Nhiều trường đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh
Dù vẫn chờ quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thời điểm này, nhiều trường đại học đã điều chỉnh, bổ sung phương án tuyển sinh cho năm 2017 và các năm tới.
Năm 2017, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội tiếp tục phương thức tuyển sinh bằng việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Đề thi bao gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 195 phút.
Do một số trường phía Nam mong muốn sử dụng kết quả thi của ĐHQG Hà Nội nên năm nay, trường này sẽ mở rộng thêm 3 điểm thi ở Khánh Hòa, TP.HCM và Đồng Tháp, đồng thời dự kiến tăng lên 3 đợt thi đánh giá năng lực vào các tháng 5, 7 và 12.
Mở rộng điểm thi, tăng khối thi
Lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nhóm GX gồm 12 trường (Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Mỏ Địa chất, Thăng Long, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải, Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển) cũng sẽ dùng điểm thi THPT quốc gia 2017 để xét tuyển ĐH.
Sở dĩ nhóm quyết định chọn phương án này là bởi muốn thí sinh đỡ sốc hoặc quá áp lực trước nhiều thay đổi trong thi cử. Tuy nhiên, dự kiến 1-2 năm tới, nhóm sẽ có phương án thi riêng. Đặc biệt, nhóm dự định sẽ mở rộng từ 12 đến 20 trường trong năm tới để giảm tỷ lệ thí sinh ảo.
Học sinh tìm hiểu thông tin vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Ông Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thông tin phương án tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2017 vẫn thiên về sử dụng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Bên cạnh đó, trường xét thêm một vài tiêu chí phụ, như xét điểm học bạ 3 năm của tổ hợp các môn thi. Riêng chuyên ngành báo chí, trường vẫn tiếp tục tổ chức thi thêm bài thi năng khiếu để sàng lọc thí sinh.
Một điểm đáng chú ý nữa là trong năm 2017, trường chủ trương tăng khối thi, thêm cả khối A cho chuyên ngành báo ảnh và quay phim.
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, cho biết trong năm 2017, trường tiếp tục tuyển sinh theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia.
Ông Tú cũng bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT đặc biệt chú ý khâu ra đề để dù thi trắc nghiệm, các trường vẫn tuyển được đúng người tài.
Xét năng lực, mở ngành mới
Video đang HOT
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết định hướng về tuyển sinh năm 2017 của trường là xét học bạ của thí sinh trước để đánh giá khả năng, sự phù hợp của thí sinh đối với ngành học, sau đó sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội.
Từ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi đánh giá năng lực, trường sẽ xét tỷ trọng điểm trong tổng điểm xét tuyển. Tất nhiên, kế hoạch tuyển sinh sẽ được xác định cụ thể sau khi bộ ban hành quy chế.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TP.HCM, mùa tuyển sinh 2017, trường có kế hoạch chỉ xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng sẽ rút ngắn thời gian xét tuyển chứ không nhất định kéo dài 10 ngày như năm 2016 và số đợt xét tuyển tùy thuộc kết quả tuyển sinh đợt đầu.
Trường cũng xây dựng phần mềm xét tuyển riêng chứ không phụ thuộc phần mềm xét tuyển của bộ, các chính sách ưu tiên đối với thí sinh, trường vẫn thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường đang đợi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế để có cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Hiện, trường xem xét khả năng tổ chức thi riêng hoặc kết hợp với ĐHQG TP.HCM tổ chức thi.
TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở TP.HCM, thông tin: Năm 2017, trường vẫn xét tuyển ĐH dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia chứ không tổ chức thi riêng.
Với việc xét tuyển, trường sẽ tách điểm thành phần môn trong các bài thi tổ hợp để xét vào các khối. Năm 2017, chỉ tiêu xét tuyển của trường sẽ tăng và trường có thêm 4 ngành mới là công nghệ thông tin, kiểm toán, quản trị nhân sự, kinh doanh quốc tế.
Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM, năm 2017, trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và giữ ổn định ở các tổ hợp xét tuyển.
Chỉ tiêu tuyển sinh vẫn không thay đổi dù trường có thêm ngành mới là quản lý tài nguyên rừng. Trường sẽ điều chỉnh, cân đối chỉ tiêu của từng ngành dựa theo nhu cầu xã hội.
Vẫn dùng chung phần mềm xét tuyển?
Theo một lãnh đạo Bộ GD&ĐT, dự kiến năm 2017, các trường ĐH trên cả nước sẽ xét tuyển chung trên cơ sở dữ liệu do bộ quản lý. Với phương án xét tuyển chung trong cả nước, các trường ĐH đều sẽ tham gia, kể cả các trường khối quân đội, công an. Do đó, việc tổ chức xét tuyển theo nhóm như nhóm GX năm ngoái cũng sẽ không còn nữa.
Các trường cũng sẽ tham gia cùng bộ để điều chỉnh trong khâu chạy phần mềm dữ liệu nhằm chọn ra số lượng thí sinh trúng tuyển của năm nay. Theo đó, sau khi chạy cơ sở dữ liệu, bộ sẽ cung cấp kết quả để các trường tham khảo.
Sau khi các trường điều chỉnh, đưa ra các tiêu chí, điều kiện thêm, bộ sẽ tiếp tục chạy cơ sở dữ liệu một lần nữa để đưa ra kết quả cuối cùng. Được biết, Bộ GD&ĐT cũng đã họp với một số trường ĐH bàn phương án để làm sao vừa có thể xét tuyển chung mà các trường vẫn có thể tự chủ trong xét tuyển.
Theo đó, với phương án xét tuyển chung, các trường sẽ có lợi hơn khi không còn thí sinh ảo, đồng thời cũng không ảnh hưởng gì tới chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.
Theo Yến Anh – Huy Lân / Người Lao Động
Coi thi THPT quốc gia 2017: Liệu có trung thực?
Công tác coi thi THPT quốc gia 2017 có công bằng, khách quan hay không phụ thuộc rất lớn vào các cụm thi địa phương.
Tổ chức cụm thi trong phương án chính thức về thi THPT quốc gia năm 2017 quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chủ trì dành cho tất cả thí sinh của địa phương.
Sở GD&ĐT các tỉnh bố trí cán bộ thực hiện những khâu tổ chức thi theo quy chế. Bộ GD&ĐT cử cán bộ, giảng viên từ đại học, học viện, trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.
Thi tại địa phương sẽ 'dễ thở'?
Kỳ thi THPT quốc gia "2 trong 1" trong 2 năm vừa qua (2015, 2016) đã có nhiều điều chỉnh theo hướng tốt hơn.
Cụ thể, từ 38 cụm thi trên cả nước do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì trong năm 2015, đến năm 2016 còn 70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi tốt nghiệp đã giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh.
Tuy nhiên, với việc tổ chức 2 loại cụm thi (cụm thi địa phương (2015), cụm thi tốt nghiệp (2016) vẫn có dư luận xã hội cho rằng không công bằng.
Đối chiếu hồ sơ của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Thực tế cho thấy công tác coi thi giữa 2 hình thức tổ chức cụm này có sự bất thường về số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi. Chất lượng, năng lực học tập, ý thức thi cử của các thí sinh tại cụm thi địa phương không bằng thí sinh cụm thi ĐH nhưng số lượng bị lập biên bản lại ít hơn nhiều.
Sự thiếu công bằng này xuất phát từ khâu coi thi. Cụm thi ĐH được coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc. Thí sinh vi phạm quy chế nếu bị phát hiện đều bị xử lý, lập biên bản ngay lập tức.
Còn ở cụm thi tốt nghiệp địa phương, cán bộ, giám thị có tư tưởng, thái độ coi thi nhẹ nhàng, dễ dãi. Họ thường "bỏ qua" hoặc chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở các trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi vì là "người nhà"; vì thuộc diện học trung bình hay yếu, chỉ mong thi đỗ tốt nghiệp nên được tạo điều kiện tối đa.
Rõ ràng, với tình trạng coi thi "tháo khoán" phổ biến ở các cụm thi địa phương nên tại nhiều nơi, số lượng bài thi bị điểm liệt ít, phổ điểm các môn tự luận cao, dẫn đến kết quả đỗ tốt nghiệp vượt hẳn cụm thi ĐH.
Các trường ĐH vẫn phải 'cầm trịch'
Những tiêu cực, hạn chế, bất thường, bất công từ khâu coi thi tại các cụm thi địa phương đã bộc lộ rõ qua 2 năm 2015, 2016 và nhiều năm trước đó. Các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo chưa thật yên tâm khi thống nhất một cụm thi ở mỗi tỉnh, thành trên phạm vi cả nước nhưng lại do sở GD&ĐT chủ trì.
Công tác phối hợp, hỗ trợ của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ đối với các sở GD&ĐT nếu làm không kỹ thì dễ rơi vào tình trạng hình thức, như cuộc "dạo chơi", khó có thể đem lại hiệu quả và bảo đảm tính nghiêm túc, đúng quy chế thi.
Những tồn tại, tiêu cực, thiếu công bằng, thiếu khách quan trong khâu tổ chức coi thi tại cụm thi địa phương rất dễ lặp lại khi mà căn "bệnh thành tích" chưa được đẩy lùi; tư tưởng cục bộ, địa phương vẫn còn đó; những mối quan hệ, nhờ vả... còn khó lường.
Có người nhầm tưởng các môn thi, bài thi tổ chức bằng hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn ngữ văn) sẽ triệt tiêu được các hiện tượng tiêu cực trong phòng thi như "gà bài", coi bài nhau. Thực ra, hình thức trắc nghiệm càng dễ để "gà bài", trao đổi với nhau, mặc dù mỗi thí sinh có đề thi riêng, chỉ 15% câu hỏi giống nhau.
Theo đó, để bảo đảm khách quan cho kỳ thi này, cần huy động khoảng 20%-30% cán bộ, giảng viên ĐH thuộc loại "tinh hoa" làm nòng cốt cho mọi hội đồng coi thi; số còn lại huy động đội ngũ giáo viên phổ thông tại chỗ.
Các trường ĐH phải ở vị trí "cầm trịch", "chủ trì" thì mới bảo đảm cho kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, những hoài nghi của xã hội lâu nay sẽ không còn.
Một khi Bộ GD&ĐT đã quyết tâm giao quyền chủ trì cho các sở GD-ĐT thì cần chuẩn bị và làm thật tốt, bài bản về công tác phối hợp, hỗ trợ của cán bộ, giảng viên các trường ĐH.
Cần chọn lựa những cán bộ, giảng viên có tinh thần, trách nhiệm cao, có nhiều kinh nghiệm về công tác tổ chức thi và không thỏa hiệp trước các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc của hội đồng coi thi.
Đừng 'cưỡi ngựa xem hoa'
Chức năng giám sát, thanh tra của các sở, các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải thực chất, luôn làm đúng vai trò, chức năng.
Dư luận xã hội không chấp nhận các đoàn thanh tra "cưỡi ngựa xem hoa", thiếu trách nhiệm trong việc giám sát thực hiện kỷ luật trường thi.
Có vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mới thành công trọn vẹn trên mọi phương diện.
Theo Đỗ Tấn Ngọc / Người Lao Động
Thủ tướng chỉ đạo sớm công bố đề thi minh họa THPT quốc gia Thủ tướng đã chỉ đạo sớm công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2017 để thí sinh và giáo viên tham khảo, chuẩn bị tốt điều kiện cần thiết, nhất là ngân hàng đề thi. Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT liên tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, từ tổ chức các...