Nhiều thường dân bị phiến quân bắt cóc tại CHDC Congo
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 26/12, các nguồn tin địa phương ở CHDC Congo cho biết nhóm phiến quân Phong trào 23/3 ( M23) ở miền Đông nước này đang bắt giữ thường dân làm con tin trong khi giao tranh với các lực lượng dân quân.
Các tay súng M23 gác tại Bunagana, CHDC Congo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Một nguồn tin nêu rõ M23 đã bắt giữ khoảng 50 người với lý do họ hợp tác với các lực lượng dân quân và các nhóm vũ trang chống M23.
Trong khi đó, một số người dân địa phương cho biết các con tin đã bị đưa đến thị trấn Rutshuru, tỉnh Bắc Kivu vốn được coi là thành trì của M23.
Trước đó, ngày 8/12, một báo cáo mới do Liên hợp quốc (LHQ) công bố cho biết M23 đã sát hại ít nhất 131 người và gây ra tội ác nghiêm trọng đối với dân thường.
M23 là nhóm vũ trang hoạt động tại miền Đông CHDC Congo, chủ yếu ở tỉnh Bắc Kivu. Nhóm này lần đầu tiên nổi lên vào năm 2012 khi chiếm giữ khu vực Goma trong một thời gian ngắn trước khi bị đánh bại trong cuộc tấn công phối hợp giữa các binh sĩ LHQ và CHDC Congo. M23 đã bị đánh bật khỏi CHDC Congo sau khi tiến hành các hoạt động nổi dậy trong 2 năm 2012 và 2013. Các tay súng M23 tháo chạy sang lãnh thổ Rwanda và Uganda. Sau nhiều năm yên ắng, M23 tiếp tục hoạt động vũ trang trở lại vào cuối năm 2021. Kể từ đó, nhóm này đã chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở tỉnh Bắc Kivu, gây mất ổn định ở khu vực Trung Phi.
LHQ lo ngại tình trạng mất an ninh ở miền Đông CHDC Congo
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), bà Bintou Keita, ngày 9/12 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng mất an ninh ở miền Đông quốc gia Trung Phi này.
Các tay súng M23 gác tại Bunagana, CHDC Congo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo bà Keita, mặc dù DRC đã công bố lịch tổ chức bầu cử năm 2023 nhưng một trong những thách thức lớn nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt là tình trạng mất an ninh, đặc biệt là ở khu vực phía Đông đất nước. Trong nhiều tuần gần đây, an ninh ở miền Đông DRC đã xấu đi nghiêm trọng khi Phong trào nổi dậy M23 tiếp tục tiến hành các hoạt động thù địch và mở rộng quyền kiểm soát đối với lãnh thổ Rutshuru ở tỉnh Bắc Kivu.
Số liệu từ Nhóm tìm hiểu thực tế của LHQ cho biết phong trào M23 đã giết hại ít nhất 131 dân thường và gây ra nhiều vụ xâm hại tình dục phụ nữ. Ngoài ra, lực lượng này cũng đã phá hủy 4 trường học và chiếm đóng 2 ngôi trường khác. Nhóm tìm hiểu thực tế của Liên hợp quốc được thành lập để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền và vi phạm luật nhân đạo quốc tế của M23 ở các làng Kishishe và Bambo thuộc vùng lãnh thổ Rutshuru.
Trước tình hình trên, bà Keita kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ lên án mạnh mẽ những tội ác của M23 và yêu cầu phong trào này cho phép người dân ở vùng lãnh thổ Rutshuru được tự do đi lại. Bà Keita cũng đề nghị truy tố những kẻ đã gây ra tội ác đối với dân thường ở vùng Rutshuru.
DRC hiện là quốc gia có số lượng người di cư trong nước cao nhất khu vực châu Phi. Ước tính đã có thêm 370.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong đợt xung đột mới nhất liên quan đến phong trào M23. Sự bùng phát bạo lực giữa các cộng đồng ở các tỉnh phía Tây Mai-Ndombe và Kwilu cũng đã khiến hơn 50.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, phải di tản tìm nơi lánh nạn.
Hiện các tổ chức nhân đạo vẫn đang cố gắng cung cấp dịch vụ cứu sinh và viện trợ cho người dân DRC, đồng thời kêu gọi các đối tác tiếp tục hỗ trợ kế hoạch ứng phó nhân đạo cho quốc gia này.
CHDC Congo tuyên bố chấm dứt dịch Ebola tại miền Đông Ngày 27/9, Bộ trưởng Y tế CHDC Congo Jean-Jacques Mbungani Mbanda cho biết nước này đã tuyên bố chấm dứt đợt dịch mới nhất của virus Ebola tại tỉnh Bắc Kivu, miền Đông CHDC Congo. Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Ebola ở Goma, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Đây là đợt dịch Ebola thứ 15 trên toàn...