Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM chưa hoặc không còn nhu cầu ngân hàng hỗ trợ vì Covid-19
Số lượng doanh nghiệp này khá lớn trong số 725 trường hợp mà ngành ngân hàng đã tiếp nhận trên địa bàn khi xét bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM đến cuối tháng 8 vẫn khá thấp, chỉ 3,68% so với cuối 2019 (Ảnh minh họa).
Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM vừa có báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại TP trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19.
Báo cáo trên cho biết, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định; đã triển khai văn bản số 2372/HCM-TH-KSNB ngày 18/8 đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn về việc xem xét, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã TP.
Tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn TP.HCM ước đến cuối tháng 8 đạt 2.663.000 tỷ đồng, tăng 4,55% so với cuối 2019. Trong đó, tiền VND tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm gần 87% tổng nguồn vốn huy động.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 8 ước đạt 2.380.500 tỷ đồng, tăng 3,68% so với cuối 2019. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 52% tổng dư nợ, tăng 4,31% so với cuối 2019; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 48%, tăng 3% so với cuối 2019.
Về tình hình dư nợ các chương trình tín dụng, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND đến cuối tháng 7 đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên (gồm phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 176.266 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng chủ yếu, đạt 130.446 tỷ đồng, chiếm 74,01% tổng dư nợ 5 nhóm ưu tiên.
Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở: dư nợ vay chương trình còn khoảng 3.092 tỷ đồng với 8.509 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ khách hàng doanh nghiệp là 120 tỷ đồng với 2 khách hàng; dư nợ với khách hàng cá nhân, hộ gia đình là 2.972 tỷ đồng với 8.507 khách hàng.
Chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp: dư nợ cho vay đạt 180.584 tỷ đồng gồm 3.740 khách hàng vay vốn; trong đó, dư cho vay ngắn hạn đạt 131.984 tỷ đồng, cho vay trong dài hạn đạt 48.600 tỷ đồng.
Chương trình cho vay theo chương trình bình ổn thị trường: dư nợ cho vay đạt 617 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 180.527 tỷ đồng với 1,92 triệu khách hàng, tăng 3,4% so với cuối 2019.
Video đang HOT
Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: các ngân hàng thương mại đăng ký và tổ chức thực hiện gói tín dụng 2020 là 274.450 tỷ đồng. Đến nay thực hiện giải ngân đạt 208.291 tỷ đồng cho 8.104 khách hàng.
Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, đạt 583.157 tỷ đồng cho 240.407 khách hàng.
Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.915 khách hàng với dư nợ đạt 142.023 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 18.274 khách hàng với dư nợ đạt 53.654 tỷ đồng. Cho vay mới lũy kế từ 23/1 đến cuối tháng 7 cho 51.218 khách hàng với doanh số đạt 387.481 tỷ đồng.
Ngành ngân hàng đã tiếp nhận 725 trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, trong đó đang xử lý 11 trường hợp, đã có kết quả xử lý 714 trường hợp.
Trong đó, đáng chú ý là có 108 trường hợp doanh nghiệp chưa có/không còn nhu cầu hỗ trợ; 86 trường hợp doanh nghiệp được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2-2%/năm so với lãi suất áp dụng trước đó; 17 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; 46 trường hợp được cho vay mới; 4 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng; 3 trường hợp giảm phí dịch vụ; 16 khách hàng được hỗ trợ nhiều hình thức như tăng hạn mức, giảm lãi, cơ cấu nợ; 107 doanh nghiệp đang xem xét hồ sơ…
Ngân hàng thương mại cần cố gắng cầm cự, không vội phản công
Phải bảo vệ bằng được các ngân hàng thương mại, không để một ngân hàng nào gặp rủi ro, làm ảnh hưởng đến hệ thống.
Trong tình hình hiện nay vẫn phải cố gắng cầm cự, không được phản công vội. Chừng nào có cơ hội, thị trường trong nước phục hồi trở lại và các yếu tố bên ngoài giúp cho phục hồi mạnh hơn, thì lúc bấy giờ mới phản công, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
- Hiện nay các ngân hàng thương mại được yêu cầu giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?
Điều đó thể hiện sự chia sẻ trong khó khăn thôi chứ rất khó. Muốn giảm lãi suất đầu ra cần giảm lãi suất đầu vào. Mà lãi suất đầu vào lại phụ thuộc vào bẫy thanh khoản, một thuật ngữ trong ngành tài chính. Tức anh hạ lãi suất đến mức độ nào đó là dân không muốn gửi tiết kiệm nữa; họ đi mua vàng, đô la, cho vay chợ đen,... Đến ngưỡng đó thì huy động giảm hẳn. Mà bẫy này làm giảm lòng tin, mà muốn tăng lại là rất khó. Cho nên cần cân đong đo đếm như thế nào để tránh được cái bẫy đó.
Tôi tính toán trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn 10 năm, bẫy thanh khoản của Việt Nam khoảng 3,6%, nhưng đấy là lý thuyết thôi, chứ kể cả lãi suất ở mức 4% họ cũng chạy rồi. Cho nên hạ lãi suất là con dao hai lưỡi.
Hiện nay, các nước muốn hạ lãi suất thì chính phủ bù lỗ, tài trợ thẳng cho các ngân hàng. Như Mỹ, họ tài trợ 878 tỷ USD tập trung cho 4 ngân hàng chính và 4 tập đoàn lớn. Tự nhiên, 4 ngân hàng đó có một lượng tiền lớn, họ tự hạ lãi suất được cho đầu ra, chứ không hạ lãi suất cho đầu vào.
- Nhưng doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn tiếp cận vốn? Liệu có nên hạ tiêu chuẩn cho vay không?
Nguyên tắc là không nên hạ tiêu chuẩn cho vay vì làm thế là làm hỏng nền tài chính. Tôi cho là, cần có nguồn tài chính bổ sung. Chúng ta vẫn có một lượng dự trữ ngoại hối lớn, có thể bỏ ra, nhưng bỏ ra lúc nào, bao nhiêu còn là nghệ thuật. Vấn đề là vẫn phải bảo vệ bằng được các ngân hàng thương mại, không để một ngân hàng nào rủi ro, làm ảnh hưởng đến hệ thống.
Ngân hàng thương mại cần cố gắng cầm cự, không vội phản công.
- Nên tài trợ như thế nào xét từ kinh nghiệm xương máu của gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1 tỷ đô cách đây một thập kỷ, mà ông từng nói, gói đó đã gây ra rủi ro đạo đức và hệ lụy lớn?
Tôi cho là nên chọn ra hơn chục ngân hàng lớn để tài trợ cho họ, hoặc thông qua thị trường liên ngân hàng để rải đều tiền ra. Ông to thì có nhiều, ông nhỏ có ít hơn.
Các nước trên thế giới đều đang dùng các gói kích thích rất lớn, họ dùng từ mĩ miều để nói thôi chứ thực chất là in tiền, in số lượng lớn chưa từng có trong lịch sử. Mỹ dùng từ "gói nới lỏng tiền tệ", Châu Âu thì dùng cụm từ "mở rộng gói cân đối tài sản của ngân hàng trung ương", Nhật Bản thì dùng "mua sắm tài sản",... mà thực chất là in tiền.
Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga nói họ cũng phải bơm vì lo ngại tỷ giá bị tác động bởi các quốc gia trên, gây thiệt trong xuất khẩu. Vậy là nước nào cũng bơm tiền, phá giá tiền tệ của mình. Muốn cạnh tranh nhau về xuất khẩu thì phải giữ tỷ giá cạnh tranh. Vậy là chu kỳ sau lạm phát sẽ ác liệt.
- Khi nào thì đến lúc can thiệp gói đó?
Trong tình hình hiện nay vẫn phải cố gắng cầm cự, không được phản công vội. Chừng nào có cơ hội, thị trường trong nước phục hồi trở lại và các yếu tố bên ngoài giúp cho phục hồi mạnh hơn, thì lúc bấy giờ mới phản công. Mà khi đã phản công thì phản công mạnh mẽ, dùng đến vài tỷ đô từ dự trữ ngoại hối mới tạo ra được sức bật cho các ngân hàng thương mại, cho thị trường bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, xong là phải rút tiền về. Chứ còn bơm ở thời điểm này, khi doanh nghiệp đang đình trệ, thì hỏng, bơm đồng nào mất đồng ấy.
- Con số 900.000 tỷ đồng được cơ cấu lại nói lên điều gì?
Nợ xấu đúng bằng con số đó. Hiện nay đâu đó nợ xấu để lại cỡ 300-400 ngàn tỷ đồng. Cộng thêm số đó nữa. Bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu công sức đã bỏ ra...
Sau nhiều nỗ lực, hệ thống ngân hàng như người bệnh được đưa từ phòng cấp cứu lên phòng điều trị, rồi từ phòng điều trị đưa ra đến cổng. Nay gặp dịch Covid-19, không khéo lại quay trở lại phòng cấp cứu. Mất hơn 10 năm trời, từ 2007 đến 2018 mới ngoi lên khỏi mặt nước. ROE toàn hệ thống khoảng 8-9% năm 2007 cùng tạm tạm, tụt xuống rồi mãi đến năm 2019 mới lên được 18-19%, gần như là bình thường. Nay như thế này thì cả ROE và cả ROA lại tụt xuống.
- Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm mới đạt 1,96%, bằng 1/3 so với mức tăng 5,7% cùng kỳ năm ngoái. Ông dự báo tăng trưởng tín dụng khoảng bao nhiêu năm nay?
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cùng lắm được 3%, sáu tháng cuối năm thường gấp đôi sáu tháng đầu năm là 6%, vậy tổng cộng là 9%. Như vậy cũng là tốt lắm rồi.
- Theo ông, có những ngành nào cần được quan tâm nhất để thúc đẩy cho vay, đảm bảo tăng trưởng và an toàn hệ thống.
Lĩnh vực bất động sản là đầu tiên. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản cần dỡ bỏ ngay để thị trường này phát triển.
Ví dụ, một dự án sau khi san lấp, xây dựng cơ ở hạ tầng thì có giá thành 6 triệu/m2, chịu thuế nữa thì giá thành 12 triệu/m2, rồi được bán có 50% diện tích thôi nên giá nở ra là 24 triệu đồng/m2. Như thế thì lấy đâu ra nhà giá rẻ, dân chúng lấy đâu tiền ra mua. Chưa kể là tiền lobby dự án rất kinh khủng. Đó là trở ngại về chi phí.
Thứ hai, gần đây có rất nhiều quy định gây trở ngại, ví dụ đấu thầu đất công. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng thực tế lại khác. Có miếng đất công doanh nghiệp đã thuê cách đây 20 năm, giờ chuyển đổi thành đất tư thì Nhà nước phải gọi ông khác vào đấu thầu, hoặc có dự án được doanh nghiệp hình thành từ đầu, nay Nhà nước mang ra đấu thầu, và rồi doanh nghiệp khác thắng. Vậy là doanh nghiệp mất tiền, mất của,... Những thứ đó làm cho các nhà phát triển bất động sản e ngại.
Đó là chưa kể nhiều thủ tục nhiêu khê, mất 3-5 năm mới xong cho một dự án bất động sản; rồi chi phí này khác cũng rất nhiều.
Nếu không có các chi phí đó, giá nhà rẻ xuống thì dân chúng vẫn cứ mua được vì nhu cầu rất lớn. Cộng với hỗ trợ tính dụng, ví dụ, cho vay 60% giá trị căn nhà còn lại tự trả thì tạo ra nhu cầu ngay. Người trẻ có nhu cầu ở nhà chung cư rất lớn. Tôi cho thị trường bất động sản vẫn rất quan trọng.
- Liệu ngoài bất động sản thì còn ngành nào có thể cho vay?
Theo nghiên cứu của tôi, nông sản, dệt may vẫn giữ được nhịp tăng trưởng như không có bệnh dịch. Bất động sản thì trung tính. Còn lại các ngành khác sụt giảm hết, nhất là dịch vụ.
Vậy, từ góc độ chứng khoán, thử tư duy ngành nào sụt giảm thì ném tiền vào cho nó. Ví dụ cổ phiếu một doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối trước đây có giá 40.000 đồng, giờ còn 20.000 đồng, thì ném tiền vào đó sẽ lên 30.000 đồng. Nhưng điều đó lại mâu thuẫn với hợp đồng tín dụng, quy định về tín dụng. Anh em làm tín dụng nói, nếu tiền của chúng em thì chúng em sẵn sàng đầu tư, nhưng ko phải, sau này làm sao thì trả giá đắt.
Đợt rồi có nhiều người thắng chứng khoán kinh khủng. Tôi biết có người có ngày thắng cả trăm ngàn đô, có người thắng hàng cả triệu đô trong vòng 1 tuần ngay tại thị trường này. Như vậy ngân hàng vẫn có cơ sở cho vay. Không như ở các nước, doanh nghiệp phá sản là cho phá sản, Việt Nam ta thì tìm mọi cách cho doanh nghiệp phục hồi. Khi phục hồi thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên.
Tín dụng và tiết kiệm trên địa bàn TP.HCM tăng chậm Mặc dù có cải thiện từ tháng 5, song so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước thì cả tốc độ tăng trưởng tiền gửi và dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đều giảm phân nữa. Huy động tiết kiệm chỉ mới tăng trở lại từ tháng 5 Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước...