Nhiều học sinh chọn nghề theo cảm tính
Kỳ thi THPT quốc gia đã cận kề, tuy nhiên theo lãnh đạo nhiều trường THPT, một tỷ lệ lớn học sinh lựa chọn ngành nghề theo cảm tính hoặc chịu sự tác động của gia đình.
Nguyễn V.A, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ, đến thời điểm này em vẫn rất băn khoăn về việc chọn ngành nghề.
V.A kể, mẹ cô rất thích con gái phải lựa chọn nghề mà sau khi ra trường có đặc tính công việc ổn định như giáo viên chẳng hạn. Bố V.A lại muốn con lựa chọn các trường cùng ngành với bố trong quân đội để sau này dễ xin việc. Trong khi đó, V.A lại muốn chọn nghề truyền thông Maketing hiện là xu hướng lựa chọn của nhiều người trẻ.
V.A chia sẻ: “Em yêu thích ngành học này vì phù hợp với tính cách của em”. Tuy nhiên, điều khiến V.A khá buồn là em vẫn chưa thể thống nhất được với gia đình, “có khi em phải theo ý của mẹ hoặc bố thôi”, V.A nói.
Ảnh minh họa: Tiền Phong.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, ông chứng kiến nhiều học sinh lựa chọn nghề nghiệp chịu sự chi phối của gia đình vì có lợi thế quen biết đảm bảo đầu ra hoặc học ngành bố mẹ mong muốn. Vì thế, sau khi vào ĐH, không ít học sinh đã chán nản, chuyển trường, chuyển ngành học, hoặc cố theo đuổi thì khi ra trường cũng sẽ không đạt hiệu quả công việc như mong muốn, chưa kể là thất nghiệp.
Một trong những cách hướng nghiệp hiệu quả hiện nay là ngay khi bước chân vào lớp 12, trường mời chuyên gia đến từng lớp nói chuyện về các ngành học, điều kiện để theo đuổi các ngành này, cơ hội việc làm trong tương lai… để học sinh nhận ra năng lực, mong muốn của mình từ đó có lựa chọn đúng.
“Chọn ngành học mà không cần biết mình có thích hay không, có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp hay không sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc của cả gia đình và xã hội”, ông Bình nói.
Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) ông Phạm Văn Hoan cũng cho rằng, học sinh hiện nay lựa chọn nghề nghiệp chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan không đơn thuần là sở thích.
TS Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia Tâm lý học hướng nghiệp, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, nếu học sinh chọn ngành nghề không đúng năng lực, tính cách, tố chất mình có phù hợp với nghề hay không sẽ là một thất bại.
Video đang HOT
Theo TS Hà, trong nhiều lần đi tư vấn hướng nghiệp, ông nhận thấy nhiều học sinh chọn ngành nghề khá cảm tính, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn. Ông Hà cho rằng, không ít người lựa chọn ngành nghề chỉ đuổi theo bề nổi của nghề đó mà không tìm hiểu sâu về khó khăn, mặt trái của nghề.
TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, một kết quả nghiên cứu gần đây khảo sát sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học, có đến 65,4% sinh viên chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Chính vì thế, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Chọn nghề, học sinh phải hiểu được mình
Sau 12 năm ăn học, rèn luyện, nay các em đang chọn lựa nghề nghiệp tương lai cho mình. Nghề nghiệp đó phải thật sự gắn bó máu thịt, đi theo với mình suốt đời.
Không thể nay chọn nghề này, mai chọn nghề khác hoặc chọn nghề "theo phong trào", theo sự áp đặt của người khác vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí tiền bạc...
Vì vậy, học sinh phải hiểu được chính mình. Biết mình thích gì, mình muốn gì, không để người khác hiểu hộ, hiểu giùm được.
Nhiều khi cảm thấy buồn vì đến giờ này, thời điểm này mà không ít học sinh cuối cấp còn lơ mơ, không biết nên chọn ngành nào, học trường nào! Như thế trong quá trình ba năm học, các em chưa thật sự nghiêm túc, đầu tư có bài bản cho việc chọn ngành nghề tương lai.
Sinh viên ngành Quản trị nhà hàng khách sạn trường Cao đẳng nghề Kinh tế công nghệ TP HCM thực hành pha chế thức uống. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Nhiều em chọn ngành nghề học vào phút... 89, nên đã phải ngỡ ngàng khi tiếp xúc với môn học của ngành học mà mình chọn theo kiểu "may nhờ rủi chịu"!
Muốn chọn đúng ngành nghề theo khả năng, đúng sở thích thì phải trải qua một quá trình nghiên cứu, nghiền ngẫm về ngành mình sẽ chọn, sẽ học và sẽ theo đuổi mãi sau này. Phải tự đặt câu hỏi cho mình và tự trả lời: mình có năng khiếu gì đặc biệt, có năng lực gì nổi trội? Nếu vào học ngành đó mình sẽ gặp thuận lợi gì, khó khăn gì?
Tôi từng chứng kiến nhiều học sinh học suốt ba năm THPT mà không viết nổi một bài báo nhỏ; không tỏ ra năng động, nhanh nhạy đối với các vấn đề xã hội thì lại thi đậu vào ngành báo chí. Thật là nan giải khi công việc của nhà báo sau này đòi hỏi rất nhiều về năng khiếu, sự nhạy bén, lòng dũng cảm của người cầm bút...
Bên cạnh đó các em cũng không thể chỉ dựa vào thông tin tư vấn một chiều, mà phải có sự tư vấn đa chiều để có thể phân tích, tổng hợp. Ngành nào cũng quý nhưng điều quan trọng là ngành đó có phù hợp với khả năng học tập, khả năng tài chính của cá nhân mình và gia đình hay không.
Cũng không thể nhờ người lớn, nhờ cha mẹ chọn nghề giùm mình! Trong thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã định hướng cho con phải học ngành này, không học ngành kia, mặc dù không nắm được sở thích, trình độ của con...
Và nhiều bậc cha mẹ đã phải thất vọng vì con không đáp ứng được yêu cầu của mình khi "chỉ đạo" con phải đậu! Không ít bậc phụ huynh cũng đã tự trách mình khi con thất bại. Họ nhận trách nhiệm về mình nhưng đã muộn...
Ảnh hưởng của gia đình đến xu hướng chọn nghề
Một anh bạn có con vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia đã than thở: "Lần đầu tiên có con học lớp 12 mới thấy khổ, bây giờ không biết chọn trường nào".
Một anh khác là giáo viên lại tâm sự: "Mục tiêu của cháu là vào y khoa nhưng điểm thi không cao, nên cả nhà hướng cho con vào sư phạm. Cháu nói ngay: Ba má chán nghề dạy học vậy tại sao biểu con vào đó? Tôi... tắt đài luôn".
Và còn biết bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười đang diễn ra sau khi có kết quả kỳ thi THPT.
Có thể nói đây là thời điểm mà việc xác định nghề nghiệp của học sinh phụ thuộc rất lớn vào sự giáo dục, sự hướng dẫn chọn nghề ở gia đình, nhất là cha mẹ.
Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà giáo cho thấy: ảnh hưởng của gia đình có tác dụng khá quyết định tới việc chọn nghề hay xu hướng nghề nghiệp của học sinh.
Nghề nghiệp, trình độ học vấn, thái độ của cha mẹ tác động trực tiếp đối với việc chọn nghề của con cái, và ngược lại là thái độ của học sinh đối với nghề nghiệp của cha mẹ.
Sự quan tâm tới các nghề cần thiết cho con trai hay con gái, những biểu hiện tích cực và tiêu cực trong gia đình về các nghề nghiệp; khi cha mẹ các em yêu nghề của mình, thể hiện sự quý trọng lao động và người lao động... sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sự hứng thú, nguyện vọng của học sinh khi chọn nghề.
Đa số các bậc cha mẹ hiện nay đều muốn cho con học hết THPT để thi vào các trường ĐH, CĐ và điều quan trọng là ra trường có việc làm ngay. Chính vì điều này mà nhiều học sinh và phụ huynh đều phân vân khi chọn trường, ngành học.
Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, do nhận thức về nghề nghiệp trong xã hội còn hạn chế, lại không có điều kiện để tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh, các bậc cha mẹ thường để cho con cái tự chọn nghề nên rất dễ bị hụt hẫng khi thực tế không như ý muốn.
Bên cạnh đó, không ít gia đình áp đặt con cái thi vào các chuyên ngành mang tính "thời thượng", trong khi bản thân học sinh không hứng thú gì với nghề ấy.
Nhiều học sinh có năng khiếu về thể thao lại bị gia đình buộc phải thi vào ngành luật, môn tiếng Anh học yếu nhất lớp nhưng lại thi vào ĐH... ngoại ngữ.
Và còn nhiều chuyện tréo ngoe đã xảy ra khi mà các bậc cha mẹ chưa am tường trong việc tư vấn nghề nghiệp cho con mình, để rồi các em phải gánh hậu quả.
Cùng con chọn nghề
Để hình thành xu hướng nghề nghiệp cho con, cha mẹ học sinh phải nắm rõ đặc điểm tâm sinh lý của con mình. Cha mẹ cần phải biết con mình muốn gì, và khả năng thực hiện ra sao để điều chỉnh, hướng dẫn và tư vấn nghề nghiệp cho con. Những em có học lực phổ thông tốt sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Tuy nhiên, không được quên một yếu tố rất quan trọng: sự phù hợp giữa ngành đã chọn và năng lực bản thân. Những em có học lực trung bình, thay vì vào ĐH, các em có thể chọn học trung cấp, sau đó đi làm, học lên CĐ, học lên ĐH, có thể học cao hơn nữa.
Bên cạnh năng lực thì yếu tố năng khiếu của con mình, cha mẹ cũng không nên bỏ qua. Hãy quan sát khi con mình học xong (hay tiếp nhận) kiến thức hoặc kỹ năng nào đó mà tiếp thu rất nhanh; hoặc sau mỗi lần làm công việc gì đó, các em thấy thích thú, thì chúng có năng khiếu về công việc đó.
Đây là thời điểm mà cha mẹ nên tham gia việc định hướng cho con chọn trường, chọn ngành, chọn nghề dựa trên năng lực bản thân của các em. Nó gồm hai yếu tố chính: năng lực học ở phổ thông và năng khiếu nổi trội của con em mình. Không nên tách rời hai yếu tố này.
Nếu có điều kiện, nên cùng con tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh do các trường ĐH, cơ quan báo chí tổ chức, để tư vấn con em chọn nghề có tính đến nhu cầu xã hội kết hợp với nguyện vọng, xu hướng của con.
Theo Hoàng Trường Sa - Hoàng Danh/Tuổi Trẻ
Doanh nghiệp xa trường, cử nhân thất nghiệp Để rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường - doanh nghiệp, hạn chế thất nghiệp và tránh phải đào tạo lại sau khi ra trường, nhiều ĐH, CĐ tuyển sinh theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Theo bản tin việc làm mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các...