Nhiều sửa đổi có lợi cho thí sinh thi đại học 2016
Ngày 14/3, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh.
Với thông tư này, thí sinh có 4 cơ hội trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1. Bên cạnh đó, các em có nhiều cách để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thay vì cách làm truyền thống (trực tiếp đến trường ĐH hoặc nộp qua bưu điện).
Một điểm lợi nữa cho thí sinh là năm nay không có ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đối với hệ CĐ nên “cửa đỗ” sẽ rộng hơn rất nhiều so với năm trước.
Thông tư mới quy định đối tượng 01 là công dân Việt Nam, người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại khu vực 1 gồm: Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 theo quy định hiện hành.
Trong khi đó, quy định năm 2015, đối tượng 01 chỉ cần có hộ khẩu thường trú tại khu vực 1.
Cũng liên quan đối tượng và khu vực ưu tiên, thông tư sửa đổi chỉ rõ học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định của Thủ tướng nếu học trung học phổ thông tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.
Quy định cũ không bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng đối với các xã trên.
Video đang HOT
Dành 50% chỉ tiêu xét môn thi truyền thống
Trong thông tư, Bộ GD&ĐT quy định những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới, ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển một ngành, cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo tổ hợp môn thi tương ứng khối thi truyền thống.
Quy định cũ dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng khối thi truyền thống.
Năm nay, các trường ĐH xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn có ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định. Với CĐ, ngưỡng đảm bảo chỉ là tốt nghiệp THPT.
Bổ sung hình thức nhận đăng ký xét tuyển
Năm nay, thí sinh không được phép thay đổi nguyện vọng khi đã nộp hồ sơ vào các trường. Thí sinh được nộp 2 nguyện vọng 1 vào 2 trường ĐH (mỗi trường hai ngành). Ở nguyện vọng bổ sung, các em có thể nộp vào 3 trường, mỗi trường hai ngành.
Thí sinh có thể nộp đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển trực tuyến hoặc qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh. Trường có thể quy định thêm phương thức tiếp nhận đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển của học sinh phù hợp điều kiện thực tế của trường nhưng không gây khó khăn, tốn kém cho học sinh và gia đình.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25 điểm. Quy định này năm trước không có.
Mặt khác, trong thông tư sửa đổi, Bộ GD&ĐT cũng quy định đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (tính theo thang điểm 10).
So với quy chế cũ, điểm mới năm nay là Bộ GD&ĐT quy định điểm nhận hồ sơ với cao đẳng.
Theo Zing
8,6% học sinh Hà Nội thi Lịch sử xét tuyển vào đại học
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố số liệu thống kê học sinh lớp 12 của thành phố đăng ký dự thi các môn và mục đích dự thi THPT quốc gia năm 2016.
Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Thi và Khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, thành phố có 66.006 thí sinh lớp 12 dự thi. Trong đó, thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT là 14.716 em, chiếm gần 23%; đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 51.290 em, chiếm hơn 77%.
Đối với các môn thi tự chọn để xét tốt nghiệp, 2.542 thí sinh đăng ký môn Lịch sử, 12.257 em thi Địa lý, Vật lý: 1.568, Sinh học: 1550 và Ngoại ngữ 9.951 thí sinh.
Thí sinh xem lại bài thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Với xét tuyển đại học, cao đẳng, trong tổng số 51.290 thí sinh đăng ký, môn Ngoại ngữ có nhiều người chọn nhất (50.313 em); tiếp đến là Vật lý 26.272 thí sinh. Môn Hóa học: 19.837; Sinh học: 6.058. Thấp nhất là Lịch sử với 4.414 thí sinh đăng ký xét tuyển, chiếm 8,6%.
Qua số liệu này, những thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, môn tự chọn thường là môn xã hội. Những em thi để xét tuyển đại học, cao đẳng thì lựa chọn theo khối thi. Ở Hà Nội, khối thi được lựa chọn nhiều nhất là A1 và D.
Trước đó, trả lời Zing.vn, lãnh đạo một số trường ở Hà Nội cho biết, theo thống kê ban đầu, có nơi tỷ lệ học sinh chọn môn Lịch sử là 0%. Điều đáng nói, con số này không còn xa lạ những năm gần đây.
Năm 2015, theo thống kê của Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT, chỉ 15,3% học sinh đăng ký dự thi Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Theo Zing
Hệ trung cấp liên tiếp nhận hung tin Hiệu trưởng các trường trung cấp dự báo 2016 là năm khó khăn trong tuyển sinh, bởi theo dự thảo quy chế tuyển sinh, ngưỡng đầu vào hệ CĐ chỉ cần tốt nghiệp THPT. Trong dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ...