Nhiều ngành sư phạm trắng thí sinh, có nên giải thể bớt?
Nhiều ngành sư phạm “trắng” thí sinh trúng tuyển, vì không có người đăng ký, hoặc đăng ký nhưng không đủ mức điểm sàn như quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT). Sự thật này khiến không ít trường sư phạm địa phương lâm vào cảnh khó khăn.
Hiện nhiều trường sư phạm ở địa phương đang gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên vào học.
Các chuyên gia cho rằng nên giải thể bớt, sáp nhập những trường hoạt động không hiệu quả, để tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục.
Mô hình đào tạo sư phạm truyền thống gây lãng phí
Năm 2018, tình hình tuyển sinh của các trường sư phạm vẫn là “điểm nóng”, nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Trường Cao Đẳng sư phạm Gia Lai nâng điểm chuẩn ngành Ngữ văn lên cao để đánh trượt thí sinh duy nhất đăng ký vào ngành. Trường Đại học Hồng Đức, nhiều ngành sư phạm chất lượng cao của trường chỉ tuyển được vài sinh viên. Đặc biệt, ngành Toán chỉ tuyển được 1 sinh viên, ngành Vật lý chưa tuyển được sinh viên nào.
Nhiều trường cao đẳng sư phạm khác tình hình tuyển sinh còn ảm đạm hơn. Không ít ngành “trắng” thí sinh trúng tuyển.
Ông Trần Anh Tư – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An – thừa nhận, 3 ngành sư phạm Toán học, Văn học và Sinh học của trường chưa có thí sinh nào trúng tuyển. Không chỉ năm nay, kỳ tuyển sinh năm 2017, 3 ngành này cũng chỉ có vài thí sinh, thậm chí là không có học sinh nào nộp hồ sơ đăng ký.
Video đang HOT
Hệ Cao đẳng của Đại học Đồng Nai, Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk, Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận… cũng đang trong tình trạng thấp thỏm chờ sinh viên. Nếu không tuyển sinh được, các trường sư phạm ở địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động giảng dạy.
Trước tình hình này, GS-TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra con số thống kê hiện nay Việt Nam có hơn 100 trường có đào tạo ngành sư phạm. Trong đó, có 14 đại học sư phạm, 33 cao đẳng và 2 trung cấp sư phạm. Hầu hết trường đào tạo giáo viên thuộc hệ thống công lập.
Hiện không ít trường sư phạm ở địa phương đang gặp khó vì không tuyển được sinh viên. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, khó đủ tiềm lực trang trải, đầu tư đồng bộ cho một hệ thống trường Sư phạm cồng kềnh như hiện nay. Việc đầu tư dàn trải như vậy cũng gây lãng phí ngân sách và chưa hiệu quả.
Hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín
Đứng trước thực trạng trên, GS-TS Nguyễn Văn Minh đưa ra kiến nghị cần quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm theo hướng: Rà soát, sắp xếp để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín. Còn các cơ sở khác, các trường cao đẳng sư phạm chuyển thành các phân hiệu, các cơ sở thực hành, bồi dưỡng giáo viên ở địa phương.
Đồng quan điểm, GS-TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, cơ quan quản lý nên thực hiện quy hoạch các trường sư phạm theo hướng giải thể bớt trường hoạt động không hiệu quả. Đây là dịp để Bộ GDĐT tính toán, tinh giản biên chế các trường sư phạm.
ĐẶNG CHUNG
Theo laodong.vn
Bộ GDĐT: Trường nâng điểm chuẩn để "đánh trượt" thí sinh chỉ là giải pháp tình thế
Liên quan đến sự việc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai bất ngờ nâng điểm chuẩn để "đánh trượt" thí sinh duy nhất đăng ký vào ngành Ngữ văn của trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và trường không vi phạm quy định cụ thể nào.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT). Ảnh: Đình Tuệ
Nâng điểm để đánh trượt thí sinh chỉ là cá biệt
Mùa tuyển sinh 2018, dù điểm đầu vào đã khởi sắc, nhưng ngành sư phạm vẫn chưa thoát cảnh "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Nhiều trường không tuyển được sinh viên dù đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ.
Cá biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai còn nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh vì cả ngành có duy nhất một học sinh đăng ký. Sự việc này đã gây ra nhiều tranh cãi, không ít chuyên gia cho rằng trường làm vậy là thiếu nhân văn.
Bên lề hội thảo Giáo dục năm 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề này.
Bà Phụng cho biết, việc trường nâng điểm chuẩn để "đánh trượt" thí sinh, nếu nói về vi phạm một điều luật cụ thể nào thì trường không vi phạm, vì nhà trường có quyền xác định điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển này có phụ thuộc vào nhu cầu tuyển sinh hay không thì rõ ràng là không.
Đại diện Bộ GDĐT cũng cho rằng việc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đưa ra lựa chọn "đánh trượt" thí sinh chỉ là giải pháp tình thế, trong điều kiện trường gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.
"Việc Trường Cao đẳng sư phạm nâng điểm chuẩn để "đánh trượt" thí sinh cũng xuất phát từ thực trạng ít thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm. Khi có 1-2 học sinh đăng ký vào học, trường không đủ kinh phí để mở lớp hoặc không muốn thí sinh phải chờ đợi để mở lớp mà không còn cơ hội để học những ngành khác. Vì vậy trường phải đưa ra giải pháp này.
Chúng ta nên hiểu rằng đây là một giải pháp tình thế ở một số trường cá biệt, chứ không phải là giải pháp giải quyết cho cả hệ thống các trường sư phạm"- bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
Nghề giáo chưa hấp dẫn thí sinh
Nói về trường hợp của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) trong mùa tuyển sinh này, dù đã thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng, đảm bảo đầu ra cho sinh viên, nhưng vẫn không nhiều thí sinh mặn mà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm không chỉ phụ thuộc vào đầu ra của ngành.
"Ngay cả khi đã có địa chỉ sử dụng sau khi học mà vẫn không thu hút được, như vậy nó không phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, nó cũng chưa hẳn đã phụ thuộc vào việc làm sau khi học, mà nó sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như tính hấp dẫn của nghề nghiệp.
Nhiều người vẫn nói ngành sư phạm áp lực rất nhiều, trước dư luận xã hội, cha mẹ học sinh, trước tương lai của đất nước. Khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, khả năng làm thêm cũng rất khó khăn. Tiền lương lại chưa hấp dẫn. Chính vì những điều này khiến thí sinh chưa mặn mà với ngành sư phạm"- bà Nguyễn Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, để giải quyết bài toán thu hút người giỏi vào sư phạm cần phải có giải pháp tổng thể, tăng tính hấp dẫn của nghề. Để giải quyết được vấn đề này cần sự vào cuộc từ nhiều Bộ, ngành, một mình ngành giáo dục nỗ lực là chưa đủ.
ĐẶNG CHUNG
Theo laodong.vn
Nghệ An: Thừa giáo viên, nhiều ngành CĐSP trắng thí sinh Theo ông Trần Anh Tư - Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Nghệ An: Thực tế trên địa bàn xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt thừa nhiều giáo viên THCS các môn văn hóa, khiến việc tuyển sinh của nhà trường gặp khó khăn. Nhiều ngành sư phạm trắng thí sinh. Nhiều nỗ lực đổi mới...