Nhiều thí sinh không thi tuyển đại học
Theo các nhà quản lý giáo dục, năm nay, số học sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp, không thi tuyển ĐH, cao đẳng khá cao.
Nhiều học sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp. Ảnh minh họa
Bộ GD&ĐT thống kê, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức từ ngày 9-10/8 có hơn 888.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số đó, hơn 636.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, cao đẳng (chiếm 71,6%). Như vậy, 28,4% thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, con số này không đồng đều ở các trường học, địa phương.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nghèn ( huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), ông Nguyễn Văn Thuần, cho biết, năm nay trường có 447 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, khoảng 22% học sinh chỉ đăng ký thi nhằm xét tốt nghiệp. Số học sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm 40,7%, số học sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội (KHXH) chiếm 59,3%.
Ở một trường tập trung học sinh 6 xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình như THPT Sào Báy, chỉ có 3/219 thí sinh đăng ký thi nhằm xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 1,36%), số còn lại chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp. Trường này có tới 98% học sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHXH, 2% chọn bài thi KHTN. Theo ông Quách Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, học sinh ngại thi ĐH vì ngoài điều kiện kinh tế gia đình khó khăn còn khó kiếm đầu ra. “Một số thầy cô từng dạy hợp đồng ở trường nay cũng bán rau, đậu ngoài chợ, không có việc làm. Những năm trước có em đã thi đỗ ĐH, cuối cùng vẫn bỏ về đi lao động”, ông Sơn nói.
Tại Hà Nội, nhiều trường THPT cũng có tỷ lệ học sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHXH cao hơn bài thi KHTN. Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) có khoảng 60% học sinh đăng ký dự bài thi KHXH. Trường THPT Thường Tín (huyện Thường Tín) có 100% học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, trong đó, 57,4% em đăng ký dự thi bài thi KHTN. Ông Lê Trung Hiệp, Hiệu trưởng trường này, cho biết, khác với nhiều trường ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, năm nào trường cũng có tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển ĐH cao, do nhiều gia đình có điều kiện tiếp tục đầu tư cho con em học ĐH.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, năm nay có 6.849 thí sinh chỉ đăng ký thi nhằm xét tốt nghiệp (chiếm 34,8%). Số thí sinh đăng ký bài thi KHXH chiếm 69,2%. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Thành, cho hay, năm nay có khoảng 32.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 45% học sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp.
Chọn nghề thực tế hơn
Video đang HOT
Về việc nhiều học sinh có xu hướng không đăng ký xét tuyển ĐH, ông Thành cho rằng, hiện nay, trường phổ thông thực hiện phân luồng rất tốt. Nhiều học sinh học xong lớp 12 lựa chọn học nghề, đi du học, xuất khẩu lao động, thay vì bằng mọi giá thi đỗ một trường ĐH bất kỳ. Một thực tế nữa là những năm gần đây, một số sinh viên đã tốt nghiệp ĐH nhưng thất nghiệp, về quê, trong khi trước đó gia đình đã phải vay mượn một số tiền lớn cho con ăn học ĐH. Vì thế, nhiều em chọn con đường học nghề, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp có thể kiếm 5-8 triệu đồng/tháng, gia đình không phải đầu tư.
Ông Thành cho rằng, học sinh có năng lực thực sự mới có nguyện vọng thi ĐH, đăng ký vào những trường như công an, quân đội vừa không phải đóng học phí vừa không lo đầu ra, hoặc chọn những ngành “hot”, trường tốp đầu để thi. Theo ông Thành, tỷ lệ thí sinh không thi ĐH như hiện nay là thành công trong phân luồng, định hướng học sinh, tuy nhiên, nhà trường vẫn gặp khó khăn về thông tin để tư vấn. Ví dụ, thầy cô đang thiếu thông tin về nhu cầu thị trường lao động, ngành nghề mới, những ngành sẽ “ nóng” trong 5-10 năm nữa… để tư vấn, giới thiệu cho học sinh.
Ông Nguyễn Văn Thuần nhận định, hiện nay, học sinh nhìn nhận sát sườn thực tế phải chọn nghề phù hợp. Với những học sinh thuộc tốp đầu, có khả năng thi đỗ ĐH Bách khoa, ĐH Y dược, ngoài nỗ lực học tập, thầy cô cũng khuyên tìm hiểu kỹ thông tin về ngành nghề, đầu ra, khả năng kinh tế của gia đình…
“Những năm gần đây, số lượng thí sinh thi tuyển ĐH, CĐ giảm, số thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp có xu hướng tăng”. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Thành
Thi tốt nghiệp THPT 2020 trong 1,5 ngày, đề thi dễ hơn
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết kỳ thi năm nay sẽ gọi là "thi tốt nghiệp THPT" thay vì "thi THPT quốc gia", tổ chức trong 1,5 ngày với 3 buổi thi, đề thi sẽ dễ hơn.
Kỳ thi THPT năm nay sẽ gọi là kỳ thi tốt nghiệp THPT với đề thi dễ hơn - ẢNH TUỆ NGUYỄN
Bài thi tổ hợp chỉ lấy 1 đầu điểm
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chính thức khẳng định, năm nay sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tổ chức kỳ thi trong 1,5 ngày với 3 buổi thi.
Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là: tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Trong đó, bài thi khoa học tự nhiên gồm tổ hợp của 3 môn vật lý, hóa học và sinh học; bài thi khoa học xã gồm tổ hợp của 3 môn lịch sử, địa lý và giáo dục công dân; riêng đối với thí sinh giáo dục thường xuyên thì chỉ gồm tổ hợp của 2 môn lịch sử, địa lý.
Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Các bài thi toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có 1 mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm kết quả làm bài của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD-ĐT cung cấp; bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Ông Độ khẳng định, nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD-ĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Độ cũng cho biết, mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây).
Kỳ thi sẽ do UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.
Các tỉnh sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Mỗi hội đồng thi có các điểm thi được bố trí đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường với nhau.
Vì sao không giảm môn thi?
Trả lời câu hỏi: kỳ thi sẽ được giao về cho các địa phương chủ trì tổ chức, vì sao Bộ GD-ĐT vẫn ra đề thi, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng, kỳ thi sẽ sử dụng đề thi chung của Bộ để đảm bảo thống nhất trong cả nước cùng một mặt bằng đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học ở cấp phổ thông cũng như đảm bảo tính khách quan, công bằng trong đánh giá giữa các địa phương.
Mặt khác, sử dụng đề thi chung là phù hợp với việc sử dụng chung mẫu bằng tốt nghiệp THPT có tính quốc gia cho các thí sinh. Việc này tạo thuận lợi trong hội nhập quốc tế, nhất là trong việc học sinh đi du học ở nước ngoài.
Trước thắc mắc vì sao Bộ không tính đến việc giảm số môn thi mà lại chủ trương giảm độ khó của đề thi, ông Độ lý giải, việc sử dụng các bài thi bắt buộc và các bài thi tổ hợp tự chọn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội hướng đến đánh giá toàn diện học sinh, hạn chế học lệch, học tủ. Việc vẫn tổ chức thi 3 môn bắt buộc và 1 bài thi tổ hợp tự chọn cũng là cách để giúp thí sinh tập trung thi những môn học đã được dành thời gian ôn tập kỹ hơn, phù hợp với định hướng lựa chọn nghề nghiệp của các thí sinh.
Liên quan đến sự an toàn, nghiêm túc của kỳ thi khi giao về cho địa phương, ông Độ cho rằng, thay đổi đặc biệt năm nay là các tỉnh phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GD-ĐT sẽ lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi.
Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi, cùng với đó là các chế tài nghiêm khắc để xử lý các gian lận, nếu có.
Tuệ Nguyễn
Tổ chức thi chỉ để tốt nghiệp: Không ổn! Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì kỳ thi quốc gia nhưng chỉ để xét tốt nghiệp, trong khi tỉ lệ tốt nghiệp luôn xấp xỉ 100%, là quá lãng phí và đẩy khó cho nhiều phía Sáng 21-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi...