Nhiều trường thành phố đóng 7 – 8 triệu/tháng, sao phải hỗ trợ miễn học phí?
Đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) mới được đưa vào dự luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn khiến nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo dự án luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp sáng 12.9 – ẢNH QUANG KHÁNH
Trình bày báo cáo về dự án luật Giáo dục tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12.9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp.
Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Do đó, ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật quy định miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Ban soạn thảo tính toán, khi thực hiện chính sách này, hàng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ để thực hiện chính sách này là 4.730 tỉ đồng. Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện, cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với chính sách mới. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban cũng đề nghị quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai.
Những trường đóng 7 – 8 triệu/tháng có cần hỗ trợ không?
Đặt câu hỏi cho ban soạn thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi: Quốc hội đã ban hành nghị quyết là trong thời gian trước mắt không ban hành chính sách mới, nếu ban hành thì phải cân đối nguồn lực. Dự luật này đưa ra nhiều chính sách mới đã quán triệt tinh thần nghị quyết của Quốc hội hay chưa và nếu thực hiện thì liệu ngân sách có thể đảm bảo được không trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về ngân sách như hiện nay.
Video đang HOT
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ sự quan tâm tới tác động của chính sách mới đối với ngân sách nhà nước. Luật này khẳng định tiếp tục duy trì tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục trong khi lại ban hành nhiều chính sách mới như vậy thì giải quyết thế nào.
Giải trình thêm các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, báo cáo đánh giá tác động của Bộ Giáo dục – Đào tạo thì số tiền miễn học phí, cấp bù và cấp hỗ trợ cho đối tượng ngoài công lập nằm trong 20% ngân sách chi cho giáo dục. Trong khi đó, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, theo xu thế thế giới, khi phổ cập ở cấp nào thì miễn học phí ở cấp đó. Hiện nay, nước ta đã phổ cập cấp trung học cơ sở và tiến tới phổ cập trung học phổ thông nhưng mới miễn học phí tới cấp tiểu học.
“Chuyện này chúng ta bàn mấy năm rồi nhưng chưa làm được. Vừa rồi, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Tài chính đã tính toán kỹ và thấy làm được. Còn lộ trình thì sẽ tính toán lộ trình cần đối ngân sách nhưng sẽ không vượt quá 20% ngân sách chi cho giáo dục”, ông Đam khẳng định.
Không đồng tình với những giải trình này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ nói có lộ trình nhưng lại chưa thấy cơ quan soạn thảo nói rõ lộ trình như thế nào.
Theo ông Hiển, đúng là cần có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện học tập nhưng cũng cần tính tới khả năng của chúng ta. Ông Hiển nói chưa đồng tình với đề xuất miễn học phí toàn bộ cấp trung học cơ sở mà lại còn hỗ trợ cả trường tư và đề nghị chỉ nên giới hạn việc miễn học phí đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn.
“Có những trường ở các thành phố lớn đóng góp 7 – 8 triệu/tháng mà còn phải xếp hàng mới vào được, nhiều trường mỗi năm nhận 1.200 hồ sơ trong khi chỉ tuyển 260 học sinh thì có cần hỗ trợ các trường này không?”, ông Hiển nói và cho rằng, quy định như dự thảo thì đại trà quá và vi phạm nguyên tắc thị trường, cần phải tính lại.
Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt
Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề thí điểm trong giáo dục mà dư luận quan tâm gần đây. Theo bà Nga, thí điểm thì có thành công, có thể thất bại nhưng vừa qua cử tri, dư luận có nhiều ý kiến về thí điểm, nhất là thí điểm tiếng Việt nên đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm về vấn đề này.
Giải đáp câu hỏi này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thời gian gần đây dư luận rộ lên câu chuyện về tài liệu giảng dạy tiếng Việt và năm ngoái là nghiên cứu của ông Bùi Hiền. “Ngay lúc đó tôi đã khẳng định là Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt”, ông Đam nói.
Theo Phó thủ tướng, vấn đề sách tiếng Việt theo công nghệ giáo dục thì Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có ý kiến chính thức, đây chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách giáo dục.
Tuy nhiên, ông Đam cũng khẳng định, dù rất nhiều chuyên gia, bạn bè quốc tế đánh giá cao giáo dục phổ thông của Việt Nam, song việc đổi mới là cần thiết và đã đổi mới thì phải có thử nghiệm, thực nghiệm. Tất nhiên, trong quá trình đổi mới thì cần phải làm rất thận trọng vấn đề thực nghiệm, thử nghiệm.
Theo thanhnien.vn
Miễn học phí, nhưng đừng lạm thu các khoản khác
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7.2018 vừa được ban hành mới đây, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Thông tin này đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của các bậc phụ huynh; nhiều phụ huynh cũng mong muốn khi miễn học phí rồi thì ngành giáo dục, chính quyền các địa phương cần có những giải pháp giám sát chặt chẽ các trường để tránh tình trạng "miễn học phí, nhưng lại lạm thu những khoản khác".
Sẽ miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh THCS
Liên quan đến dự án Luật giáo dục (sửa đổi) được nêu tại Nghị quyết 104 ngày 8.8.2018 của Chính phủ đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi (hiện nay đã thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh cấp tiểu học - PV), học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI. Chính phủ giao Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Trong một diễn biến khác tại TPHCM, vào ngày 13.8, khi làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang tính toán và cân đối ngân sách để có thể từ tháng 1.2019 sẽ miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại TPHCM. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, trong năm học 2017 -2018 vừa qua, tổng số học phí bậc THCS của học sinh thành phố đóng khoảng 310 tỷ đồng. Vì vậy, thành phố đang bàn sẽ tiến tới không thu học phí THCS. Việc này đã được thành phố giao cho Sở Tài chính lên phương án để trình HĐND xem xét, dự kiến thông qua vào cuối năm nay. Quan điểm của thành phố, việc đi học là quyền của công dân, để mọi người phải có trách nhiệm cho con em đi học.
Theo nhận định của một số chuyên gia thì việc TPHCM tính toán miễn học phí cho bậc THCS là hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ, năm học 2017 vừa qua, tổng số học phí thành phố thu được đối với học sinh bậc THCS khoảng hơn 310 tỉ đồng, con số này thật sự không quá lớn so với ngân sách thành phố, do dó thành phố có thể cân đối được ngân sách để miễn học phí. Được biết, TPHCM hiện có khoảng hơn 1,6 triệu học sinh các cấp, trong đó học sinh cấp THCS khoảng hơn 400.000 học sinh. Trong những năm qua, TPHCM được xem là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc chăm lo và tạo điều kiện để tất cả các em trong độ tuổi đi học được đến trường. Và một trong những việc làm cụ thể đó là không tăng học phí trong những năm gần đây.
Ngay cả năm học mới 2018-2019, UBND TPHCM cũng chính thức có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GD-ĐT TPHCM giữ nguyên mức học phí năm học 2018 - 2019 như năm học 2017-2018. Theo đó, mức học phí áp dụng đối với cấp nhà trẻ (dưới 3 tuổi) từ 140.000 - 200.000 đồng/tháng/học sinh (tùy địa bàn thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2); cấp mẫu giáo (từ 3-5 tuổi) từ 100.000-160.000 đồng/tháng/học sinh; bậc THCS và bổ túc THCS 85.000 - 100.000 đồng/tháng/học sinh; bậc THPT và bổ túc THPT 100.000 -120.000 đồng/tháng/học sinh...
Hiện nay, ngoài khoản học phí, học sinh còn đóng thêm những khoản khác. Ảnh: CTV
Cần giám sát chặt chẽ để không lạm thu những khoản ngoài học phí
Chúng tôi làm một khảo sát nho nhỏ khi hỏi ý kiến của khoảng 15 phụ huynh học sinh về chính sách miễn học phí dự kiến sẽ được áp dụng trong thời gian tới thì 100% ý kiến đều tỏ ra vui mừng và đồng tình ủng hộ chủ trương miễn học phí cho cả trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS. Đa phần ý kiến cũng cho rằng, việc miễn học phí còn thể hiện tính nhân văn và sự chăm lo của nhà nước đối với thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho các em trong độ tuổi đi học, nhất là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn được đến trường như bao bạn trẻ khác mà không phải lo lắng về vấn đề học phí.
Chị Đặng Thị Oanh (làm nghề buôn bán tại chợ Tân Bình) cho biết: "Hiện tôi có 2 đứa con đang học bậc THCS: Một đứa vào lớp 6, một đứa lớp 8. Nếu có chính sách miễn học phí đối với bậc THCS thì với gia đình buôn bán nhỏ lẻ như tôi sẽ góp phần giảm được một phần chi phí hàng tháng lo cho con cái ăn học. Bởi ở TPHCM hiện nay, việc lo cho con cái ăn học luôn là gánh nặng của nhiều gia đình. Do vậy, khi nhà nước có những chính sách chăm lo, miễn giảm các chi phí cho học sinh, chúng tôi rất mừng".
Dù đa phần ý kiến ủng hộ và cho rằng việc miễn học phí cho trẻ mầm non và bậc THCS là rất cần thiết, song nhiều phụ huynh cũng mong muốn chính quyền địa phương và ngành giáo dục cần phải có giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ để làm sao tránh tình trạng: Học phí thì miễn, nhưng các khoản phụ thu khác lại tăng. Trên thực tế theo phản ánh của không ít phụ huynh, hiện nay đối với cấp tiểu học đã được miễn học phí, vậy mà tại nhiều trường lại phát sinh thêm các khoản phụ thu khác còn tốn kém hơn cả mức học phí được miễn. "Với mức học phí của bậc THCS tại TPHCM phải đóng hiện nay khoảng 85.000 - 100.000 đồng/tháng/học sinh - tính ra cả một năm học khoảng 1 triệu đồng - tuy số tiền không nhiều, nhưng nó mang tính nhân văn và có tác động tâm lý rất lớn đến phụ huynh, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, để chính sách miễn học phí càng có ý nghĩa thì theo tôi chính quyền địa phương và ngành giáo dục cần phải giám sát chặt chẽ những khoản thu ở các trường, vì nếu không khéo nó rất dễ biến tướng, phát sinh thêm các khoản thu khác ngoài học phí dưới hình thức là các khoản thu xã hội, vận động khác sẽ làm xấu đi tính nhân văn này" - ông Nguyễn Văn Cường (Q.2) phản ánh.
Theo các phụ huynh, miễn học phí chỉ thật sự có ý nghĩa khi tổng chi phí cả năm học cho mỗi học sinh không tăng, góp phần giảm gánh nặng cho phụ huynh. Bởi vì thực tế, mức học phí hiện nay chỉ chiếm một tỉ trọng khá nhỏ trong các khoản mà phụ huynh phải đóng cho con cái khi học ở các trường. "Miễn học phí là điều rất tốt. Tôi ủng hộ. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi chỉ yên tâm khi miễn học phí mà không phải đóng những khoản ngoài học phí quá nhiều như lâu nay" - Chị Nguyễn Thị Ngọc (Q.11) chia sẻ.
Luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM): Cứ đầu năm học mới là các phụ huynh kêu ca rất nhiều về các khoản phải đóng cho nhà trường và đóng cho Ban phụ huynh học sinh. Người dân, phụ huynh kêu không phải vì khoản học phí, vì thật ra mức học phí nó chẳng đáng là bao. Vấn đề mà phụ huynh than phiền nhiều là các khoản ngoài học phí như: Tiền cơ sở vật chất, đồng phục, vệ sinh...Và đáng nói nhất là các khoản thu theo kiểu "hỗ trợ", "vận động", "tự nguyện" mà phụ huynh phải đóng thông qua Ban phụ huynh học sinh. Vì vậy theo tôi, Bộ GD-ĐT và chính quyền các địa phương cần quy định công khai những khoản thu bắt buộc đối với học sinh ở các cấp học, ngoài các khoản đã công khai thì nhà trường không được thu thêm các khoản khác, kể cả việc thu dưới hình thức thu "tự nguyện" thông qua Ban phụ huynh học sinh. Trong trường hợp trường nào thu ngoài các khoản quy định thì chính quyền địa phương, ngành giáo dục cần phải vào cuộc quyết liệt xử nghiêm. Có như vậy, người dân mới cảm thấy yên tâm.
Theo laodongtre.laodong.vn
Cuộc chiến sách Công nghệ giáo dục - sách giáo khoa 2000 chuyển hướng So găng giữa Công nghệ giáo dục với sách giáo khoa 2000 sẽ chuyển sang 2 đối thủ mới: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với ông Ngô Trần Ái, Nguyễn Minh Thuyết. Ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chính thức lên tiếng về Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đang làm ồn...