Nhiều trường tại TP.HCM thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng
Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh xảy ra ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về tiêu chuẩn, chất lượng.
Ông Tạ Tân (áo kẻ caro) Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú báo cáo tại hội nghị
Ngày 8/8, Ủy ban nhân dân quận Tân Phú (TP.HCM) đã tổ chức buổi khảo sát nắm tình hình chất lượng giáo dục và hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học 2019-2020.
Ông Nguyễn Bá Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Diệu – cho biết: “Đến nay, trường chỉ mới hoàn thành xây dựng giai đoạn 1, nhưng cơ sở vật chất vẫn đáp ứng tốt cho công tác giảng dạy. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi từng bước đạt được những thành quả đáng khích lệ, lần đầu tham gia kỳ thi học sinh giỏi Olympic đạt 15 huy chương.”
Năm học sắp tới, Trường THCS Hoàng Diệu sẽ chuyển đổi mục tiêu dạy học “tiếp cận kiến thức” sang “tiếp cận hình thành năng lực”, bằng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, chú trọng kết hợp nhiều hình thức đánh giá: qua bài kiểm tra trên lớp, qua công việc ngoài giờ, ngoài nhà trường. Đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh đúng thực chất, công bằng, đẩy mạnh việc tự đánh giá, tự điều chỉnh….
Ông Nguyễn Bá Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Diệu (quận Tân Phú, TP.HCM)
Đoàn khảo sát chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất tại Trường THCS Hoàng Diệu
Ông Tạ Tân – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú – cho biết, trong những năm gần đây, công tác tuyển dụng giáo viên có những chuyển biến tích cực rõ rệt về số lượng cũng như chất lượng.
“Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia vào ngành GD&ĐT đang thiếu cân đối. Một số lượng lớn sinh viên tập trung tại một số vị trí việc làm nhất định, nhưng nhu cầu không cao và ngược lại, dẫn đến tình trạng bên thừa, bên thiếu” – ông Tạ Tân nhấn mạnh.
“Hiện nay, quận Tân Phú tuyển dụng 292 giáo viên và có đến 461 phiếu đăng ký dự tuyển. Tỷ lệ “chọi” khá lớn, nhưng đừng nhìn vào số lượng hồ sơ dự thi. Nhiều môn thừa rất nhiều, có môn thiếu trầm trọng!
Video đang HOT
Đáng chú ý, trong đợt tuyển dụng cho năm học mới, nhu cầu giáo viên tiếng Anh rất lớn với 47 giáo viên tiếng Anh, nhưng chỉ có 13 hồ sơ ứng tuyển. Mặc dù cơ chế tuyển dụng đã bỏ bớt nhiều tiêu chí (không có sổ hộ khẩu tại TP vẫn có thể dự tuyển) nhưng vẫn không tuyển đủ” – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết.
Trước thực trạng này, các địa phương cần nắm rõ việc thừa, thiếu cục bộ tại cơ sở giáo dục, đồng thời các trường đào tạo ngành sư phạm phải cân đối số lượng tuyển sinh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, ngành giáo dục cần đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút và giữ chân giáo viên tiếng Anh.
Vào năm học 2019-2020, các cơ cở giáo dục cần tiến hành khảo sát, đánh giá và phân loại đội ngũ giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở các cấp Tiểu học, THCS, THPT theo chuẩn mới của Bộ GD&ĐT. Qua đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thích hợp, đáp ứng yêu cầu đủ yêu cầu dạy học ngoại ngữ theo lộ trình ở các bậc học.
Theo viettimes
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên yếu tố then chốt quyết định chất lượng dạy và học ngoại ngữ
Với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế đối với việc phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cho các cấp học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức buổi tọa đàm "Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố then chốt quyết định việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ" do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chủ trì.
Toàn cảnh tọa đàm
Tham dự toạ đàm có các lãnh đạo, chuyên viên Vụ, Cục, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia - Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học và nhiều tổ chức, chuyên gia giáo dục uy tín trong nước và quốc tế.
Nâng cao chất lượng dạy học
Phát biểu chỉ đạo tại Toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn từ năm học 2011-2012 đến nay,việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương, cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện.Trong đó công tác đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh phổ thông phục vụ việc triển khai các chương trình ngoại ngữ mới được ưu tiên đầu tư triển khai.
Thông qua buổi tọa đàm, các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm tổ chức bồi dưỡng giáo viên tại những địa phương triển khai hiệu quả và ý kiến đề xuất từ chuyên gia là rất cần thiết, hữu ích khi tiếp tục bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ nói chung, giáo viên tiếng Anh nói riêng trong thời gian tiếp theo, đáp ứng việc triển khai Chương trình môn tiếng Anh trong Chương trình giáo dục phổ thông mới và nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh tại các trường phổ thông trên toàn quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung chia sẻ những kinh nghiệm bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên tại địa phương, đơn vị mình. Ông Bùi Văn Khiết - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Nam Định đã trình bày một số khó khăn về đội ngũ giáo viên của địa phương như công tác tuyển dụng giáo viên chưa đủ theo nhu cầu, việc bố trí kinh phí bồi dưỡng giáo viên và hiệu quả bồi dưỡng giáo viên chưa đáp ứng kỳ vọng.
Để giải quyết các khó khăn này và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ của toàn tỉnh, Sở đã khuyến khích giáo viên chủ động tự bồi dưỡng; đồng thời thay đổi cách thức và quy trình tổ chức tập huấn, hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai các hoạt động hỗ trợ giáo viên trước, trong và sau khi triệu tập bồi dưỡng; xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ cho giáo viên theo cụm trường và hội đồng chuyên môn để giáo viên có thêm cơ hội chia sẻ phương pháp giảng dạy cũng như thực hiện chéo việc kiểm tra giáo viên sau khi bồi dưỡng.
Ông Bùi Văn Khiết chia sẻ tại tọa đàm
Đại diện Sở GDĐT Khánh Hòa, bà Đỗ Thị Huyền Trang chia sẻ những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập; về năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh còn thấp. Quyết liệt xử lý các khó khăn, Sở đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên; tập huấn phương pháp kỹ năng giao tiếp, xây dựng những chuyên đề thiết thực cho giáo viên học tập, chia sẻ; tổ chức các cuộc thi hùng biện cho cả học sinh và giáo viên.
Hàng năm, Sở cũng tổ chức dự giờ, tư vấn cho giáo viên với mục tiêu chính là trao đổi, góp ý nâng cao năng lực chuyên môn, không đặt nặng vấn đề thành tích, đánh giá giờ dạy của giáo viên.
Bà Đỗ Thị Huyền Trang
Thiết kế nội dung bồi dưỡng phù hợp
Bên cạnh các phát biểu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động bồi dưỡng giáo viên của các địa phương, buổi tọa đàm còn nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất, góp ý từ các chuyên gia trong nước và quốc tế của Hội đồng Anh, Apollo Việt Nam, Tổ chức IIG, Hội khảo thí Cambridge, Trường Đại học RMIT, Trung tâm Language Link.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh thành công tại Thái Lan và 4 tỉnh/ thành phố của Việt Nam (Nam Định, Cần Thơ, Bắc Giang và Lạng Sơn) theo Chương trình Teaching for Success, bà Sadie Maddocks, cố vấn đào tạo cao cấp của Hội đồng Anh cho biết: "Chương trình bồi dưỡng của chúng tôi có thời lượng từ 60 đến 100 giờ bao gồm nhiều nội dung thực tiễn hơn lý thuyết. Chúng tôi cũng khuyến khích xây dựng văn hóa phát triển chuyên môn thường xuyên trong nhà trường thông qua hoạt động giảng dạy mẫu và dự giờ của giảng viên Hội đồng Anh với các em học sinh trong lớp học thực tế".
Theo Chương trình Teaching for Success, giảng viên của Hội đồng Anh sẽ trực tiếp làm việc cùng các giáo viên để tìm hiểu những khó khăn của các thầy cô trong công việc, từ đó thiết kế nội dung bồi dưỡng phù hợp.
Các giảng viên của Hội đồng Anh sẽ dạy mẫu trên lớp học thực tế, dự giờ dạy trên lớp học thực tế áp dụng kỹ thuật hay phương pháp giảng dạy mới được học của các giáo viên phổ thông để cùng thảo luận, rút kinh nghiệm giúp cho việc giảng dạy tiếng Anh trên lớp học thật hiệu quả.
Bà Sadie Maddocks chia sẻ tại tọa đàm
Theo ông Bùi Văn Khiết, Sở Nam Định đã khảo sát học sinh được học với những giáo viên được Hội đồng Anh bồi dưỡng theo Chương trình Teaching for Success, tỷ lệ học sinh thích học môn tiếng Anh tăng trên 40% so với trước.
Tạo động lực tự học, tự bồi dưỡng
Để việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm giảng dạy tiếng Anh cho các giáo viên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam đạt hiệu quả, ông Jacob Heinrich, Trưởng Khoa tiếng Anh, Đại học RMIT đề xuất việc bồi dưỡng cần được thực hiện theo các khoá học tập trung, tách biệt với các hoạt động khác, kết hợp giảng dạy trực tuyến với tương tác chặt chẽ giữa giảng viên bồi dưỡng và giáo viên, tạo động lực tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên.
Ông Jacob Heinrich cũng chia sẻ việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ học của người học là rất quan trọng trong việc đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt đối với việc nâng cao năng lực ngoại ngữ. Kết quả đánh giá thường xuyên là thông tin giúp người học và người dạy điều chỉnh chiến lược và trọng tâm học và dạy, hướng tới mục tiêu cần đạt.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu
Ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia chia sẻ, theo số liệu thống kê trong kỳ thi THPT Quốc gia môn tiếng Anh năm 2017, 2018 thì những học sinh học theo chương trình tiếng Anh hệ 10 năm có điểm trung bình thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT Quốc gia cao hơn những học sinh theo học chương trình tiếng Anh hệ 7 năm.
Vì vậy, việc triển khai cho học sinh theo học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm sớm hơn đang rất hiệu quả, mong rằng trong thời gian tới khi mà nhiều học sinh được học chương trình hệ 10 năm đó hơn thì năng lực ngoại ngữ của học sinh phổ thông sẽ có khả quan.
Việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiếng Anh đạt yêu cầu triển khai Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm là cần thiết để đáp ứng tiến độ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, chính thức bắt đầu với môn Tiếng Anh từ năm học 2022-2023.
Lê Hằng
Theo GDTĐ
Cấp bách nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh Ngày 23-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tọa đàm "Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - Yếu tố then chốt quyết định việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ". Ảnh minh học Đây là cuộc tọa đàm thứ 2 sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 có kết quả thi tiếng Anh thấp,...