Nhiều ngành học đứng trước nguy cơ không có sinh viên
Trong lúc những ngành học như Kinh tế, Quản trị, Du lịch, Công nghệ… có điểm chuẩn rất cao do năm nào cũng có đông thí sinh đổ xô vào đăng ký, thì một số ngành học khác lại có nguy cơ “xóa sổ” vì bị thí sinh “quên”.
Theo các trường, chính vì thí sinh tập trung các ngành học được cho là “hot” trên mà khi ra trường chưa hẳn các em đã dễ tìm được việc làm. Trong khi đó, xã hội đang rất cần nguồn nhân lực cho những ngành học đang bị “ế” này.
Do vậy, năm nào cũng thế, các trường đều phải vét đến nguyện vọng (NV) 3 nhưng vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Cho nên, có ngành không thể mở được lớp vì quá ít thí sinh, ngành khá hơn một chút thì xin thêm thí sinh của những ngành “bà con” mới mong đủ số lượng cho một lớp học.
Hai ngành tiếng Trung và Trung Quốc học của Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học chỉ nhận được có 5-10 hồ sơ nộp vào NV 2 nên nguy cơ “đóng cửa” là khá lớn vì theo đại diện nhà trường, NV2 đã thế thì NV3 cũng không thấy khả quan. ĐH Hùng Vương thông báo xét tuyển NV3 cho khoảng 600 chỉ tiêu bậc ĐH và CĐ với điểm xét tuyển bằng điểm sàn. Tuy nhiên được biết, một số ngành học của trường năm nào cũng trong tình trạng thiếu sinh viên dù đã xét đến NV3.
PGS.TS Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương 3 cho biết, ngành Quản lý văn hóa – chuyên ngành Âm nhạc của trường rất khó tuyển sinh. Khó vì thí sinh ngại thi vào, bởi khi thi vào ngành này thí sinh vừa phải thi kiến thức văn hóa (môn Văn, Sử) rồi lại thi thêm năng khiếu âm nhạc. Năm nay chỉ tiêu của ngành này là 55 nhưng đến nay mới có 16 hồ sơ thi vào, trường phải đợi thêm NV3 nữa xem sao. Ngành Kinh tế gia đình – chuyên ngành Dinh dưỡng cộng đồng cũng mới được phân nửa chỉ tiêu do thí sinh còn thiếu thông tin về ngành học này. Có thí sinh nghe tên ngành “Kinh tế gia đình” cứ nghĩ đây là một hình thức ôsin cao cấp phục vụ dinh dưỡng trong những gia đình nhưng thực tế đây là một ngành mà xã hội rất cần, dự báo sẽ “hot” trong thời gian tới. Sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ làm chuyên viên dinh dưỡng ở các bếp ăn công nghiệp, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học, cơ sở dịch vụ… mà khảo sát thị trường cho biết nguồn nhân lực này đang rất cần nhưng lại rất thiếu. Ngoài ra, ngành Công tác xã hội của trường cũng đang trong giai đoạn “thăm dò” chứ chưa dám mở vì e ngại không tuyển được sinh viên.
Thầy Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH Văn Hiến nêu hàng loạt ngành học bị thí sinh “bỏ quên” như: Xã hội học, Tâm lý học, Ngữ văn, Văn hóa học, Việt Nam học, Đông phương học… Thầy Hợp cho rằng, đây là điều mà nhà trường rất trăn trở, bởi đó chính là những ngành học thuộc lĩnh vực xã hội – nhân văn mà ĐH Văn Hiến rất muốn duy trì, đúng với quan điểm, hướng đi của một trường chuyên đào tạo nguồn nhân lực xã hội – nhân văn, nhưng khổ thay thí sinh lại ồ ạt đăng ký vào những ngành kinh tế, du lịch của trường. Mặc dù lúc ra thông báo trường còn ghi rõ là thí sinh có điểm thi bằng điểm sàn là đậu ngay nhưng cũng không ăn thua. Thông thường, chỉ tiêu những ngành học trên từ 50-100 nhưng hết mùa tuyển sinh chỉ có chừng 60% thí sinh nộp hồ sơ, đến ngày học lại rơi rụng thêm một ít nữa.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm cũng than vì các ngành học về cơ khí của trường chỉ tuyển có vài chục chỉ tiêu hằng năm nhưng thí sinh đăng ký vào luôn không đủ. Tương tự, các trường khác cũng cho biết, khối ngành kỹ thuật cũng chưa được thí sinh hăng hái nộp hồ sơ, trong khi đó là những ngành rất dễ tìm được việc khi ra trường. Theo đại diện các trường, có thể thí sinh chưa nắm được thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực, lại ngại học tập và làm việc trong môi trường khó khăn, nhiều khói bụi, tiếng ồn…
Theo Văn Hóa