Nhiều thông tin tuyển sinh mới trong ngày khai mạc
Các thông tin mới, chính thức về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 sẽ được lãnh đạo Bộ GD-ĐT công bố trong buổi khai mạc Tư vấn mùa thi 2014 diễn ra vào lúc 8 giờ 30 ngày mai (12.1) tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM.
Học sinh Trường THPT Long Trường (Q.9, TP.HCM) đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi tổ chức ngày 4.1 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức bước vào năm thứ 16. Buổi khai mạc có sự tham gia của hơn 1.500 học sinh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, Diên Hồng và Trần Khai Nguyên cùng hàng triệu thí sinh, phụ huynh, giáo viên theo dõi trực tiếp trên sóng truyền hình VTV9.
Giải đáp thắc mắc về quy chế, quy định, chính sách
Các trường tham gia ngày khai mạc Tư vấn trực tiếp:
ĐH Y Dược, ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Kinh tế, ĐH Ngân hàng, ĐH Nông Lâm, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Tài chính – Marketing, Học viện Công nghệ và Bưu chính viễn thông, ĐH Lạc Hồng.
Tư vấn qua gian hàng: ĐH Tài nguyên – Môi trường, ĐH Công nghiệp, ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Văn Hiến, CĐ Kinh tế TP.HCM, CĐ Bách Việt, CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam, CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM, Trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng và đa phương tiện MaacViet Arena.
Như thông lệ, trong ngày khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ có những phát biểu, thông tin chính thức về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm đó. Tham gia lễ khai mạc năm nay, có GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ ĐH; tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng.
Dịp này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ thông báo chủ trương của Bộ về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng sẽ giải đáp thắc mắc của học sinh, giáo viên và phụ huynh về những vấn đề nổi bật trong kỳ tuyển sinh năm nay như tổ chức tuyển sinh 3 chung như thế nào, quy định gì cho các trường thi riêng, công tác xét tuyển, hình thức ra đề thi, việc chấm thi, thay đổi chính sách ưu tiên tuyển sinh…
Tư vấn hướng nghiệp
Tiếp tục phát huy thế mạnh từ năm 2013, năm nay chương trình cũng tập trung vào việc định hướng, tư vấn giúp học sinh lựa chọn ngành nghề dự thi phù hợp. Nhằm giúp học sinh biết năng lực bản thân trước khi đăng ký dự thi, Báo Thanh Niên tặng học sinh bộ công cụ trắc nghiệm tự khám phá sở thích nghề nghiệp trong việc lựa chọn ngành nghề. Các chuyên gia tham gia chương trình sẽ hướng dẫn học sinh cách thực hiện phiếu trắc nghiệm này để đưa ra quyết định đúng khi đăng ký dự thi.
Ngoài ra, chuyên gia đến từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ cung cấp những số liệu, thông tin hữu ích về nhu cầu các ngành nghề trong những năm sắp tới tại TP.HCM và các khu vực lân cận. Với những hiểu biết này, học sinh sẽ cân nhắc thêm khi đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Thông tin ngành nghề
Các trường ĐH, CĐ tham gia buổi khai mạc bao gồm 2 khối ngành: sư phạm, xã hội – nhân văn, kinh tế, ngân hàng và y dược – nông lâm; kỹ thuật – công nghệ; giao thông – xây dựng. Học sinh, phụ huynh quan tâm bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc đào tạo, chương trình học tập, cơ hội việc làm, học bổng, học phí… đều sẽ được chuyên gia đến từ các trường giải đáp.
Đây sẽ là phần quan trọng vì lâu nay học sinh chỉ biết thông tin của các trường gián tiếp qua báo chí, từ internet hoặc bạn bè, người thân. Nay học sinh mới có dịp cùng lúc được gặp gỡ đại diện của rất nhiều trường ĐH, CĐ và TCCN để được giải đáp mọi thắc mắc về ngành nghề đào tạo ở các trường. Kết hợp với thông tin về thị trường lao động; năng lực, sở trường của bản thân; ngành nghề đào tạo; qua chương trình này học sinh sẽ biết được mình nên chọn hướng vào đời nào cho phù hợp.
Video đang HOT
Tổ chức khắp 16 tỉnh thành
Sau TP.HCM, chương trình sẽ tiếp tục diễn ra ở 15 tỉnh thành sau:
Đồng Nai: 8 giờ 30 ngày 15.2, Đài PT-TH Đồng Nai trực tiếp. Trước đó, ngày 14.2 diễn ra tư vấn lớp tại một số trường THPT trong tỉnh.
Bình Phước: 8 giờ 30 ngày 16.2, Đài PT-TH Bình Phước truyền hình trực tiếp. Tư vấn lớp vào chiều cùng ngày.
Lâm Đồng: 8 giờ 30 ngày 22.2, Đài PT-TH Lâm Đồng truyền hình trực tiếp. Tư vấn lớp trong ngày 21.2.
Đắk Lắk: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 23.2. Ngày 24.2 tư vấn lớp.
Gia Lai: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 1.3. Tư vấn lớp ngày 28.2.
Kon Tum: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 2.3. Tư vấn lớp ngày 3.3.
Quảng Nam: Truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 7.3.
Quảng Ngãi: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 9.3. Ngày 8.3 tư vấn lớp.
Nam Định: Truyền hình trực tiếp cùng buổi sáng ngày 9.3.
Bình Định: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 12.3. Tư vấn lớp ngày 11.3.
Phú Yên: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 13.3. Tư vấn lớp sáng 13.3.
Ninh Thuận: Truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 15.3. Tư vấn lớp ngày 14.3.
Bình Thuận: Truyền hình trực tiếp từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 16.3.
Bến Tre: Truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 22.3. Tư vấn lớp ngày 21.3.
Bạc Liêu: Truyền hình trực tiếp từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 23.3. Chiều cùng ngày diễn ra tư vấn lớp. Kết thúc hành trình tư vấn.
Nhiều kênh thông tin tới thí sinh
* Thí sinh có thể xem video clip Tư vấn mùa thi qua điện thoại di động
Không chỉ tư vấn tại chỗ có truyền hình trực tiếp, chương trình Tư vấn mùa thi còn mang thông tin đến thí sinh qua nhiều kênh khác nhau.
Có thể nói, điểm ấn tượng nhất trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên chính là sự lan tỏa và mức độ truyền tin. Không chỉ tham dự tư vấn tại chỗ, hàng triệu lượt học sinh còn có thể đón nghe các thông tin hữu ích qua đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Năm 2014, cả 16 tỉnh thành diễn ra chương trình tư vấn đều có truyền hình trực tiếp.
Không dừng lại ở đó, nội dung của mỗi chương trình được tường thuật đầy đủ và cô đọng trên báo giấy hằng ngày, báo điện tử (www.thanhnien.com.vn) ngay sau đó. Đặc biệt, bắt đầu từ năm nay, học sinh và phụ huynh còn có thể xem video clip và ảnh 3D về chương trình tư vấn ngay trên báo in ra hằng ngày thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Học sinh còn có thể tìm hiểu mùa thi qua Cẩm nang tuyển sinh với nhiều thông tin hữu ích. Ấn phẩm sẽ chuyển tải đến thí sinh nhiều thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh 2014, toàn cảnh điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 theo ngành, điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung, chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ “chọi” của các ngành ở kỳ tuyển sinh trước… Thông qua bài viết của các chuyên gia ở từng môn học, thí sinh sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích về cách thức ôn tập và làm bài thi hiệu quả. Đó còn là những dự báo về xu hướng ngành nghề tương lai cũng như lời khuyên của các chuyên gia về cách thức chọn ngành phù hợp.
Cũng trong năm nay, Báo Thanh Niên tiếp tục phát tặng miễn phí CD luyện thi trắc nghiệm. Nếu như giá trị nổi bật của Cẩm nang tuyển sinh nằm ở những bài phân tích sâu sắc về các vấn đề của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thì ở CD là những hướng dẫn giúp thí sinh cách học thi hiệu quả các môn trắc nghiệm: Anh văn, vật lý, hóa học và sinh học. Đặc biệt, qua CD này, thí sinh còn được tư vấn chi tiết về các chiến thuật làm bài thi trắc nghiệm đạt điểm cao.
Theo TNO
Các trường phải được quyết định quyền tự chủ của mình
Liên quan tới bản dự thảo về tự chủ tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2014, trong đó Bộ GD&ĐT quy định các trường muốn tự chủ phải đăng ký với Bộ?
Thực hiện đúng như Điều 34, Luật Giáo dục đại học thì các trường được tự chủ về công tác tuyển sinh, tức là có quyền lựa chọn phương án tốt nhất để tuyển người học. Tuy nhiên, trong bản dự thảo đó Bộ GD&ĐT đưa ra các điều kiện để được "tự chủ", như vậy có trái luật không?
Vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) để làm rõ vấn đề tự chủ của các trường.
PV: Thưa ông, ông có suy nghĩ gì về nội dung dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng mới được Bộ GD &ĐT đưa ra gần đây?
TS. Lê Viết Khuyến: Đây là một quyết định đúng của Bộ GD&ĐT để thực hiện Điều 34 của Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, có 2 điểm rất quan trọng mà dự thảo thể hiện chưa chuẩn: Một là, công tác tuyển sinh là một trong nhiều khâu của quy trình đào tạo. Trước khi ra quyết định thành lập trường Nhà nước đã thẩm định và chấp nhận quy trình đào tạo của trường nên đương nhiên các trường phải được quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh. Do đó Bộ không nên đòi hỏi các trường phải trình lại đề án tuyển sinh.
Vả lại Bộ lấy người và thời gian đâu để đi duyệt các đề án đó (trong dự thảo này chỉ quy định có 1 tháng). Hai là, mặc dù các trường đã được tự chủ về tuyển sinh thì Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm tạo thuận lợi để các trường thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh tốt nhất.
Theo ông, nếu các cơ sở giáo dục đại học đã được quyền tự chủ tuyển sinh thì Bộ GD&ĐT có cần đưa ra quy định gì về tuyển sinh hay không?
TS. Lê Viết Khuyến: Vẫn rất cần. Tuy nhiên Bộ chỉ cần nêu ra chuẩn (quốc gia) quy định những ai thì được quyền thụ hưởng học vấn đại học tại các cơ sở giáo dục đại học. Đây là những quy định tối thiểu, thường gắn với đòi hỏi người học phải có văn bằng tốt nghiệp phổ thông (và tương đương) - theo kinh nghiệm của thế giới. Còn điều kiện để thí sinh được vào các trường cụ thể phải dành cho các trường quyết định, tuỳ theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình. Chính điều đó mới thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh thực sự của các cơ sở GDĐH.
Ông có nói tới sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT cho các trường trong công tác tuyển sinh, ngay cả khi các trường đã được tự chủ tuyển sinh. Vậy đó là hỗ trợ gì?
TS. Lê Viết Khuyến: Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định: "Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh" và "phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển".
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học không đủ khả năng để tự tổ chức thi tuyển (chủ yếu do không đủ giảng viên cơ hữu để soạn thảo đề thi có chất lượng, còn nếu thuê giảng viên ngoài thì tốn kém và không an toàn) mà chỉ có thể dùng hình thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển và thi tuyển.
Do đó các trường này phải dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Tuy nhiên, trong điều kiện kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chưa được cải thiện thì một số trường vẫn có nhu cầu sử dụng các kết quả của kỳ thi tuyển sinh đại học "3 chung" (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả).
Vì thế, Bộ GD&ĐT cần xem kỳ thi 3 chung này như là một giải pháp hỗ trợ cho các trường, không nên "ép" các trường nếu muốn lấy kết quả của kỳ thi này thì phải chấp nhận "luật chơi" riêng của Bộ, như dự thảo đã đưa ra. Trên thế giới rất nhiều quốc gia như Nga, Nhật bản, Thái lan, Hoa kỳ,... hiện vẫn đang có những hỗ trợ như vậy.
Theo ông về lâu dài, công tác tuyển sinh cao đẳng, đại học nên diễn ra như thế nào?
TS. Lê Viết Khuyến: Để giảm phiền hà và tốn kém cho người học tôi ủng hộ đề án của Bộ trước đây (thời kỳ đồng chí Nguyễn Thiện Nhân là Bộ trưởng) về nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ nên sớm triển khai công việc này, nhưng để làm được điều đó Bộ phải đổi mới mạnh mẽ hơn về tư duy và đội ngũ chuyên gia tham gia chuẩn bị cho kỳ thi phải được tập huấn kỹ về chuyên môn.
Nếu để các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh thì làm sao có thể kiểm soát được chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học và thực hiện được chính sách phân luồng học sinh phổ thông?
TS. Lê Viết Khuyến: Chất lượng đào tạo không hoàn toàn quyết định ở chất lượng đầu vào mà chủ yếu ở toàn quá trình đào tạo. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo phải dựa vào công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công việc này hiện nay hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT, vấn đề ở chỗ Bộ có quyết tâm làm hay không.
Còn để khuyến khích người học vào học các hệ trung học chuyên nghiệp và trung học nghề thì Nhà nước cần thực hiện sự phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở, còn nếu không quyết tâm phân luồng học sinh ở cấp học này mà cứ để phần lớn học sinh chuyển lên trung học phổ thông như hiện nay thì việc sau khi tốt nghiệp phổ thông họ vào đại học và cao đẳng là điều đương nhiên.
Xin cảm ơn ông!/.
Theo TTVN
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014: Vẫn vừa "chung" vừa "riêng" Dù chỉ đạo thí điểm tuyển sinh riêng từ kỳ thi ĐH, CĐ 2014, nhưng do lộ trình "chuyển đổi" là 3 năm, nên trong mùa tuyển sinh tới, Bộ GD - ĐT vẫn sẽ tiếp tục tổ chức tuyển sinh theo phương án "3 chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển - PV) cho những trường chưa đủ năng...