Nhiều giáo viên, học sinh vẫn ngán đề kiểm tra học kỳ của Sở
Đối với các khối lớp 6,7,8 thì Sở Giáo dục không nhất thiết phải ra đề bởi độ chênh lệch về chất lượng dạy và học giữa các địa bàn thường rất lớn.
Mỗi năm học, các Sở Giáo dục và Đào tạo thường ra đề kiểm tra học kỳ một số môn để nắm tình hình dạy và học ở các nhà trường. Chính vì thế, có một thực tế là nhiều thầy cô giáo và học sinh rất sợ khi Sở ra đề môn học, khối học của mình, nhất là những trường khó khăn, những trường có mặt bằng chất lượng thấp hơn.
Việc nhà trường, giáo viên và học sinh ngại đề của Sở cũng là điều dễ hiểu bởi việc ôn tập sẽ nặng hơn rất nhiều cho cả thầy và trò. Trong khi đó, nếu kết quả kiểm tra thấp thì giáo viên và nhà trường sẽ đón nhận những lời chỉ trích, phê bình từ cấp trên của mình.
Chất lượng dạy và học giữa các địa bàn thường có sự chênh lệch rất lớn (Ảnh minh họa: TTXVN)
Khi kiểm tra học kỳ, nếu là đề trường ra thì học sinh được giới hạn ở những đơn vị kiến thức nhất định, các em có đề cương và thầy cô ôn tập trọng tâm để hướng tới đề bài kiểm tra nên việc ôn tập cũng nhẹ nhàng.
Nhưng, nếu là đề Sở ra thì tất nhiên học sinh phải học tất cả kiến thức môn học đó trong cả học kỳ mà không dám bỏ bài nào. Giáo viên hướng dẫn cũng vất vả mà không dám giới hạn nội dung ôn tập cho học trò.
Bởi, đề Sở ra nên có nhiều khi thầy cô ôn những bài được xem là trọng tâm thì đề lại không ra ở chỗ đó. Thành ra, để an toàn, giáo viên và học trò đều phải “cày ải” toàn bộ kiến thức đã học.
Giáo viên chỉ có thể nhấn mạnh với học sinh một số bài học có khả năng ra đề cao nhưng luôn phải lưu ý học trò phải ôn tất cả các đơn vị kiến thức đã học. Chính vì vậy, tất nhiên thầy cũng mệt, trò cũng mệt mà khi làm bài thì điểm thường rất thấp.
Học trò thành phố làm bài nhẹ nhàng nhưng học trò quê thì nhiều em không làm được
Chính vì việc ra đề cho học sinh trên toàn tỉnh nên phần nhiều đề kiểm tra học kỳ phải tính toán để các đối tượng học sinh đều có thể làm được những câu đơn giản. Tuy nhiên, thực tế thì đề của Sở thường nặng về kiến thức hơn đề trường rất nhiều.
Cái khó của đề Sở là ra đề chung cho học sinh cả tỉnh cùng một đề. Nhưng, điều kiện kinh tế, chất lượng giảng dạy và học tập của mỗi địa bàn đều có sự chênh lệch nhất định.
Học sinh ở những khu vực đô thị, khu vực có điều kiện thì đương nhiên các em sẽ làm bài tốt hơn. Vì đa phần học sinh ở đây có điểm xuất phát cao hơn, các em được gia đình kèm cặp từ nhỏ, được học thêm nhiều hơn, đi học cũng đều hơn.
Những học sinh ở quê thì thường ít được đầu tư hơn, rất ít khi học thêm, nhiều em đi học thì bữa đi bữa nghỉ, thậm chí có những em nghỉ nhiều ngày, đến khi kiểm tra học kỳ thì thầy cô vận động vào kiểm tra. Chính vì thế mà kết quả của học sinh ở các khu vực luôn khác nhau một trời một vực.
Chẳng hạn như môn tiếng Anh, học sinh ở phố thì được học từ nhỏ, các em tiếp xúc với tiếng Anh sớm, được học thêm nhiều ở các trung tâm, tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo, trong đó có cả người nước ngoài nên không chỉ học tốt phần viết mà phần nghe, phần nói của các em cũng khá tốt.
Hơn nữa, nhiều học sinh có cha mẹ, anh chị…cũng có khả năng tiếng Anh tốt nên các em ở được kèm cặp, trò chuyện bằng ngôn ngữ tiếng Anh thường xuyên. Ngoài ra, các em còn được đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều kênh học tập khác nữa.
Chính vì thế, khi tiếp cận với các đề kiểm tra học kỳ thì các em cảm thấy rất nhẹ nhàng bởi phần lớn học sinh ở thành phố đã có trình độ tiếng Anh cao hơn kiến thức mà đề Sở ra.
Video đang HOT
Thế nhưng, dù đề nhẹ thì học sinh ở quê vẫn gặp rất nhiều khó khăn đối với môn tiếng Anh bởi học sinh ở đây chủ yếu là học với thầy cô trên lớp, ngoài ra rất ít được học hỏi thêm ở các kênh khác như học sinh thành thị.
Tuy nhiên, đề Sở ra thì học sinh thành thị, học sinh ở những khu vực vùng sâu, vùng xa cũng đều chung kiến thức như nhau, đáp án như nhau nên điểm chênh lệch là điều tất yếu.
Sở chỉ nên ra đề đối với những lớp học cuối cấp
Thực tế, việc Sở ra đề ở nhiều khối học của cấp Trung học phổ thông và Trung học cơ sở cũng có nhiều ưu điểm để lãnh đạo có cái nhìn toàn cục về chất lượng giữa các địa bàn với nhau.
Tuy nhiên, đối với học sinh cấp Trung học phổ thông thì dễ bởi đa phần các em vào cấp học này cũng đã qua thi tuyển, được sàng lọc rồi nên học trò có ý thức tốt hơn về việc học tập hàng ngày.
Đối với cấp Trung học cơ sở thì lại hoàn toàn khác bởi học sinh cấp học này vừa từ Tiểu học lên nên học sinh còn quá nhỏ, chưa có sự sàng lọc về chất lượng, cũng chưa trải qua kỳ thi nào quan trọng.
Vì thế, Sở có ra đề ở cấp học này chỉ nên ra đề ở lớp 9 vì các em chuẩn bị có kỳ thi chung là thi tuyển sinh 10. Hoặc, những địa phương có điều kiện tương đồng thì Sở cả nên ra đề chung cho các khối lớp, nếu có sự chênh lệch lớn về điều kiện thì cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Theo chúng tôi, đối với các khối lớp 6,7,8 thì Sở Giáo dục không nhất thiết phải ra đề bởi độ chênh lệch về chất lượng dạy và học giữa các địa bàn thường rất lớn. Nhiều học trò không làm được bài, nhất là đối với môn tiếng Anh và môn Toán.
Phần lớn 2 môn này mà đề Sở ra là các trường vùng sâu chủ yếu chỉ đạt điểm yếu, kém, rất ít em có điểm trên trung bình. Đây là thực trạng chung trong những năm qua mỗi khi Sở thống kê điểm sau mỗi học kỳ.
Chính vì vậy, nếu cần ra đề chung thì chỉ nên để Phòng ra đề cho các lớp 6,7,8 sẽ phù hợp hơn. Bởi độ chênh giữa các xã (phường) trong phạm vi quản lý của Phòng Giáo dục không lớn.
Thực tế, những thầy cô dạy ở những trường khó khăn họ cũng luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, đặc điểm của các trường khó khăn khác xa hoàn toàn với các trường thị thành. Trong khi đề kiểm tra của Sở thì không phải lúc nào cũng chú ý được vấn đề này.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Mệt mỏi với quy trình đánh giá ngoài trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia
Ngành giáo dục hãy bớt đi những quy định nhiêu khê về minh chứng trường chuẩn để giáo viên khỏi phải lao vào vòng xoáy thu thập minh chứng một cách vô bổ.
Đánh giá ngoài là quá trình khảo sát, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước đối với trường tiểu học để xác định mức đạt được tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo viên đang dò tìm minh chứng để lưu hồ sơ (Ảnh tác giả)
Để nhà trường được đánh giá ngoài thì trước đó các trường phải trải qua một quy trình tự đánh giá.
Như việc: Thành lập hội đồng tự đánh giá/Lập kế hoạch tự đánh giá/Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng.
Đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí/ Viết báo cáo tự đánh giá/Công bố báo cáo tự đánh giá.
Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.
Mệt mỏi và vất vả nhất chính là bước: Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng.
Không chỉ Ban giám hiệu vất vả chuẩn bị hồ sơ, minh chứng mà giáo viên cũng bị xoáy vào vòng xoay đầy áp lực ấy.
Nếu vất vả mà đem lại lợi ích cho học trò, nâng cao chất lượng trong giảng dạy thì cũng là việc nên làm.
Những minh chứng buộc phải thu thập hết sức vô lý
Có điều những công sức thu thập minh chứng mà nhà trường và giáo viên bỏ ra chỉ làm đẹp hồ sơ, liệu có ích gì và có cần thiết hay không?
Hàng loạt minh chứng cần phải thu thập chỉ để kẹp hồ sơ làm mất không ít thời gian của nhà trường, của giáo viên.
Ví dụ Điều 9. Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
1. Tiêu chí 3.1: Khuôn viên, sân chơi, sân tập
a) Khuôn viên đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn để tổ chức các hoạt động giáo dục;
b) Có công trường, biển tên trường và tường hoặc hàng rào bao quanh;
c) Có sân chơi, sân tập thể dục thể thao.
Những tiêu chí này chỉ dùng mắt nhìn, quan sát là thấy được. Thế nhưng theo yêu cầu, giáo viên phải chụp hình ảnh khuôn viên trường, hình ảnh cổng trường, tường rào, hình ảnh sân choei, sân tập của học sinh để kẹp vào hồ sơ.
Hoặc tiêu chí Tiêu chí 3.2: Phòng học:
a) Đủ mỗi lớp một phòng học riêng, quy cách phòng học theo quy định;
b) Bàn, ghế học sinh đúng tiêu chuẩn và đủ chỗ ngồi cho học sinh; có bàn ghế phù hợp cho học sinh khuyết tật học hòa nhập (nếu có); bàn, ghế giáo viên, bảng lớp theo quy định;
c) Có hệ thống đèn, quạt (ở nơi có điện); có hệ thống tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học.
Giáo viên phải chụp hình ảnh phòng học bên ngoài, bên trong, những dãy phòng học hỗ trợ học tập...
Rồi những bức hình về tủ đựng hồ sơ, tài liệu, về nhà vệ sinh, hình ảnh khối phòng hành chính, nhà để xe...chỉ để kẹp vào hồ sơ,
Và còn nhiều, rất nhiều những minh chứng phải thu thập như biên bản kiểm kê thư viện, biên bản kiểm tra thiết bị hàng tháng, những hóa đơn thanh toán tiền điện nước...
Nhiều giáo viên cứ thắc mắc: "Người kiểm có thể nhìn thấy, sờ thấy, sao còn bắt nhà trường thu thập để lưu vào hồ sơ?
Lại một lần nữa bắt phô tô, bắt chụp lại vừa lãng phí vừa mất thời gian.Những tài liệu khác đều có ở các bộ phận kế toán, chuyên môn...sao không trực tiếp đến kiểm tra tại đó?
Trường chuẩn cho ai?
Một hiệu trưởng từng chia sẻ: "Chủ trương xây dựng trường chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục đều là những chủ trương đúng nhưng cách làm như lâu nay đã thực sự mang tính hình thức mà không phản ánh lên bất kỳ một điều gì.
Nó hiển hiện lên là những hồ sơ, sổ sách, giấy tờ khô cứng, vô hồn mà các nhà trường phải cật lực đẻ ra cho đầy đủ".
Yêu cầu về hồ sơ sổ sách trường chuẩn đang là nổi thất kinh cho nhà trường, cho giáo viên. Trường chuẩn bị lên chuẩn phải chuẩn bị hồ sơ đã khổ, trường lên chuẩn rồi cũng phải lo hồ sơ cho việc công nhận lại.
Thời gian chuẩn bị không thể tính bằng ngày, bằng tháng mà phải tính bằng năm.
Rõ ràng chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia không nằm ngoài mục đính tất cả học sinh sẽ được học trong một môi trường giáo dục tốt nhất.
Thế nhưng trong thực tế, không ít địa phương mới đạt được việc "chuẩn" quốc gia trên giấy tờ hồ sơ sổ sách, còn trong thực tế, chất lượng dạy và học của học sinh chưa hẳn đã hơn những trường chưa chuẩn.
Hy vọng rằng, ngành giáo dục hãy bớt đi những quy định nhiêu khê về minh chứng trường chuẩn để khỏi "hành" giáo viên lao vào vòng xoáy thu thập minh chứng một cách vô bổ thế này.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Nhiều giáo viên quên "xỏ chân vào đôi giày của học sinh" Tôi là một giáo viên tiểu học, đã dạy qua nhiều lớp, nhưng chưa bao giờ gặp phải tình huống bất hòa với phụ huynh, hay bị học sinh ghét. Tôi nghĩ rằng, đối với một người giáo viên, để làm được điều đó thực chẳng có gì khó khăn. Điều mà nhiều giáo viên quên mất là "xỏ chân vào đôi giày...