Nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển ứng viên từ cao đẳng, trung cấp
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng ứng viên từ cao đẳng, trung cấp. Họ căn cứ kiến thức, kỹ năng, thái độ của ứng viên để chọn người phù hợp.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, 279.001 trong số hơn 886.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp. Điều đó có nghĩa hơn 74% học sinh chọn con đường vào đại học sau khi hoàn thành chương trình lớp 12.
Đây là điều dễ hiểu khi nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên vẫn còn tâm lý đại học là con đường duy nhất hoặc bằng phẳng nhất để tiến đến thành công.
Thực tế, từ góc độ nhà tuyển dụng, mọi chuyện có thể khác. Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search (Tập đoàn Navigos Group), cho biết hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng ứng viên từ cao đẳng, trung cấp.
Mặc dù có sự chuyển biến trong việc phân luồng học sinh sau THPT, số lượng người lựa chọn vào đại học vẫn ở mức cao. Ảnh: Việt Hùng.
Lựa chọn người phù hợp
Bà Phương Mai đánh giá bằng cấp là điều kiện cần trong tuyển dụng, nhưng không phải điều kiện đủ. Nhà tuyển dụng và ứng viên không có nhiều thời gian và cơ hội để tìm hiểu kỹ về nhau. Vì thế, họ cần những tiêu chuẩn riêng để tiết kiệm thời gian.
Bằng cấp là một trong những tiêu chuẩn đó. Nó cho nhà tuyển dụng biết liệu ứng viên có kiến thức nền tảng phù hợp để tiếp tục đào tạo chuyên môn, luôn sẵn sàng tiếp nhận kiến thức và nghiêm túc trong việc phát triển bản thân hay không.
Video đang HOT
Tuy nhiên, không chỉ bằng cấp mới nói lên khả năng mà quan trọng, ứng viên thể hiện mình như thế nào qua thái độ, kiến thức và kỹ năng trước nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn. Điều đó không có nghĩa người lao động phải có bằng đại học mới trúng tuyển.
“Theo nhận định của chúng tôi, cơ hội việc làm của người học cao đẳng, trung cấp chỉ khác biệt với người học đại học ở nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”, bà Mai cho biết.
Giám đốc điều hành Navigos Search thông tin thêm hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng ứng viên từ cao đẳng, trung cấp, vì thời gian đào tạo nhanh chóng và chương trình đào tạo trực tiếp vào chuyên môn.
Trong khi đó, các ứng viên học đại học, ngoài kiến thức chuyên môn, sẽ có cơ hội được đào tạo thêm tại trường về những kỹ năng quản lý, nghiên cứu, phản biện và sáng tạo…, thích hợp cho nhóm công việc cần những kỹ năng này.
Bà Nguyễn Phương Mai cho biết nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng ứng viên từ cao đẳng, trung cấp, vì thời gian đào tạo nhanh chóng và chương trình đào tạo trực tiếp vào chuyên môn. Ảnh: NVCC.
Chọn người phù hợp doanh nghiệp
Bà Mai khẳng định khi xác định và chọn lựa ứng viên phù hợp nhất với một vị trí, nhà tuyển dụng sử dụng 3 yếu tố chính – kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Cụ thể, ứng viên cần có kiến thức về công việc, ngành và công ty, được thể hiện thông qua kết quả học tập trong hồ sơ ứng viên hoặc những câu hỏi về kiến thức trong quá trình phỏng vấn.
Họ cũng cần kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Những kỹ năng về chuyên môn tích lũy từ quá trình đi làm trước đó hoặc tự học. Ví dụ, vị trí lập trình viên cần có kiến thức về các ngôn ngữ lập trình.
Kỹ năng mềm gồm khả năng giao tiếp, thuyết trình, xử lý tình huống, làm việc nhóm… và các kỹ năng cần thiết và phù hợp vị trí nhất định. Ví dụ, nhân viên bán hàng cần có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng xử lý tình huống.
Nhà tuyển dụng cần tìm người có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp vị trí công việc, văn hóa doanh nghiệp chứ không phải người có bằng cấp cao. Ảnh: Dave Ramsey.
Ngoài ra, nhà tuyển dụng xem xét thái độ của ứng viên với công việc, liệu họ có nghiêm túc với công việc hay không. Nhà tuyển dụng có thể đánh giá qua sự chuẩn bị của ứng viên trong quá trình phỏng vấn, những bài kiểm tra đánh giá năng lực và tính cách.
“Thông qua ba yếu tố này, ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc và văn hóa của doanh nghiệp sẽ là người được lựa chọn”, bà Mai nói.
Theo Zing
Khi Đại học "lấn sân" đào tạo phổ thông và tiểu học
Hiện nhiều trường đại học kiêm nhiệm đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp. Song gần đây có những trường đại học công lập "lấn sân" sang đào tạo phổ thông, tiểu học và tiến tới mở cả trường mầm non. Nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học công lập đang sử dụng ngân sách của Nhà nước sai mục đích (?).
Đại học tiến tới đào tạo... mầm non
Những năm gần đây, việc mở các trường phổ thông, tiểu học trong trường đại học đang nở rộ. Đơn cử, ngày 28/6/2019, trường Đại học Sài Gòn đã tổ chức "Lễ công bố quyết định thành lập trường và bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn". Theo quyết định này, trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, trực thuộc trường Đại học Sài Gòn, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn giáo viên tiểu học và học sinh của TPHCM. Theo ông Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn, dự kiến năm tới trường Đại học Sài Gòn có thể thành lập thêm trường Mầm non Thực hành Đại học Sài Gòn.
Ngày 8/4/2019, trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng công bố Quyết định thành lập trường THCS Ngoại ngữ. Trước khi thành lập trường THCS Ngoại ngữ, trường Đại học Ngoại ngữ cũng tồn tại trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Theo ông Hoàng Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Ngoại ngữ là đơn vị đào tạo thành viên đầu tiên hoàn thiện mô hình đào tạo giáo dục từ THCS tới THPT đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ngày 16/1/2019, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã quyết định thành lập trường Phổ thông Tuyên Quang trực thuộc Đại học Tân Trào. Trường Phổ thông Tuyên Quang thuộc loại hình trường công lập có chức năng, nhiệm vụ giáo dục phổ thông cấp tiểu học, trung học cơ sở và THPT. Trường này chịu sự quản lý trực tiếp từ trường Đại học Tân Trào.
Việc những trường đại học thành lập trường THPT, phổ thông, tiểu học, mầm non vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các trường. Đứng ở góc độ nhà quản lí giáo dục, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, trong 10 năm gần đây, trường đại học mở rất nhiều trường phổ thông. Khi mở trường phổ thông, trường đại học có lợi thế hơn hẳn những trường tư thục là: Cơ sở vật chất lớn, đất đai của Nhà nước... Bà Nguyễn Kim Phượng, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Everest cũng cho rằng, các trường y mở bệnh viện khá hợp lí, nhưng trường đại học sư phạm mở trường tiểu học là không hợp lý. Bởi hiện chúng ta có hệ thống giáo dục phổ thông để sinh viên thực tập và kiến tập ở đó nên phải tận dụng lợi thế đang sẵn có.
Cần thực hiện đúng nhiệm vụ
Bà Nguyễn Kim Phượng cho rằng, các trường đại học không nên mở các trường phổ thông vì tính chuyên môn hóa không cao. "Bản thân tôi xuất phát từ quản lí trường cao đẳng và khi quay lại quản lí trường mầm non, tiểu học vô cùng khó khăn. Từ việc này cho thấy, quản lí các cấp cần có sự chuyên môn hóa khác nhau", bà Phượng cho biết.
Theo bà Phượng, các trường đại học mở trường phổ thông thì đội ngũ quản lí không chuyên nghiệp và không phục vụ đúng mục đích chính trị của Nhà nước giao. "Thực tế, những năm gần đây những người học đại học được xã hội sử dụng rất ít, các ngành kỹ thuật yếu kém, tại sao các trường không hoàn thiện những điều đó để làm tốt vai trò và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao", bà Phương đặt câu hỏi. Bà Phương nêu quan điểm, các trường đại học, cao đẳng phải tập trung đào tạo chuyên môn hóa, thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao để có những sản phẩm tốt cho đất nước. Hiện nay số học sinh đi du học rất nhiều và số quay trở về nước làm việc cũng chỉ được một phần. Một phần nguyên nhân do các trường đại học, cao đẳng chưa làm tốt nghĩa vụ của mình. Hơn nữa, đứng ở góc độ của một nhà quản lí giáo dục, bà Phượng cho rằng, các trường đại học đang lợi dụng ngân sách nhà nước để mở "cái nọ, cái kia" như vậy không hợp lí. "Trường Đại học Sài Gòn, Đại học Tân Trào đang lợi dụng ngân sách của nhà nước để đầu tư ngoài nhiệm vụ chính trị", bà Phương khẳng định.
Nếu làm một phép so sánh thì có thể thấy, các trường phổ thông, THCS, tiểu học thuộc trường đại học có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn hẳn những trường tư thục, bởi trường có ngân sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, dựa vào danh tiếng của trường đại học, những trường này cũng gặp nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh. Từ thực tế này, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, những đại học công lập chi tiêu hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước không được phép "đẻ" ra những mô hình giáo dục khác làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của các trường. Hiện tại Luật chưa cho phép các trường đại học công lập mở trường mầm non. Thời gian tới, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thấy mô hình trường phổ thông trong trường đại học hoạt động hiệu quả thì đề xuất Chính phủ, Quốc hội để có cơ chế hoạt động hiệu quả.
Đỗ Hòa
Theo baohaiquan
Tuyển sinh 2019: Chớm lo xét tuyển từ kết quả học bạ Trong mùa tuyển sinh năm nay, dù chưa đến đợt xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia một số trường đã yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển từ kết quả học bạ. Thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, trong mấy năm gần đây, các trường đại học trên cả nước đã có nhiều hình thức xét tuyển khác...