Nhiều người ủng hộ đề xuất dạy học theo tín chỉ ở bậc THCS và THPT của TP.HCM
Những đề án giáo dục với cơ chế mở của TP.HCM như rút ngắn thời gian năm học, đào tạo theo hình thức tín chỉ, tự công nhận tốt nghiệp…đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhiều người ủng hộ đề xuất dạy học theo tín chỉ ở bậc THCS và THPT của TP.HCM
Ông Đào Tuấn Đạt – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Trường THPT Anhxtanh Hà Nội : “TP.HCM đề xuất cho học sinh THCS và THPT học theo hình thức tín chỉ sẽ giúp những học sinh giỏi không phải học chậm để chờ những em có lực học yếu như hiện nay.
Ngược lại đề xuất của TP.HCM còn giải quyết được bài toán chọn môn học tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giúp rút ngắn thời gian đào tạo lại, tạo sự linh hoạt trong lớp học. Đồng thời cũng giúp cho học sinh có thời gian tập trung vào những mục tiêu khác phục vụ cho tương lai như các chứng chỉ vào trường ĐH quốc tế…”.
Còn Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – giáo viên tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho hay: “Việc đào tạo rút ngắn thời gian học cho học sinh theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Hiện nay có rất nhiều học sinh giỏi các em đủ khả năng để kết thúc chương trình THPT trước 18 tuổi nhưng lại không thực hiện được điều đó vì phải học theo đúng khung chương trình 9 tháng/năm như hiện nay, lãng phí không ít thời gian.
Tôi nghĩ rằng cho phép học sinh học rút ngắn thời gian học sẽ tạo nhiều cơ hội và đem đến nhiều sự lựa chọn cũng như chủ động hơn cho các kế hoạch trong tương lai.
Cùng với đó, nếu học theo tín chỉ, các em có thể chủ động lựa chọn những môn học mà phù hợp với sở trường của các em. Nó còn giúp cho các em được tiếp cận với cách học ở bậc ĐH. Tất nhiên, việc hoàn thành chương trình học còn phụ thuộc vào khả năng nhận thức cũng như tư duy của các em.
Video đang HOT
Các em cũng sẽ chủ động thời gian học và phát huy hết năng lực của mình và dành thời gian để tìm hiểu và trải nghiệm những kiến thức vừa học vào thực tế cuộc sống của chính các em.
Đó là chưa kể, học qua mạng là hình thức không còn xa lạ đối với nhiều người. Thực tế là nhiều em không có nhu cầu đến trường và muốn học online thì cũng có thể cho các em ở nhà tự nghiên cứu và sẽ tổ chức thi tập trung theo đề chung”.
Một phụ huynh học sinh tại quận 1 (TP.HCM) : “Tôi rất ủng hộ những đề xuất mới này của TP.HCM, nhất là việc cho các em học theo hình thức như tín chỉ tại các trường ĐH. Bởi lẽ, các em có năng lực có thể dễ dàng đạt được mục tiêu của mình trong thời gian ngắn và dành thời gian làm được nhiều việc hữu ích hơn thay vì “đóng đinh” cứ 18 tuổi mới học xong bậc THPT.
Là người lớn chắc hẳn chúng ta cũng rất áp lực nếu phải làm những việc mà chúng ta không thích. Và đương nhiên làm những việc không thích thì kết quả cũng sẽ không như mong muốn. Vì vậy, cho học sinh học 8 môn bắt buộc còn lại cho các cháu tự chọn môn học nào mà các cháu thấy phát huy được năng lực cũng như sở trương của mình là hợp lý”.
Được biết, đến quý II năm 2018 TP.HCM sẽ sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy để quyết chủ trương, đồng thời báo cáo Bộ GD&ĐT để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Nếu được Chính phủ thông qua sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2019 – 2020 và tất nhiên sẽ không áp dụng đại trà ngay mà thí điểm ở một số cơ sở giao dục có đủ điều kiện trên nguyên tắc: Tôn trọng quyền tự nguyện đăng ký của học sinh.
Theo Infonet.vn
TP. Hồ Chí Minh đề xuất dạy học như tín chỉ ở cấp THCS và THPT
Hiện nay, TP Hồ chí Minh đang xây dựng những đề án riêng phục vụ cho chiến lược riêng, nhất là những đề án liên quan đến giáo dục rất được thành phố này quan tâm.
TP. Hồ Chí Minh đề xuất dạy học như tín chỉ ở cấp THCS và THPT (ảnh minh họa)
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc tạo cơ chế mở cho giáo dục TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM sẽ thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện nếu đề xuất tạo cơ chế mở cho giáo dục được thông qua. Đây là một trong những nội dung của đề án phát triển giáo dục đào tạo tại TP.HCM đến năm 2030.
Liên quan đến những đề án giáo dục với cơ chế mở, vừa qua UBND TP.HCM đã đề xuất tạo cơ chế mở trong giáo dục. Cụ thể, thay vì thực hiện cứng nhắc đủ 9 tháng/năm học như hiện nay, các trường có thể rút ngắn, kéo dài hoặc giữ nguyên 9 tháng, tùy từng điều kiện cụ thể.
Tùy theo tình hình mà học sinh có thể nghỉ hè suốt 3 tháng hoặc chỉ nghỉ 1-2 tháng hè. Các em có nhu cầu có thể đăng ký học trong hè để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình bậc học, sớm tiếp cận bậc học cao hơn gần giống như sinh viên học tín chỉ tại các trường ĐH hiện nay. Điều đó có nghĩa là nếu học sinh không thể hoàn thành chương trình năm học trong 9 tháng thì có thể học bổ sung vào thời gian sau đó chứ không nhất nhất đóng khung chương trình 9 năm như hiện nay.
Đề án của TP. Hồ Chí Minh cũng dự tính mỗi năm học chỉ có 8 môn bắt buộc, còn các môn còn lại học sinh được tự chọn và có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm sau đó.
Cũng theo báo cáo mà UBND TP.Hồ Chí Minh gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cơ cấu giờ, tiết học cũng sẽ trở nên linh hoạt.
Học sinh hoàn toàn có thể chủ dộng đăng ký học một hay hai buổi/ngày tùy thời gian nào thuận tiện. Sĩ số lớp học cũng được phép linh hoạt theo loại hình trường: Trường chuyên, trường tiên tiến - hiện đại, trường bình thường...
Ngoài ra với những địa phương mà địa hình phức tạp, học sinh phải đi tàu đi học khá nguy hiểm nên tỉnh cũng đề xuất đa dạng hình thức học cho các em như qua mạng, tự học ở nhà, ở trường... Theo đó cũng sẽ có những quy định riêng trong vấn đề quản lý như: Học sinh sẽ đăng ký ở đâu để được hướng dẫn và nhận tài liệu tự học ở nhà, trao đổi cách học với giáo viên ra sao, học sinh phải tham gia những bài kiểm tra nào, học sinh phải đạt những tiêu chí để được công nhận tốt nghiệp...
TP.HCM cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép địa phương được tự thực hiện kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, Sở GD&ĐT TP. Hồ chí Minh sẽ giao quyền tự chủ giảng dạy cho nhà trường và giáo viên, cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của mỗi bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy thích hợp, liền môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá học sinh... và quan trọng là nhà trường sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Để thực hiện việc tự chủ công nhận tốt nghiệp thì TP.HCM sẽ có bài thi chuẩn nhằm kiểm tra và công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh trên địa bàn. Theo cách này thì mức độ yêu cầu của đề thi giữa các địa phương có thể khác nhau phụ thuộc trình độ thực tế học sinh ở địa phương đó là chuyện có thể chấp nhận được miễn là kỳ thi diễn ra nghiêm túc và đúng quy chế.
Theo thời gian địa phương nâng dần chất lượng học sinh và đề thi tiệm cận với trình độ chung của quốc gia. Khi đó sẽ không còn lo việc chạy theo thành tích ảo mà bỏ quên chất lượng thực chất.
Liên quan đến những đề xuất trên, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay: "Những đề xuất trên nhằm mục đích phát triển giáo dục của thành phố đến năm 2030.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đây chỉ mới là đề xuất chờ phê duyệt, khi nào được thông qua chính thức chúng tôi sẽ đưa ra những nội dung cụ thể với từng đề xuất trên cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Tất nhiên, chúng tôi cũng dự đoán được những khó khăn trong những đề xuất này".
Theo Infonet
Nghệ An: 10 tiến sĩ đang công tác tại các trường THPT Theo báo cáo của Công đoàn giáo dục tỉnh Nghệ An tại Đại hội khóa XIX, nhiệm kỳ 2017-2022 ngày 26.12, bậc THPT của tỉnh có 10 cán bộ, giáo viên có trình độ tiến sĩ, 2 người đang làm nghiên cứu sinh. Đại hội XIX Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An đã bầu ra BCH do đồng chí Đặng Văn Hải...