Nhiều trường chưa chi hết số tiền được đầu tư cho thư viện
Nhiều trường thường chỉ tổ chức mua 1 đợt trong năm học nên không cập nhật được các sách, tài liệu mới. Đây là một trong những thực trạng kìm hãm sự phát triển của văn hóa đọc trong các nhà trường.
Tại hội nghị triển khai công tác thư viện các trường phổ thông năm học 2018 – 2019, bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội) báo cáo tổng kết công tác thư viện trường học năm học vừa qua và chỉ ra những tồn tại.
Theo bà Nga, ở nhiều trường trên địa bàn Hà Nội, cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn như diện tích thư viện quá nhỏ, tường thấm dột, nóng, hệ thống thiết bị nghe nhìn cũ, máy tính chậm. Cá biệt có trường thiếu phòng học nên lấy luôn thư viện làm lớp học cho học sinh.
Một số trường bố trí thư viện ở tầng cao, nơi khuất nẻo, không thu hút được học sinh.
Bên cạnh đó, nhiều nhân viên thư viện chưa chủ động trong việc tham mưu công tác quản lý thư viện cho Ban giám hiệu nên công tác quản lý còn lúng túng, khó chỉ đạo hoạt động thư viện hiệu quả dẫn đến tình trạng chi chưa đủ kinh phí cho thư viện (từ 2-3% định mức ngân sách chi thường xuyên).
“Từ đó dẫn đến chuyện chưa bổ sung được nhiều đầu sách tham khảo cho giáo viên và học sinh, sách nghiệp vụ cũng không phong phú. Nhiều trường thường chỉ tổ chức mua 1 đợt trong năm học nên không cập nhật được các sách, tài liệu mới; do đặc điểm địa lý xa trung tâm, công tác bổ sung tài liệu không phổ biến, không được cập nhật danh mục mới thường xuyên của các nhà xuất bản; cách bài trí chưa phù hợp dẫn đến không gian thư viện chưa cuốn hút giáo viên và học sinh,…”, bà Nga cho hay.
Một khó khăn khác là một số nhân viên từ các ngạch khác chuyển sang nên công tác xử lý nghiệp vụ chưa chuẩn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động mang tính chuyên sâu, lan tỏa.
“Lúng túng trong việc xây dựng danh mục tài liệu theo môn loại/giá sách, gây khó khăn cho việc tìm kiếm tài liệu”, bà Nga đưa dẫn chứng.
Thậm chí, có các trường đăng ký lại danh hiệu nhưng khi đoàn công tác đi kiểm tra xác suất nhận thấy hoạt động duy trì còn hạn chế, mức đầu tư gần như dừng lại.
Nhìn chung, theo đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội hoạt động thư viện trường học của khối THPT chưa thực sự hiệu quả như khối Tiểu học và THCS.
Mức hỗ trợ tiền tiết thư viện cho nhân viện thư viện so với giáo viên đứng tiết buổi 2 còn thấp.
Video đang HOT
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.
Để khắc phục những điều này trong năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị tích cực xây dựng nguồn tài nguyên trong thư viện, thường xuyên bổ sung tài liệu, đảm bảo chất lượng và số lượng, phong phú về chủng loại, cân đối về thành phần, với các loại hình tài liệu truyền thống, tài liệu điện tử, kho học liệu phong phú, phù hợp từng cấp học.
Sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn kinh phí cho công tác thư viện (đầu tư cho thư viện và tổ chức các hoạt động thư viện từ ngân sách và nguồn xã hội hóa đảm bảo từ 2% đến 3% định mức ngân sách thành phố cấp/1 học sinh) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Ngoài ra, bố trí thời khóa biểu để học sinh học 2 buổi/ngày có ít nhất 1 tiết thư viện/1 tuần. Học sinh học 1 buổi/ngày được tiếp cận dễ dàng với các nguồn tài liệu có trong thư viện vào đầu và cuối buổi học, giờ ra chơi.
Giáo viên cần tích cực đọc sách báo, tài liệu
Sở cũng yêu cầu đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện nhằm tạo môi trường thuận lợi giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức phục vụ, phù hợp với điều kiện của các nhà trường như: thư viện lưu động, túi/giỏ sách lưu động, thư viện lớp, thư viện xanh, xây dựng thư viện thân thiện với các góc hoạt động hiệu quả, phục vụ đọc tại chỗ và mượn về nhà.
Đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, tận dụng các nguồn thông tin ngoài SGK, nhất là thông tin từ sách báo, từ nguồn tài liệu trong thư viện để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện kỹ năng đọc, năng lực học tập suốt đời. Giáo viên tích cực đọc sách báo, tài liệu, làm gương về tinh thần tự học và sáng tạo để tăng cường hướng dẫn và tạo điều kiện cho học sinh đọc sách.
Thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ yêu sách, STEM… với tổ chức linh hoạt, chương trình và hình thức hoạt động đa dạng, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Quan tâm đánh giá học sinh thông qua các dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kĩ thuật… thay cho các bài kiểm tra.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến lưu ý các đơn vị trường học cần bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi; mở rộng không gian thư viện và tổ chức các hình thức thư viện lưu động giúp người đọc tiếp cận với sách dễ dàng. “Cần tránh tình trạng không đầu tư và hoạt động thư viện kém hiệu quả sau khi được công nhận danh hiệu thư viện”.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet.vn
Thu hút HS đến với thư viện
Nâng cao văn hóa đọc và kiến thức cho HS thông qua nguồn sách trong thư viện trường học đã góp phần hình thành những thói quen học tập tích cực. Để đáp ứng được yêu cầu này, nhiều thư viện trường học đã có những giải pháp hiệu quả...
Nở rộ phong trào quyên góp sách cũ
Phong trào quyên góp sách cũ trong trường học hiện nay nở rộ ở nhiều địa phương thuộc vùng ĐBSCL. Nhất là đối với vùng sâu, vùng xa HS ủng hộ phong trào này rất nhiều.
Hầu hết các em đã hiểu nhiều về ý nghĩa của việc đọc sách, nâng cao văn hóa đọc sách có chọn lọc và không quên mang sách đã đọc đem chia sẻ cho bạn bè qua thư viện để nhiều bạn khác có thể đọc được, cứ như thế tạo thành vòng tròn thân ái từ sách.
Ông Lý Văn Luận - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - chia sẻ: "Những trường học có thư viện riêng được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo nhu cầu hàng năm.
Để nguồn sách thêm phong phú các trường vận động các em quyên góp sách cho thư viện, tạo thêm nhiều đầu sách phục vụ HS. Qua đó cũng khảo sát nhu cầu đọc của HS...Việc này giúp thư viện kịp thời theo dõi thực tế, tránh đầu tư lãng phí những đầu sách không phù hợp hoặc HS không đón nhận".
Đồng quan điểm với cách làm này, ngành Giáo dục huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cũng tiến hành chỉ đạo thường niên. Khi đến thời điểm kết thúc năm học, các trường tiếp tục phát động phong trào quyên góp sách cũ đưa vào thư viện. Sau đó thư viện sẽ tặng lại những HS có hoàn cảnh khó khăn hoặc những HS nào có nhu cầu xin sách cũ ở năm học tiếp theo.
Nguồn sách phong phú hơn, đa dạng hơn với nhiều thể loại phù hợp trong môi trường giáo dục đã thúc đẩy các thư viện trường học hoạt động có hiệu quả. Khi thư viện là điểm đến thường xuyên cũng đã gắn kết HS đến với văn hóa đọc gần hơn.
Ông Trần Thanh Văn - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi (Cà Mau), nêu quan điểm: "Nhằm tạo điều kiện cho thư viện trường học hoạt động tốt, hàng năm Phòng GD&ĐT chỉ đạo tổ chức cuộc thi kể chuyện theo sách thiếu nhi, giao lưu vẽ tranh, tọa đàm, sưu tầm tấm gương người tốt việc tốt, thi xếp hình, cắt giấy dán tranh, làm sổ nhật ký, đố vui, thi nói vè về sách cấp trường...
Qua đó nhằm khuyến khích HS đọc sách, đồng thời có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời giúp các cơ sở giáo dục tiếp tục phát huy, đẩy mạnh phong trào đọc sách trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Bên cạnh đó còn tổ chức các cuộc thi nhân viên thư viện giỏi cấp huyện nhằm nâng cao tay nghề nghiệp vụ thư viện...".
Đưa sách gần hơn với học trò
Theo ông Trần Thanh Văn, để tăng cường gắn kết HS với thư viện trường học thì việc đầu tiên cần phải làm là xây dựng không gian đọc thoáng mát, sạch đẹp, trang trí các góc đọc sinh động; sắp xếp lại kho sách, phân loại và dán tem, nhãn đúng nghiệp vụ thư viện để các em HS có thể dễ dàng tìm đọc thể loại sách yêu thích của mình.
Ở mỗi thể loại sách cán bộ thư viện dán những giấy màu khác nhau trên gáy sách và làm một bảng phụ ghi chú chi tiết màu quy định loại sách gì.
Thứ hai là tạo nhiều không gian để đọc như bố trí, sắp xếp ghế đá ở hành lang các lớp học rất thuận lợi cho việc đọc sách của các em. Có thể đặt tủ thư viện xanh được đặt ở hành lang thư viện hoặc đặt ở sân, nơi có nhiều tán cây mát mẻ. Thư viện ngoài trời sẽ do nhóm cộng tác viên thư viện hoặc lớp trực tuần quản lý.
Thư viện ngoài trời chọn những cuốn sách mỏng, hấp dẫn có những thông tin khoa học, lịch sử, tự nhiên thú vị vì giờ giải lao thường không nhiều. Tổ cộng tác viên thư viện sẽ giới thiệu sách in trên giấy, treo bảng di động, tuyên truyền tấm gương hiếu học, các em đạt thành tích sao điểm 10.
Thứ ba là tổ chức các hoạt động thư viện bằng nhiều hình thức phong phú, thư viện các trường thực hiện giới thiệu sách hàng tháng phù hợp với chủ điểm năm học; theo chủ đề tháng, các ngày lễ lớn trong năm.
Cán bộ thư viện tự giới thiệu hoặc giới thiệu sách dưới hình thức kể chuyện theo sách để tạo sự hấp dẫn đối với các em. Tổ chức các hoạt động, các cuộc thi, giao lưu, tọa đàm... liên quan đến hiệu quả của việc đọc sách và sinh hoạt cụm cấp trường.
Thứ tư là đầu tư nguồn sách là việc làm hàng năm của các thư viện dành một khoản kinh phí để tăng cường bổ sung các loại sách Bác Hồ, sách thiếu nhi, sách tham khảo... phù hợp với lứa tuổi các em. Song song đó, Phòng GD&ĐT tổ chức kiểm tra chuyên môn phối hợp với kiểm tra công tác thư viện nhằm nâng chất lượng hoạt động thư viện trường học.
Thùy Trang
Theo giaoducthoidai.vn
Những gợi ý giúp trẻ trở thành người thích đọc sách Sẽ là sai lầm nếu bạn không đọc sách cho con hoặc cùng con ngay cả khi chúng đã học được cách đọc độc lập. Đã có thời gian, con bạn rất yêu những cuốn sách, thích được bố mẹ ôm trong lòng và đọc những truyện yêu thích cho nghe. Thậm chí, con còn xin bạn đọc lại truyện đó một lần...