Nhiều trường thi thử đánh giá học sinh
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, nhiều trường đã rục rịch cho học sinh chuẩn bị thi trắc nghiệm 8 môn và môn tự luận để từ đó có đánh giá chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho rằng dự thảo quy chế có điểm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
“Tuy nhiên, điều khiến trường và phụ huynh lo lắng chính là năm nay có nhiều môn thi hơn nên cả giáo viên, học sinh sẽ vô cùng vất vả trong dạy và học”, ông nói.
Thầy, trò chạy đua thời gian
Ông Nguyên cho biết sau khi có dự thảo, trường bắt tay vào chuẩn bị cho học sinh kiểm tra học kỳ I như kỳ thi THPT quốc gia. Học sinh được đánh số báo danh theo tên A, B, C và xếp 24 học sinh/phòng. Vì chưa có khả năng làm được mỗi học sinh một đề, trường chỉ cố gắng mỗi phòng thi có 4 mã đề khác nhau.
Giáo viên các môn cũng được huy động làm ngân hàng đề dựa theo cấu trúc đề minh họa 70% trắc nghiệm, 30% tự luận để học sinh tập dượt.
Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên (Hà Nội) cũng cho biết khoảng giữa tháng 12, trường sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ với 5 bài thi như quy định của kỳ thi THPT quốc gia.
Giáo viên được giao ra đề theo cấu trúc đề minh họa. Kỳ kiểm tra sẽ được tổ chức nghiêm ngặt, đảm bảo không có học sinh quay cóp để đánh giá chất lượng học sinh.
Nhiều trường lo lắng tổ chức thi học kỳ như thi THPT quốc gia để đánh giá năng lực học sinh. Ảnh: Tiền Phong.
Cẩn trọng với 5 bài thi
Cô Thái Văn Anh, giáo viên một trường THPT tại Hà Nội cho rằng năm 2015, học sinh dự thi tốt nghiệp chỉ cần thi 4 môn, năm nay đã tăng lên thành 6 môn là một thay đổi lớn.
Từ khi Bộ Giáo dục công bố phương án thi đến nay, giáo viên phải tự đổi mới cách dạy lẫn phương pháp ra đề. Học sinh cũng vừa học vừa lo luyện đề trắc nghiệm để rèn kỹ năng nhanh nhạy chạy đua với thời gian làm bài thi.
Ông Nguyễn Văn Nguyên cũng cho rằng Bộ GD&ĐT tạo điều kiện cho học sinh đăng ký cả 5 bài thi nhưng lần này, trường cũng quyết định thi thử cả 9 môn (trừ Tin học, Thể dục) để từ kết quả đó có đánh giá chất lượng học sinh cũng như giúp học sinh có cái nhìn về khả năng của mình để lựa chọn môn thi đúng đắn hơn.
Video đang HOT
Việc trước mắt, từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian, trường sẽ tập trung toàn bộ đội ngũ giáo viên giỏi cho lớp 12 để dạy học và ôn tập. Lãnh đạo Phòng khảo thí của một sở GD&ĐT bày tỏ lo lắng kỳ thi năm nay với nhiều đổi mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực ít nhiều đến kết quả thi của thí sinh.
Ông phân tích có những môn lần đầu thi trắc nghiệm như Lịch sử, Giáo dục công dân, Toán… giáo viên, học sinh vô cùng bối rối trong việc tìm kiếm tài liệu, đề thi để luyện đề trong khi Bộ không phát hành tài liệu ôn thi nào. Chưa kể, ở thời điểm này, nhiều sở mới cuống cuồng đi tập huấn cho giáo viên phương thức ra đề thi trắc nghiệm.
Nhiều trường ĐH muốn tự chủ tuyển sinh
PGS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết trường muốn được tự chủ xét tuyển sinh ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia. Còn theo kinh nghiệm sau một năm thực hiện tuyển sinh theo nhóm, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng nếu cả nước là nhóm lớn thì rất phức tạp về mặt kỹ thuật.
“Nếu đơn thuần các trường chốt cứng chỉ tiêu thì phần mềm kỹ thuật chạy được ngay lập tức và chỉ sau vài giờ đồng hồ là cho ra kết quả. Nhưng câu chuyện không đơn giản như thế vì còn phụ thuộc số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành; có ngành phải điều chỉnh, có ngành không điều chỉnh nên sẽ rất khó khăn”, PGS.TS Trần Văn Tớp cho hay.
Hơn nữa, theo phân tích của Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội, trong quá trình chạy phần mềm, có những vấn đề sẽ xảy ra khó có thể lường trước được. Với một nhóm nhỏ, việc xử lý sự cố còn dễ, với hơn 400 trường ĐH, lúc đó xử lý thế nào?
Ví dụ tại nhóm GX năm 2016, ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa có 400 chỉ tiêu nhưng có tới 1.800 thí sinh đăng ký. Lúc chạy phần mềm lần đầu, điểm trúng tuyển trung bình lên đến 9,3. Trường phải đưa ra các tiêu chí phụ để đưa mức điểm chuẩn về 8,7 với 600 thí sinh trúng tuyển, nhưng chỉ có 320 thí sinh nhập học.
Chính vì vậy, PGS Trần Văn Tớp cho rằng năm 2017, thay vì tổ chức cả nước là một nhóm lớn, bộ có thể đưa ra các nhóm nhỏ theo khu vực địa lý với nguyên tắc các trường có thể tự nguyện tham gia, như thế vừa đảm bảo quyền tự chủ của các trường vừa chống ảo.
Riêng nhóm GX, nếu Bộ GD&ĐT quyết định cả nước chỉ xét tuyển chung một phần mềm thì các trường trong nhóm cũng hoàn toàn ủng hộ. Còn nếu bộ cho các trường tự quyết thì nhóm dự kiến sẽ mở rộng nâng số trường lên khoảng 20 trường trong khu vực Hà Nội.
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục cho rằng tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Bộ nên để các trường tự làm công việc của mình, chỉ hỗ trợ khi cần thiết, không nên làm thay các trường.
Giải pháp nào chống ‘ảo’?
Các trường mong muốn được giao quyền tự chủ nhưng bên cạnh đó, lại rất lo “ảo”. PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề xuất lần đầu xét tuyển, bộ nên cho thí sinh chỉ có một nguyện vọng.
“Kinh nghiệm năm 2016 cho thấy 25% thí sinh đủ điểm xét tuyển không đỗ lần đầu nhưng vẫn không tham gia xét tuyển những lần bổ sung tiếp theo. Có thể hiểu các em chỉ có nhu cầu học ở một trường, ngành nhất định nào đó, trượt thì thôi nên cho các em đăng ký nhiều nguyện vọng cũng không cần thiết. Một nguyện vọng, xét xong, không đỗ thì xét bổ sung, các trường thiếu cũng tuyển bổ sung”, PGS Đoàn Quang Vinh nêu ý kiến.
Đồng ý với ý kiến của PGS Đoàn Quang Vinh, một vị chuyên gia giáo dục cho rằng lần đầu xét tuyển nên cho mỗi thí sinh một nguyện vọng.
Trước đó, từ năm 2015, khi tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã có ý tưởng cả nước chung một phần mềm xét tuyển. Nhưng năm đó, các trường không đồng tình.
Đến năm 2016, ý tưởng này tiếp tục được đưa ra dù trước đó, bộ đã quyết định cho nhóm GX được tuyển sinh. Nhưng sau đó, Bộ GD&ĐT vẫn vấp phải sự phản đối của các trường.
Theo Nguyễn Hà – Nghiêm Huê / Tiền Phong
Dự kiến có hội đồng thi riêng cho thí sinh tự do
Bộ GD&ĐT dự kiến lập hai hội đồng thi cho thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do nhằm đảm bảo trật tự phòng thi.
Theo nguồn tin từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn có hai đối tượng dự thi là thí sinh tự do và thí sinh lớp 12.
Bộ sẽ tổ chức 5 bài thi, bao gồm 3 bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); căn cứ để xét tốt nghiệp là điểm 4 bài thi.
Ngoài 3 bài bắt buộc, thí sinh chọn bài Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Các em cũng có thể thi cả 5 bài, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét tốt nghiệp.
Trong khi đó, thí sinh đã tốt nghiệp THPT có thể đăng ký dự thi theo môn trong hai bài thi tổ hợp. Thời gian mỗi môn thi trong bài tổ hợp là 50 phút.
Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh lớp 12 bắt buộc phải làm cả 3 môn thi trong vòng 150 phút. Thí sinh tự do chỉ cần làm phần thi mà mình đăng ký và ra khỏi phòng khi hết thời gian làm bài thi môn.
Vì thế, Bộ dự kiến lập hội đồng thi riêng cho thí sinh tự do. Hội đồng này sẽ sắp xếp thí sinh theo môn thi nhằm đảm bảo trật tự trong phòng thi.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Anh Tuấn.
Lo ngại lộ đề thi
Trả lời báo Thanh Niên, TS Sái Công Hồng - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng không cần chia thành hai loại hội đồng vì một hội đồng có thể sắp xếp phòng thi riêng cho các đối tượng thí sinh khác nhau.
Ông Lương Văn Việt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cũng băn khoăn về cách sắp xếp của Bộ GD&ĐT. Ông lo ngại tình trạng lộ đề sẽ xảy ra khi thí sinh chọn thi một hoặc hai môn trong bài tổ hợp được phát đề ngay từ khi bắt đầu giờ làm bài mà không theo thời gian tương ứng của từng phần.
"Không thể khi các thí sinh khác đang thi Vật lý nhưng vì thí sinh nào đó chỉ thi Sinh mà lại phát trước cho làm, xong thì ra, như thế chắc chắn sẽ lộ đề. Kể cả thu lại đề thì không cấm được việc một số em vẫn nhớ được đề của mình hỏi những gì để thông tin ra ngoài", ông Việt nói trên Thanh Niên.
Trong khi đó, một cán bộ khảo thí ở Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT sắp xếp thí sinh tự do làm bài tổ hợp theo ca.
Mỗi thí sinh sẽ có một đề
Theo VOV, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ đang lập ban soạn thảo đề thi trắc nghiệm cho các môn thi THPT quốc gia 2017, huy động sự tham gia của các giáo viên giỏi trên cả nước để có ngân hàng đề thi đủ lớn và chất lượng để mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng.
Theo ông Ga, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc, khách quan cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Về đề thi, đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, Bộ sẽ cho mỗi thí làm một đề thi riêng nên dù thí sinh có ngồi cạnh nhau thì cũng không thể nhìn bài nhau được.
Sau khi thí sinh thi xong, việc chấm thi sẽ được thực hiện bằng máy với độ chính xác cao nên sẽ loại trừ được những tiêu cực cũng như khắc phục được sự thiên vị trong quá trình chấm thi.
Trong quá trình coi thi, ngoài những cán bộ quản lý, giáo viên các sở GD&ĐT, trường THPT, Bộ GD&ĐT cử giảng viên các trường đại học, cao đẳng xuống các địa phương để phối hợp thực hiện công tác trông thi.
Đây là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo các trường đại học, cao đẳng có thể lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được tổ chức trong 2 ngày của tháng 6, với các bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Trong số đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Mỗi bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội tăng số lượng câu hỏi trắc nghiệm từ 60 thành 120 với 4 lựa chọn duy nhất một phương án đúng. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm tăng từ 90 phút lên 150 phút.
Bài thi ngoại ngữ cũng được tăng số câu hỏi lên thành 50 câu (trước là 40 câu) nhưng thời gian làm bài thi vẫn là 60 phút. Riêng môn Toán vẫn 50 câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài là 90 phút
Theo Zing
Học sinh các nước trên thế giới thi Toán như thế nào? Ở nhiều nước trên thế giới, trong các kỳ thi đánh giá năng lực và tuyển sinh đại học, môn Toán được thi dưới dạng trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp tự luận. Ở Mỹ, đánh giá năng lực là hình thức phổ biến và khá đa dạng. Trong đó, kỳ thi lấy bằng chứng nhận phát triển giáo dục tổng quát...