Nhiều thí sinh giỏi có thể trượt đại học?
(PLO) – Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi 2 trong 1 bằng kỳ thi THPT Quốc gia, đề có sự phân hóa rõ. Nhiều thí sinh xét tuyển đại học làm phần kiến thức nâng cao trước để rồi khi quay lại làm phần kiến thức cơ bản chỉ làm được một nửa hoặc ít hơn, thậm chí là không kịp làm câu nào…
Ít điểm tuyệt đối
Tính đến thời điểm này, kỳ thi THPT Quốc gia đã diễn ra được 3 ngày với 6 môn thi khác nhau. Theo một số thầy cô và chuyên gia giáo dục nhận định, hầu hết các đề thi năm nay có kết cấu 60% kiến thức cơ bản và 40 % kiến thức nâng cao.
Cô Bùi Kim Dung – tổ trưởng tổ Văn (trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Đề văn bám sát cấu trúc mà Bộ giáo dục đưa ra. Đề có sự phân hóa rất rõ ràng với phần dễ dành cho thí sinh chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp và phần nâng cao (khó) dành cho thí sinh xét đại học. Cụ thể ở phần thứ II với câu hỏi về kỹ năng sống, để làm được câu này đòi hỏi thí sinh phải thực sự phải hiểu vấn đề và có kiến thức xã hội mới làm được”.
Video đang HOT
Về đề Toán, theo PGS.TS Văn Như Cương, đề có cấu trúc 60% câu hỏi về kiến thức cơ bản từ quá dễ, dễ đến trình độ đơn giản để các thí sinh thi tốt nghiệp. Nhưng 40% còn lại là kiến thức nâng cao lại quá khó đối với thí sinh dự thi đại học. Không riêng môn Toán mà một số môn khác cũng khá khó. Do đó, năm nay không nhiều điểm tuyệt đối như các năm trước.
PGS.TS Văn Như Cương cho biết thêm: “Năm nay Bộ Giáo dục nói kiến thức đề thi sẽ tập trung chủ yếu trong lớp 12 nhưng đề toán có quá nửa kiến thức của lớp 10 và 11. Điều này gây bất ngờ với bản thân tôi và các em học sinh. Đề toán có nhắc đến vấn đề y tế là dịch bệnh MERS-CoV nhưng rất gượng gạo. Bởi môn toán, lý rất khó để có thể ứng dụng vào thực tế. Nói chung nội dung đề toán vẫn xa rời thực tế”.
Theo ghi nhận của PV, hầu hết thí sinh khi được hỏi đều trả lời chỉ làm được khoảng 60 – 70% bài thi. Và khi nhìn vào một số gợi ý đáp án, những thí sinh này cho rằng tối đa được điểm 7, điểm 8.
PGS.TS Văn Như Cương
Nhiều đại học gặp khó khi xét tuyển?
Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi 2 trong 1 bằng kỳ thi THPT Quốc gia, đề có sự phân hóa rõ. Nhiều thí sinh xét tuyển đại học làm phần kiến thức nâng cao trước để rồi khi quay lại làm phần kiến thức cơ bản chỉ làm được một nửa hoặc ít hơn, thậm chí là không kịp làm câu nào…
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết: “Không chỉ tôi mà bà xã tôi vốn là giáo viên kỳ cựu của ngành giáo dục nhận thấy rất nhiều thí sinh giỏi chú trọng làm câu khó để thi đại học trước, câu dễ làm sau vì mục đích của những thí sinh này là đại học, không phải chỉ xét tốt nghiệp, khi quay lại thì hết giờ hoặc chỉ làm được rất ít câu hỏi trong phần kiến thức cơ bản…”.
PGS.TS Văn Như Cương có phản ánh tương tự và phân tích, thí sinh A chỉ xét tốt nghiệp trước (sau này có kết quả thi, thí sinh A mới tiếp tục nộp nguyện vọng xét vào các trường đại học được phép xét tuyển) tập trung làm 60% câu hỏi trong phần kiến thức cơ bản được 6 điểm mà không làm phần nâng cao. Thí sinh B xét đại học nên tập trung làm câu hỏi của phần nâng cao được 2 điểm cộng với 3 điểm của phần cơ bản được 5 điểm. Khi báo điểm thí sinh A 6 điểm, thí sinh B 5 điểm thì khi xét vào đại học, rất khó cho các trường. Bởi ý nghĩa của điểm 6 và 5 với trường đại học rất quan trọng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng thí sinh có năng lực, thí sinh học giỏi điểm thấp hơn so với những thí sinh có học lực trung bình, khá; người học giỏi thì trượt đại học còn người học kém hơn lại đỗ…
“Người A được 6 điểm nhưng là kiến thức cơ bản, còn người B được 5 điểm thì 3 điểm cơ bản, 2 điểm nâng cao, nếu tôi là trường đại học tôi sẽ chọn em 5 điểm. Nhưng tiếc thay trong chấm thi của ta không có sự phân loại rõ ràng như phân loại trong đề thi và chấm thi. Thế nên khi báo điểm số thi chỉ ghi số điểm, 5 và 6 và như thế rất khó để các trường đại học lựa chọn thí sinh đỗ, trượt. Nếu chúng ta không thay đổi cách chấm thi dễ tạo sự không công bằng đối với nhiều thí sinh”, PGS.TS Văn Như Cương nói.
Theo PLO