS vào ĐH, dẫn đến dạy thêm, học thêm ngay từ cấp THCS. Sự gia tăng chỉ tiêu ĐH và mở rộng xét tuyển bằng học bạ... dẫn đến việc vào ĐH quá dễ dàng, nhiều HS thi THPT đạt thấp nhưng vẫn đỗ ĐH. Người dân có trình độ ĐH tăng lên, nhưng tỷ lệ người có bằng ĐH, thạc sĩ thất nghiệp cũng tăng lên.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục chưa đầy đủ về phân luồng, khi cho rằng chỉ tiêu 30%, 35% HS sau THCS theo GDNN chỉ phù hợp với vùng khó khăn, còn tỉnh/thành phố có chất lượng giáo dục cao, phụ huynh có điều kiện cho con học ĐH thì chỉ tiêu này thấp hơn. Quan niệm việc dạy nghề là của trường nghề, không đặt ra ở trường phổ thông, dẫn đến HS phổ thông tham gia thị trường lao động không có chuyên môn kỹ thuật.
Tiết lộ công nghệ "ghép lớp" của Cao đẳng Phú Châu, học 3 tháng có bằng? Tư vấn viên thừa nhận sự thật đau lòng: Hiện nay không có nơi nào cấp và mua bán bằng cấp dễ như ở Việt Nam. Điều này rất đáng để cơ quan liên quan phải suy ngẫm. Thật khó có thể tưởng tượng, thí sinh chỉ cần nộp hồ sơ, đóng tiền và học vài tháng là có thể nhận được tấm...