Nhiều trường ĐH lên kế hoạch tuyển sinh mới
Hiện tại các trường đại học đang lên phương án tuyển sinh cho năm 2012. Nhiều trường dự kiến có nhiều thay đổi trong tuyển sinh để phù hợp với nhu cầu xã hội.
Thông tư mới về “Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT” đã quy định, các trường lần đầu tiên được tự xác định chỉ tiêu là cuộc cách mạng trong công tác tuyển sinh. Theo đó, từ năm 2012, Bộ chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là ra thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, làm căn cứ cho công tác thanh tra, kiểm tra sau này.
Các trường tự xác định chỉ tiêu, nếu sai sẽ bị xử phạt rất nặng và kèm theo hình thức bắt dừng tuyển sinh tùy mức độ vi phạm. Ngoài ra Bộ quy định rõ các trường đại học, học viện không được phép đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp như trước đây.
Nhiều trường đại học sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Chính vì quy định chặt chẽ như vậy nên nhiều trường năm nay xác định chỉ tiêu rất cẩn thận. Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho biết: “Năm vừa qua, trường tuyển được hơn 100 giảng viên. Đây là cơ sở để trường đề nghị Bộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy cho những ngành học mới mở như Quản lý nguồn nhân lực và Marketing. Bên cạnh đó, trường thay đổi cách xét tuyển. Cụ thể, lấy điểm sàn theo trường, theo khối A, D1 chứ không lấy điểm chuẩn theo ngành như mọi năm nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của trường, đảm bảo những thí sinh điểm cao vẫn đỗ vào trường”.
Trường ĐH Công nghiệp hàng năm số lượng thí sinh dự thi đông nhất nước như năm 2010 có tới 73.000 hồ sơ đăng ký dự thi, số thí sinh đến dự thi đạt 77% trong khi đó chỉ tiêu gần 9.000. Ông Trần Đức Quý, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Bộ quy định các trường tự xác định chỉ tiêu, nên trường đang lên phương án cân nhắc việc xác định chỉ tiêu cho năm 2012. Dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu hệ chính quy và giảm chỉ tiêu hệ ngoài chính quy. Đối với việc tăng thêm khối thi như A1, trường cũng sẽ nghiên cứu thực hiện để đa dạng ngành đào tạo, tuyển chọn những học sinh giỏi có chất lượng vào trường. Cuối tháng này, trường sẽ có đề án tuyển sinh mới”.
Là trường ĐH trọng điểm về kinh tế, Học viện Tài chính luôn có điểm chuẩn thuộc loại tốp đầu của cả nước. Với phương án tuyển sinh mới của Bộ, Học viện cũng đã có động thái thay đổi nhằm phù hợp với nhu cầu xã hội.
Ông Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính, cho biết: “Để đảm bảo chất lượng, trường giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh như năm 2010. Với việc mở rộng khối thi theo kế hoạch của Bộ, trường cũng sẽ nghiên cứu về hướng bổ sung khối thi mới, bởi các ngành nghề đào tạo của các trường đại học nhằm phục vụ nhu cầu xã hội”.
Video đang HOT
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường được Bộ cho thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung về hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính nhưng đến thời điểm này, trường vẫn đang nghiên cứu để đưa ra phương thức tuyển sinh mới.
Ông Nguyễn Cảnh Lương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xem xét một số phương thức tuyển sinh. Cụ thể, tổ chức kỳ thi riêng trước kỳ thi 3 chung. Tuy nhiên cách này bất cập ở chỗ, số lượng thí sinh có thể rất lớn song khó xác định được có bao nhiêu sinh viên sẽ chọn ĐH Bách khoa Hà Nội, bao nhiêu em sẽ tham gia thi 3 chung tiếp và đi trường khác. Còn nếu tổ chức thi riêng đồng thời với “3 chung”, thí sinh sẽ rất khó quyết định bởi nếu không trúng tuyển thì sẽ không thể tham gia thi “3 chung” vào các trường khác được nữa. Nhà trường đang xem xét phương thức xét tuyển qua hồ sơ. Song, cách này cũng bất cập nếu như không tiến hành động bộ với các trường khác. Hiện, nhà trường vẫn chưa tìm được phương thức tuyển sinh hợp lý thay thế hoàn toàn phương thức “3 chung”.
Theo DT
"Rủ nhau" học tiến sĩ Mỹ "chui"
Không chỉ giảng viên các trường CĐ, ĐH địa phương, ngay cả nhiều giảng viên của các trường ĐH lớn cũng tham gia học tiến sĩ "chui"...
Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 150 người theo học tiến sĩ (chương trình liên kết với ĐH Quốc tế Mỹ) và trên 200 người học thạc sĩ (chương trình liên kết với ĐH quốc tế Adam) do Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp (Q.10, TP.HCM) tổ chức nhiều năm nay.
Đây là chương trình liên kết không phép và nội dung cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ công nhận. Ngoài một số cá nhân công tác tại các doanh nghiệp, đa số học viên những lớp này đều là giảng viên và cả cán bộ quản lý của các trường ĐH, CĐ. Mỗi khóa học thạc sĩ, tiến sĩ có học phí 4.800-5.800 USD.
Rủ nhau học tiến sĩ "chui"
Theo danh sách các khóa học mà chúng tôi có được (tiến sĩ từ khóa 1 đến khóa 5 và thạc sĩ từ khóa 2 đến khóa 6), Trường CĐ Công thương TP.HCM có số lượng người theo học nhiều nhất với khoảng 20 người theo học tiến sĩ và thạc sĩ. Người đầu tiên của trường này theo học chương trình tiến sĩ là hiệu trưởng Lê Thanh Bình.
Từ đó, hàng loạt giảng viên của trường đã đăng ký học chương trình này ở các khóa tiếp theo. Trong đó, nhiều nhất là khóa 4 với năm giảng viên. Không dừng lại ở đó, đến khóa 5, có đến hai người hiện đang là phó hiệu trưởng, một số cán bộ quản lý của trường này theo học tiến sĩ.
Ông Lê Thanh Bình - học khóa I chương trình tiến sĩ - xác nhận đã hoàn thành khóa học và nhận bằng tiến sĩ. Cũng theo ông Bình, nhiều giảng viên và cán bộ quản lý muốn nâng cao trình độ nên lần lượt đăng ký học các khóa học sau mà không có thông tin đầy đủ về tính pháp lý của chương trình. Sau khi phản ánh (tháng 8-2010 - PV) về việc liên kết không phép của chương trình này, các thành viên ban giám hiệu và nhiều giảng viên đã không theo học nữa.
Thông tin tuyển sinh của chương trình đào tạo này không được thông báo rộng rãi nên chủ yếu được thông tin đến người học bằng cách truyền miệng, người trước giới thiệu cho người sau. Anh K. - một học viên tiến sĩ khóa 5 - cho biết đang theo học song song hai chương trình tiến sĩ của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Quốc tế Mỹ.
Một học viên chương trình thạc sĩ cho biết đầu vào của chương trình khá dễ, không yêu cầu về tiếng Anh. Khóa học có thời gian 14 tháng, mỗi tháng học tập trung hai ngày, thời gian còn lại là tự học. Giảng viên đến từ Mỹ và Malaysia, trong lớp có giáo viên chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt giảng viên từ các trường đã rỉ tai nhau và đăng ký học chương trình này. Những khóa càng về sau, số học viên là giảng viên các trường có số lượng ngày càng đông.
Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp - nơi được rất nhiều giảng viên, cán bộ quản lý chọn theo học thạc sĩ, tiến sĩ.
Công nhận hay không?
Trả lời PV, ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT - khẳng định bộ sẽ không công nhận bằng cấp của các chương trình liên kết đào tạo không phép tại VN. Tuy nhiên trao đổi với lãnh đạo một số trường cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về giá trị bằng cấp của các chương trình này.
Ông Lâm Thành Hiển - phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cho biết trường có năm giảng viên theo học chương trình tiến sĩ trên. Tuy nhiên, sau khi Tuổi Trẻ phản ánh về chương trình này, trường đã làm việc với các giảng viên trên và khẳng định trường sẽ không công nhận bằng cấp của chương trình này nên các giảng viên đã ngưng không theo học nữa.
Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cũng khẳng định một số giảng viên của trường theo học tiến sĩ chương trình trên, nhưng đến thời điểm này chưa có ai nộp bằng tiến sĩ về trường.
Ông Hùng cũng cho biết quan điểm của trường về bằng cấp luôn rõ ràng: bằng cấp nộp về trường luôn được kiểm tra rất kỹ và chỉ chấp nhận các chương trình có phép. Ngay cả ứng viên đề án du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, trường cũng phải duyệt trường cho ứng viên chứ không phải họ muốn chọn trường nào cũng được.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Bình cho rằng một số khóa đầu do chưa có thông tin nên nhiều giảng viên đăng ký học. Sau khi báo chí đăng về chương trình liên kết không phép, hầu hết giảng viên đã ngưng không theo học nữa. Riêng một số giảng viên đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trường không công nhận những bằng này và để đó làm... kỷ niệm, khi nào được Bộ GD-ĐT công nhận sẽ tính!
Ông Bình cho biết thêm: giảng viên tự bỏ kinh phí để học bổ sung chuyên môn, tuy bằng cấp không được công nhận nhưng dù sao như thế cũng nâng cao kiến thức của mình. Trường không khuyến khích giảng viên học các chương trình vớ vẩn!
Trong khi đó, một thành viên ban giám hiệu Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cho rằng công nhận hay không cần phải có văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT. Thực tế thời điểm các giảng viên của trường theo học là các khóa đầu tiên, thông tin về chương trình chưa có chứ không phải sau khi báo chí thông tin chương trình không hợp pháp mà vẫn theo học. Giảng viên tự bỏ kinh phí để nâng cao trình độ cũng là một việc tốt.
Còn ThS Lâm Tường Thoại - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) - khẳng định trường sẽ công nhận học vị tiến sĩ này và phân công giảng dạy phù hợp. Cũng theo ông Thoại, một số giảng viên của ĐH Kinh tế - luật, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) là giảng viên của khoa ngoại ngữ (tiếng Anh).
Với lợi thế về ngoại ngữ, những giảng viên này đã theo học khóa tiến sĩ quản trị kinh doanh và với học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh, họ có thể được bố trí giảng dạy ở ngành tiếng Anh thương mại hoặc quản trị kinh doanh.
Thống kê sơ bộ cho thấy Trường CĐ Kinh tế TP.HCM có chín người học thạc sĩ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có sáu người học tiến sĩ, ĐHQG TP.HCM có bảy người - hầu hết là giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật. Các trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Lạc Hồng, Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) có từ 4-6 người/trường theo học. Một số trường ĐH khác như Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Hoa Sen, Marketing, Sài Gòn, Cửu Long, Yersin, Hồng Bàng có từ 1-2 giảng viên mỗi trường tham gia các khóa học tiến sĩ.
Theo BDVN
Nan giải bài toán tuyển giảng viên Các trường ĐH rất khó giữ sinh viên giỏi ở lại làm giảng viên trong khi việc tuyển giảng viên "tay ngang" ngày càng khó. Bước vào năm học mới, hàng loạt trường ĐH tại TPHCM chủ động tuyển giảng viên để bổ sung lực lượng. Tuy nhiên đến nay, việc tuyển giảng viên vẫn rất khó khăn và hầu như không trường...