Nhiều trường ở TP HCM thu sai quỹ hội phụ huynh
Đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM cho rằng nhiều trường đã sai khi ấn định các khoản thu tự nguyện.
Chiều 31/10, sau buổi giám sát về các khoản đóng góp theo quy định và quỹ do Ban đại diện cha mẹ học sinh (thường được gọi là hội phụ huynh) tại trường THPT Nguyễn Hiền, bà Triệu Lệ Khánh (Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM) cho biết, qua khảo sát và làm việc với 8 trường, đoàn chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong thu chi, quản lý tài chính và quỹ hội phụ huynh.
Tuy nhiên, một số trường đã làm sai Thông tư 55 quy định điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đoàn sẽ có tổng kết gửi về UBND thành phố và Sở Giáo dục.
Theo bà Khánh, các trường này đã “đổ đầu” những khoản thu tự nguyện, dù quy định của thông tư là “thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng, ép buộc”.
Trước đó, đoàn giám sát đã nhắc nhở trường THPT Thủ Thiêm khi ấn định mức thu 300.000 đồng mỗi học sinh. Trong đó 100.000 đồng là quỹ hoạt động cha mẹ học sinh, còn lại là quỹ tài trợ trường.
Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.
Tương tự, Ban đại diện cha mẹ trường tiểu học Nguyễn Thái Học cũng đưa ra mức bình quân 250.000 đồng cho mỗi phụ huynh. Trường cũng dùng các khoản đóng góp để thay dây điện, lắp camera… lẽ ra phải sử dụng nguồn tài trợ.
Nguyên nhân được cho là hội phụ huynh chưa nắm rõ hoặc hiểu sai các quy định về tổ chức, hoạt động của chính mình.
“Khi vận động không đảm bảo, khen thưởng cho con em không đủ nên nhiều trường mới ấn định. Chúng tôi đã lưu ý các trường và ban đại diện cha mẹ học sinh việc này”, bà Khánh cho biết.
Nói về dư luận gần đây rộ lên đề xuất bỏ hội phụ huynh, bà Khánh cho rằng “đó chỉ là ý kiến của số ít cha mẹ học sinh”.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM, việc giáo dục phải có ba nhánh: nhà trường, gia đình và xã hội. Hội phụ huynh là cầu nối giữa nhà trường và gia đình, là nhân tố quan trọng phải duy trì, không thể bỏ.
Trong khi đó, người đồng cấp với bà Khánh, ông Vũ Thanh Lưu (trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM khác) cho biết, việc kiểm tra, hướng dẫn quỹ hội phụ huynh ở các quận, huyện hiện bỏ trống khá nhiều.
Video đang HOT
“Nhiều trường làm đúng cũng không biết mình làm có đúng không, nhiều trường làm sai cũng không biết mình sai. Thông tư 55 về Ban đại diện cha mẹ, nhiều đơn vị không nắm hết được”, ông Lưu nói.
Hôm 21/9, ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1) đã gửi đơn lên chính quyền TP HCM và cơ quan quản lý giáo dục đề nghị giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ông Bình cho rằng, hoạt động của hội phụ huynh càng ngày càng biến tướng, lạm quyền và đang dần trở thành “hội phụ thu”. Động thái của người cha này làm dấy lên tranh luận giữ hay bỏ hội phụ huynh.
Thành ủy TP HCM sau đó đã chỉ đạo chính quyền và ngành giáo dục chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học.
Theo VNE
Lãnh đạo chỉ đạo chống lạm thu, nhà trường vẫn bỏ ngoài tai
Nhiều phụ huynh bức xúc vì các khoản thu đầu năm học của nhà trường không hợp lý, không minh bạch.
Nhiều khoản thu khuất tất, gây nghi ngờ
Theo phản ánh của phụ huynh học sinh trường Trung học cơ sở Lê Thuyết (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), trong năm học 2017-2018, lãnh đạo trường này đã có những khoản thu, chi không hợp lý.
Trường Trung học cơ sở Lê Thuyết có những khoản thu không minh bạch, gây nghi ngờ cho phụ huynh. Ảnh: TL
Theo đó, khi năm học mới bắt đầu, mỗi học sinh lớp 6 mới vào trường phải đóng tiền để mua ghế nhựa trong giờ chào cờ.
Còn các học sinh lớp khác được áp đặt mua thêm đồng phục mới cho dù những đồng phục cũ vẫn còn tốt và dùng được thêm một năm học.
Trong năm học 2016-2017, mỗi em học sinh đóng 140.000 đồng tiền quỹ Hội phụ huynh.
Tuy vậy, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm lại không thông qua các khoản thu chi của quỹ này gây nhiều hoài nghi cho phụ huynh.
Đối với Hội đại diện cha mẹ học sinh đã tiến hành thu hộ các khoản cho nhà trường dưới hình thức "tự nguyện" cũng không rõ ràng.
Trong đó có tiền bảo hiểm tai nạn, phụ huynh không hề nhận được bất cứ thông báo nào về việc này.
Đến khi họp phụ huynh đầu năm, các phụ huynh nhận được thông báo do Hiệu trưởng nhà trường đóng dấu buộc phải nộp.
Nhiều phụ huynh cho rằng họ không có nhu cầu và bức xúc trước cách làm của nhà trường nên không đóng khoản tiền này.
Trong năm học 2016-2017, học sinh đóng 30.000 đồng để mua báo đội, tuy nhiên phụ huynh cho hay, tiền đã đóng nhưng báo lại không thấy đâu.
Dù đã có ngân sách nhưng trường vẫn thu tiền vệ sinh của học sinh, trong khi nhà vệ sinh lúc nào cũng bẩn thỉu.
Chuyển tiền mua báo thành tiền xã hội hóa để xây dựng nhà xe
Ông Trần Văn Bình - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lê Thuyết cho hay, những khoản đóng góp đều thông qua Hội phụ huynh học sinh.
Cụ thể, trước năm học mới, nhà trường cùng với Hội phụ huynh học sinh họp với phụ huynh để thông qua các khoản thu chi đầu năm.
Tại đây, nhà trường cùng với Hội phụ huynh học sinh sẽ thông qua các khoản thu hộ mà hội này sẽ thu.
Cụ thể, hội này sẽ thu hộ tiền bảng tên, học bạ, tiền vệ sinh, ghế ngồi chào cờ (với lớp 6), đồng phục, bảo hiểm tai nạn. Sau cuộc họp này các lớp sẽ họp lại một lần để thống nhất các khoản thu.
Trả lời câu hỏi có hay không sự mập mờ trong các khoản chi của tiền quỹ phụ huynh khi giáo viên không công khai số tiền đã chi?
Ông Bình giải thích rằng, trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo với phụ huynh. Tuy nhiên, thủ quỹ lại không in hóa đơn các mục chi cụ thể khiến nhiều phụ huynh thắc mắc.
Trong bản danh sách phụ huynh đóng tiền quỹ hội phụ huynh trong năm học trước mà ông Bình cung cấp cho phóng viên có nhiều phụ huynh tuy đã đóng nhưng lại không hề có chữ ký.
Với trường hợp có chữ ký thì nét chữ lại hoàn toàn giống nhau, số tiền đóng cũng không đều nhau.
Ông Bình giải thích rằng, mặc dù đã đóng tiền nhưng phụ huynh... quên ký và phủ nhận nét chữ trong giấy đóng tiền là của một người.
Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi về tổng số tiền quỹ phụ huynh nhưng ông Bình nói không nắm được số tiền đã thu là bao nhiêu, cũng như không chắc việc thu có hóa đơn hay không vì đây là số tiền mà nhà trường chỉ thu hộ.
Trong năm học trước mỗi học sinh đóng 30.000 đồng/học sinh tiền báo đội thế nhưng đến nay báo lại không về với học sinh?
Ông Bình lý giải rằng, vì số lượng học sinh ít nên cuối năm học 2016-2017, ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị dùng số tiền này để làm việc khác. Theo ông Bình thì đây là việc làm xã hội hóa.
"Ban đại diện cha mẹ học sinh nói trả lại tiền đã thu để mua báo nhưng vì nhận thấy nhà xe của trường chưa được đảm bảo nên chúng tôi đã dùng số tiền này để xây nhà xe với số tiền hơn 6 triệu đồng", ông Bình nói.
Với khoản tiền đóng bảo hiểm tai nạn, hiệu trưởng trường thông tin hiện đã có 62 em đóng với mức 60.000 đồng/học sinh.
Trả lời câu hỏi tại sao trong thông báo gửi về các lớp liên quan đến tiền bảo hiểm lại có chữ ký của Hiệu trưởng thì ông Bình thừa nhận có sơ suất khi đã gộp luôn vào các khoản tiền khác.
Thời gian tới trường sẽ tách ra tránh gây hiểu nhầm cho phụ huynh.
Trước đó, ngày 29/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi đến sở Giáo dục và Đào tạo, sở Kế hoạch Đầu tư, sở Tài chính và các trường học trên địa bàn tỉnh về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học 2017 - 2018.
Công văn nêu rõ, nhà trường thực hiện các khoản thu đầu năm học theo đúng quy định, phổ biến, minh bạch, công khai các khoản thu đến toàn thể phụ huynh và học sinh về các khoản thu bắt buộc, thỏa thuận, tự nguyện, mức thu sau khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được biết.
Tuy vậy ông Bình cho biết chưa nhận được công văn này vì mới lên làm Hiệu trưởng và bận đi học nên chưa nắm được nội dung của công văn (!?).
Theo TTT
Phụ huynh phải "bồi dưỡng" cho trường mầm non 157 triệu đồng Trong các khoản thu đầu năm, phụ huynh phải đóng tiền bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mầm non tổng cộng 157,32 triệu đồng. Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường Mầm non Măng Non (thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) cho biết đầu năm học...