Nhiều trường học tại TP HCM nói không với rác thải nhựa
Năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên ngành giáo dục TP HCM triển khai kế hoạch “nói không với túi nilon và rác thải nhựa”.
Nhiều trường học đã có các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích học sinh, phụ huynh, giáo viên cùng tham gia. Học sinh tiểu học được giáo viên hướng dẫn cụ thể cách phân biệt rác thải dễ phân rã với rác thải khó phân rã, từ đó phân loại rác ngay khi chọn thùng rác nào để bỏ vào.
Các em học sinh được thực hành trực tiếp phân loại rác tại lớp học ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.
Riêng học sinh khối 1 của trường này, các em chưa đọc được chữ nên sẽ phân loại rác bỏ vào các thùng rác có màu sắc khác nhau. Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng còn mở một “Chiến dịch Xanh”, cả học sinh và giáo viên tham gia trồng cây xanh và không dùng chai nhựa sử dụng một lần để đựng nước uống. Giáo viên, nhân viên chuyển đổi thói quen mua thức ăn đựng trong hộp xốp, hộp nhựa sang các hộp sử dụng lâu dài. Từ những việc nhỏ hàng ngày, học sinh của trường hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tìm hiểu sâu hơn để gìn giữ môi trường xanh.
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, cho biết, xây dựng một ngôi trường xanh phải bắt đầu từ không rác thải nhựa: “Nếu thói quen này hình thành, được thực hiện hàng ngày, liên tục, được nhắc nhở thường xuyên thì chắc chắn thành công. Tôi cũng mong muốn thông điệp này lan tỏa đến cha mẹ học sinh, giáo viên, nhân viên của nhà trường để cùng thực hiện thật tốt, từ đó lan tỏa ra xã hội”.
Video đang HOT
Còn tại trường THCS Huỳnh Khương Ninh, để bắt đầu chiến dịch nói không với rác thải nhựa, nhà trường đã thay toàn bộ ly nhựa bằng ly giấy ở căn tin của trường. Giáo viên hướng dẫn học sinh phân loại rác thải, hạn chế sử dụng rác thải nhựa cả trong và ngoài nhà trường. Nhà trường khuyến khích học sinh về nhà phổ biến những việc làm này cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng xung quanh để cùng tham gia. Mong muốn của nhà trường là, giáo viên và học sinh cùng thực hiện thành công “trường học không rác thải nhựa” và “gia đình không rác thải nhựa”.
THCS Huỳnh Khương Ninh, các em học sinh đang dùng ly giấy thay cho ly nhựa để bảo vệ môi trường.
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1 cho biết thêm: “Trường chúng tôi năm học vừa qua sử dụng túi đựng phần thưởng là túi tiêu hủy được, túi sinh học. Và chúng tôi triển khai việc này cho những năm tiếp theo”.
Bảo vệ môi trường bằng cách “không rác thải nhựa” được xem là cách dễ thực hiện nhất và ai cũng có thể thực hiện được. Các trường học ở TP HCM đang nỗ lực xây dựng ý thức cho học sinh của mình từ chỗ bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác ngay tại nguồn, cách hạn chế các vật dụng nhựa dùng một lần… đến trồng cây tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sống./.
Theo VOV
Trường học Hà Nội "nói không với rác thải nhựa"
Trước thềm năm học mới 2019-2020, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã phát động phong trào "nói không với rác thải nhựa", tạo chuyển biến trong nhận thức về bảo vệ môi trường.
Nhiều trường học hưởng ứng lễ khai giảng không bóng bay nhằm giảm thiểu chất thải nhựa
Theo ghi nhận, 100% các trường tiểu học đều cam kết với Sở GD&ĐT Hà Nội là không sử dụng bóng bay, bắn pháo bông trong dịp khai giảng như mọi năm. Thay vào đó, trường khuyến khích phụ huynh chuẩn bị lá cờ cho học sinh.
Năm học mới này, hơn 600 học sinh trường Tiểu học Kim Liên (Quận Đống Đa) sẽ không mang bóng bay trong ngày khai giảng. Chương trình đón học sinh lớp 1 sẽ sử dụng cờ và hoa vải. Sau đó, cờ và hoa sẽ được tái sử dụng trong các buổi biểu diễn, sinh hoạt sân khấu của nhà trường.
Tại Trường trường Tiểu học An Hòa (Quận Cầu Giấy), nhà trường yêu cầu phụ huynh, học sinh không bọc sách, vở bằng giấy nilon như mọi năm. Hiện nay, sách giáo khoa bìa cũng cứng và khá đẹp. Những dụng cụ trong sinh hoạt, ăn uống của học sinh được nhà trường làm hoàn toàn bằng inox như: Cốc uống nước, khay ăn cơm...
Tại trường Mầm non Montessori Choco House (Quận Hai Bà Trưng), thay vì sử dụng sữa chua hộp thì chuyển sang dùng sữa chua đóng chai. Mỗi chai dùng được cho cả lớp. Chai sau khi dùng tận dụng làm lọ cắm hoa hoặc lọ đựng nước uống.
Trường cũng triệt để không mua chai Lavie, Aqua (0,5 lít hoặc 1,5 lít) đựng nước mỗi lần cho các con ra ngoài chơi, thay vào đó là mang nước ở nhà đi. Trường cũng không dùng thìa đĩa nhựa cốc nhựa 1 lần, mỗi dịp đưa các con ra ngoài đi picnic hoặc đi cắm trại.
Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc yêu cầu thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, trong đó đề nghị từ ngày 1/9, các đơn vị thực hiện kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của đơn vị.
Không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330-500ml) trong công sở và khi tổ chức cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác chuyển sang sử dụng các bình nước có thể tích lớn (>20 lít) hoặc sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần và các vật liệu khác thân thiện với môi trường.
Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân rã trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại nơi làm việc. Phát động và thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa", "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần", hạn chế sử dụng túi nilon khó phân rã trong đơn vị.
Ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh cùng hành động bảo vệ môi trường. Đây là hành động thiết thực, ý nghĩa nhằm thay đổi những thói quen nhỏ nhưng có tác động lớn.
Vân Anh
Theo GDTĐ
Vì môi trường học đường không có rác thải nhựa Đây là thông điệp của chương trình phối hợp giữa Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP Hồ Chí Minh và báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa được ký kết vào chiều 12-8. Mục đích của chương trình phối hợp giữa Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình...