Nhiều thí sinh chỉ cần công nhận tốt nghiệp THPT
ANTĐ – Đến nay về cơ bản công tác nộp hồ sơ đăng ký kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất. Kỳ thi theo hình thức mới khiến thí sinh và các bậc phụ huynh cẩn trọng, tính toán kỹ hơn trong việc lựa chọn cụm thi, các nhà trường cũng tăng cường công tác tư vấn cho thí sinh để có lựa chọn phù hợp nhất với hoàn cảnh, khả năng của mình.
Thí sinh thành phố chọn môn tự nhiên, thí sinh miền núi chọn môn xã hội
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.
Đồng thời, để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn quy định trên và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Sau khi kết thúc nộp hồ sơ, theo con số tổng hợp ban đầu hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh thi THPT quốc gia 2015 cho thấy, tại Hà Nội, thí sinh thường chọn các môn tự nhiên để phù hợp với tổ hợp môn thi của các trường đại học khối A, A1.
Video đang HOT
Cụ thể trường THPT Việt Đức, theo thống kê của nhà trường, học sinh chọn môn Vật lý nhiều nhất (440 em), sau đến môn Hóa học (235 em), môn Địa lý (203 em), trong khi đó môn Lịch sử chỉ có 27 em đăng ký. Tương tự tại trường THPT Lương Thế Vinh, số thí sinh chọn môn Vật lý chiếm tới 70%, sau đó là môn Hóa học và Địa lý. Môn Lịch sử chỉ có 1 học sinh đăng ký thi… Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở hầu hết các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
Trong khi đó, tại các tỉnh miền núi thì ngược lại, số thí sinh đăng ký thi các môn xã hội có vẻ cao hơn. Sở GD-ĐT Điện Biên cho biết môn xã hội lại được học sinh lựa chọn nhiều hơn so với môn tự nhiên. Cụ thể: có tới 3.962 thí sinh đăng ký dự thi môn Địa lý (trên 63%); 3.262 thí sinh chọn thi Lịch sử (trên 52%).
Trong khi đó, số thí sinh đăng ký môn Vật lý chưa đầy 20%, Hóa học chưa đầy 30%… Tương tự tại Cao Bằng, thí sinh đăng ký thi môn Địa lý chiếm gần 73%; Lịch sử khoảng trên 52%, Vật lý chỉ khoảng 19%, Hóa học khoảng trên 25%, thấp nhất là Ngoại ngữ chỉ khoảng 8%.
Nhiều thí sinh thi chỉ để được công nhận tốt nghiệp
Con số thống kê từ các địa phương cũng cho thấy một bất ngờ là số thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương chỉ nhằm xét tốt nghiệp THPT trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới khá lớn, nhất là ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa và có chất lượng giáo dục không cao.
Ví như ở Cao Bằng, tổng số thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia là 5.998 thì có tới gần một nửa, tức 2.939 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, 1.954 thí sinh dự thi với 2 mục đích và 1.105 thí sinh chỉ dự thi để tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Tại Lai Châu, số liệu thống kê cũng cho thấy có tới 1.894/3.124 (gần 60%) thí sinh của tỉnh đăng ký dự thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Ở Điện Biên, trong số 6.214 thí sinh đăng ký dự thi thì có 2.871 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp (khoảng 46%).
Tại Nghệ An theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh này, năm nay cũng có đến trên 12.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp trên tổng tố gần 37.000 thí sinh, chiếm xấp xỉ 1/3. Theo đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An, việc có nhiều em đăng ký không xét tuyển ĐH, CĐ có thể do lường trước lực học của mình hoặc cũng có em đã có định hướng vào các trường và cơ sở dạy nghề mà không học CĐ, ĐH.
Nhìn vào những con số thống kê này, có thể thấy có sự khách biệt không nhỏ. Những năm trước, số lượng thí sinh dự thi ĐH, CĐ và khoảng 80-85%, còn lại là những thí sinh không đỗ tốt nghiệp THPT hoặc không có nhu cầu thi. Nhưng năm nay tỷ lệ thí sinh không có nhu cầu thi đại học tăng lên đáng kể, theo lãnh đạo các trường, Sở GD-ĐT thì có thể do công tác tư vấn tuyển sinh tại các trường tác động đến việc chọn lựa của các thí sinh.
Một số tỉnh có rất nhiều thí sinh nghèo, xa xôi, dân tộc ít người, trong đó có những em học lực trung bình, nên nhiều trường có tư vấn cho số học sinh này nên thi tại địa phương, đỡ phải đi lại tốn kém, lại chỉ phải thi 4 môn tốt nghiệp mà vẫn có cơ hội vào ĐH, CĐ bằng phương thức xét tuyển học bạ (chủ yếu là các trường tư thục).
Không có chuyện coi thi ở địa phương dễ dãi hơn cụm các trường ĐH
Gần đây có một số dư luận về việc phụ huynh rỉ tai nhau rằng với những học sinh học lực trung bình, yếu, thi ở cụm thi do trường đại học chủ trì nguy cơ bị trượt sẽ cao hơn vì chắc chắn công tác coi thi ở đây sẽ “chặt” hơn tại các cụm thi địa phương. Trước thông tin này, đại diện Bộ GD-ĐT đã khẳng định 2 cụm thi sẽ nghiêm túc như nhau.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, khẳng định kỳ thi THPT quốc gia dù được tổ chức ở các cụm thi khác nhau nhưng đều được thực hiện theo đúng quy định của quy chế thi, với kỹ thuật và quy trình tổ chức thi thống nhất trong cả nước. Xã hội vẫn còn những băn khoăn về tính nghiêm túc của các kỳ thi trước đây do Sở GD-ĐT chủ trì. Bộ đã lường được vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi tại tỉnh. Bộ không phân biệt thí sinh cụm thi nào, các thí sinh đều cùng làm một đề thi. Bộ sẽ cùng với các Bộ, ngành, địa phương phối hợp để tổ chức tốt kỳ thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và kết quả thi có độ tin cậy cao.
Đặc biệt, đối với các cụm thi tại tỉnh sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi. Các giải pháp kỹ thuật sẽ được tăng cường, trong đó có việc sử dụng phần mềm quản lý thi dùng chung với các chức năng quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến hỗ trợ thí sinh; các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ và xã hội có thể theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi và xử lý kết quả thi.
Không đỗ tốt nghiệp, vẫn có cơ hội học CĐ, ĐH
Năm nay, hàng loạt trường CĐ, ĐH dân lập đã xây dựng phương án tuyển sinh thông qua xét tuyển học bạ, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh có thể theo học ngay cả khi chưa tốt nghiệp THPT. Nhiều trường CĐ đã nhận hồ sơ xét tuyển theo hình thức xét tuyển học bạ THPT để xét tuyển những thí sinh thi tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước từ nhiều tháng trước.
Đối với thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh có điểm thi đạt ngưỡng điểm tối thiểu do Bộ GD-ĐT quy định trở lên đều có cơ hội học tại nhiều trường CĐ. Chẳng hạn như trường CĐ Bách Việt, TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thí sinh có thể xét tuyển vào trường theo 2 phương thức: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ THPT. Nếu thí sinh không đỗ khi xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT thì có thể sử dụng học bạ để xét tuyển. Năm 2014, một số ngành của trường chỉ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ như: thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang…
Cũng theo TS Trần Mạnh Thành, theo quy chế với thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp có thể tham gia học chương trình trung cấp dành cho thí sinh chưa tốt nghiệp THPT. Sau thời gian học 2 năm 3 tháng, học sinh được nhận bằng TCCN và được liên thông lên CĐ, ĐH và coi như tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, trong quy định liên thông Bộ mới sửa đổi, học sinh tốt nghiệp TCCN được liên thông ngay lên bậc học cao hơn.
Theo ANTD