Nhiều trường thay đổi chiến lược tuyển sinh
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chính quy, nhiều trường ĐH đã điều chỉnh, thay đổi thông tin theo hướng có lợi nhiều nhất cho thí sinh (TS).
Tuyển thẳng học sinh giỏi trường chuyên
Mùa tuyển sinh này, ngoài tuyển thẳng các đối tượng đã được Bộ GD&ĐT quy định, nhiều trường ĐH còn đưa ra các chính sách đặc thù nhằm thu hút TS có năng lực học tập tốt. Đây là năm đầu tiên Học viện Ngân hàng xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở các trường THPT chuyên.
TS Trần Mạnh Dũng – Trưởng phòng Đào tạo của Học viện cho biết: Trường dành 10% chỉ tiêu xét tuyển thẳng ĐH các TS là học sinh các trường THPT chuyên quốc gia (một trong các môn Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh) có kết quả điểm môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển của Học viện trong 3 năm THPT đạt từ 7,0 điểm trở lên vào các ngành phù hợp. Đối với các ngành đào tạo CĐ, Học viện cũng dành 10% chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển thẳng các TS quốc tịch Việt Nam đã tốt nghiệp THPT có điểm trung bình chung từng năm của 3 năm THPT đạt từ 6,5 điểm trở lên. Năm học này, Học viện Ngân hàng xét tuyển theo 4 tổ hợp môn thi gồm: Toán, Văn, Anh (khối D1); Toán, Lý, Anh (khối A1); Toán, Hóa, Anh; Toán, Lý, Hóa (khối A).
Video đang HOT
Sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Chiến Công
Trong khi đó, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông lại đưa ra các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các TS trúng tuyển vào trường. Theo đó, miễn 100% học phí trong suốt quá trình học tập đối với các TS có kết quả thi tuyển từ 27 điểm trở lên và các TS tham gia đội tuyển Olympic quốc tế; TS đoạt giải Nhất học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào Học viện.
Ngoài ra, TS sẽ nhận được các phần thưởng có giá trị khi nhập học. Đối với những TS có kết quả từ 25 – 26,5 điểm và các TS đạt giải Nhì, Ba học sinh giỏi quốc gia sẽ được miễn 50% học phí trong suốt quá trình học tập. Không những vậy, Học viện còn tạo điều kiện bố trí việc làm cho các sinh viên trên khi ra trường tại các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, sản xuất của học viện và các đơn vị liên kết nếu kết quả học tập đạt loại giỏi trở lên.
Năm nay, ĐH Công nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện chính sách cấp 100% kinh phí đào tạo toàn khóa đối với thủ khoa các khối thi hoặc 100% kinh phí đào tạo năm thứ nhất đối với TS có tổng điểm 3 môn lớn hơn hoặc bằng 25,5 điểm. Và với việc đào tạo theo tín chỉ, nhiều trường có kế hoạch tạo điều kiện cho sinh viên được đăng ký học 2 chương trình cùng một lúc để được cấp bằng tốt nghiệp của hai ngành khác nhau.
Tăng nhiều chỉ tiêu
Tại thời điểm này, đa số những trường công bố thông tin tuyển sinh ĐH năm 2015 đều điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng tăng so với năm trước. Trường tăng chỉ tiêu nhiều nhất là ĐH Công nghiệp Hà Nội, tuyển tới 6.700 chỉ tiêu hệ ĐH chính quy (năm 2014 là 5.500 chỉ tiêu). Nhà trường xét tuyển căn cứ vào kết quả 3 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, với 2 và 3 tổ hợp môn xét tuyển gồm: Toán Vật lý Hóa học (khối A cũ) hoặc Toán Vật lý Tiếng Anh (khối A1) cho 12 ngành và Toán Vật lý Hóa học (khối A) hoặc Toán Vật lý Tiếng Anh (khối A1) hoặc Toán Ngữ văn Tiếng Anh (D1) cho 10 ngành khác. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh chỉ xét tuyển 3 môn thuộc khối D1; ngành Việt Nam học xét tuyển khối D1 hoặc C hoặc Ngữ văn Lịch sử Tiếng Anh.
Năm nay, ĐH Luật Hà Nội tăng thêm 417 chỉ tiêu, nâng tổng chỉ tiêu của trường thành 2.395. Trong đó, ngành Luật tăng nhiều và cũng là ngành có nhiều chỉ tiêu nhất với 1.715; ngành Luật kinh tế đứng thứ 2 với 400 chỉ tiêu; Luật thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh đều có 140 chỉ tiêu. Ông Phan Chí Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với tổ hợp các môn thi Toán Vật lý Hóa học trường tuyển 30% chỉ tiêu; tổ hợp các môn thi Ngữ văn Lịch sử Địa lý tuyển 30%; tổ hợp các môn Toán Ngữ văn Tiếng Anh tuyển 40% chỉ tiêu. Nếu TS đủ điểm trúng tuyển vào trường theo từng khối thi, nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký, thi được chuyển sang ngành khác còn chỉ tiêu.
Cùng với ĐH Luật Hà Nội, Viện ĐH Mở Hà Nội tăng 500 chỉ tiêu thành 2.500; ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến tăng 400 chỉ tiêu thành 6.000; Học viện Ngân hàng thêm 200 thành 2.800 chỉ tiêu và nhiều trường khác tăng trên 100 chỉ tiêu như ĐH Thủy lợi, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông… Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội và nhu cầu đa dạng của TS, một số trường như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Y Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện công nghệ bưu chính viễn thông mở thêm ngành mới với lượng chỉ tiêu tương đối lớn.
Thủy Trúc
Theo KTĐT