Nhiều tỉnh thành cấm dạy, học thêm buổi tối
Sáng 29/11, Quy định về dạy thêm, học thêm của UBND TP Hải Phòng chính thức triển khai. Theo đó, việc dạy, học thêm chỉ từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và từ 14 giờ đến 19 giờ 30 phút.
Mỗi học sinh học thêm trong nhà trường không quá ba buổi/ tuần; mỗi buổi không quá bốn tiết học (45 phút); riêng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 không quá bốn buổi/tuần.
Việc dạy thêm, học thêm chỉ trong khoảng thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và từ 14 giờ đến 19 giờ 30 phút hằng ngày, mỗi lớp không quá 45 học sinh. Không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật.
Việc thu tiền và quản lý tiền do người học thêm đóng góp bảo đảm thu đủ chi nhưng không vượt quá 0,9 mức lương tối thiểu (đối với các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và Kiến An) và không vượt quá 0,6 mức lương tối thiểu hiện hành (đối với quận, huyện còn lại).
Tại địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm phải công khai giấy phép, danh sách người học, thời khóa biểu và mức thu tiền học thêm…
Phú Yên: Cấm sau 19 giờ
Ngày 28-11, UBND tỉnh Phú Yên cũng công bố quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quy định này có hiệu lực từ ngày 5-12-2012.
Thời gian dạy thêm buổi sáng từ 7 – 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 19 giờ. Không dạy thêm, học thêm vào ngày Chủ nhật, ngày Tết và ngày lễ lớn theo quy định của Nhà nước.
Thời lượng dạy thêm đối với học sinh tiểu học không quá 2 tiết/buổi và không quá 3 buổi/tuần; học sinh trung học không quá 4 tiết/buổi, không quá 3 buổi/tuần.
Đối với học sinh trung học: không quá 4 tiết/buổi học, không quá 3 buổi/tuần, mỗi môn không quá 2 tiết/buổi học.
Video đang HOT
Đối với ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ôn thi cao đẳng, đại học: thời lượng học thêm, dạy thêm do tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thỏa thuận với người học nhưng không quá 7 tiết/ngày.
Đối với cấp tiểu học, mỗi nhóm bồi dưỡng không quá 10 học sinh. Đối với bậc trung học thì không quá 30 học sinh.
Cũng theo quy định này, cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì bị thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Khi bị thu hồi giấy phép dạy thêm, học thêm, ít nhất sau 12 tháng mới được xem xét cấp lại. Nếu bị thu hồi giấy phép lần hai, sẽ không được cấp có thẩm quyền xem xét cấp nữa.
Theo tiền phong
Dạy thêm học thêm: Trên cấm, dưới làm ngơ
Mặc cho quy định cấm, việc dạy thêm, học thêm tại nhà do thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên không cần "bắt tại trận" thì ai ai cũng biết. Tình trạng "trên cấm nhưng dưới làm ngơ" phải chăng vì vẫn đang thiếu phương án khả thi?
Dạy thêm: cung cầu đều có
Sau giờ học buổi chiều, chị L.T.H, phụ huynh HS lớp 7 Trường THCS Châu Văn Liêm (Q. Phú Nhuận, TPHCM) lại chở con đến thẳng nhà thầy dạy Toán cách trường gần 2 cây số để học thêm. Cùng với môn Toán, con chị còn đăng ký học thêm môn Văn, tính ra tuần 4 buổi.
Chị cho biết, đầu năm thầy cô hỏi học sinh (HS) nào có nhu cầu học thêm thì đăng ký. Thấy bài vở của các cháu rất nhiều, nếu chỉ học ở lớp thì không theo kịp nên vợ chồng chị thống nhất cho con học hai môn chính.
"Việc cháu học thêm gia đình tôi hoàn toàn tự nguyện vì muốn cháu nắm chắc bài vở hơn, kiến thức ở lớp 7 rồi bố mẹ không kèm cặp được nữa. Nếu mình không có nhu cầu, không học tôi nghĩ cũng chẳng có vấn đề gì. Theo tôi biết thì không phải cháu nào trong lớp cũng đi học thêm", chị H cho hay.
Ngành giáo dục đang quyết liệt cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học nhưng chưa có phương án thật sự khả thi.
Sau giờ dạy ở trường, tuần 5 buổi (hai buổi vào ngày cuối tuần) cô M, giáo viên (GV) tại một trường tiểu học ở Q.3 cũng mở lớp dạy thêm ở nhà với gần 15 HS. Ngoài số HS trong lớp do cô chủ nhiệm, trong số này có một số em ở các lớp khác đến đăng ký học.
Cô M khẳng định, cô không có nhu cầu dạy quá đông, mở thêm nhiều lớp nên số HS theo học hoàn toàn do phụ huynh có nhu cầu cho con theo học. Trong đó có những HS học lực kém, gia đình muốn cho các em học thêm để tiến bộ, nhiều em bố mẹ không trông được...
"Nhu cầu cho con học thêm từ phụ huynh là có thật và thậm chí là rất nhiều, thậm chí tôi không thể nhận vì chỗ học nhỏ hơn nữa mình cũng bận việc gia đình. Chỉ GV nào không có khả năng chuyên môn, HS không thích mới ép học trò đi học thêm", cô M nói.
Xét trên quy định, cô M nói rằng mình vi phạm, nhiều GV khác cũng vi phạm nhưng "Nếu chúng tôi không dạy thêm ai đảm bảo đời sống cho chúng tôi? Với đồng lương của tôi lo cho bản thân còn không đủ thì lấy đâu để vợ chồng tôi nuôi hai con ăn học rồi tôi lấy đâu ra chi phí để đi học để nâng trình độ chuyên môn?".
Hiện nay, quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học nhưng nhiều hiệu trưởng và GV đều khẳng định, đây là bậc học dạy và học thêm nhiều nhất. Xuất phát từ nguyên nhân phụ huynh muốn con được kèm cặp nắm chắc kiến thức từ sớm, ngoài ra nhu cầu... cần người trông con trong lứa tuổi này cũng rất nhiều.
Bà Trương Thị Thanh Mỹ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q. Phú Nhuận, TPHCM) cho hay: "Lương thấp nên GV có nhu cầu dạy thêm, còn phụ huynh cũng có nhu cầu con được kèm cặp thêm hoặc cần người trông con nên họ thỏa thuận với nhau. Chúng ta phải nhìn nhận đây là nhu cầu có thật chứ không chứ việc GV ép trò đi học thêm là con số rất nhỏ".
Hiệu trưởng... lắc đầu
Theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy định dạy thêm, học thêm của Sở GD-ĐT TPHCM ban hành vào tháng 9/2012, hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường để ngăn chặn hiệu tượng tiêu học trong dạy thêm, học thêm.
Hầu hết các quy định về dạy thêm, học thêm, hiệu trưởng, quản lý nhà trường là người nắm rõ nhất việc có dạy thêm, học thêm tiêu cực hay không. Thế nhưng, trường học chỉ có thể tuyên truyền, phổ biến đến GV các quy định về dạy thêm, học thêm, còn việc GV thực hiện đến đâu thì không dễ dàng nắm bắt được. Ngoài ra, các hiệu trưởng không "mặn mà" với công việc này mà không hẳn họ không có lý.
Bà Nguyễn Thị Thắm, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ánh Thủ (Q.12) cho hay ở trường mình, tập trung HS con nhà rất khó khăn nên nhu cầu về học thêm rất ít. Tuy nhiên, không phải là không có nhưng trường không thể kiểm soát được. "Nhà các GV ở khắp các quận, HS đến học hay không chúng tôi làm sao biết được?"
Bà Trương Thị Thanh Mỹ cũng cho rằng, GV ở trường cũng cam kết không dạy thêm cho HS của mình nhưng thực tế dạy hay không trường không nắm được. Chính phụ huynh cho con đi học thêm tại nhà cô giáo cũng tìm cách giấu.
Hầu hết các hiệu trưởng không "mặn mà" can thiệp vào việc dạy thêm, học thêm giữa GV và phụ huynh HS.
Hơn nữa, nếu biết GV của mình dạy thêm, nhiều lãnh đạo chấp nhận mình cũng sai quy định chứ không thể làm gì khác. Trưởng phòng GD-ĐT tại một quận ở TPHCM cho hay, chiếu theo quy định hiện nay thì phòng, hiểu trưởng hay GV đều sai.
"Hỏi tôi xử lý hiệu trưởng thế nào nếu biết trường đó có GV dạy thêm thì tôi nhận mình không xử lý được vì hiệu trưởng cũng có cái khó của họ. Trừ khi có đơn khiếu nại, tố cáo thì mình mới có thể can thiệp xử lý. Việc dạy thêm, học thêm là thỏa thuận giữa phụ huynh và GV, sau giờ làm hiệu trưởng đâu thể lòng vòng xe để biết cô nào dạy thêm, đối tượng học trò là những ai, họ cũng không được trả lương để làm công việc bên ngoài giờ và nhà trường", người này cho hay.
Bà Phạm Thị Huệ - hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 cho rằng, chúng ta đang đưa quy định cấm mà không giải quyết các vấn đề căn cơ một cách đồng bộ như thay đổi chương trình học, cách ra đề thi để làm sao HS làm bài được mà không cần phải đi học thêm, đẩy mạnh khả năng tự học, cải thiện đời sống cho GV... Thế nên tình trạng dạy thêm, học thêm cấm nhiều mà cấm không nổi.
"Thấy nhiều nơi thực hiện thông tư 17, đến bắt dạy thêm như trộm..., tôi tổn thương vô cùng. Làm gì cũng phải có tính nhân văn, tình người. Đừng chỉ cấm mà không tìm các phương án khả thi vì như vậy là đang làm tổn thương nhà giáo, tổn thương cả học trò", bà Huệ bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, việc dạy thêm, học thêm tạo ra thu nhập cho nhà giáo, đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, cũng từ vấn đề này đang làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội nên ngành đã ban hành nhiều thông tư quy định về dạy thêm, học thêm hạn chế những tiêu cực.
Tuy nhiên, ông Chương đánh giá, về mặt quản lý, thông tư mới nhất là thông tư 17 chưa thật sự ổn , có những vấn đề vừa đóng lại vừa mở như nhu cầu, đối tượng dạy và học... nhằm hạn chế tiêu cực trong dạy thêm, học thêmmà chưa đề ra được những giải pháp mang tính khả thi nên gây khó khăn cho các cấp quản lý cơ sở.
Hiện Sở GD-ĐT TPHCM đang tham mưu với UBND TPHCM để thời gian tới ban hành quy định về công tác chỉ đạo quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Hoài Nam
Theo dân trí
Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên - Kỳ 2: Để không lãng phí tài năng Nếu bồi dưỡng tốt và có chính sách ưu đãi hợp lý, những học sinh năng khiếu sẽ có điều kiện phát huy hết tài năng. Kết nối với chương trình bậc ĐH Tính đến nay, nước ta đã thực hiện mô hình trường chuyên gần 50 năm, tuy nhiên vấn đề phát triển tài năng của những học sinh (HS) này vẫn...