Nhiều người trẻ quên bài học đầu đời về văn minh công cộng
Bài học đầu đời về văn minh công cộng được dạy trong cuốn sách Đạo Đức 1, nhưng nhiều bạn trẻ đã lãng quên. Họ ngang nhiên vi phạm luật giao thông, vẽ bậy, hái hoa, bẻ cành…
Văn hóa ứng xử của một bộ phận người trẻ là vấn đề bức xúc của nhiều người. Những bài học cư xử văn minh nơi công cộng đã được nhà trường đưa vào chương trình học ngay từ lớp 1. Cô Nguyễn Thu Thủy, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ, thời nào, thế hệ nào, nhà trường và cha mẹ cũng đều dạy học trò cư xử văn minh, lịch sự, đúng mực.
Cuốn sách Đạo Đức lớp 1 xuất bản năm 1993 đưa những bài học về an toàn giao thông, không hái cây bẻ cành, giữ trật tự nơi công cộng… vào bài học. Qua các hình vẽ đơn giản, lời thơ ngắn gọn, dễ thuộc, học sinh sẽ ghi nhớ bài học lâu hơn, hiệu quả hơn.
Bài học “Đi bộ trên vỉa hè, tránh nhau phía tay phải” gắn liền những người sinh năm 1980, đầu 1990. Bạn Trần Hà My (sinh năm 1990, sống tại Hà Nội) cho biết: “Ngày xưa, đường xá đơn giản, xe cộ chưa nhiều như bây giờ, các bài học đạo đức dạy về an toàn giao thông cũng dễ hiểu, dễ nhớ”. My nói thêm, hình ảnh “ba bạn Hùng, Thắng, Nam xấu hổ xin lỗi chú lái xe” đã in sâu vào trí nhớ của một lứa học sinh, nhắc nhở người trẻ luôn đi bộ trên vỉa hè, không đi dưới lòng đường, tuân thủ luật lệ giao thông.
Hà My cho rằng, hiện nay, giáo dục đã có nhiều thay đổi, cơ sở vật chất được chú trọng hơn, sách giáo khoa đổi mới nhiều, nhưng nhà trường và nhiều phụ huynh chưa có phương pháp dạy trẻ cư xử văn minh nơi công cộng, đôi khi chính phụ huynh cũng không làm gương cho con. “Ra đường, nhiều bé đi theo cha mẹ, mà chính cha mẹ vứt rác, khạc nhổ bừa bãi, vượt đèn đỏ”.
“Khi lớn lên, chính các em sẽ lại nói tục, vi phạm luật lệ an toàn giao thông, xả rác bừa bãi,…”, My bức xúc nói. Muốn trẻ hình thành văn hóa, cư xử văn minh nơi công cộng, bên cạnh kiến thức trong sách, cần có sự hướng dẫn, giảng dạy, làm gương từ cha mẹ, anh chị. “Hãy giúp con nhỏ có ý thức từ việc đơn giản nhất”, chị Thanh Hương (sinh năm 1983) nói.
Video đang HOT
Bài học “Không bẻ cành, hái hoa, phá hỏng cây non” đã được đưa vào sách giáo khoa Đạo Đức từ năm 1993. Thế nhưng tận bây giờ, nhiều bạn trẻ vẫn chưa làm được điều này. Để có một bức ảnh đẹp, muốn đi đường tắt, vì không chú ý quan sát, các bạn trẻ ngày nay vẫn thường xuyên hồn nhiên dẫm lên cỏ, vứt rác ra vườn hoa, trèo cây, vượt tường.
Bài học đầu đời về văn minh công cộng, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống bị nhiều bạn trẻ lãng quên. Vô số bạn cho rằng, đó là chuyện nhỏ, không quan trọng. Để rồi sau mỗi ngày hội hoa, chúng ta lại phải chứng kiến những bãi cỏ, luống hoa bị đạp nát. Đêm giao thừa hàng năm, sau màn bắn pháo hoa đón năm mới, đám đông rời đi sẽ lộ ra đường vỏ nilon, chai nhựa.
Bức tranh “Những việc em cần tránh, không hái hoa, trèo cây, dẫm lên cỏ” được dạy năm 6 tuổi này có lẽ không còn nhiều bạn trẻ nhớ. Vì mỗi năm, vào mùa hoa tam giác mạch, chúng ta lại được đọc những bài báo “kêu trời” của các chủ vườn hoa. Họ kể về những “nam thanh nữ tú” thản nhiên đạp lên hoa chỉ chỉ vì chụp bức ảnh đẹp. Anh Mạnh Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, đêm Countdown Heinekein 2016 vừa rồi, anh rất xót xa khi chứng kiến bạn nam thẳng chân đạp đổ những chậu hoa trong công viên để kiếm một chỗ đứng. “Cậu bạn ấy khoảng 16-17 tuổi, sống giữa thành phố nhưng cư xử như ‘người rừng’ vậy. Thật thiếu văn minh”, anh Linh nhớ lại.
Văn minh nơi công cộng, tôn trọng cảnh quan, tuân thủ luật lệ giao thông… là những bài học chúng ta được dạy từ khi còn mới bước chân đến lớp. Kiến thức ấy tưởng đơn giản mà vô cùng quan trọng. Ăn mặc đẹp, ý thức cũng phải đẹp. Hãy quan tâm đến mọi người xung quanh, cùng nhau bảo vệ môi trường sống, hành xử văn hóa trước đám đông. Xin đừng quên những bài học “vỡ lòng” chúng ta từng được học từ cuốn sách Đạo Đức 1 năm nào.
Theo Zing
Sách Đạo Đức lớp 1 xưa và nay khác nhau thế nào?
Sau khi bộ ảnh về sách giáo khoa Đạo Đức lớp 1 được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến nhận xét sách Đạo Đức xưa hay và khác ngày nay quá.
Nếu trước đây, học sinh lớp 1 học môn Đạo Đức với cuốn sách giáo khoa (SGK) duy nhất, thì ngày nay, các em được dạy qua Sách bài tập Đạo Đức và Vở bài tập Đạo Đức... Một số trường sử dụng thêm cuốn Thực hành Kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1.
Cô Nguyễn Thu Thủy, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết hiện chỉ có SGK Đạo Đức dành cho giáo viên. Cô nhận xét: "Sách xưa có màu sắc bắt mắt, hình vẽ chân thực. Mỗi trang là một bài học với tranh vẽ rõ ràng". Đánh giá về sách hiện nay, độc giả Lương Trang (32 tuổi), phụ huynh có con học lớp 1 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói các nét vẽ không được chăm chút, tranh sử dụng ít màu gây nhàm chán.
Cùng dạy "Cảm ơn và xin lỗi", sách Đạo Đức của thế hệ 8X, đầu 9X sử dụng hình tượng Thỏ con, bác Gấu, Sóc nâu, cùng bài học đơn giản, dễ hiểu như: Tới nhà bác Gấu, Thỏ con vô ý làm đổ bình mật ong. Thỏ con vội xin lỗi bác Gấu. Bác Gấu hết giận, còn cho Thỏ con ăn mật ong. Còn SGK mới yêu cầu học sinh nhìn tranh, và trả lời câu hỏi: Các bạn trong tranh đang làm gì, vì sao các bạn làm như vậy, có thể học tập được các bạn điều gì...
Đều sử dụng truyện ngụ ngôn "Thỏ và Rùa", nhưng 2 cuốn sách có những điểm khác biệt rõ ràng. Trong khi các nhân vật ở sách Đạo Đức lớp 1 cũ gần gũi, sinh động với bộ đồng phục học sinh (quần soóc kaki, áo phông, cặp sách), thì ở sách mới, Thỏ và Rùa trông khá xa lạ, không chân thực.
Bài "Vâng lời thầy cô giáo" trong sách xuất bản năm 1993 có bối cảnh lớp học thân quen của những năm 80, 90. Còn bài "Lễ phép, vâng lời thầy cô giáo" ra đời năm 2015 có nét vẽ mang hơi hướng NHật Bản, Hàn Quốc.
Ở bức tranh của cuốn sách mới này, các em học sinh tiểu học nhưng không hề có khăn quàng đỏ.
Facebook mang tên Linh Phạm đưa ý kiến: Bài học "Giữ trật tự khi nghe giảng", ở sách xuất bản năm 1993, bài học được vẽ sinh động, nét vẽ rõ ràng, bối cảnh lớp học phù hợp những năm 80, 90. Còn sách cải cách nét vẽ không bằng.
Nhìn qua hai bức vẽ khá giống nhau, nhưng hình ảnh sách cũ mang lại sự hứng thú cho học sinh hơn hẳn, bạn đọc Nguyễn Hà nhận xét.
Cuốn sách cũ với cách tiếp nhận và giải quyết vấn đề khá "chân phương", học sinh có thể nhớ và hiểu vấn đề bằng hình ảnh giản dị, lời thơ ngắn gọn, dễ thuộc. Còn SGK hiện nay thiên về nêu vấn đề, yêu cầu các em tự tư duy, suy nghĩ qua các bài tập, câu hỏi, trò chơi. Trẻ cần nhờ cô giáo hoặc cha mẹ giúp đỡ.
Lê Hải Đoàn, tác giả của bộ ảnh "Đạo Đức 1" tâm sự, cậu mê mẩn cuốn sách cũ vì quá đẹp, nét vẽ giản dị, bối cảnh gần gũi, nội dung cô đọng, viết dưới dạng thơ 4 chữ nên rất dễ thuộc. Hải Đoàn thừa nhận cuốn sách nào cũng hướng đến những điều tốt đẹp, không thể nói là sách bây giờ không hay, nhưng cách người biên soạn ngày xưa rất dễ hiểu. Chàng trai nhận định: "Lớp 1 thì không cần nghĩ nhiều, chỉ cần một vài bức tranh là đủ để các em tiếp thu kiến thức cơ bản".
Chị Tú Quyên (Minh Khai, Hà Nội) sinh năm 1982, con chị đang học lớp 1 tại quận Hai Bà Trưng. Thế hệ chị Quyên vẫn học những cuốn sách khổ 15x20cm, giấy vàng, bìa mỏng. Con trai chị đang học sách theo chương trình cải cách của Bộ GD&ĐT. Chị kể: "Thời của mình, thiếu thốn đủ kiểu, truyện tranh luôn được xếp vào loại xa xỉ phẩm". Nữ phụ huynh chia sẻ, Đạo Đức, Tiếng Việt, Tập Đọc là những cuốn sách gối đầu giường của thế hệ 8x và 9x cũ.
Nhưng chị Quyên cũng thẳng thắn: "Xã hội bây giờ rắc rối và nhiều vấn đề hơn ngày xưa, nên môn Đạo Đức cũng yêu cầu nhiều hơn, không chỉ có mấy bài như cuốn sách ngày xưa". Bên cạnh đó, chị cũng nêu ý kiến thế hệ trước chủ yếu đọc thuộc lòng, học vẹt, còn bây giờ, trẻ em cần phát triển tư duy, tự suy luận, nên cấu trúc bài học thế này là phù hợp.
Theo Zing
'Sách Đạo Đức ngày xưa hay thế' "Cuốn sách tuổi thơ, đọc mấy trang sách mà thấy lòng bình yên đến lạ. Sách Đạo Đức ngày xưa hay thế". Đó là những lời nhận xét của cộng đồng mạng về bộ ảnh sách "Đạo Đức 1". Ngày 13/3, fanpage Sách đẹp đăng tải ảnh chụp cuốn sách Đạo Đức 1 với dòng bình luận: "Cuốn sách của thế hệ 8x...