Nhiều sinh viên Úc phải bớt ăn vì thiếu tiền
Dù thu nhập của sinh viên Úc có cải thiện trong nửa thập niên qua, nhưng nhiều người vẫn ‘đói’, Times Higher Education trích khảo sát mới do Universities Australia thực hiện cho hay.
Ảnh: Shutterstock
Cụ thể, hơn một trong số bảy người được hỏi cho biết họ thường xuyên phải kiêng ăn hoặc bỏ qua việc sắm sửa nhu yếu phẩm khác vì không đủ tiền. 4/5 sinh viên được hỏi nói rằng họ phải đi làm để trang trải cuộc sống. Thường thì đây là những công việc không giúp ích cho nghề nghiệp tương lai của họ. 1/3 sinh viên cho hay họ đang chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được.
Đây là kết quả từ cuộc khảo sát 18.500 sinh viên ở 38 trường đại học. Kết quả cho thấy không ít người phải chật vật đi qua bốn năm gắn bó với giảng đường. Tiền là mối lo âu thường xuyên. 58% sinh viên được hỏi cho biết họ lo lắng về tình hình tài chính bản thân.
Hơn 1/4 sinh viên chia sẻ rằng họ thường bỏ lớp để đi làm, và 2/5 nói rằng công việc cản trở chuyện học tập của họ. Sinh viên làm việc bán thời gian thì cho biết tác động của việc làm lên việc học còn lớn hơn.
Nhóm đại diện Universities Australia, đơn vị tài trợ khảo sát, nói rằng thu nhập trung bình thường niên của sinh viên chưa tốt nghiệp tại Úc còn thấp hơn mức nghèo, là 18.300 đô la Úc, tương đương khoảng 13.310 USD, mỗi năm.
Không như sinh viên ở Anh, New Zealand, sinh viên Úc không thể vay tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, trừ khoản vay “startup” nhỏ và có số lượng hạn chế. Trợ cấp hỗ trợ thu nhập cũng bị giới hạn. Chỉ 1/3 số người được khảo sát cho biết họ đủ điều kiện nhận trợ cấp.
Video đang HOT
Liên hiệp sinh viên quốc gia Úc (NUS), đơn vị đồng hỗ trợ thực hiện khảo sát, cho biết các khoản phụ cấp cũng không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu. Chủ tịch NUS Mark Pace cho biết giá trị của các khoản phụ cấp không tăng tính theo giá trị thực trong 24 năm qua.
Khảo sát cho thấy thu nhập trung bình của hầu hết sinh viên tăng lên theo giá trị thực so với cuộc khảo sát trước đó, vốn được thực hiện hồi năm 2012. Song thu nhập chỉ tăng nhẹ, còn chi tiêu của sinh viên lại giảm mạnh. Chi tiêu thường niên của sinh viên đại học giảm 22% xuống còn 14.200 đô la Úc, tương đương 10.330 USD. Universities Australia cho hay sinh viên chi ít hơn khi thu nhập của họ thấp hơn.
Theo thanhnien.vn
Nếu mắc phải 5 điều này, bố mẹ sẽ khiến con sợ đi học ngay từ "vạch xuất phát"
Lớp 1 được coi là "vạch xuất phát" cho hành trình học hành của mỗi bạn nhỏ, vì thế, sự chuẩn bị của bố mẹ cho năm học đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trẻ có yêu thích học tập hay thất bại ngay từ vạch xuất phát đều là do sự chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp 1 của bố mẹ.
Con vào lớp 1 là cột mốc mà hầu hết các bố mẹ đều háo hức và hồi hộp chờ đợi, có lẽ vì thế nên bố dành rất nhiều sự quan tâm và đầu tư cho hành trang vào lớp 1 của con. Tuy nhiên, không phải sự chuẩn bị nào cũng tốt và phù hợp với trẻ. Có rất nhiều quan điểm cũng như sự chuẩn bị tâm thế cho con của bố mẹ là không cần thiết, thậm chí sai lầm, có thể khiến con gặp nhiều khó khăn ngay trong năm học đầu tiên của cuộc đời. Dưới đây là 5 sai lầm mà các bố mẹ có thể thường mắc phải.
1. Cho con đi học không đúng tuổi
Trào lưu giáo dục sớm và dạy con học đọc, học viết từ nhỏ khiến cho nhiều bố mẹ sốt sắng cho con đi học lớp 1 khi trẻ chưa đủ 6 tuổi vì muốn con "tiết kiệm" thời gian học hành, thế nhưng, nhiều cuộc khảo sát, đánh giá học sinh khi vào lớp 1 đã cho kết quả rằng, những bạn nhỏ đi học khi chưa đủ 6 tuổi thường gặp phải nhiều khó khăn và chậm chạp hơn so với các bạn khác.
Không chỉ thế, trước 6 tuổi, trẻ nhỏ vẫn cần được vui chơi và tự do khám phá thế giới, cho con đi học sớm là bố mẹ đã tước đi quãng thời gian vô cùng ý nghĩa đó của trẻ, khi trẻ có thể học hỏi và hấp thu rất nhiều kĩ năng cần thiết để chuẩn bị cho quãng đường học tập phía trước của mình.
2. Dạy con học trước chương trình sách giáo khoa
Theo các chuyên gia giáo dục, cho trẻ học trước bài học trong chương trình, sách giáo khoa lớp 1 là điều bố mẹ rất không nên làm. Ở trường mẫu giáo, hoạt động chủ yếu của trẻ là vui chơi, vì thế, nếu ngay lập tức bố mẹ ép trẻ phải học đánh vần, tập viết, làm toán trước thì sẽ khiến trẻ nhàm chán, mất hứng thú, thậm chí là có tâm lý chủ quan, sao lãng, mất tập trung ngay khi đi học vì cảm thấy các bài học không còn gì là mới mẻ và thú vị. Đó là chưa kể, việc bố mẹ thiếu kiến thức và kĩ năng dạy trẻ cách cầm bút viết, cách nhận biết âm, vần, từ, tiếng... còn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khác.
3. Không chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập cho con
Thiếu đồ dùng học tập và đồ dùng học tập không đúng với yêu cầu của nhà trường là một trong những tình huống khiến trẻ cảm thấy vô cùng phiền toái và gặp khó khăn khi học tập. Trẻ khi vào lớp 1 thường chưa có thói quen giữ gìn dụng cụ học tập, có thể thường xuyên làm hỏng, làm mất, vì thế, bố mẹ cần quan tâm đến con một cách kĩ càng để biết khi nào con cần bổ sung đồ dùng mới. Bố mẹ cũng không nên quát mắng con khi trẻ làm mất đồ dùng học tập, thay vào đó, hãy kiên trì hướng dẫn con những kĩ năng giữ gìn dụng cụ học tập gọn gàng, ngăn nắp ở nhà, dần dần, trẻ sẽ hiểu và có thói quen đó khi đi học.
4. Bố mẹ không trò chuyện thường xuyên với con về trường tiểu học
Do quá tập trung vào việc học chữ trước, học toán sớm mà nhiều khi bố mẹ quên đi việc trò chuyện cùng con về trường tiểu học, nơi con sẽ gắn bó trong suốt 5 năm đầu tiên của hành trình học tập, điều này có thể khiến trẻ cảm thấy hụt hẫng, xa lạ và khó thích nghi trong những ngày đầu tiên vào lớp 1.
Đừng đợi đến ngày đầu tiên đi học mới đưa con đến trường, từ trước đó, nếu có thể, bố mẹ nên đưa con tới trường thăm quan, trò chuyện và giới thiệu với con về địa điểm của trường, thiết kế của trường, về sân chơi, lớp học, thầy cô giáo... để con cảm thấy gần gũi hơn với ngôi trường của mình và tự tin hơn trong ngày đầu tiên đi học.
5. Con không được hướng dẫn con cách lập và sinh hoạt theo thời gian biểu
Sinh hoạt theo thời gian biểu là một kỹ năng rất quan trọng đối với trẻ khi vào lớp 1. Khi trẻ không được bố mẹ hướng dẫn cách tự lập và làm việc theo thời gian biểu, trẻ sẽ có xu hướng lề mề, không có ý thức về thời gian và thường xuyên không hoàn thành hết những việc mình cần làm, điều này vừa khiến bố mẹ mệt mỏi, ức chế vừa khiến trẻ bị mất động lực và sự tự tin vào bản thân mình.
Có một điều bố mẹ cần luôn luôn nhớ, đó là gần như những dấu ấn buồn vui, thành công hay thất bại ở lớp 1 có thể sẽ là những dấu ấn sâu đậm theo trẻ suốt trong chặng đường học tập về sau, vậy thế, ngoài việc có sự chuẩn bị tâm thế và tâm lý cho con chu đáo, phù hợp, bố mẹ còn cần đồng hành cùng con, giúp con nuôi dưỡng tình yêu đối với việc học và rèn luyện các kĩ năng học tập; đừng để con gặp phải những khó khăn, áp lực khiến trẻ cảm thấy sợ và không thích đi học.
Theo Helino
3,7 triệu trẻ em Afghanistan không được đến trường Một cuộc khảo sát mới cho thấy có tới 3,7 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường ở Afghanistan không được đi học, vì chiến tranh, nghèo khổ và một số lý do khác. Trẻ em gái chiếm 60% tổng số trẻ em Afghanistan không được đến trường REUTERS Cuộc khảo sát nói trên, do Bộ Giáo dục Afghanistan và Quỹ Nhi...