Nhiều trường đại học lấy điểm sàn thấp: Điều gì xảy ra?
Điều đáng sợ nhất của tình trạng trên chính là đầu ra “sống chết mặc bay”, đồng thời nó gây khó khăn cho chủ trương phân luồng sau THPT.
Đến hẹn lại lên, câu chuyện tuyển sinh của các trường đại học lại thu hút sự quan tâm của người dân và dư luận. Nhiều trường đại học công bố mức điểm sàn xét tuyển thấp, dưới 14 điểm, gây không ít lo ngại về chất lượng đầu vào và cả đầu ra của đại học sau này.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương chia sẻ những suy nghĩ tâm huyết của mình về câu chuyện không mới nhưng luôn gây trăn trở này.
PV: – Các trường đại học đã công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) theo kết quả thi THPT quốc gia. Dù mặt bằng điểm thi của thí sinh năm nay cao hơn năm trước song nhiều trường – không chỉ là các trường đại học tư thục mà ngay cả một số trường đại học công lập, công bố điểm sàn xét tuyển chỉ ở mức 12-13 điểm. Nếu tính cả điểm ưu tiên đối tượng và khu vực, nhiều trường hợp thí sinh chỉ cần đạt 9 điểm/3 môn cũng đã có cơ hội đỗ đại học.
Cảm xúc của ông trước câu chuyện cứ lặp đi lặp lại của ngành giáo dục vào mỗi mùa tuyển sinh này là gì? Tại sao nhiều trường lại ấn định mức điểm sàn xét tuyển thấp như vậy?
GS.TS Phạm Tất Dong: – Tuyển sinh vào đại học mà lấy điểm sàn thấp là điều đáng buồn. Thông thường, đối với những học sinh không đủ khả năng học về những vấn đề lý luận, lý thuyết, thì gia đình và nhà trường hướng nghiệp cho các em học nghề, học kỹ thuật luôn. Thế nhưng, bây giờ tất cả lại đổ dồn vào đại học, điểm thấp cũng vào đại học thì nguy cơ có thể thấy trước là đầu ra sẽ rất thấp.
Chính vì thế, những trường đại học đầu vào kém rất đáng lo, đặc biệt là nếu trường vẫn cứ giữ cách dạy cũ – thầy lên lớp nói trò nghe thì càng đáng lo hơn. Chỉ có một cách để cải thiện điều này, đó là trường phải thay đổi cách dạy, làm sao dạy cho sinh viên cách học để tích lũy được nhiều nhất.
Trong 4 năm đại học, năm đầu tiên phải dạy cho sinh viên cách học, chủ yếu là tự học. Đồng thời, phải tiến hành dạy sinh viên trên những công nghệ thông tin mới, ví dụ trên máy tính, điện thoại thông minh. Khi ấy, tự sinh viên sẽ thấy rằng có rất nhiều nguồn tư liệu có thể khai thác được trên đó để tự học. Nếu giảng dạy trực tuyến thì chỉ cần một ông thầy giỏi, sinh viên có thể học ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào.
Với sự thay đổi về cách giảng dạy và cách học thì những sinh viên có đầu vào kém cũng có thể trở thành trò giỏi và đầu ra sẽ được cải thiện. Ngược lại, dẫu trường đại học có lấy điểm đầu vào cao mà vẫn chăm chăm dạy theo lối cũ, không bắt kịp với thời đại 4.0 thì giỏi cũng có thể thành kém.
Trở lại vấn đề ban đầu, tại sao nhiều trường đại học lại lấy điểm sàn thấp? Có nhiều lý do.
Thứ nhất, nếu các trường không gánh những điểm kém này thì điểm kém trong xã hội nhiều quá và khi ấy lại gây bức xúc trong xã hội.
Thứ hai, các trường lấy điểm sàn thấp thì mới thu hút được nhiều thí sinh, thu được nhiều học phí.
Quan điểm của chúng ta là tự chủ đại học, nếu một trường tự chủ mà người đứng đầu trường ấy coi trọng mặt học thuật họ sẽ không lấy thí sinh điểm kém làm gì. Tuy nhiên, nếu tự chủ đại học mà trường chất lượng kém thì trường ấy phải lấy điểm sàn thật thấp mới có người học, mà có người học thì mới có tiền chi trả cho bộ máy, trường mới tồn tại được.
Trong quy hoạch đại học, có những trường bị cho giải thể ngay, nhưng cũng có những trường hợp bắt trường khỏe phải gánh trường yếu để đưa trường đó lên. Hiện có nhiều trường đại học muốn sáp nhập vào các đại học lớn, ví dụ lấy danh nghĩa trường của ĐHQG, đại học vùng để có thể thu nhận được người học nhiều hơn. Tôi phản đối cách làm này.
GS.TS Phạm Tất Dong
Tại sao phải như vậy? Đã gọi là tự chủ đại học thì trường đại học nào yếu về cán bộ giảng dạy, về quản lý, cơ sở vật chất, kỹ thuật, không thể tồn tại được thì nên cho đóng cửa luôn, Việt Nam không cần thiết phải có nhiều trường đại học đến như vậy.
Tôi ví dụ, nếu ĐHQG Hà Nội có một số môn dạy online mà những trường khác yếu không việc gì phải mời thầy về dạy. Trường giỏi dạy online thì phải tổ chức cho học sinh học online, không cần nhiều thầy, nhiều giáo trình, một trường có thể giảng cho cả trăm trường khác. Trường yếu phải sống bằng cách đó hoặc giải thể.
Trường đã yếu thì làm sao có cán bộ giảng dạy tốt, cơ sở vật chất kỹ thuật tốt được, mà đã yếu thì trường làm sao có thể viết giáo trình hay được. Cho nên, cho giải thể những trường đại học yếu là hoàn toàn hợp lý.
PV: – Nhìn một cách sâu xa, nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng các trường tìm mọi cách để “vơ” người học, trong đó có biện pháp đưa ra mức điểm sàn thấp, là do việc mở trường đại học, cao đẳng một cách tràn lan, chạy theo số lượng mà chưa chú ý đến quy hoạch chung cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Ông chia sẻ với nhận định trên thế nào? Trong trường hợp như vậy phải đánh giá lại trách nhiệm của Bộ GD-ĐT ra sao? Các nước họ làm khác Việt Nam thế nào, thưa ông?
GS.TS Phạm Tất Dong: – Đúng như vậy. Khi thành lập trường tư phải chứng minh có bao nhiêu mẫu đất, bao nhiêu tiền vốn ban đầu, bao nhiêu cán bộ giảng dạy, trước mắt dự định có bao nhiêu khoa, sau 10 năm bao nhiêu khoa… Bằng cách nào đó, tất cả đều được chứng minh rất hay và nhiều trường được mở, song đến lúc thực hiện thì họ lại không làm.
Video đang HOT
Tên tuổi nhiều người to đùng nằm trong ban sáng lập trường, thậm chí ngay cá nhân tôi cũng có tên trong hội đồng sáng lập một số trường tư mà họ chẳng hề nói với tôi. Họ mượn tên để chứng minh cho Bộ GD-ĐT biết, mà Bộ khi cho mở trường lại thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Ví dụ, lẽ ra khi thấy tên tôi trong hội đồng sáng lập trường thì đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ phải gọi cho tôi để kiểm chứng, đằng này thấy tên tôi thì họ yên tâm, thế mới chết.
Ở các nước khác, việc mở trường được kiểm tra rất chặt chẽ. Đặc biệt, trường đại học tư của các nước là những trường rất bề thế, không “búi xùi” như trường tư ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, thường kém quá mới đi làm trường tư hoặc muốn kiếm tiền thêm thì làm trường tư. Nhưng số lượng cán bộ giảng dạy giỏi chỉ có thế, lại nằm trong biên chế cả rồi nên trường tư mở ra chỉ có cách thuê những người đó về làm thêm, hoặc ai về hưu rồi thì thuê họ về hẳn trường. Vì lẽ đó, nhiều trường tư không thể có đủ giáo viên cơ hữu và cuối cùng biên chế cứng của nhiều trường tư ấy là con số ma.
Phải xem lại trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Sai sót đầu tiên của Bộ là cho mở trường mà không quản lý được chất lượng. Khâu quản lý mở trường không chặt chẽ thì từ cái lỏng ấy sẽ đi đến những cái lỏng khác. Một khi không chặt chẽ thì chất lượng không nâng lên được, hệ quả là người học ít, và nhà trường đối phó bằng cách tuyển bừa vào.
PV: – Việc nhiều trường đại học tìm mọi cách để “vơ vét” người học sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và việc phân luồng đào tạo như thế nào, thưa ông?
GS.TS Phạm Tất Dong: – Điều đáng sợ nhất của tình trạng trên chính là đầu ra “sống chết mặc bay”. Các trường đại học nêu trên chỉ lo đầu vào để có tiền chi trả cho bộ máy, thuê đất, đầu tư xây dựng trường lớp… mà không thể đảm bảo được đầu ra.
Một vấn đề lớn khác nữa là khi các trường đưa ra mức điểm sàn xét tuyển thấp và dẫn đến điểm chuẩn trúng tuyển thấp là gây khó khăn cho chủ trương phân luồng sau THPT.
Nhiều trường đại học năm nay đưa mức điểm sàn xét tuyển thấp, dưới 14 điểm. Ảnh minh họa
Theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng và đến năm 2025 tỷ lệ này phải lên đến 45%.
Như vậy, chính các trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và tiếp theo đó là các trường trung cấp sẽ là nạn nhân trực tiếp của việc xét trúng tuyển ở mức điểm quá thấp ở một số trường đại học.
Phải có quy định rất rõ: những học sinh nào thì học nghề, học sinh nào thì học đại học, song song với đó phải có chế độ chính sách phù hợp và phải cho những học sinh học nghề biết rằng, học nghề xong không phải là đường cụt đối với các em. Các em vẫn có thể học lên đại học, trở thành kỹ sư, thậm chí một… nhạc sĩ, nếu các em muốn. Nơi để các em thực hiện giấc mơ ấy chính là đại học cộng đồng.
Bản thân các công chức, viên chức hàng năm cũng phải đi học, bổ sung những kỹ năng để làm tốt công việc họ đang phụ trách. Và họ sẽ học ở đại học cộng đồng.
Ở đại học cộng đồng chủ yếu là giáo dục người lớn, ai vào học cũng được, học bao nhiêu năm tùy vào năng lực của người đó, vấn đề là có học được không, không học được thì không cấp chứng chỉ.
PV: – Trong văn bản gửi các trường mới đây, Bộ GD-ĐT đã ra khuyến cáo các trường không nên xem chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ để xác định điểm sàn, dẫn tới việc xác định điểm sàn quá thấp không đảm bảo chất lượng. Khuyến cáo này cũng na ná với những năm trước khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT dặn các trường không “vơ” người học bằng mọi cách.
Để câu chuyện đừng lặp lại vào mỗi mùa tuyển sinh, cũng như tránh được những tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo, theo ông, Bộ GD-ĐT cần phải làm gì?
GS .TS Phạm Tất Dong: – Điều không nên làm và điều cấm làm là hai khái niệm khác nhau. Đối với những vấn đề quan trọng thì phải quản lý bằng luật định, nếu không, các đối tượng sẽ dựa vào khuyến cáo “nên/không nên” để lách.
Chẳng hạn, để chấm dứt tình trạng các trường lấy điểm sàn thấp, Bộ GD-ĐT quy định cấm các trường lấy mức sàn dưới 14 điểm, trường nào vi phạm mà bị phát hiện thì sẽ có chế tài xử lý. Nhưng giờ đây, Bộ mới chỉ đưa ra khuyến cáo và vì thế không thể trách các trường đưa ra điểm sàn thấp như vậy.
Siết việc thành lập các trường đại học là một cách, nhưng chưa đủ. Với các trường yếu kém ở các địa phương, Bộ chỉ cho phép là trường trung cấp, không thể lên đại học.
Trong trường hợp trường đó đã trót lên đại học thì phải là đại học cộng đồng giáo dục không chính quy cho người lớn (từ người bắt đầu đi vào lao động cho đến những người về hưu, những người cao niên), là nơi giúp người lớn tiến hành việc học tập của mình. Ở các trường đại học cộng đồng này, người lớn học theo tín chỉ và chủ yếu không cần bằng cấp. Họ học theo nhu cầu để nâng cao kỹ năng, chẳng hạn họ muốn nắm khâu thiết kế máy thì chỉ học online khâu đó trong 15-20 tiết là đủ, không cần học cả khóa đại học.
Tương tự, các công chức, viên chức, cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo muốn học các kỹ năng để làm tốt công việc họ đang phụ trách nhưng không thể bỏ công sở để tham gia đại học chính quy, họ có thể trau dồi những kỹ năng ấy bằng cách tham gia đại học cộng đồng.
Thế giới đã nói: Học tại nơi làm việc và vì công việc, học tại nhà và học tại cộng đồng. Việc phát triển các đại học cộng đồng với các công nghệ học tập hiện đại, như học trực tuyến, cần phải được thực hiện.
Buổi sáng, trước trả lời cuộc phỏng vấn này, tôi xem truyền hình thì thấy một người nước ngoài khuyến khích chị em phụ nữ địa phương dùng điện thoại di động học cách kết nối với nhau và với doanh nghiệp, biến những người cần giúp đỡ thành đối tác.
Bản thân những người “mù” công nghệ thông tin như vậy còn được dạy dùng điện thoại di động để kết nối bán hàng thì tại sao sinh viên, người lớn lại không thể dùng máy tính, điện thoại di động để học tập?
Làm việc này không khó và có nhiều cái lợi, nhưng tại sao đến giờ vẫn chưa được thực hiện? Đó là do quan điểm và cũng vì yếu tố lợi ích.
Trường đại học được mở ra thì nhiều người còn kiếm được tiền. Nhiều giáo viên giảng dạy cũng thích lên lớp giảng trực tiếp hơn là dạy online, bởi lên lớp còn thu được phí, còn dạy online thì không, bởi một khi học online thì có cả một kho tư liệu khổng lồ trên mạng, một thầy đứng ra giảng, ai học cũng được, không phải đi tìm thầy và không lo thiếu thầy.
Nhưng trường tư mở ra thu tiền hàng năm, ai được nhờ? Đại học tư mang lại lợi ích cho quốc gia rất ít mà chảy vào túi trường đó là chính, còn sinh viên học có được hay không, chất lượng đầu ra thế nào thì họ “sống chết mặc bay”.
Nhưng đấy cũng là tai họa cho các trường. Bởi đầu ra “sống chết mặc bay”, sinh viên không kiếm được việc làm thì đến lúc nào đó dù các trường có mời mấy thì thí sinh cũng không vào và khi không hấp dẫn được thí sinh, trường sẽ tự đóng cửa.
Nhiều trường đại học, phân hiệu trường đại học trên cả nước thời gian qua đã công bố mức điểm sàn thấp, dưới 14 điểm.
Đại học Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn của trường dao động 12-17. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP.HCM và Quảng Nam, với hầu hết các ngành mức điểm 12; 12,5; 13 và hai ngành 14 điểm.
Với mức sàn này, nếu tính cả điểm ưu tiên đối tượng và khu vực, sẽ có nhiều trường hợp thí sinh chỉ đạt điểm thi 9 điểm/3 môn cũng có cơ hội đỗ đại học, lại vào những ngành đòi hỏi người học phải có năng lực tư duy vượt trội (để còn tham gia hoạch định chính sách).
Tại Đại học Bạc Liêu, hầu hết các ngành bậc đại học năm nay có điểm sàn 13, riêng hai ngành chăn nuôi và bảo vệ thực vật có điểm sàn chỉ 12.
Tại Đại học Cửu Long, ngoại trừ hai ngành sức khỏe theo điểm sàn của Bộ là 18, các ngành còn lại của trường đều có điểm sàn 12,5.
Trong khi đó, các ngành đào tạo tại hai phân hiệu của Đại học Nông lâm TP.HCM ở Gia Lai và Ninh Thuận có điểm sàn chỉ từ 13. Còn phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị các ngành đều có điểm sàn 13, riêng ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 15 điểm.
Trước tình trạng trên, Bộ GD-ĐT đã ra khuyến cáo. Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ chỉ quy định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với khối đào tạo giáo viên và sức khỏe. Các trường thuộc khối đào tạo khác tự chủ trong phương thức xét tuyển, trong đó có việc xác định điểm.
Cũng theo ông Hùng, Vụ Giáo dục Đại học không yêu cầu các trường có điểm sàn dưới 14 giải trình như thông tin báo chí đưa, mà chỉ khuyến cáo các trường không nên xem chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ để xác định điểm sàn, dẫn tới việc xác định điểm sàn quá thấp không đảm bảo chất lượng.
Thành Luân
Theo giaoduc.net
Đã công bố điểm sàn dưới 14, vì sao hàng loạt trường đại học lại đồng loạt điều chỉnh tăng điểm?
Đại học Phú Yên và Đại học Đồng Tháp thay đổi điểm sàn từ mức 13 và 13,5 lên 14 điểm do không đảm bảo chất lượng đầu vào.
Nhiều trường có điểm sàn xét tuyển quá thấp
Nhiều trường đại học ở các tỉnh công bố điểm sàn dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2019 chỉ từ 12 đến 13 điểm cho 3 môn thuộc các tổ hợp xét tuyển, bao gồm cả điểm ưu tiên.
Điển hình, Đại học Bạc Liêu thông báo nhận hồ sơ từ 13 điểm trở lên với tất cả ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Đại học Cửu Long có tới 19 ngành lấy điểm sàn mức 12,5 điểm (tổng điểm 3 môn gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng).
Tương tự, cả 9 ngành của phân hiệu tại Kon Tum của Đại học Đà Nẵng cũng lấy điểm sàn các ngành ở mức 12,5. Tất cả các ngành của Trường Đại học Nông lâm và Trường Đại học khoa học (Đại học Thái Nguyên) đều xét 13 điểm theo kết quả thi.
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Đại học Xây dựng miền Tây cũng xác định điểm tối thiểu nhận hồ sơ ở mức 13 điểm cho 7 ngành. Nhiều ngành của Đại học Quảng Nam cũng lấy mức sàn là 13 điểm...
Như vậy, điểm sàn xét tuyển các trường trên chỉ 12-13 điểm/3 môn, nếu trừ điểm ưu tiên tối đa theo quy định năm nay là 2,75 điểm (điểm ưu tiên đối tượng tối đa 2 điểm và ưu tiên khu vực tối đa 0,75 điểm) thì thí sinh chỉ cần đạt 9,25 điểm cho 3 môn là có cơ hội xét tuyển đại học.
Một số trường tăng điểm sàn
Tính đến thời điểm hiện tại, một số trường điều chỉnh mức điểm xét tuyển theo chiều hướng tăng lên, sau khi báo chí và dư luận lên tiếng về chất lượng đầu vào cũng như uy tín của các trường khi lấy điểm đầu vào quá thấp.
Trong đó, điểm sàn của Đại học Đồng Tháp trên trang web của trường từ 13,5 điểm trước đó được nâng lên 14 với các ngành ngoài sư phạm.
Điềm sàn xét tuyển của Đại học Đồng Tháp.
Tương tự, Đại học Phú Yên cũng thay đổi mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển điểm sàn các ngành là 13 điểm (trừ các ngành đào tạo sư phạm) lên thành 14 điểm.
Đại học Đà Nẵng cũng điều chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển vào Phân hiệu tại Kon Tum là 14 điểm đối với tất cả các ngành, riêng ngành giáo dục tiểu học là 18 điểm.
Lý do được lãnh đạo các trường đưa ra là chất lượng đầu vào sẽ không đảm bảo nếu đưa ra mức điểm sàn quá thấp.
"Khi nhà trường xem xét mức điểm của năm nay, ví dụ với mức điểm 14, trường có thể tuyển được 500 thí sinh, việc để ngưỡng 13 cũng không tuyển được nhiều hơn bao nhiêu, lại ảnh hưởng chất lượng đầu vào. Do đó, trưa 24/7, nhà trường quyết định thay đổi điểm sàn các ngành ngoài sư phạm", TS Trần Lăng - Phó hiệu trưởng Đại học Phú Yên trả lời Zing.
Điểm sàn xét tuyển đại học của Đại học Phú Yên.
Chia sẻ về nguyên nhân điểm sàn thấp, trả lời Zing, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp cho hay, nhiều năm nay, trường gặp khó khăn về nguồn tuyển. Theo ông Đệ, đây là vấn đề chung của nhiều trường đại học ở các tỉnh, không riêng gì Đại học Đồng Tháp.
Năm 2017, trường chỉ tuyển được 41% chỉ tiêu. Con số này ở năm 2018 khoảng 39-40%.
Điểm sàn thấp là thừa nhận vị trí kém?
VOV mới đây dẫn lời TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Nhưng mặt khác, chúng ta phải xác định giáo dục đại học là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.
Theo quy định, điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để thanh kiểm tra và xã hội giám sát. Các thông tin này cũng phải khai báo trên trang nghiệp vụ tuyển sinh để phần mềm theo dõi, lọc các thí sinh không đủ điểm sàn ra khỏi nguồn xét tuyển của các trường.
Theo bà Phụng, điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng của mình trong hệ thống.
Tình trạng điểm sàn thấp xảy ra trong hai năm trở lại đây, kể từ khi Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn chung như trước đây, trừ ngành đặc thù là sư phạm và sức khỏe. Năm ngoái, lần đầu tiên được tự chủ xác định điểm sàn xét tuyển, một số trường đưa ra mức nhận hồ sơ khá thấp, chỉ 10 - 11 điểm, chênh lệch nhiều với sàn chung trước đó. Ngay sau đó, Bộ cảnh báo sẽ đưa ra chế tài nếu đưa sàn quá thấp và yêu cầu các trường điều chỉnh ngưỡng nhận hồ sơ.
Theo VTC
Năm 2018, Quỹ Khuyến học cả nước đã tăng lên 3.833 tỷ Mặc dù năm 2018, các tỉnh miền Trung, miền núi gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của bão lụt, nhưng Quỹ khuyến học của cả nước tiếp tục tăng mạnh, tổng số tiền trong các Quĩ khuyến học là 3.833 tỷ, bình quân 41.296 đồng/1 người dân. Chiều 26/12/2018, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Thường vụ Trung...