Nhiều khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo lộ trình, năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 được triển khai cho các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10.
Dù là năm thứ 3 triển khai, nhưng thực trạng thiếu trường, lớp, đội ngũ giáo viên khiến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.
Giáo viên và học sinh tại Trường Trung học cơ sở Sương Nguyệt Anh, Quận 8 (ảnh minh họa).
Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp
Tổ chức học 2 buổi/ngày là một trong những yêu cầu để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là với bậc Tiểu học. Thế nhưng, trong điều kiện quá tải trường, lớp do số học sinh hằng năm tăng cao, mục tiêu này là một thách thức với nhiều quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày tại quận Tân Phú có tăng lên, nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp, trong đó, bậc Tiểu học chỉ đạt 27,5%, bậc Trung học Cơ sở đạt 33,37%. Đặc biệt, hiện chỉ có 8 trong số 17 trường đảm bảo được 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày.
Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú phân tích, số tiết trong một tuần của lớp 1 chương trình phổ thông mới là 25 tiết, như vậy những trường chưa đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày, chỉ cần học 6 buổi/tuần là đủ nội dung. Tuy nhiên, những khối lớp lớn hơn sẽ gặp khó khăn nếu không thể học 2 buổi/ngày. Như lớp 3, chương trình mới yêu cầu phải đảm bảo 28 tiết/tuần, lớp 4, lớp 5 phải học đến 30 tiết/tuần.
Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận Gò Vấp đạt 82,86%, trong đó bậc Tiểu học đạt 73,3%, bậc Trung học Cơ sở đạt 96,93%. Dù tăng nhẹ so với năm trước, nhưng các trường chưa đáp ứng hết nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh. Ngoài ra, ở nhiều trường, sĩ số học sinh/lớp cao cũng khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khăn.
Cô Lê Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Gò Vấp) cho biết, hiện trường có 38 lớp học ở các khối, trường cũng chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh. Ngoài ra, trường có 17 lớp có sĩ số học sinh trên 45 em, 21 lớp có sĩ số học sinh trên 40 em, điều này khiến việc tổ chức hoạt động dạy và học gặp khó khăn. Mặt khác, trang thiết bị dạy học của trường hiện chỉ đáp ứng cơ bản các hoạt động giáo dục.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, ngành đưa vào sử dụng hơn 870 phòng học mới, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường phải giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở các lớp khác chưa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời dồn cơ cấu lớp dẫn đến tình trạng một số lớp sĩ số học sinh cao.
Chưa đáp ứng đủ chất và lượng giáo viên
Nhiều năm nay, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều môn học gây ra không ít khó khăn cho ngành giáo dục Thành phố trong tổ chức dạy học. Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới và các môn tích hợp, dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nhưng giáo viên vẫn lúng túng trong tổ chức dạy do chưa được đào tạo bài bản, chính quy.
Video đang HOT
Tại Quận 6, năm học này cần tuyển 63 giáo viên bậc Tiểu học, nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 26 giáo viên. Còn bậc Trung học Cơ sở, có nhu cầu tuyển 41 giáo viên thì nay mới có 26 giáo viên được tuyển mới. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận cho biết, ở một số trường có kế hoạch tuyển dụng nhưng không có giáo viên ứng tuyển. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, các trường phải ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài. Số giáo viên thiếu chủ yếu là ở 2 môn tiếng Anh và Tin học. Ngoài khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, vấn đề nâng chất lượng giáo viên cũng được quận chú trọng thực hiện. Quận còn hơn 120 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định. Ngoài 25 giáo viên ngoài độ tuổi học nâng chuẩn, một số giáo viên đang theo học đại học hoặc đã đăng ký học nâng chuẩn.
Cũng như nhiều địa phương khác, quận Tân Phú cũng gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh. Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú chia sẻ, nguồn tuyển giáo viên của những môn này rất khó khăn. Hầu như năm nào cũng tuyển nhưng vẫn luôn thiếu. Do đó, để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, Thành phố có phương án hỗ trợ kinh phí cho các trường ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài để duy trì việc giảng dạy. Về lâu dài, Thành phố cần có thêm chính sách thu hút, đãi ngộ giáo viên để có đủ giáo viên, nhất là khi các môn Tin học, tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3. Ngoài thiếu giáo viên, khi thực hiện chương trình mới cũng có những khó khăn, nhất là những môn tích hợp, do giáo viên chưa được đào tạo chính quy mà chỉ bồi dưỡng, tập huấn.
Tương tự, quận Gò Vấp cũng thiếu 20 giáo viên tiếng Anh, 4 giáo viên Tin học bậc Tiểu học, bậc Trung học Cơ sở chủ yếu thiếu cục bộ ở các môn năng khiếu. Ngoài thiếu giáo viên, ở nhiều trường cũng gặp không ít khó khăn khi tổ chức dạy môn mới, môn tích hợp. Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Gò Vấp chia sẻ, các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) cũng như các nội dung, hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp nhiều khó khăn do chưa được đào tạo bài bản, chính quy. Đa số giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo đơn môn, nên khi được phân công giảng dạy môn tích hợp còn gặp lúng túng dù đã được tập huấn, bồi dưỡng trước đó.
Để đáp ứng yêu cầu dạy học, các trường cho rằng, ngành giáo dục cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thêm cho giáo viên đang giảng dạy. Về lâu dài, các trường đào tạo sư phạm cần có định hướng đào tạo phù hợp với chương trình học mới, để người học sau khi ra trường có thể đáp ứng yêu cầu dạy học ở chương trình mới.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học mới ngành còn thiếu hơn 5.900 giáo viên, hiện Thành phố tuyển được hơn 3.200 giáo viên. Để đảm bảo đủ giáo viên, Thành phố sẽ tổ chức tuyển đợt 2 vào tháng 10 tới. Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển như môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sở đã hướng dẫn các đơn vị chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn. Cùng với đó, Sở tiếp tục chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình mới.
Một phường ở TP.HCM với hơn 39.000 dân nhưng không có bất kỳ trường tiểu học nào
Phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú không có trường tiểu học cả công lập và ngoài công lập, là nỗi trăn trở của lãnh đạo ngành giáo dục quận.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và quận 12 thì quận Tân Phú cũng là một trong những địa phương hàng năm có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao. Đây cũng là địa phương có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp sản xuất, khu công nghiệp lớn, thu hút đông đảo công nhân khắp nơi về đây làm việc.
Chính vì vậy, mỗi năm, trước thềm năm học mới, nỗi trăn trở thiếu trường, lớp và giáo viên luôn đau đáu trong tâm tư, suy nghĩ của lãnh đạo ngành giáo dục của quận.
Phường Phú Thọ Hòa không có bất cứ trường tiểu học nào
Với tổng số dân toàn quận Tân Phú là hơn 484.000 người, dự kiến số học sinh trong độ tuổi đi học (từ mầm non đến trung học cơ sở) toàn quận trong năm học 2022 - 2023 sẽ là gần 93.700 em, tăng hơn khoảng 1.600 em so với năm học trước.
Toàn quận có 211 trường học của tất cả các loại hình, trong đó có 60 trường ngoài công lập, 97 nhóm lớp mầm non ngoài công lập và 54 trường công lập của các bậc học.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Sĩ Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú cho hay, ngành giáo dục quận đã tham mưu Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo các phường, trường thực hiện đúng theo nguyên tắc là đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn quận.
Đặc biệt là đối với con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, công nhân, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức độ 3.
Thế nhưng, ông Phan Sĩ Đạt nhìn nhận, công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn quận vẫn chưa thể theo kịp với tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn quận, nhất là đối với bậc học tiểu học.
Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận vẫn còn thấp. Cụ thể: bậc tiểu học chỉ có khoảng hơn 26% học sinh được học 2 buổi, trung học cơ sở chỉ có khoảng hơn 36,3% học sinh được học 2 buổi/ngày.
Ông Phan Sĩ Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Việc này chưa đảm bảo được kế hoạch dạy và học theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Ngoài ra, phường Phú Thọ Hòa (hơn 39.000 người dân, đứng thứ 7 toàn quận về dân số) nhưng lại không có bất cứ trường tiểu học công lập, ngoài công lập nào.
Phường Hiệp Tân thì không có trường trung học cơ sở công lập, còn phường Phú Thạnh thì lại chưa có trường mầm non công lập.
Những phường khác có dân số cao như Tân Quý (67.000 dân), Tây Thạnh (64.000 dân) hay Sơn Kỳ (46.000 dân) cũng rất áp lực về mặt trường lớp.
Nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc đủ chỗ học cho con em người dân sinh sống trên địa bàn quận, ông Phan Sĩ Đạt nói rằng, quận phải áp dụng phương án là những nơi chưa có đủ trường thì phải chuyển sang học tại những địa phương, phường lân cận.
Tất cả các trường trên địa bàn quận đều có lớp được học 2 buổi/ngày, với sĩ số bình quân ở bậc tiểu học là khoảng 45 học sinh/lớp, trung học cơ sở là 42 học sinh/lớp.
Quận Tân Phú không có trường học nào có lớp học với sĩ số 60 học sinh/lớp.
Năm học 2022 - 2023, quận Tân Phú không có trường học mới nào được đưa vào sử dụng.
Trong kế hoạch trung hạn (5 năm tới), quận Tân Phú đã có 7 dự án, công trình xây trường học đã được thành phố duyệt kinh phí, chủ yếu vẫn là bậc học mầm non và tiểu học.
Gần một năm, 50 giáo viên quận Tân Phú nghỉ việc
Ông Phan Sĩ Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú thông tin, tính từ tháng 9/2021 đến hết tháng 7/2022, có tổng cộng 50 giáo viên từ bậc mầm non đến trung học cơ sở xin nghỉ việc.
Về lý do xin nghỉ việc, ông Phan Sĩ Đạt nói rằng, theo trình bày của giáo viên thì chủ yếu vẫn là lý do gia đình, chuyển công việc khác, theo gia đình đi nước ngoài hay về nhà kinh doanh theo gia đình.
Trong năm học 2022 - 2023, toàn quận thiếu 190 giáo viên, trong đó nhiều nhất vẫn là tiểu học (86 giáo viên), trung học cơ sở (80 giáo viên), còn lại là mầm non và trường chuyên biệt.
Hiện quận vẫn đang tiến hành thực hiện việc tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục quận trong năm học sắp tới. Việc tuyển dụng phải đến cuối tháng 9 mới xong.
Theo ông Phan Sĩ Đạt, những bộ môn khó tuyển giáo viên vẫn là Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, cả ở bậc tiểu học lẫn trung học cơ sở.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú nhấn mạnh, chế độ lương, chính sách ưu đãi cho các thầy cô ở bộ môn này còn hạn chế, nên cũng khó thu hút các giáo viên theo dạy ở những bộ môn này.
Ngành giáo dục quận Tân Phú đều xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên hàng năm. Nếu không tuyển dụng đủ, hoặc chưa kịp khi năm học mới bắt đầu, các trường có thể lên kế hoạch mời giáo viên hợp đồng, hoặc thỉnh giảng từ các trường bạn.
Trước thềm năm học mới, năm học 2022 - 2023 sắp bắt đầu trong ít ngày nữa, ông Phan Sĩ Đạt chia sẻ, khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục quận là số trường tiểu học đáp ứng cho nhu cầu học sinh trên địa bàn quận Tân Phú còn nhiều khó khăn. T
Tỷ lệ học sinh ở bậc học này được học 2 buổi/ngày còn rất thấp, vẫn chưa được như mong muốn.
Trước tình hình này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận sẽ tiếp tục tham mưu Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận, Ban Quản lý dự án của quận cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trường học mới, sẽ chú ý và ưu tiên cho trường học của bậc tiểu học.
Đồng thời, sẽ tiến hành rà soát lại các trường học đã xây lâu năm, tiến hành đề xuất sửa chữa, mở rộng quy mô lớp học ở các trường
Hải Phòng: Trải nghiệm thực tế từ Chuyên đề cấp thành phố môn Công nghệ lớp 3 Chiều 16/9, Sở GD&ĐT tổ chức chuyên đề cấp thành phố: Dạy học môn Công nghệ lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018. Chuyên đề cấp thành phố môn Công nghệ lớp 3 Dự chuyên đề có ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng; PGS.TS Lê Huy Hoàng- Chủ biên chương trình môn Công nghệ, Tổng chủ biên SGK...