Nhiều phương án an toàn cho học sinh trở lại trường
Để đảm bảo khoảng cách an toàn phòng tránh COVID-19, các trường tiến hành tách lớp, chia ca học, làm vách ngăn, bố trí học sinh ngồi so le nhau.
Sáng 4-5, 63 tỉnh, thành cho học sinh (HS) THCS, THPT cả nước trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học phòng tránh dịch COVID-19. Nhiều phương án tổ chức lớp học đã được các trường triển khai để đảm bảo an toàn cho HS.
Đa dạng các biện pháp phòng dịch
Để đón HS quay lại, Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11, TP.HCM đã trang bị 2.400 nón ngăn giọt bắn.
Sáng 4-5, gần 900 HS khối 12 đã trở lại trường. Ngoài việc được nhận chín khẩu trang vải miễn phí theo quy định của TP, mỗi HS còn được nhà trường tặng một nón ngăn giọt bắn. Sản phẩm này một phần do phụ huynh của nhà trường tài trợ, phần còn lại do một mạnh thường quân hỗ trợ thêm.
Bà Đặng Thị Thúy Ái, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhà trường không bắt buộc HS phải dùng nón ngăn giọt bắn, chỉ khuyến khích các em sử dụng khi cần thiết.
Tại Trường THCS – THPT Hồng Đức ở cơ sở Tân Phú, ông Hoàng Gia Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách, cho biết hiện tại trong tuần này trường mới chỉ có hai khối đi học là khối 9, 12. Nhà trường vẫn đủ phòng học để đảm bảo giãn cách an toàn.
Một lớp sẽ chia làm đôi, ngoài ra nhà trường trang bị bốn phòng học có vách ngăn để xem phản ứng của HS, giáo viên như thế nào, chưa triển khai đại trà 100% về vách ngăn.
Tại Hà Nội, nhiều phương án được các trường đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho HS khi đến lớp. Các cơ sở đào tạo đều chuẩn bị xà phòng, nước rửa tay, thiết bị đo nhiệt độ.
Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Định Công, quận Hoàng Mai, cho biết nhà trường chuẩn bị sẵn phương án cách ly tạm thời tại phòng y tế nếu phát hiện HS có biểu hiện lâm sàng về dịch tễ sẽ phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh đó, trường cũng bố trí thời khóa biểu dạy học phù hợp với tình hình thực tế.
Tại Trường THPT Marie Curie, HS xếp hàng với khoảng cách 2 m để được đo thân nhiệt trước khi vào lớp, 100% HS đeo khẩu trang khi đến trường.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận được bố trí mỗi em một bàn theo hình zích zắc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Chia lớp theo nhiều cách
Các trường đều đặc biệt chú ý phương án bố trí lớp học, giờ học để đảm bảo giãn cách xã hội.
Với gần 700 HS khối 12, Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã chia lớp làm đôi.
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng nhà trường, để chia lớp, nhà trường dựa vào học lực học kỳ 1 cùng với quá trình học trực tuyến của các em trong ba tháng nghỉ học tránh dịch. Nhà trường chia lớp thành hai phòng cạnh nhau để tạo điều kiện cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. Việc phân thành hai nhóm cũng dễ cho giáo viên khi giao bài và dạy kiến thức mới.
Khối 12 sẽ được nhà trường ưu tiên bố trí học hai buổi/ngày để đảm bảo khối lượng kiến thức, giúp các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như thi đại học.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết cũng tiến hành tách lớp làm đôi để đáp ứng tiêu chí về mật độ HS trong lớp học.
Việc chia lớp dựa trên năng lực học tập của HS cũng như nguyện vọng của các em về việc chọn lựa khối thi KHTN và KHXH. Việc chia lớp như vậy sẽ tạo điều kiện cho nhà trường trong việc tăng cường ôn tập cho các em chuẩn bị kỳ thi trong giai đoạn nước rút.
Theo kế hoạch, buổi sáng các em sẽ học tại trường, còn buổi chiều sẽ học trực tuyến tại nhà. Môn học đòi hỏi sự tương tác và tập trung cao như toán, lý, hóa, tiếng Anh sẽ học tập trung. Những môn ít giáo viên như sử, địa, giáo dục công dân, do chia lớp không đảm bảo được số lượng nên sẽ tiến hành học trực tuyến để hạn chế HS đi lại.
Tương tự, bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết tổng HS khối 9 là 321 em.
Để đảm bảo khoảng cách 1 m nhà trường tiến hành chia đôi lớp học. Những em học trực tuyến thường xuyên, nhà trường có danh sách sẵn sẽ được chia làm một nhóm. Với nhóm này, giáo viên sẽ đẩy nhanh tiến độ dạy chương trình mới, tăng cường ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ. Nhóm còn lại là những em chưa có điều kiện học trực tuyến, giáo viên sẽ dạy từ từ và tăng tiết nhiều hơn để đảm bảo kiến thức cho các em.
Đối với khối giáo dục thường xuyên, tại Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, ngày đầu tiên đi học, HS được hai nhân viên trực ở cổng nhắc giữ khoảng cách và đi theo đúng chỉ dẫn. Trước khi vào trường, các HS đều phải rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Mỗi HS lần lượt được đo thân nhiệt, điểm danh.
Để đảm bảo giãn cách, nhà trường chia HS thành hai nhóm. Nhóm 1 học buổi sáng, nhóm 2 học buổi chiều, mỗi em một bàn, ngồi so le nhau.
Ngày đầu Hà Nội đi học lại, chưa có diễn biến phức tạp
Chiều 4-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung cho hay trong hôm nay, trên địa bàn TP có hơn 1,2 triệu HS đến trường, nhìn chung các trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. “Hiện chưa có diễn biến phức tạp xảy ra, ngoài việc ghi nhận ba HS sốt cao và đã tổ chức cách ly, xét nghiệm” – Chủ tịch TP Hà Nội thông tin. Ông Chung đề nghị các trường phải phản ứng nhanh, thực hiện cách ly, xét nghiệm ngay các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Phải đeo khẩu trang liên tục trong tiết trời nắng nóng
Thời tiết Hà Nội ngày đầu tiên trở lại trường không được thuận lợi cho HS khi nắng nóng đang vào cao điểm. Nhiều HS cảm thấy khẩu trang khá vướng víu và gây khó cho giờ học.
“Em rất cố gắng nhưng thời tiết nóng nực mà phải đeo khẩu trang liên tục năm tiết liền, ngồi trong lớp cảm giác khá ngột ngạt. Chỉ mong hết dịch để có thể thoải mái hơn” – PHT, HS Trường THCS Thanh Xuân, Hà Nội, nói.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: 'Không dồn ép học sinh dẫn tới học quá tải'
Chiều nay, 4.5, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã đến thăm thầy trò Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu tiên học sinh trường này trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ học phòng dịch Covid-19.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng - ẢNH TUỆ NGUYỄN
Trước nghỉ dịch là 47 lớp, nay thành 94 lớp
Bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, cho biết tuần đầu tiên đón học sinh trở lại, trường đã tách mỗi lớp thành 2 lớp nhỏ, đồng thời kết hợp học online nhằm đảm bảo quy định giãn cách. Như vậy, trước đây có 47 lớp thì nay thành 94 lớp nhỏ.
Cụ thể, khối 12 tách đôi lớp (30 lớp nhỏ) và được ưu tiên học tại trường vào tất cả các buổi sáng trong tuần, bắt đầu từ 4.5. Khối 11 tách đôi lớp (32 lớp nhỏ), học tại trường vào chiều thứ 2, 3, 4 và học online các buổi chiều 5, 6, 7. Khối 10 tách đôi lớp (32 lớp nhỏ) học tại trường vào chiều thứ 5, 6, 7 và học online vào chiều thứ 2, 3, 4.
Theo bà Huyền, học sinh bắt đầu đến trường học trực tiếp sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19 nhưng vẫn tiếp tục học trên truyền hình, học online. Lịch học của học sinh sẽ được thực hiện theo thời khóa biểu được thông báo tại website nhà trường.
Vừa mừng vừa lo ngày học sinh trở lại trường giữa đại dịch Covid-19
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau khi có quyết định của UBND thành phố Hà Nội cho học sinh trở lại trường từ ngày 4.5, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường đón học sinh trở lại an toàn.
Trên cơ sở đó, các trường xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết phù hợp với điều kiện của trường để đón học sinh. Thời gian này, các trường vẫn kết hợp giữa dạy trực tiếp và dạy học từ xa để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian mà Bộ đã quy định.
Theo ông Dũng, Sở đã tiến hành 3 đợt tập huấn với cán bộ, giáo viên từng cấp học về công tác phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh ngay trước ngày đón học sinh trở lại trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua theo dõi các phương tiện truyền thông và trực tiếp trò chuyện với học sinh, giáo viên các nhà trường, Bộ đánh giá rất cao công tác chuẩn bị chu đáo, bài bản của ngành GD-ĐT Hà Nội.
"Tôi có hỏi các cháu học sinh ở gần nhà tôi thì thấy các cháu rất hiểu biết về kiến thức, kỹ năng phòng dịch. Điều đó chứng tỏ các cháu được nhà trường và gia đình hướng dẫn chu đáo", ông Nhạ nói.
Ông Phùng Xuân Nhạ rửa tay trước khi vào trường bằng "máy rửa tay tự động" do thầy trò Trường THPT Phan Đình Phùng tự chế tạo - ẢNH TUỆ NGUYỄN
Lễ chào cờ đặc biệt ngày học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết kỷ lục
Giáo viên dạy vất vả hơn có tâm tư gì không?
Làm việc với Trường THPT Phan Đình Phùng, ông Phùng xuân Nhạ đặt câu hỏi: "Lớp học chia đôi, giáo viên phải làm việc gấp đôi, vất vả hơn nhiều. Vậy các thầy cô có tâm trạng như thế nào?". Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhâm Huyền cho biết: "Sau bao nhiêu ngày nghỉ và dạy học trực tuyến ở nhà, hầu hết giáo viên đều có tâm trạng mong ngóng ngày học sinh được trở lại trường để dạy học trực tiếp. Do vậy, với lòng yêu nghề, các giáo viên sẵn sàng nhận phần vất vả về mình".
Tuy nhiên, bà Huyền cũng bày tỏ hy vọng việc giãn cách, chia nhỏ lớp học chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, chỉ một vài tuần để giáo viên và các nhà trường không phải làm việc với cường độ căng thẳng và áp lực quá dài.
Sau khi đến thăm các lớp học và lắng nghe chia sẻ của học sinh, giáo viên, ông Phùng Xuân Nhạ lưu ý, mặc dù nước ta đang kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng khi học sinh trở lại trường, ngành GD-ĐT và mỗi nhà trường cần đề cao cảnh giác, đảm bảo an toàn cho học sinh lên trên hết.
"Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiến hành các biện pháp phòng dịch một cách đối phó", ông Nhạ nhắc nhở, đồng thời đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc nhưng linh hoạt các quy định về phòng chống dịch bệnh, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường.
Ông Nhạ cũng yêu cầu, sau 1 tuần học sinh trở lại trường, ngành GD-ĐT mỗi địa phương và từng trường cần đánh giá lại công tác phòng ngừa dịch bệnh, phương án giãn cách học sinh, kết hợp giữa 2 hình thức dạy từ xa và dạy trực tiếp,... đã phù hợp chưa, để điều chỉnh dần theo diễn biến của tình hình thực tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng - ẢNH Đ.QUANG
Không dồn ép học sinh học và kiểm tra quá căng thẳng
Về nội dung học tập, kiểm tra đánh giá với học sinh sau khi trở lại trường, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị các trường không dồn ép học sinh dẫn tới học quá tải, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết.
Theo ông Nhạ, trừ lớp 12, với những khối lớp còn lại, nếu thời gian học quá eo hẹp, nếu cần thiết có thể để lại một số nội dung để dạy bổ sung cho học sinh vào đầu năm học sau. Các trường cần quan tâm tập trung chuẩn bị cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 ôn thi, quan tâm đến hỗ trợ về mặt tâm lý cho học sinh...
Ông Nhạ cũng hứa Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay để các trường an tâm và có căn cứ ôn tập phù hợp. Tinh thần là đề thi năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái nhưng Bộ sẽ vẫn đảm bảo giám sát và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc tất cả các khâu của kỳ thi, đảm bảo một kỳ thi công bằng.
Bình Phước: Học sinh trở lại trường học được tặng khẩu trang, khai báo y tế Hàng chục ngàn học sinh các cấp học tại Bình Phước đã trở lại trường học trong sáng nay. Trẻ mầm non được đo thân nhiệt tại cổng trường trước khi vào lớp - HOÀNG GIÁP Sáng 4.5, cùng với cả nước, đồng loạt các trường học trên địa bàn tỉnh Bình Phước bắt đầu mở cửa đón học sinh quay trở lại...