Nhiều người trẻ quá thụ động – Kỳ 2: Giáo dục kiểu ‘tròn vo’
Chẳng phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng cái đáng lo nhất trong giáo dục của chúng ta hiện nay chính là quan niệm không chấp nhận sự khác biệt. Điều này phổ biến từ gia đình đến nhà trường.
Minh họa: DAD
Con ngoan là vâng lời mọi thứ
Truyền thống giáo dục của nhiều gia đình VN theo kiểu mệnh lệnh từ trên xuống. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, do sự sắp xếp, bảo bọc lâu nay của cha mẹ, khiến trẻ có thói quen chờ đợi, dẫn đến thái độ sống thụ động. “Nhiều cha mẹ dán cho con nhãn mác vô cảm. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là họ không chỉ dẫn con từ nhỏ, không cho con sự tự chủ, tự tin, tự trọng”, bà Thúy nhấn mạnh.
Video đang HOT
Quát tháo thí sinh vì “dám” vào phòng hiệu trưởng
Trong ngày làm thủ tục dự thi THPT quốc gia vừa qua, chúng tôi được chứng kiến tận mắt cảnh hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM quát tháo và đuổi thí sinh ra khỏi phòng mình. Khi nhiều thí sinh tập trung trước phòng đào tạo để chỉnh sửa hồ sơ thì có một thí sinh đi tới phòng hiệu trưởng muốn phản ảnh tình trạng của mình. Ngay sau đó, hiệu trưởng đã bước ra hành lang cùng 3 bảo vệ quát tháo ầm ĩ và đuổi thí sinh này ra. 3 bảo vệ cũng bị quát tháo vì trong giờ làm nhiệm vụ mà để một thí sinh được cho là “xông thẳng” vào phòng chủ tịch hội đồng thi (tức phòng hiệu trưởng)! Nhiều người chứng kiến cảnh tượng này đều thấy “sốc” trước hành động của hiệu trưởng một trường ĐH.
Hà Ánh
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM, khẳng định thí sinh không dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, nguyên nhân sâu xa là ở gia đình và xã hội. “Các em bị bắt vâng lời từ bé. Trong gia đình, con ngoan là phải vâng lời mọi thứ, không được phản đối ý kiến bố mẹ. Khi đi học thì phải làm theo, nói theo, viết theo những gì giáo viên dạy. Phương pháp áp đặt trong gia đình và phương pháp thụ động trong giáo dục dần dần làm cho một số bạn trẻ đánh mất sự tự chủ của bản thân, trở nên quá thụ động, quá sợ hãi không dám nêu lên ý kiến của mình”, bà Thúy phân tích.
Thạc sĩ Trần Đình Dũng (tác giả quyển sách Quà của bố) cho rằng người trẻ thụ động là “nạn nhân” của tình trạng bị người lớn tước mất sự tự tin. Trong nhà, người lớn bảo bọc, răn đe con bởi họ sợ hãi những thông tin ngoài xã hội. Họ không dám cho con được trải nghiệm, rồi đe dọa, chỉ cho con được làm những gì mà họ cho phép. Ở trường, thầy cô giáo không có đủ thời gian để chăm sóc cho từng em nên đánh đồng tất cả. Em nào ngoan, vâng lời, tuân phục là tốt; còn em nào cãi lại, có những suy nghĩ khác thường là những đứa cá biệt…
Ông Dũng nhìn nhận: “Trong những môi trường như vậy, các em không dám nói thật. Và nếu có nói thật thì dễ dẫn đến xung đột, tranh cãi mà phần thua thiệt thường về phía các em đó. Lâu dần, việc nói lên sự thật sẽ bị mai một”.
Tỏ ra cảm thông, thạc sĩ Bành Thị Uyên Uyên, giảng viên Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: “Trẻ con chúng ta luôn được dạy là phải nghe lời. Đó là thói quen cố hữu, đã ngấm vô máu của các em rồi. Nhiều trẻ kể rằng ba mẹ dạy con phải ngoan. Khi tôi hỏi ngược lại ngoan là gì thì các em nói là phải nghe lời cha mẹ, dù không chắc những lời cha mẹ nói đều đúng”.
“Thời gian đâu để học sinh có ý kiến !”
Cuộc sống theo nếp đã được vạch sẵn trong gia đình, người lớn nói sao nghe vậy cũng là một quan điểm giáo dục trong nhà trường.
Chúng ta luôn quan niệm dạy một lớp học có 40 học sinh (HS) thay vì dạy 40 HS một lớp – nghĩa là không chấp nhận cái khác biệt. Giáo viên ra một lệnh và tất cả phải theo.
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc, cho biết rất hiếm giáo viên tạo điều kiện cho HS thể hiện chính kiến. “HS cũng không dám phản biện thầy cô của mình chứ đừng nói gì đến chuyện đấu tranh giành lại cái đúng”, ông Thảo nhận định. “Với chương trình giáo dục và cách thức thi cử, kiểm tra tràn lan kiến thức như hiện nay thì không có người thầy nào dám để HS thể hiện khi chưa hoàn thành nhiệm vụ dạy kiến thức vì nếu nói sẽ hết giờ”, ông Thảo nói thêm. Còn hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 thừa nhận: “Tôi từng yêu cầu giáo viên phải tạo điều kiện, khích lệ HS thể hiện, bày tỏ ý kiến của mình trong tiết học, nhưng họ nói với tôi rằng làm vậy cháy giáo án thì sao?”.
Vị hiệu trưởng này còn cho rằng thông thường giáo viên nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm với 18 đến 20 HS nên HS thoải mái thảo luận, làm việc nhóm. Trong khi lớp học hiện tại của chúng ta có sĩ số trung bình 45 thì thử hỏi giáo viên làm cách nào?
Nhiều trường cũng cố gắng tạo diễn đàn để HS phát biểu ý kiến như “Hộp thư điều em muốn nói”, nhưng trên thực tế hầu như các ý kiến của HS đều “trôi vào quên lãng”. Ở một trường học, có HS từng viết: “Mong thầy hãy trả lời, có nhiều điều thầy nói mà chưa làm đó là hạ giá thức ăn trong căn tin, lắp đặt thiết bị phòng tắm trong khu nội trú nam…”. Ông Hồ Hoàng Minh, nguyên Phó phòng Giáo dục Q.Tân Bình, TP.HCM, nói: “Chỉ lắng nghe thôi chưa đủ, nghe xong phải phản hồi để các em biết ý kiến của mình được trân trọng và quan tâm. Nếu chỉ nghe thôi mà không có hành động thiết thực, học trò sẽ không nói với mình nữa”.
Theo TNO