Nhiều giảng viên đại học ngoài công lập là cử nhân
Ngày 14/4, tại ĐH Công nghệ TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị các trường đại học ngoài công lập.
Cả nước hiện có 60 trường ĐH ngoài công lập trong tổng số 235 trường ĐH với quy mô đào tạo trình độ ĐH là 232.367 sinh viên, chiếm 13,16% sinh viên ĐH trong cả nước.
Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% vào năm 2020. Trong 43 trường cung cấp số liệu thu chi tài chính cho thấy trong năm 2016, tổng nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo.
Bà Phạm Thị Huyền – đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường ĐH ngoài công lập – đã báo cáo kết quả nghiên cứu sau khi khảo sát trực tiếp tại 59 trường, cho biết vẫn còn một lượng lớn giảng viên có trình độ cử nhân.
Vẫn còn 12 trường thuê mướn 100% cơ sở đào tạo, một số trường có quá nhiều cơ sở, diện tích cơ sở nhỏ. Nguồn lực tài chính của các trường ĐH ngoài công lập còn hạn chế.
Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường, chiếm trên 61,17% tổng thu. Chi chủ yếu cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường như trả lương cho cán bộ nhân viên, chi phí điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất đã chiếm tới hơn 59%.
Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường ĐH ngoài công lập chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Vấn đề cũng hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Nhiều ý kiến từ phía các trường đòi các chính sách của nhà nước phải bình đẳng công – tư trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, các chính sách về tuyển sinh, đào tạo, đấu thầu nghiên cứu khoa học.
Ông Lê Công Cơ – hiệu trưởng ĐH Duy Tân – nói: Cái lớn nhất của trường ĐH ngoài công lập là đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội mà nhà nước không phải đầu tư. Đây là sự đóng góp của trường ĐH ngoài công lập.
TS Phan Ngọc Sơn – hiệu trưởng ĐH Công nghệ Đồng Nai – cho rằng đang có sự không bình đẳng giữa trường công với trường tư. Hiện các trường ĐH ngoài công lập phải đầu tư tất cả để hoạt động và phải đóng thuế để trang trải cho trường công. Ông Sơn đề nghị các trường được giữ lại tiền thuế để tái đầu tư mạnh mẽ.
Ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Hội đồng sáng lập ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương – cho rằng nhà nước chỉ nên bao cấp những ngành mà trường tư không làm được. Không thể lấy thuế của trường tư để bao cấp cho trường công trong khi hiệu quả đào tạo chưa chắc ai hơn ai…
Nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách để trường tư tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, được tham gia các đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định những đóng góp của trường ĐH ngoài công lập là vô cùng lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng có nhiều việc cần bàn. Trước hết là hành lang pháp lý còn rất yếu, chưa tạo được sự yên tâm cho những nhà đầu tư.
Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ GD&ĐT và cho biết tới đây sẽ tiếp tục rà soát các quy định để những quy định gì đã có nhưng không phù hợp thì sửa, chưa có thì bổ sung. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ đề nghị tháo gỡ để khuyến khích xã hội hóa.
Dù đánh giá cao các trường tư nhưng ông Nhạ cho rằng hoạt động của nhiều trường chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung đào tạo và đào tạo những ngành ít phải đầu tư. Đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông đề nghị các trường phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị… trường nào không thực hiện đúng cam kết khi mở trường thì sẽ sáp nhập hoặc giải thể.
Theo Huy Lân / Người Lao Động
Thi THPT quốc gia 2017: Mã ngành, mã trường làm khó thí sinh
Những thay đổi về mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển đang làm khó thí sinh do thiếu sự thống nhất trong các nguồn tài liệu tham khảo.
Thời điểm hiện tại, các trường trung học phổ thông tại TP.HCM đang khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ học sinh khối 12 hoàn tất hồ sơ thi THPT năm 2017.
Thí sinh tự do cũng tập trung về các trung tâm giáo dục thường xuyên để mua hồ sơ và nghe tư vấn trước khi điền thông tin. Những thay đổi về mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển của không ít trường đang "làm khó" thí sinh do thiếu sự thống nhất trong các nguồn tài liệu tham khảo khác nhau.
Điền mã ngành, mã trường sao cho chính xác là câu hỏi được nhiều học sinh đưa ra trong quá trình hoàn tất hồ sơ thi THPT quốc gia năm 2017.
Phải sử dụng đến bộ hồ sơ thứ 6, Đỗ Thị Cẩm Hằng - thí sinh tự do ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - mới hoàn tất việc đăng ký thi THPT quốc gia năm 2017.
Hằng cho biết những thay đổi liên quan đến mã ngành, mã trường và mã tổ hợp xét tuyển của không ít trường đại học trong năm nay khiến em cảm thấy hoang mang vì phải tham khảo, đối chiếu nhiều nguồn thông tin khác nhau.
Đỗ Thị Cẩm Hằng chia sẻ: "Những khó khăn của em trong việc làm hồ sơ đăng ký thi năm nay là mã trường đại học không rõ, chưa đầy đủ, ở tài liệu này thì khác tài liệu kia thì khác nên thí sinh khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các mã thay đổi nhiều quá nên không chính xác".
Theo bà Hồ Xuân Thu - nhân viên học vụ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Bình Thạnh, những lỗi sai trong hồ sơ của thí sinh năm nay chủ yếu là thông tin cá nhân, cách điền số chứng minh nhân dân và mã trường, mã ngành: "Mã ngành của các trường đại học được thí sinh cập nhật trên mạng và cuốn Những điều cần biết thì ghi thường sai nên khi cập nhật vào phần mềm sẽ bị sai luôn.
Đây là điều khó khăn vì chúng tôi mất khá nhiều thời gian để gọi điện trao đổi thông tin với các trường đại học cũng như liên hệ gọi thí sinh đến sửa hồ sơ".
Rất đông học sinh khối 12 tại trường THPT Trưng Vương tỏ ra lúng túng trước những thay đổi liên quan đến mã trường, mã ngành khi tiến hành làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Đặc biệt là khi phát hiện ra mã ngành nhiều trường đại học trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 không trùng khớp với mã ngành trên kênh thông tin của các trường và Bộ Giáo dục & Đào tạo, học sinh cảm thấy bối rối hơn.
Học sinh trường THPT Trưng Vương đang điền thông tin vào hồ sơ thi THPT quốc gia năm 2017 tại lớp học sáng 11/4.
Để ổn định tâm lý và hỗ trợ các em học sinh hoàn thiện tốt nhất hồ sơ dự thi, trường THPT Trưng Vương đã kịp thời cập nhật thông tin, đồng thời tiến hành kiểm dò mã ngành, mã trường trên các kênh thông tin chính thống trước khi hướng dẫn thí sinh điền thông tin. Dự kiến vào ngày mai (12/4), nhà trường sẽ hoàn tất việc thu hồ sơ của 15 lớp 12 và tiến hành công tác kiểm dò đợt 1.
Bà Nguyễn Thị Chiên - nhân viên học vụ trường THPT Trưng Vương cho biết: "Từ khi nhà trường có thông báo lên các lớp, nhiều học sinh cũng tìm xuống phòng nộp hồ sơ hỏi.
Khi đó, các chuyên viên của trường sẽ mở trang hệ thống nhập liệu và nhập trực tiếp mã ngành, mã trường mà học sinh cần biết xem có đúng với thông tin hay không. Khi nhập ra được thông tin đúng, chúng tôi sẽ hướng dẫn học sinh ghi mã ngành vào hồ sơ cho chính xác".
Mặc dù khá áp lực nhưng các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP.HCM cho biết họ sẽ áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh trong việc hoàn tất hồ sơ thi THPT quốc gia năm 2017.
Theo Mỹ Dung / VOV
GS Đinh Văn Sơn: Vì sao đại học Việt Nam chưa thể phong GS, PGS? GS Đinh Văn Sơn - hiệu trưởng ĐH Thương Mại - cho hay: "Đúng là hiện nay quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư còn tồn tại một số với bất cập". Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư để lấy...