Nhiều trường đại học sử dụng phỏng vấn trong tuyển sinh
ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và nhiều trường khác đã áp dụng phương thức phỏng vấn để tuyển sinh trong năm 2022.
Theo đó, năm nay, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội có 3 phương thức tuyển sinh là xét học bạ và phỏng vấn; tuyển qua cổng thông tin Bộ GD&ĐT; và tuyển thẳng.
Ở phương thức xét học bạ và phỏng vấn, nhà trường thông báo có 2 đợt tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và một đợt tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tham gia dự tuyển ở phương thức này, thí sinh tốt nghiệp THPT theo chương trình của Bộ GD&ĐT phải có điểm trung bình cộng các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin của năm học lớp 11, 12 từ 6.5 trở lên. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần đỗ bài kiểm tra kiến thức và kỳ phỏng vấn tuyển sinh do nhà trường tổ chức.
Thí sinh đăng ký tuyển sinh ở chương trình song bằng phải có chứng chỉ IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 60 trở lên và đỗ kỳ phỏng vấn tuyển chọn riêng với ngôn ngữ phỏng vấn là tiếng Anh.
ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết bài kiểm tra kiến thức của trường có nội dung Khoa học Tự nhiên liên quan đến ngành ứng tuyển. Ứng viên có điểm bài kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được tham dự phỏng vấn. Ở vòng phỏng vấn, thí sinh tham gia bằng hình thức trực tuyến và được lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Hoàng Giám.
Nhà trường cũng thông báo những đối tượng được miễn phỏng vấn là thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh (hoặc tương đương) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Địa; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; thí sinh được triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế, là thành viên đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi quốc tế các môn Khoa học Tự nhiên, cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh có kết quả học tập lớp 11 và 12 đạt loại giỏi và điểm trung bình 5 môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin) đạt từ 8.8 trở lên.
Năm 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội quy định đối tượng có thể đăng ký xét kết quả và thành tích học tập THPT kết hợp phỏng vấn là thí sinh được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ (lớp 10, 11, 12); hoặc được chọn tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Bên cạnh đó, thí sinh là học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc, các lớp chuyên, hệ chuyên thuộc các trường đại học, đại học quốc gia, đại học vùng; thí sinh được chọn tham dự cuộc thi đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng, quý, năm; hoặc là các thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.0 trở lên (hoặc chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) cũng là những đối tượng được đăng ký xét tuyển theo phương thức này.
Video đang HOT
ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến thực hiện phương thức xét tuyển học bạ THPT và phỏng vấn cho chương trình ĐHCQ quốc tế do đốt tác cấp bằng với đối tượng là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Nhà trường cho biết nguyên tắc xét tuyển của phương thức này là xét điểm trung bình học tập 2 học kỳ năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12; và thí sinh sẽ tham gia phỏng vấn trực tiếp (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) với hội đồng tuyển sinh.
ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng quy định điều kiện được tuyển thẳng đặc cách vào học chuyên ngành (năm 2) ở phương thức này là thí sinh phải có một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn (tính đến ngày nộp) như IELTS từ 5.5 trở lên hoặc tương đương, và đạt điểm đánh giá của hội đồng tuyển sinh từ 80% trở lên.
Trước đó, năm 2021, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã thực hiện phương thức xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài. Phương thức này chiếm từ 1% đến 5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Điều kiện tham dự xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT Việt Nam hoặc chương trình THPT nước ngoài, hoặc tương đương và có chứng chỉ quốc tế.
Đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT Việt Nam, điểm trung bình cả năm của lớp 10, 11, 12 được nhà trường quy định phải lớn hơn hoặc bằng 7 điểm; tổng điểm trung bình cả năm lớp 10, 11, 12 của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải từ 63 điểm, trong đó không có điểm thành phần nào dưới 7.
Riêng thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) quy định cần có điểm trung bình học tập của 3 năm học lớn hơn hoặc bằng 2.5 (trên thang 4).
Điểm trúng tuyển của thí sinh ở hương thức xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn của trường là 70% kết quả học tập ở bậc THPT và 30% kết quả phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh, bao gồm kết quả bài luận.
Nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2022 tại TP. HCM
Xu hướng chung trong mùa tuyển sinh năm 2022 của các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh là áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông...
Thí sinh trình các giấy tờ và nộp bản khai báo y tế cho cán bộ coi thi tại điểm thi Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở thành phố Thủ Đức). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn công bố những dự kiến cho phương án tuyển sinh 2022 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay.
Cùng với xu hướng tuyển sinh đa phương thức, nhiều trường đại học trên địa bàn dự kiến bổ sung tiêu chí mới trong xét tuyển đầu vào để phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài gây nhiều tác động tới việc học của học sinh thời gian qua.
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Có thể thấy xu hướng chung trong mùa tuyển sinh năm 2022 của các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh là áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông...
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những trường sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh trong năm 2022. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các hình thức cũ như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đánh giá năng lực, xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài..., năm nay trường còn tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Thắng cho biết phương thức tuyển sinh này sẽ là phương thức chủ đạo trong tuyển sinh của trường từ năm 2022. Trong đó, tiêu chí về năng lực học tập nay có thêm một thành tố quan trọng là kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vì thí sinh phải thật sự học kỹ, hiểu sâu, nắm chắc kiến thức, có tư duy suy luận và giải quyết vấn đề tốt mới có thể trúng tuyển bằng kết quả kỳ thi này. Như vậy, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ là một trong các điều kiện để xét tuyển vào trường bên cạnh bài thi đánh giá năng lực cùng nhiều yêu cầu khác về kết quả học trung học phổ thông, chứng chỉ ngoại ngữ... chứ không còn là yếu tố duy nhất.
Riêng với tiêu chí "hoạt động xã hội," ông Bùi Hoài Thắng cho hay bất kỳ sự đóng góp nào của học sinh cho những vấn đề an sinh, an ninh của xã hội đều sẽ được xem xét đánh giá, ví dụ như học sinh tình nguyện tham gia hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 hoặc tình nguyện hoạt động cộng đồng tại địa phương, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn... Với cách tuyển sinh mới này, Trường Đại học Bách khoa mong muốn tuyển sinh, đào tạo ra lớp sinh viên không chỉ giỏi kiến thức mà còn phải có kỹ năng mềm, biết quan tâm đến những vấn đề của xã hội, có tinh thần nhiệt huyết cống hiến vì lợi ích cộng đồng.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đưa ra ưu tiên cho thí sinh có thành tích về văn thể mỹ. Năm 2022, nhà trường bổ sung phương thức tuyển thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao... chiếm tối đa 5% tổng chỉ tiêu theo ngành, nhóm ngành. Đồng thời, trường còn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, chiếm từ 35-50% tổng chỉ tiêu.
Tương tự, năm 2022, lần đầu tiên Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao đoạt huy chương vàng, bạc, đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức. Đại diện nhà trường cho biết, việc mở rộng phương thức xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao nhằm giải quyết câu chuyện tuổi nghề của các tài năng thể thao Việt Nam để họ có thể vừa yên tâm thi đấu hết mình, vừa có cơ hội gặt hái nhiều thành công hơn nữa sau khi giải nghệ.
Thí sinh trước giờ thi tại điểm thi Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở thành phố Thủ Đức). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Không chỉ cắt giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm thi trung học phổ thông, nhiều trường còn thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với xét tuyển phương thức này. Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kèm theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tổ hợp các môn xét tuyển phải đạt từ 18 điểm trở lên. Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 22 điểm cho tất cả các ngành và tổ hợp xét tuyển.
Theo Thạc sỹ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, những năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chủ yếu hướng tới mục tiêu xét tốt nghiệp cho học sinh. Năm nay, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc học của học sinh lớp 12 nên Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề có phần nhẹ nhàng hơn. Do đó, để phân loại thí sinh việc xét tuyển bằng điểm thi trung học phổ thông là chưa đủ. Việc điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu phương thức xét điểm thi trung học phổ thông theo hướng giảm nhằm phân loại thí sinh tốt hơn, tuyển đúng đối tượng và đảm bảo chất lượng đầu vào.
Phù hợp với xu thế hiện nay
Việc nhiều trường đại học đồng thời áp dụng đến 6, 7 phương thức xét tuyển, trong đó có nhiều hình thức xét tuyển mới, mỗi tiêu chí lại có quy định, yêu cầu khác nhau khiến không ít phụ huynh, thí sinh băn khoăn.
Chị Nguyễn Phạm Thùy Trang (trú tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết cách đây 3 năm, khi vừa lên bậc trung học phổ thông, con gái chị đã xác định được trường đại học mong muốn theo học và nỗ lực học tập theo hướng đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, năm nay, nhiều trường đồng loạt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp nên cả gia đình phải cùng ngồi lại, bàn bạc để tìm thêm phương án xét tuyển khác, gia tăng cơ hội trúng tuyển cho con gái.
"Đáng tiếc vì quá chú trọng việc học nên con tôi không có thành tích về văn thể mỹ hay tham gia hoạt động xã hội. Hiện phương án khả thi nhất với cháu là tham gia và đạt kết quả tốt tại Kỳ thi đánh giá năng lực. Kỳ thi này có độ khó cao hơn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên chúng tôi không khỏi lo lắng," chị Trang chia sẻ.
(Ảnh minh họa. Đinh Thùy/TTXVN)
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, việc các cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều phương thức xét tuyển là điều có lợi đối với thí sinh vì các phương thức xét tuyển độc lập với nhau. Cùng một lúc, các thí sinh có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau, tăng cơ hội trúng tuyển cho mình thay vì chỉ phụ thuộc vào một phương thức nào đó.
"Việc đa dạng phương thức xét tuyển là phù hợp với xu thế hiện nay và đánh giá được năng lực của người học thông qua nhiều góc độ. Có thể ví như việc chúng ta có nhiều cánh cửa đi vào cùng một khu vực nhưng có rào cản, độ rộng, cao thấp khác nhau. Có nhiều người không vào được bằng cánh cửa này nhưng lại vào được bằng cánh cửa khác. Do đó, với phương thức này, con đường vào đại học của học sinh sẽ rộng mở hơn," ông Nhân chia sẻ.
Dành lời khuyên cho các thí sinh, phụ huynh, ông Nguyễn Trung Nhân cho rằng, bản thân thí sinh nên có thái độ cởi mở, đừng xem việc đa dạng các phương thức xét tuyển là trở ngại mà hãy xem là cơ hội. Từ đó tìm hiểu kỹ, nắm chắc yêu cầu của mỗi phương thức bởi mỗi phương thức có ngưỡng đảm bảo chất lượng khác nhau, cách thức tính điểm khác nhau. Sau đó, dựa vào những kết quả, chứng chỉ mà mình đang có, tận dụng thế mạnh của mình để lựa chọn phương thức phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, ngành mà thí sinh mong muốn./.
20 con đường vào đại học cho thí sinh năm 2022 Ngoài những phương thức tuyển sinh quen thuộc như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường còn có nhiều hình thức xét tuyển kết hợp đa dạng. Theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 mà nhiều trường đã công bố, năm nay, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký xét tuyển theo khoảng...