Nhiều giáo viên sẽ không phải học liên thông Đại học để đủ chuẩn mới
Có phải tất cả các giáo viên đều phải đi liên thông để nâng cao chuẩn theo quy định mới hay không? Từ ngày 01/7/2020, theo Luật giáo dục 2019, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp sẽ được nâng lên so với Luật giáo dục 2005.
Tập thể thầy cô trường tiểu học Tô Vĩnh Diện quận Tân Phú trong lễ khai giảng năm học mới.
Cụ thể, kể từ ngày 01/7/2020, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Hiện nay, Luật Giáo dục 2005 chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở.
Và việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Theo đó, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp và cao đẳng ngay khi Luật Giáo dục 2019 được thông qua và có hiệu lực. Không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ đại học sư phạm tiểu học.
Đồng thời, Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết, đối với những giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm, Cao đẳng hoặc những giáo viên chưa đạt trình độ Đại học còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương phối hợp các trường sư phạm thiết kế các khóa “bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực” dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là đại học thời gian công tác còn trên 5 năm, Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới. Hình thức đào tạo cuốn chiếu ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích hay học chủ yếu học để lấy bằng.
Như vậy, có thể thấy, đối với những giáo viên mầm non hiện đang có trình độ Trung cấp sư phạm, giáo viên tiểu học, trung học có trình độ Trung cấp sư phạm, Cao đẳng hoặc chưa đạt trình độ Đại học còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm thì thay vì phải học liên thông để nâng chuẩn theo quy định, họ sẽ chỉ phải tham gia các “khóa bồi dưỡng thường xuyên” để nâng cao năng lực dạy học theo quy định mới. Việc học liên thông để nâng chuẩn trình độ sẽ áp dụng đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là đại học còn thời gian công tác trên 5 năm.
Video đang HOT
Thanh Hải – Kỳ Lâm
Theo sao.baophapluat.vn
Quyền lợi của học sinh phải đặt lên trên hết!
Đa dạng sách giáo khoa là một bước tiến quan trọng, nhưng để lựa chọn được sách giáo khoa (SGK) phù hợp và thực hiện chọn sách một cách công tâm, minh bạch nhất, vì quyền lợi học sinh cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm.
Vì thế, câu chuyện ai được quyền chọn SGK và chọn như thế nào đang là nỗi băn khoăn thường trực của báo chí và dư luận những ngày này trước việc Bộ GD&ĐT thông tin về việc đang dự thảo thông tư lựa chọn SGK theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019.
Trường, giáo viên hay Ủy ban nhân dân tỉnh chọn sách giáo khoa?
Vấn đề được quan tâm trước tiên là việc: Ai có quyền quyết định chọn sách giáo khoa mới?
Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực vào 1/7/2020 lại quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Điều khoản này thay đổi so với Nghị quyết 88/2014/QH13 là: "Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT".
Lựa chọn sách giáo khoa cần quan tâm đến quyền lợi của học sinh. Ảnh: T.L
Theo chia sẻ với báo chí của đại diện Bộ GD&ĐT, thực hiện quy định tại Luật Giáo dục, Bộ đang xây dựng thông tư để hướng dẫn. Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng nhắc việc các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.
Trong thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học.Dự thảo thông tư về lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.
Hiện nay, dự thảo thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo Chương trình GDPT 2018, thực hiện việc in và phát SGK đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Cũng theo đại diện Bộ GD&ĐT, 32 SGK của 8 môn học bắt buộc trong danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được ban hành theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sẽ được dùng làm căn cứ để các địa phương lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021 theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Báo điện tử Vietnamplus dẫn ý kiến cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh, việc lựa chọn sách giáo khoa nên trao quyền cho các nhà trường theo Nghị quyết 88. Cô Thảo cho rằng, ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chung về mặt hành chính trong khi chọn sách giáo khoa để dạy trong các nhà trường lại là việc có tính chuyên môn.
Ở góc nhìn khác, báo điện tử Vietnamplus dẫn ý kiến của ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, các sách giáo khoa đều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nên đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ khác nhau về cách tiếp cận. Tuy nhiên, nếu để cho các trường tự chọn sách giáo khoa riêng với rất nhiều sách khác nhau sẽ dẫn đến việc khó trong công tác chỉ đạo chung của địa phương. Vì thế, ông Thành cho rằng, Luật Giáo dục quy định ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định lựa chọn sách là phù hợp, để tạo sự thống nhất nhất định. "Nhưng điều này cũng không mâu thuẫn với Nghị quyết 88 của Quốc hội hay Quyết định 404 của Chính phủ vì ủy ban nhân dân tỉnh chỉ ra quyết định, còn người chọn sách thực sự chính là các giáo viên khi có đến 2/3 thành viên hội đồng chọn sách là giáo viên, là tiếng nói thực tiễn từ cơ sở", ông Thành phân tích.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên chăng để chính các giáo viên lựa chọn SGK, bởi như vậy gần gũi với việc dạy và học nhất. Như quan điểm của báo Thanh Niên: Giao việc chọn SGK cho các nhà trường, GV, thì việc vận hành nhiều bộ SGK sẽ giống với các nước tiên tiến đang làm. GV chính là người hiểu rõ nhất đối tượng HS mà mình giảng dạy phù hợp với cuốn/bộ SGK nào. GV nếu thực sự có năng lực và được trao quyền chủ động, có thể sẽ không chọn một SGK cụ thể nào mà họ tham khảo nhiều cuốn SGK khác nhau và các tài liệu tham khảo để biên soạn một bộ tài liệu dạy của riêng mình, phù hợp nhất với HS mà họ giảng dạy, miễn sao đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình.
Quyền lợi của học sinh là quan trọng nhất
Nhiều ý kiến cho rằng, đa dạng sách giáo khoa là một bước tiến quan trọng, nhưng để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp và thực hiện chọn sách vì quyền lợi học sinh cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Mà để vì quyền lợi học sinh, nhiều tờ báo đã chỉ thẳng ra rằng, cái cần nhất là sự công tâm, minh bạch, có trách nhiệm để lựa chọn được bộ sách phù hợp mà không bị chi phối bởi những thứ "ngoài giáo dục".
Báo Tiền Phong, dẫn ý kiến lo ngại của GS Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư: "Khi thực hiện chủ trương để địa phương lựa chọn SGK cũng sẽ có khả năng nhà xuất bản "lót tay" nhằm bán sách vì để biên soạn bộ SGK các đơn vị bỏ ra một khoản tiền và công sức không nhỏ, họ sẽ phải tìm mọi cách để bán được sách". PGS. TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cũng bày tỏ sự lo lắng: "Để nhà trường hay địa phương lựa chọn bộ SGK cho riêng mình đều là bài toán nan giải, không biết sẽ thực hiện như thế nào mới đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Nếu trước đây chỉ có một bộ SGK, trường nào, giáo viên nào cũng dạy theo đó rất dễ. Khi có nhiều bộ sách, nếu để các trường quyết định lựa chọn thì các nhà xuất bản có cơ hội "mời chào", "giới thiệu", thậm chí "mua chuộc"... hiệu trưởng để sử dụng bộ sách của họ. Nếu địa phương lựa chọn cũng khó tránh tình huống người quen, người thân giới thiệu và sử dụng liên quan đến lợi ích cá nhân". Theo PGS Vũ Trọng Rỹ, ở một số nước có nhiều bộ SGK cũng không yêu cầu nhà trường, địa phương lựa chọn bộ sách cụ thể nào cả. SGK đối với họ không phải là pháp lệnh mà chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo. Cùng với các tài liệu trên mạng internet, giáo viên sẽ tự biên soạn chương trình giảng dạy của riêng mình.
"Có rất nhiều câu hỏi đặt ra khi UBND các tỉnh lựa chọn SGK, chẳng hạn các tỉnh, thành sẽ chọn một bộ sách gồm SGK tất cả môn học từ lớp 1 đến lớp 12 của một nhà xuất bản? GV trực tiếp đứng lớp sẽ có tiếng nói gì không trong hội đồng thẩm định, lựa chọn SGK của các địa phương? Việc lựa chọn SGK có thay đổi từng năm hay giữ ổn định lâu dài?... Đó là chưa kể những lo ngại về tiêu cực nảy sinh khi quyền lựa chọn SGK được thu hẹp ở một hội đồng cấp tỉnh, thay vì trao quyền ấy đến từng GV và HS. Nếu quy trình không chặt chẽ, dư luận có quyền nghi ngờ về sự khách quan trong quyết định lựa chọn SGK khi quyền quyết định ấy thuộc về một nhóm người. Ai dám đảm bảo các nhà xuất bản có SGK được lưu hành trên thị trường không "tìm cách", kể cả những cách như "vận động hành lang" để bộ SGK của mình được các hội đồng ấy lựa chọn?" - Câu hỏi mà báo Thanh Niên đặt ra có lẽ cũng là vấn đề cần được Bộ GD&ĐT lưu tâm hơn cả trong câu chuyện soạn thảo Thông tư về việc lựa chọn SGk.
Hà Trang
Theo baocongluan
Quy định về định mức, giảm định mức tiết dạy của giáo viên Giáo viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách: giảm 06 giờ dạy/tuần (quy ra 210 giờ dạy/năm học). Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục 2005 nêu "Giáo viên có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục" để được xem là thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thì...