Nhiều nước cũng đánh thuế bất động sản
Thuế bất động sản là một nguồn thu ngân sách bền vững hàng năm của nhiều nước trên thế giới và giúp thị trường phát triển lành mạnh và chống đầu cơ.
Ngày 1 – 11, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Thành ủy TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM, Cục thuế TP.HCM… về thông tin đánh thuế người có căn nhà thứ 2 trở lên.
Theo đó, HoREA hoan nghênh Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề án đánh thuế bất động sản, nhất là đối với người có từ nhà thứ 2 trở đi. “Sắc thuế này sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, chống đầu cơ, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Ông Châu cho biết thêm, sắc thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.
Theo HoREA, nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế bất động sản. Chẳng hạn, ở Mỹ việc đánh thuế bất động sản do các tiểu bang quy định. Mỗi tiểu bang có thuế suất khác nhau. Tại bang California, thuế suất là hơn 1,2%/giá trị bất động sản/năm. Còn tại bang Texas, thuế suất là hơn 4%. Thuế suất ở các bang tại Mỹ khác nhau là do giá trị bất động sản ở các bang khác nhau.
Hàn Quốc áp dụng mức thuế khác nhau đối với các dòng sản phẩm bất động sản như đánh thuế 0,15 – 0,5% đối với nhà riêng, 0,25% đối với nhà chung cư, 4% đối với biệt thự, nhà trong khu sân golf, các khu vui chơi giải trí và 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Mức thuế được tính trên bảng giá đất do địa phương ban hành.
Thuế bất động sản được kỳ vọng sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh
Singapore đánh thuế bất động sản thứ 2 rất cao. Thuế này có tên là thuế tài sản phụ trội, áp dụng từ năm 2013 trên bất động sản thứ 2 và lên đến 7% trên giá mua nhà, 10% đối với bất động sản thứ 3.
Tại Nhật, mức thuế bất động sản từ 1,4 – 2,1% trên giá trị cả nhà và đất tính theo giá thị trường và được điều chỉnh 3 năm một lần. Còn nước Anh mới vừa đánh thuế tài sản phụ trội lên bất động sản thứ 2 kể từ ngày 1 – 4. Đối với bất động sản thứ 2 có giá trên 40.000 bảng, người mua phải nộp thêm 3% so với mức thuế thông thường. Nhà có giá trên 1,5 triệu bảng thì mức thuế lên tới 15%.
Video đang HOT
“Ở nước ta mới chỉ đánh thuế sử dụng đất ở chứ chưa đánh thuế tài sản nhà ở. Đất ở tại đô thị là đối tượng chịu áp dụng thuế suất 0,03% trên bảng giá đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức. Áp dụng thuế suất 0,07% đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức và thuế suất 0,15% đối với phần diện tích đất ở vượt trên 3 lần hạn mức. Tại TP.HCM, giá đất tính thuế được tính theo bảng giá đất chỉ bằng khoảng 30% giá đất thực tế trên thị trường nên mức thuế phải nộp rất thấp so với giá trị thật”, ông Châu nói.
Trong việc đánh thuế người có căn nhà thứ 2 trở lên, HoREA kiến nghị không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng và nhà cấp 4 trở xuống.
Đồng thời, miễn thuế này cho các hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở quá chật,nay mua thêm nhà thứ 2, 3… nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200m2.
“Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản. Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia. Trong đó có cơ sở dữ liệu nhà ở quốc gia để biết rõ người đang sở hữu nhà ở”, ông Châu nói.
Trước đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên. Cách tính thuế như thế nào thì chưa được quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc đánh thuế với nhà đã từng được đưa vào dự thảo Luật Thuế nhà, đất từ năm 2009.
Dự thảo luật này đưa ra ba phương án tính thuế nhà. Sau khi lấy ý kiến, trong báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách đề xuất chọn phương án thu thuế đối với người sở hữu nhà thứ hai trở lên và với mức thuế suất áp dụng là 0,03%.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng đây là phương án tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, về cơ bản sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bảo đảm mỗi người dân có một căn nhà không thuộc diện chịu thuế, mức thuế suất thấp là 0,03% nên sẽ tác động không lớn tới tâm lý và đời sống kinh tế của người dân.
Sắp tới đây, Bộ Tài chính sẽ đưa ra phương án nào, mức thuế cụ thể ra sao… còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế, ý kiến góp ý.
NGUYỄN DUY
Theo_PLO
"Năm 2017 chưa đánh thuế nhà thứ hai trở đi"
'Quy định đánh thuế sở hữu nhà từ cái thứ hai, thứ ba trở đi mới chỉ là định hướng'. Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi, trước thông tin từ năm tới cơ quan thuế sẽ tiến hành đánh thuế nhà thứ hai đối trở đi đối với những người sở hữu nhiều bất động sản.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu, việc đánh thuế nhà ở thứ hai là giải pháp tốt để hạn chế đầu cơ bất động sản."Tương lai chắc chắn sẽ thu"
Trong khi đó, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, cho biết Bộ đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có từ 2 - 3 nhà trở lên.
Tuy nhiên, theo ông Hải, nhiều khả năng trong năm 2017 chưa thể áp dụng sắc thuế này vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ. Còn trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu, không chỉ vì ngân sách khó khăn mà các nước họ đã đánh thuế này từ nhiều năm nay rồi.
Trước đây, trong quá trình xây dựng Luật Thuế nhà đất, Bộ Tài chính cũng từng đưa ra ba phương án tính thuế nhà ở.
Trong đó, phương án 1 là chỉ thu đối với nhà thứ hai trở lên theo thuế tuyệt đối. Nhà dưới hai tầng không thu thuế, nhà từ hai tầng trở lên có mức thu là 2.000 đồng/m2/năm. Nhà cấp 3 và chung cư thu 1.000 - 4.000 đồng/m2/năm.
Phương án 2 là thu theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỉ đồng mới chịu thuế 0,03%.
Phương án 3 là thu thuế phần diện tích nhà trên 200 m2. Nhà cấp 4 không thu thuế, còn nhà hai tầng trở lên thì thu 2.000 - 4.000 đồng/m2/năm. Với nhà chung cư thì thu từ 1.000 - 3.000 đồng/m2/năm tùy loại nhà.
Trao đổi với PV, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng ông rất tán thành việc đánh thuế nhà ở đối với những người có từ hai nhà trở lên. Thậm chí, theo chuyên gia này, Việt Nam giờ mới tính đến sắc thuế này là hơi muộn.
"Muốn thị trường bất động sản phát triển ổn định, xã hội bớt chênh lệch giàu nghèo, bất công bằng thì càng phải đánh mạnh thuế nhà ở thứ hai, ngay cả nhà quá rộng, biệt thự hàng trăm m2 cũng phải đánh thuế", ông Võ nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng khuyến cáo, phải tăng thuế nhà đất đối với các khu vực đô thị, các thành phố lớn, vì người dân ở đây đều được hưởng các hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn khu vực nông thôn. Phải đánh thuế cao để tái đầu tư công trình ngay tại đó và san sẻ cho các khu vực thiệt thòi khác.
Phải đảm bảo công bằng
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu, việc đánh thuế nhà ở thứ hai là giải pháp tốt để hạn chế đầu cơ bất động sản.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng cần xem xét thực tế đối với từng trường hợp cụ thể. Bởi với việc đánh thuế từ nhà thứ 2, thứ 3 nhưng hiện nay ngay tại Tp.HCM có nhiều nhà mua cả 3 căn hộ thì diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100m2, trong khi đó, có người mua một căn biệt thự đã lên tới hàng trăm m2.
Theo chuyên gia này, câu hỏi đặt ra là liệu có công bằng với những người sở hữu nhiều nhà, diện tích bé bị đánh thuế trong khi có người mua một căn nhà nhưng diện tích lớn lại không bị đánh thuế?
Bên cạnh đó, cũng giống như quan ngại của một số chuyên gia khác, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc làm sao để xác định được đâu là căn nhà thứ ba, căn nhà thứ ba là một việc "cực kỳ khó khăn".
Ủng hộ quan điểm đánh thuế nhà ở thứ hai trở đi, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, đó là một sắc thuế bình thường và nên phải thực thi để giống với thông lệ quốc tế.
"Thuế bất động sản là nguồn thu duy nhất của các đô thị chứ làm gì có đất mãi để bán. Chúng ta cần nghiên cứu, có đề án cụ thể, đưa ra lộ trình và cách thức đánh thuế cho phù hợp. Về cách thức, có thể áp dụng tương tự như cách đánh thuế thu nhập cá nhân là theo định mức, tùy theo các tiêu chí như vị trí của tài sản, hay diện tích căn nhà", ông Lịch khuyến cáo.
Theo VnEconomy
Bất động sản TP.HCM: Xuất hiện sóng ngầm đầu cơ Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây cho thấy tình trạng đầu cơ bất động sản đang xuất hiện trở lại, tuy không rầm rộ như trước, nhưng là con sóng ngầm trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, địa bàn TP.HCM có khoảng 45.000 căn hộ mới được mở bán, chưa kể số căn còn tồn dư....