“Nhiêu khê” thanh lý xe vi phạm
Thủ tục để thanh lý xe vi phạm quá thời hạn tạm giữ, xe không rõ nguồn gốc bị bỏ lại… quá rườm rà, mất nhiều thời gian và thực sự không cần thiết
Theo thượng tá Trần Thanh Trà, Phó Trưởng Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an TPHCM, hiện nay để thanh lý một xe vi phạm hết thời hạn tạm giữ phải trải qua 9 bước, mất trung bình 4 tháng. Nếu bị vướng một trong 9 bước trên thì kéo dài cả năm.
Tốn công sức, mất thời gian
Cụ thể: 1 – Xác minh địa chỉ, nơi cư trú của người vi phạm, gửi giấy mời người vi phạm 3 lần để làm rõ người sử dụng phương tiện. 2 – CSGT phối hợp với Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP giám định số khung, số máy để xác định số khung số máy nguyên thủy và truy nguyên nguồn gốc của tang vật. 3 – Xác minh biển số xe để tìm chủ sở hữu hợp pháp. 4 – Gửi giấy mời chủ phương tiện để xác định quyền sở hữu. 5 – Đến nơi đăng ký phương tiện để tra cứu số khung, số máy sau khi phòng kỹ thuật có kết quả giám định. 6 – Tra cứu dữ liệu tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP để xác định có phải xe gian, xe liên quan đến án hình sự hay không. 7 – Đăng báo 2 lần để truy tìm chủ sở hữu. 8 – Niêm yết công khai số tang vật, phương tiện nói trên tại trụ sở để truy tìm chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp…, chờ đợi trong thời hạn 30 ngày, nếu vẫn không xác định được chủ sở hữu thì CSGT ra quyết định tịch thu phương tiện đó. 9 – Hội đồng thanh lý gồm đại diện nhiều cơ quan xác định giá trị xe.
Trung tá Nguyễn Văn Đúng, Đội trưởng Đội CSGT huyện Bình Chánh, ngán ngẩm cho biết rất nhiều xe vi phạm bị bỏ lại cũ kỹ, không còn giá trị nhưng vẫn phải tuân theo 9 bước trên, tốn rất nhiều công sức và tiền của, đến khi thanh lý, xe chỉ là… đống sắt vụn.
Khoảng 2.000 xe máy vi phạm đang được lưu giữ tại bãi xe tầng hầm Công viên 23-9. Ảnh: TẤN THẠNH
Nếu TP có quy định niên hạn xe máy, khi đó xe thanh lý mà hết niên hạn thì không cần xác minh chủ sở hữu… Cũng theo ông Đúng, xe không biển số, không xác định được số khung, số máy nên tịch thu luôn, không cần phải qua Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP giám định gây lãng phí thời gian và công sức của CSGT trong khi lực lượng mỏng, cần tập trung nhiệm vụ tuần tra, bảo đảm an toàn giao thông.
Một CSGT thuộc Phòng CSGT Đường bộ từng nhiều lần xác minh xe vi phạm hết hạn phải thanh lý, lắc đầu nói: “Làm cật lực thì 3 – 4 tháng xác minh xong, nếu vướng lại, nhiều hồ sơ đến 1 năm mới hoàn tất.
Nhất là xác minh địa chỉ của chủ phương tiện phải phối hợp với công an khu vực tại địa phương đó. Trường hợp ở TPHCM thì tương đối ổn, nếu ở tỉnh rất vất vả, có khi gửi thư 2 – 3 lần nhờ phối hợp xác minh nguồn gốc xe mà không nhận được hồi âm. Chưa kể, xe qua nhiều đời chủ thì thật “trần ai”, CSGT phải chạy lòng vòng để xác minh”.
Video đang HOT
Lãng phí tiền tỉ
Trong khi TP thiếu rất nhiều bãi giữ xe phục vụ nhu cầu người dân thì rất nhiều kho bãi được CSGT các quận, huyện bỏ tiền thuê lại để giữ xe vi phạm, trong đó có hàng ngàn xe phải thanh lý.
Theo trung tá Nguyễn Văn Đúng, trung bình mỗi năm, huyện phải trích kinh phí từ nguồn xử phạt vi phạm giao thông hơn 600 triệu đồng để thuê kho bãi (hơn 1.000 m2) tại thị trấn Tân Túc để giữ xe vi phạm với hơn 1.000 chiếc, trong đó hơn 500 xe buộc phải thanh lý.
Do bãi này quá tải, CSGT huyện phải tận dụng luôn khoảng sân giữa khuôn viên công an huyện để giữ gần 500 xe vi phạm và xe thanh lý. Ngoài ra, Công an huyện Bình Chánh phải nhận luôn xe vi phạm, xe không rõ nguồn gốc từ 16 xã, thị trấn chuyển lên.
Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt hiện lưu giữ khoảng 2.000 phương tiện cần thanh lý và được TP bố trí 2 kho bãi ở quận 9 và Tân Phú. Theo thượng tá Trần Thanh Trà, trước đây do thiếu kho bãi và thiếu kinh phí, đành để phương tiện phơi sương, phơi nắng. Hiện toàn bộ phương tiện vi phạm đã giao cho lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tạm giữ trong nhà kho có mái che.
Ông Trần Quang Long, Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp Xí nghiệp Dịch vụ công cộng thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích TNXP, cho biết theo hợp đồng được ký kết từ năm 2007, TNXP sẽ giữ toàn bộ xe vi phạm của Phòng CSGT Đường bộ chuyển qua tại bãi xe tầng hầm Công viên 23-9 (TP cho mượn) sức chứa khoảng 3.500 xe và hiện tạm giữ khoảng 2.000 xe với mức phí 6.000 đồng/ngày/xe.
Theo đó, TNXP chỉ tạm giữ xe theo thời hạn quy định từ 10 – 15 ngày, nếu hết thời hạn sẽ chuyển giao cho Phòng CSGT Đường bộ đưa về 2 bãi xe tại quận 9 và Tân Phú để tiến hành thanh lý.
Theo ông Long, đến nay có hàng ngàn lượt xe được TNXP tạm giữ nhưng không có người đến nhận, với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng mà không được chi trả lại. Do đó, TNXP kiến nghị Phòng CSGT sau khi thanh lý số phương tiện trên, hỗ trợ một phần kinh phí mà họ đã bỏ ra.
Sẽ bỏ một số bước
Tại kỳ giám sát của Đoàn Giám sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cuối tháng 7 vừa qua, Công an TPHCM đã kiến nghị các bộ, ngành sớm xem xét rút ngắn quy trình thanh lý xe, giảm tình trạng quá tải, lãng phí tài sản và kho bãi như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, sắp tới các bộ sẽ nghiên cứu lại quy trình này, xem xét bỏ đi một số bước không phù hợp thực tế.
Theo NLD
Xe "khủng" nhập lậu được hợp thức hóa như thế nào?
Bằng cách giả vờ phát hiện hàng vô chủ rồi tổ chức tịch thu, thanh lý với giá rẻ, 13 cán bộ thuộc các ngành công an, kiểm sát, tài chính, nguyên chủ tịch UBND huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, đã giúp hợp thức hóa nguồn gốc cho 50 chiếc xe mô-tô phân khối lớn nhập lậu.
Thanh lý siêu xe rẻ hơn... sắt vụn
Cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, đã ra hàng loạt quyết định tịch thu, giao Phòng Tài chính lập hội đồng định giá, thanh lý số tài sản gồm 50 xe mô-tô phân khối lớn là "hàng vô chủ", được công an huyện phát hiện tại xã Tân Bắc và Yên Thành. Hồ sơ còn lưu tại Phòng Tài chính huyện cho thấy, ngoài ba chiếc xe Honda Spacy 125 cm3 nhập nguyên chiếc thì 47 chiếc xe còn lại đều là xe phân khối lớn được các hãng danh tiếng sản xuất như Boss Hoss, Harley Davidson, Honda, Can-Am, Yamaha, Suzuki, Dnepr, Buell... có giá bán trên thị trường từ vài nghìn lên đến hàng chục nghìn USD, nhưng lại được "thanh lý" với giá từ 3,7 đến 4,7 triệu đồng. Trong số này có "siêu" mô-tô Boss Hoss 8.200 cm3 thuộc dạng đặc biệt nhất thế giới. Chiếc xe này chạy bằng động cơ ô-tô V8 do hãng Chevrolet sản xuất.
Theo giá nhà sản xuất công bố, mỗi chiếc Boss Hoss 8.200 cm3 sau khi xuất xưởng thường có giá từ 80.000 đến 120.000 USD (tương đương 1,8 - 2,4 tỷ đồng). Vậy nhưng Hội đồng thanh lý huyện Quang Bình chỉ định giá, bán với giá 9,2 triệu đồng. Tương tự, những chiếc Honda Spacy 125 cm3 nhập nguyên chiếc, giá thị trường khoảng 5.500 USD/chiếc, lại được thanh lý với giá chỉ nhỉnh hơn 2,2 triệu đồng... Sau khi thanh lý 50 xe mô-tô phân khối lớn, Phòng Tài chính huyện Quang Bình đã sung công quỹ 208 triệu đồng.
Xe Boss Hoss với động cơ 8.200cc
Có điều đặc biệt là mặc dù Hội đồng thanh lý huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang tổ chức thanh lý gần như là... "bí mật", nhưng không hiểu sao nhiều người ở Thái Bình, Hà Nội, thậm chí tận TP Hồ Chí Minh vẫn có thông tin để mua. Trước việc giá xe thanh lý quá thấp so với giá thực tế, một số quận ở TP Hồ Chí Minh khi tiếp nhận hồ sơ xin đăng ký xe đã nghi ngờ, gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Quang Bình và Công an huyện xác nhận chữ ký. Thậm chí,theo một cán bộ văn phòng ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, "vì không tin", Công an quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh có lần đã "yêu cầu Chủ tịch huyện Quang Bình là ông Hưng ký đến 5 chữ ký để đối chiếu".
Hé lộ sự thật
Từ những thông tin nói trên, đầu năm 2012, chúng tôi đã tìm đến xã Tân Bắc và Yên Thành - nơi được công an và UBND huyện Quang Bình loan báo đã phát hiện hai lô hàng vô chủ nói trên. Khi được hỏi, ông Phù Văn Dân, Trưởng Công an xã Tân Bắc quả quyết: "Trong hai năm 2009 và 2010, trên địa bàn xã Tân Bắc không hề phát hiện lô hàng xe máy vô chủ nào". Trưởng Công an xã Yên Thành, ông Hoàng Văn Tuệ khẳng định: "Công an huyện làm giả văn bản, chứ từ trước đến nay xã không hề bắt gặp lô hàng nào như thế cả".
Trước sự việc không thể che đậy, Ðại tá Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng Công an huyện Quang Bình thừa nhận: Khoảng đầu tháng 8/2009, Công an huyện Quang Bình đón hai người khách là anh Thắng (trước công tác ở PC16, Công an Hà Giang) và một anh tên là Hùng, quê ở Thái Bình. Qua nói chuyện, Thắng và Hùng đã đặt vấn đề "có mấy cái xe cũ, không đăng ký được cho nên nhờ tôi giúp làm thủ tục". Sau khi nghe chuyện, Ðại tá Dũng đã gọi Trung tá Hoàng Ðức Hùng, Ðội trưởng kinh tế, Công an huyện Quang Bình để hỏi. Trung tá Hoàng Ðức Hùng kể: Sau khi nghe anh Dũng hỏi, tôi trả lời có thể giúp được. Từ đó tôi đã lập hai biên bản phát hiện hàng vô chủ tại xã Tân Bắc, Yên Thành, rồi nhờ trưởng công an xã ký tên, đóng dấu. Tiếp đó, tôi cũng đã liên hệ với cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Quang Bình, ông quyền Trưởng Phòng tài chính và hai cán bộ của Phòng Tài chính để làm thủ tục thanh lý số xe nói trên theo đúng quy định.
Khi được hỏi, số xe nói trên là số xe nào, thực chất công an huyện có phát hiện, bắt giữ được số hàng đó không, thì Trung tá Hoàng Ðức Hùng lắc đầu: "Không có chiếc xe nào đâu. Anh Thắng, anh Hùng gửi tên xe, số khung, số máy của từng chiếc xe rồi chúng tôi ghi vào biên bản để làm cho người ta, chứ Công an Quang Bình không phát hiện, bắt giữ chiếc xe vô chủ nào cả. Khi liên hệ làm việc với các anh ở Phòng Tài chính, Viện Kiểm sát... tôi cũng đã nói rõ điều này".
Bị tiền sai khiến?
Ðại tá Nguyễn Ngọc Dũng thừa nhận: "Thực tình tôi cũng không biết cái xe đó như thế nào. Khi người ta nhờ, mình cả nể rồi giúp người ta thôi. 50 chiếc xe, anh em chia ra làm hai đợt, một đợt 23 chiếc, một đợt 27 chiếc. UBND huyện lập hai hội đồng định giá, thanh lý nhưng các thành viên trong hội đồng này cũng không ngồi họp với nhau lần nào".
Trả lời câu hỏi, số xe trên đã được định giá thế nào?- Trung tá Hoàng Ðức Hùng cho biết: "Anh Hùng ở Thái Bình lên gặp tôi hai lần, sau đó chỉ làm việc qua điện thoại. Cụ thể, anh Hùng - chủ hàng- là người định giá cho từng chiếc xe. Sau đó tôi chuyển giá xe lại cho Khánh ở Phòng Tài chính huyện để ghi vào biên bản chứ không có hội đồng nào định giá cả".
Còn theo Ðại tá Nguyễn Ngọc Dũng thì, sau khi "giúp" làm hồ sơ chứng minh nguồn gốc cho 50 chiếc xe máy, các đối tượng dưới xuôi (Thắng, Hùng) cũng đã cảm ơn bằng cách "đưa cho tôi mấy chục triệu". Riêng ông Lê Thành Công, quyền Trưởng Phòng Tài chính huyện Quang Bình thì sau khi chỉ đạo cấpdưới làm giúp, đồng thời cũng đã trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND huyện để xin quyết định cho phép thanh lý, ông Công tự nhận đã "được Trung tá Hoàng Ðức Hùng đưa tiền hai lần, mỗi lần 20 triệu đồng".
Bí thư Huyện ủy Quang Bình Nguyễn Văn Tuệ cho biết: Sau khi có thông tin về việc này, Huyện ủy đã gọi số cán bộ có liên quan lên kiểm điểm và họ đã thừa nhận việc làm của mình. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, huyện vẫn chưa kỷ luật bất kỳ ai vì chưa có cơ quan điều tra, kiểm tra nào ra kết luận về sai phạm của họ. Tuy nhiên, ông Tuệ cũng thừa nhận: Việc kéo dài thời gian kết luận như thế này ảnh hưởng lớn đến uy tín tổ chức, chất lượng công tác, nhất là khi các đối tượng liên quan đều là những cán bộ đầu ngành công an, kiểm sát, tài chính... của huyện, tỉnh.
Ðề nghị các cơ quan có trách nhiệm nhanh chóng vào cuộc, điều tra, kết luận và xử lý nghiêm minh.
Theo Nhân dân điện tử
Hàng trăm xe vi phạm thành sắt vụn Thời điểm này, tại các bãi trông giữ xe vi phạm của Hà Nội, hàng trăm xe vi phạm giao thông bị tạm giữ đang bị bụi phủ kín, một số hư hỏng, xuống cấp thành những đống sắt vụn. Mới đây, giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, đại diện Bộ Công an cho...