Nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí năm 2010-2011
Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Thương binh và Xã hội vừa chính thức ban thông tư liên tịch số 29 hướng dẫn thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Khác với công văn 5997 mà Bộ GD-ĐT ban hành bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp “tuýt còi” do vượt thẩm quyển thì thông tư liên tịch số 29 đã có hướng dẫn chi tiết hơn.
Theo đó, các đối tượng sau được miễn học phí: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005. Cụ thể: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B
Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, con của bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
(ảnh minh họa)
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Việc xác định xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế. Cụ thể: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật có khó khăn về kinh tế
Trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng. Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.
Video đang HOT
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên). Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học.Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo.
Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại.
Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.
Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập bao gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế. Việc xác định trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước.
Nguyễn Hùng
Theo Dân Trí
Nhiều trường lúng túng khi miễn, giảm học phí
Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2010.
Thế nhưng đến nay do vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này nên các trường đang rất lúng túng...
Trong khi chờ thông tư, ngày 21-9 Bộ GD-ĐT đã có công văn số 5997/BGDĐT-KHTC hướng dẫn các trường thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2010-2011. Nhưng đến ngày 10-11, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp lại "thổi còi" công văn này của Bộ GD-ĐT vì cho rằng trái pháp luật, khiến các trường càng thêm bối rối.
Các trường bối rối...
Theo ông Nguyễn Anh Đức, trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nghị định 49 có hiệu lực gần sáu tháng nay nhưng do chưa có thông tư hướng dẫn nên các trường không thể triển khai được. Trong đợt tập huấn các trường ĐH, CĐ toàn quốc vào tháng 8-2010 của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã thắc mắc về việc ban hành thông tư này.
"Khi đó, đại diện Bộ GD-ĐT hứa chậm nhất đầu tháng 9-2010 sẽ có thông tư liên bộ hướng dẫn cụ thể gửi đến các trường. Tuy nhiên, tháng 10-2010, chúng tôi liên hệ các đơn vị chức năng của bộ lại được trả lời vẫn chưa có và thông tư này liên quan nhiều bộ nhưng không cho biết bị tắc ở cơ quan nào" - ông Đức cho biết.
Tương tự, một số trường thành viên ĐHQG TP.HCM như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn... đều cho biết đang rất lúng túng nên vẫn thực hiện việc miễn, giảm học phí cho các sinh viên thuộc diện miễn, giảm như các năm trước đến khi có thông tư hướng dẫn của liên bộ về việc thực hiện nghị định 49.
Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM đã thực hiện việc thu học phí cả những đối tượng sinh viên thuộc diện miễn, giảm. Theo quy định của trường, nếu chưa đóng học phí sinh viên sẽ không được dự thi học kỳ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó trưởng phòng công tác chính trị - sinh viên nhà trường, lý giải: "Theo nghị định 49, nhà trường sẽ không được cấp bù kinh phí cho các đối tượng sinh viên thuộc diện miễn, giảm từ năm học này nên không thể tiếp tục miễn, giảm cho sinh viên. Với những đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí, trường vẫn thu và đến khi nào có hướng dẫn của các đơn vị chức năng sẽ hoàn trả cho sinh viên phần được miễn, giảm".
Đầu năm học này, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM ra thông báo tất cả sinh viên học sinh của trường đều phải đóng học phí theo quy định mới. Một số sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí lo sợ bị cấm thi giữa học kỳ đã vay mượn tiền để nộp. Nhưng cũng có không ít sinh viên diện chính sách phản ứng nên trường rút lại thông báo này.
Các trường đại học lúng túng trong việc thực hiện miễn, giảm học phí cho sinh viên. (Ảnh minh họa).
PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn - phó hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận: " Chúng tôi thật sự bối rối trong việc này. Do chưa có thông tư hướng dẫn, trường đã thông báo lại với sinh viên diện chính sách là vẫn chưa phải đóng". Cũng theo ông Ngoạn, sinh viên diện miễn, giảm vừa qua đã đóng học phí, sau này có hướng dẫn nhà trường sẽ hoàn trả.
Đừng để ảnh hưởng đến việc học
Theo quy định tại khoản 2, điều 7 của nghị định 49, các đối tượng được miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập sẽ được trực tiếp nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí của Nhà nước và thực hiện đóng học phí đầy đủ cho nhà trường.
Hầu hết các trường đều hiểu việc miễn, giảm học phí cho sinh viên được thực hiện tại địa phương, sinh viên nhận tiền tại địa phương và đóng học phí cho nhà trường. Nhưng nghị định lại không hề nêu sinh viên phải về địa phương nhận tiền và chưa có hướng dẫn rõ ai sẽ là người cấp khoản tiền này cho sinh viên, điều này khiến mỗi trường làm mỗi kiểu.
Về đối tượng được miễn học phí, nghị định 49 quy định " sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", đại diện các trường cho rằng nên sớm có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc này. Theo các trường, trước đây các bộ đã ban hành nhiều văn bản xác định các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa... hiện có nhiều thay đổi nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị chức năng nào cập nhật, tổng hợp lại nên các trường rất khó khăn trong việc thực hiện việc miễn, giảm học phí.
Ông Phạm Trí Thức, trưởng phòng kế hoạch tài chính Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: "Hiện muốn thu học phí cũng khó vì các em thuộc diện miễn, giảm đang khó khăn, họ vẫn chờ hướng dẫn mới có tiền để đóng, sinh viên vẫn chưa được vay vốn".
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: " Trước mắt, những sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM thuộc diện chính sách đang khó khăn nhà trường tạm thời không thu học phí đối với trường hợp này. Tuy nhiên, sinh viên phải làm đơn xin nợ học phí và phải cam kết khi có hướng dẫn phải nộp học phí cho trường để trường xem xét giải quyết".
Ông Nguyễn Anh Đức đề xuất: " Theo tôi, trước mắt, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên để không ảnh hưởng đến việc học tập của họ, bằng việc thực hiện miễn, giảm học phí như mọi năm. Trong lúc chưa có thông tư hướng dẫn của các bộ không nên tạo ra những xáo trộn quá lớn để sinh viên yên tâm học tập."
24H.COM.VN (Theo Tuổi trẻ)
Chuyện cụ bà 80 muốn hiến xác sống ở Hà Nội Chồng chết, rồi con trai cũng chết, nhà bị lừa lấy mất, người đàn bà ấy bị đẩy ra sống và mưu sinh ở hè Bách hoá Thanh Xuân, Hà Nội. 25 năm nay, những người bán hàng quanh Bách hoá Thanh Xuân đã quá quen thuộc với hình ảnh nhỏ bé còm cõi của cụ Đinh Thị Hạnh bên chiếc cân sức...