‘Nhiều thầy cô Việt còn lười làm thí nghiệm cho học sinh’
Nhận xét về thực trạng đào tạo của giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều giáo viên cho rằng việc hướng dẫn học sinh thực hành, vận dụng lý thuyết vào thực tế còn rất hạn chế.
Câu chuyện về chất lượng đào tạo của nhà trường cũng như việc hổng kiến thức của học sinh, sinh viên lâu nay vẫn là một trong những chủ đề nóng được bàn tán trên mạng.
Mới đây, hình ảnh chàng trai làm sạch thiết bị điện tử bằng cách phụt nước lan truyền trên Facebook. Nhiều người cho rằng hành động này là một trong những hậu quả của việc đào tạo kém chất lượng tại Việt Nam.
Hình ảnh chàng sinh viên vệ sinh thiết bị điện bằng cách phụt nước gây tranh cãi cộng đồng mạng. Ảnh chụp màn hình.
Cụ thể, theo chia sẻ, một chủ cửa hàng vì bận việc nên giao cho nhân viên là sinh viên mới ra trường vệ sinh nhà điều hành hệ thống xử lý nước. Trước yêu cầu này, 2 chàng trai đã xịt nước vào thiết bị để lau chùi từng bộ phận. Không ít thành viên mạng thể hiện rõ sự bất bình trước việc làm thể hiện sự thiếu hụt kiến thức căn bản của sinh viên.
Nhiều ý kiến thẳng thắn nhận định vấn đề do nhiều bạn còn trẻ nhưng rất thụ động và lười tư duy. “Việc phát triển hay dậm chân tại chỗ, ra trường kiếm được việc làm tốt hay thất nghiệp, được đề bạt làm sếp hay vẫn là nhân viên tàng tàng không phải do công ty hay ông sếp nào cả, mà ở chính cá nhân đó”, một người dùng Facebook viết.
Cũng có ý kiến cho rằng bên cạnh việc trách móc sinh viên lười nhác thì chất lượng đào tạo tại các trường học cũng là chủ đề đáng nói sau câu chuyện trên.
Thiết bị thực hành chất lượng là xa xỉ
Thúy Hằng, sinh viên khoa Hóa học của một trường đại học tại Hà Nội, cho hay ở khoa cô, nhiều phòng thí nghiệm xuống cấp trầm trọng. Dù các giảng viên luôn cố gắng giữ gìn, đảm bảo hóa chất và dụng cụ, chất lượng vẫn không thực sự tốt như mong đợi của sinh viên.
Ngoại trừ những trang thiết bị đặc thù, dụng cụ làm thí nghiệm mà sinh viên được tiếp cận chủ yếu là hàng rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn đến kết quả thực hành thường không chính xác.
Theo yêu cầu, thời gian học tập của các sinh viên chuyên ngành Hoá chủ yếu là ở phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, với môn Hoá phân tích, nhận diện hoá chất từ các lọ mất nhãn, nhiều bạn trẻ vẫn phải loay hoay trước bài tập phân tích ion trong dung dịch bởi ống nghiệm cũ, dính tạp chất từ những lần thí nghiệm trước.
“Cứ nghĩ đến việc bước vào phòng thí nghiệm là mình ngán ngẩm vì đồ đạc thiếu thốn, kém chất lượng. Những thứ như ống nhiệm, thìa múc, ống ti ô… rất rẻ, chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/ống, cũng phải dùng lại nhiều lần khiến đồ bẩn, nứt hỏng. Ở nước ngoài, những dụng cụ như vậy thường dùng một lần là bỏ. Chưa kể đến việc thiếu, hỏng hoá chất, dụng cụ thực hành cho nhiều thí nghiệm khó…”, nữ sinh chia sẻ.
Dụng cụ thực hành đạt chuẩn chất lượng vẫn đang là vấn đề nan giải tại nhiều trường học. Ảnh minh hoạ.
Tương tự, nhiều sinh viên tại các trường kỹ thuật cũng nhiều lần phải khóc thét vì thiếu thiết bị học tập. Học viết code trên máy tính đời cổ, không cập nhật window, nhiều sinh viên dùng chung máy tính trong giờ thực hành, làm bài tập lập trình trên giấy là điều không xa lạ với nhiều trường đại học hiện nay.
Video đang HOT
Đăng Khoa, sinh viên chuyên ngành Điện tử tại Hà Nội, cho biết ở trường, các môn học được chia cứ một giờ lý thuyết, lại có 2 giờ thực hành. Dù thời khoá biểu phân chia đều đặn nhưng nhà trường lại thiếu máy tính cho sinh viên thực hành.
“Do cơ sở vật chất hạn chế, các thầy cô thường chia nhóm 3-4 sinh viên dùng chung một máy tính. Việc dùng chung như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiếp thu kiến thức của mỗi người. Thậm chí, chúng mình còn phải học lập trình trên giấy, điều này khiến việc phát hiện lỗi rất khó khăn, nhiều khi không biết mình làm đúng hay sai”, nam sinh cho hay.
Nhiều thầy cô còn lười làm thí nghiệm
Thầy M.V, giảng viên ngành Vật lý tại Hà Nội, bày tỏ chất lượng đào tạo của giáo dục Việt Nam hiện là vấn đề bất cập, nhức nhối nhất hiện nay.
“Sách giáo khoa phổ thông đều hướng dẫn học sinh học Định luật Bernouli, các định luật bảo toàn… Nhưng hỏi nguyên tắc hoạt động của máy bơm nước như thế nào, tôi đảm bảo không em nào biết”, anh nhận xét.
Theo giảng viên này, cách đào tạo của nước nhà hiện còn thiên về lý thuyết quá nhiều mà không chú trọng tới thực hành và kiến thức thực tế. So sánh giữa việc đào tạo của Nhật Bản và Việt Nam, ở đất nước bạn, việc đào tạo luôn chú trọng, cân đối giữa lý thuyết và thực hành.
Cụ thể, ở bài học về hiện tượng quang phát quang (lân quang), các em sẽ được chiếu đèn vào một túi hạt nhựa. Khi tắt đèn, có túi phát ra màu xanh dương, túi phát màu đỏ… Sau tiết học, tất cả đều nắm rõ định nghĩa về hiện tượng này.
Cùng chủ đề, học sinh Việt Nam chỉ được học lý thuyết huỳnh quang phát ra ánh sáng bị tắt nhanh hơn lân quang. Khi kiểm tra, hầu như không em nào có thể giải thích về hiện tượng này.
Nam giảng viên cũng lý giải thêm, điều này phụ thuộc nhiều lý do, “nhưng chung quy lại là thầy cô lười làm thí nghiệm”, anh nhấn mạnh.
Cũng theo anh, nhiều giáo viên, nhất là những người trẻ mới ra trường, rất nhiệt huyết nhưng sau 1, 2 năm cũng lại quay ra lo dạy thêm, lo gia đình, cơm áo, gạo tiền… Bên cạnh đó, thiết bị thí nghiệm trang bị cho các trường phổ thông kém chất lượng, có đồ dùng một vài lần là hỏng cũng là yếu tố tác động lớn.
Cũng với tình trạng trên, Lan Anh, một giáo viên trẻ chia sẻ về câu chuyện thực tập của mình tại trường phổ thông ở Vĩnh Phúc.
“Có giáo viên sau khi nhận thiết bị phản ánh bài thí nghiệm đo từ trường Trái Đất hoạt động không ổn định kim xoay vòng liên tục nên không đo được. Thay vì đưa ra phương án khắc phục, bạn ấy không làm điều đó. Bạn ấy chỉ cần làm thế nào để hiệu trưởng ký vào bản nghiệm thu để hoàn thành chỉ tiêu”, cô chia sẻ.
Trên thực tế, để chuẩn bị một bài dạy thí nghiệm hiệu quả, các giáo viên cần đầu tư nhiều thời gian và công sức. Vì những lý do khách quan, hầu hết không đáp ứng được điều này một cách chu toàn.
Ngoài ra, ở nhiều trường đại học, dù sinh viên được thực hành bài bản, việc không có điều kiện vận dụng thực tế cũng dẫn đến chuyện kiến thức ngày càng mai một. Đơn giản vì giáo viên cũng ít có cơ hội, hay nói đúng hơn và thiếu kiến thức thực tế.
“Bạn học định luật Ohm rất thuộc, nhưng cho bạn một ổ cắm và đấu 2 cái đèn song song thì không phải ai cũng làm được. Điều này là do thiếu vận dụng”, nữ giáo viên nói.
Về vấn đề vệ sinh thiết bị điện bằng nước, giảng viên Vật lý M.V cho biết không hoàn toàn sai. Thực tế, anh từng chứng kiến thầy giáo của mình dùng nước rửa chuột, bàn phím máy tính, sau đó sấy khô và thiết bị vẫn hoạt động bình thường bởi khi ấy, các phần tử trong mạch điện vẫn được đảm bảo cách điện với nhau, trừ trường hợp đổ nước trực tiếp lên bàn phím, mạch điện sẽ chập.
Tuy nhiên, anh cho rằng đây là hành động không nên làm bởi nếu sấy không đảm bảo khô 100%, các phần tử điện có thể bị oxi hóa và làm giảm tuổi thọ của linh kiện, thiết bị. Trường hợp sấy không cẩn thận, còn nước đọng có thể khiến đồ dùng chập và hỏng.
Theo Zing
Đừng 'nhồi sọ' sinh viên năm cuối, hãy đưa họ vào phòng LAB
TS Phạm Đình Trọng (giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng ở Việt Nam, các môn học được dạy tràn lan, không tập trung.
Một cuộc Hội thảo mới đây đã chỉ ra, những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng sinh viên của chúng ta rất yếu như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian... Thậm chí nhiều sinh viên không viết nổi cái đơn xin việc.
Ở Việt Nam dạy các môn học còn tràn lan, không tập trung.
Trao đổi về vấn đề trên, TS Phạm Đình Trọng cho rằng các môn học ở đại học Việt Nam còn tràn lan, không tập trung hướng đến nhu cầu của thị trường. Có quá nhiều môn học trong một kì dẫn đến kiến thức từng môn bị hời hợt, không sâu và học không hướng tới nhu cầu thị trường sẽ khiến sinh viên chán học.
Vì thế, cần giảm tải một số môn học không cần thiết và trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể phần nào giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp tương lai.
Thông thường, sinh viên các năm đầu phần lớn không có định hướng ngành rõ ràng phù hợp với bản thân, do đó nên giúp sinh viên có cơ hội học những gì mình thích bằng cách tạo điều kiện cho các em chuyển đổi lớp, ngành trong những năm học đầu tiên (năm 1, 2) và ngoài những môn bắt buộc chung cho ngành đặc thù, các môn còn lại để sinh viên tự lựa chọn.
Để các em có cơ hội hơn trong nắm bắt và hội nhập với sự phát triển của đất nước, thế giới.
TS Phạm Đình Trọng.
- Vậy sinh viên Việt Nam yếu và thiếu các kỹ năng là do nhà trường hay chính sinh viên thụ động, lười suy nghĩ?
- Theo tôi, một phần văn hóa trong mối quan hệ giữa thầy và trò khiến sinh viên Việt Nam thụ động, ít có khả năng sáng tạo, không đưa ra ý kiến cá nhân trong quá trình học tập.
Giảng viên nên tạo điều kiện để sinh viên phát biểu ý kiến, thảo luận nhóm, và dành phần lớn thời gian tự đọc tài liệu.
Ngoài ra, nên có cơ quan kiểm tra xếp hạng chất lượng giáo dục công bằng, phần lớn dựa trên chất lượng giảng viên, và đầu ra sv của từng ngành, trường. Như vậy các trường sẽ cạnh tranh hơn cả trong tuyển giảng viên, cũng như sinh viên.
Giáo dục Việt Nam chưa chú trọng đến đầu ra của sinh viên
- Với những bất cập trên, muốn thay đổi để có chất lượng đầu ra tốt, theo ông là gì?
- Ngoài thiếu điều kiện gắn liền với thực tiễn, nhất là các môn khoa học kỹ thuật (học chay - do kinh tế đất nước), giáo dục đại học Việt Nam hiện tại chưa trọng tâm hướng đến mục đích là đầu ra của sinh viên, chưa giúp sinh viên phát triển được khả năng tối đa trong chuyên môn và cuộc sống.
Việc thay đổi dễ nhất cho sinh viên hiện tại là tạo điều kiện để sinh viên có thể thay đổi ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của mình (sau thời gian đầu, khoảng một năm ở trường đại học) một cách dễ dàng.
Giảng viên cần kích thích sinh viên phát biểu ý kiến, sinh viên tự đọc tài liệu ở nhà, học nhóm, thảo luận để sinh viên nắm bắt được kiến thức trên lớp và phát triển thêm kĩ năng mềm ngoài cuộc sống.
- Theo ông, có ý kiến cho rằng nên để sinh viên năm cuối sẽ không phải học bất cứ môn gì và chỉ tham ra các dự án, đề tài, thậm chí tập trung nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm (LAB) để vừa tăng kiến thức chuyên ngành, vừa có các kỹ năng mềm trước khi ra trường?
- Sinh viên ở bậc đại học không thể tự mình làm đề tài, đồ án được (trừ trường hợp đặc biệt xuất sắc). Khi đi làm ở công ty, phần lớn các công ty sẽ hướng dẫn, đào tạo sinh viên trong thời gian đầu để sinh viên quen việc cụ thể ở công ty đó.
Phần lớn sinh viên nước ngoài phải có học lực khá/giỏi, muốn trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành, và có nhu cầu học tiếp thạc sĩ/ tiến sĩ (học sau đại học yêu cầu sinh viên viết bài luận về hướng nghiên cứu của mình hồi học đại học) sau khi tốt nghiệp mới tham gia làm đồ án.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, giảng viên hướng dẫn không đủ, và cũng không có kinh phí, đề tài cho nhiều sinh viên làm được. Ngoài ra, phần lớn sinh viên là làm theo đề tài của các anh chị thạc sĩ/tiến sĩ, nên nếu sinh viên không khá/tốt, sẽ là gánh nặng lớn cho các anh chị hướng dẫn đề tài, cả về thời gian và kinh tế.
- Thực tế ở Việt đánh giá sinh viên đa số dựa vào kết quả cuối học kỳ. Ở các nước trên thế giới, cụ thể là Mỹ, cách đánh giá một sinh viên thế nào, thưa ông?
- Ở Mỹ, sinh viên được đánh giá toàn diện hơn về cả ý thức học, thảo luận trên lớp (0-10%), các điểm kiểm tra (2 bài giữa kì (~15-20%), và 1 bài cuối kì (20-30%)) và bài tập về nhà (10-20%) trong suốt quá trình học, điểm làm đề tài nhóm (~20%).
Do đó, kiến thức của sinh viên sẽ được kiểm tra và đánh giá trong toàn bộ quá trình học, không chỉ dựa vào điểm thi kết quả cuối kì như ở Việt Nam. Đề tài nhóm còn giúp sinh viên phát triển khả năng thảo luận, làm việc nhóm, đồng thời áp dụng kiến thức đã học vào một project cụ thể.
Trước đó, TS Đỗ Văn Đăng cho rằng ở bậc đại học nên làm đồ án/khóa luận hoặc project, vì làm như vậy sẽ giúp sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc sau này.
TS Đăng cũng chỉ ra ở Việt Nam có một điểm khác đó là thời gian cho đồ án và khóa luận khá ngắn (thường là một học kỳ) cộng với cơ sở vật chất thiếu thốn.
Trong khi các nước tiên tiến, trong đó có Nhật, sinh viên vào năm 4 sẽ không phải học bất cứ môn nào trên lớp mà sẽ làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc thực hiện một dự án nào đó trong vòng một năm cho đến khi báo cáo tốt nghiệp.
Chỉ cần sau một năm... cày trong LAB , sinh viên Nhật tiến bộ vượt bậc về mọi mặt: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc, cũng như kỹ năng xin việc.
Theo Đỗ Hợp / Tiền Phong