Nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch cả năm
Dù mới chỉ qua 3/4 chặng đường của năm 2019, nhưng nhiều DN đã hoàn thành vượt chỉ tiêu các kế hoạch kinh doanh đề ra cho cả năm. Trong đó, bên cạnh những DN vượt kế hoạch nhờ có kết quả kinh doanh tăng đột biến, không ít DN vượt kế hoạch là nhờ các chỉ tiêu đề ra ở mức quá thấp.
Sản phẩm kem tăng trưởng đã bù đắp cho sự sụt giảm của các mảng khác trong kết quả kinh doanh của KDF. Ảnh: ST.
Biên lợi nhuận cải thiện
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Công ty CP Khoáng sản FECON (FCM) ghi nhận doanh thu trong 9 tháng năm 2019 giảm sút nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, giúp công ty hoàn thành sớm kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng. Cụ thể, doanh thu thuần 9 tháng của FCM đạt 572 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp tăng 4%, đạt 81 tỷ đồng. Trong kỳ, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều giảm. Do đó, công ty thu về 42 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với mức 19 tỷ đồng đạt được ở cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, dù doanh thu chỉ mới hoàn thành được 76%, nhưng lợi nhuận sau thuế của FCM đã vượt 17% kế hoạch được đề ra tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm là 35 tỷ đồng.
Hai DN sản xuất săm lốp là Cao su Sao Vàng (SRC) và Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận đề ra nhờ giá vật tư đầu vào giảm. Trong đó, SRC đạt gần 232 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III/2019, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018. Nhờ giá vật tư đầu vào giảm, chi phí trong sản xuất cũng giảm nên chi phí giá vốn hàng bán giảm 11% so với cùng kỳ, kết quả lợi nhuận gộp thu về tăng 29% so với cùng kỳ 2018, đạt hơn 46 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, SRC ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt là 8,2 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng, cùng tăng trưởng 12% so với quý III/2018.
Lũy kế 9 tháng, SRC đạt 708 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương cùng kỳ năm trước và hoàn thành được 77% kế hoạch doanh thu cả năm. Lợi nhuận gộp tăng gần 9%, đạt trên 126 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 16% của cùng kỳ năm trước lên mức 18%. Kết quả 9 tháng, SRC đạt gần 26 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng vượt 24% và 19% so với kế hoạch đề ra.
Video đang HOT
Tương tự, doanh thu 9 tháng năm 2019 của DRC ghi nhận tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.890 tỷ đồng. Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp 9 tháng của DRC cũng tăng trưởng từ 12,4% lên 13,8% nhờ giá vốn có mức tăng thấp hơn so với doanh thu. Ngoài ra, nhờ giảm chi phí lãi vay và giảm lỗ chênh lệch tỷ giá nên chi phí tài chính trong 9 tháng năm 2019 của DRC giảm 10%. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của DRC đạt 212 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, mặc dù kết quả doanh thu mới chỉ hoàn thành được 70% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận trước thuế của DRC đã vượt tới 35%. Trong quý IV, DRC dự kiến thực hiện 1.020 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kế hoạch này, dự kiến DRC sẽ vượt tới 79% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã đề ra.
Đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 tăng trưởng tới 376% so với kết quả đạt được năm 2018 (150 tỷ đồng), nhưng chỉ sau 9 tháng, Công ty CP Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF) cũng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm. Theo đó, doanh thu thuần 9 tháng của KDF chỉ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1.157 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại tăng trưởng tới 239%, đạt 180 tỷ đồng. Với kết quả này, KDF đã vượt 20% so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Theo giải trình của ban lãnh đạo công ty, nhờ việc tổ chức và tái cấu trúc bộ phận bán hàng, tập trung phát triển mở rộng các khách hàng mới và các nhóm sản phẩm kem cốt lõi, các sản phẩm kem mới đã giúp doanh số của công ty tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, công ty cũng đã tổ chức lại sản xuất, tập trung vào những sản phẩm có hiệu quả kinh doanh cao giúp gia tăng lợi nhuận. Theo đó, biên lợi nhuận sau thuế của KDF tăng mạnh từ 0,2% tại quý III/2018 lên 12,5% trong quý III/2019.
Vượt kế hoạch nhờ chỉ tiêu thấp
Trong khi nhiều DN vượt kế hoạch cả năm một cách ngoạn mục nhờ kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng vượt bậc thì cũng có không ít DN dù lợi nhuận cũng chỉ ở mức bình bình, thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn vượt kế hoạch nhờ vào các chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm đều ở mức thấp.
Cụ thể, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vừa công bố thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng với các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm. Theo đó, trong tháng 10, tổng doanh thu PV Gas đạt 6.258 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.064 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 849 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng, PV GAS đạt tổng doanh thu 64.576 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm lợi nhuận trước thuế 11.983 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 9.609 tỷ đồng vượt 26% kế hoạch.
Tuy nhiên, nếu so với kết quả đạt được năm 2018, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2019 của PV GAS đều thấp hơn đáng kể. Trong đó, kế hoạch doanh thu giảm 17%, kế hoạch lợi nhuận trước thuế và sau thuế giảm lần lượt 34% và 35%. Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm 2018, kết quả kinh doanh của PV GAS cũng chỉ ở mức tương đương.
Tương tự PV GAS, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ vào chỉ tiêu đề ra ở mức thấp. Theo đó, trong 9 tháng năm 2019, PPC ghi nhận doanh thu đạt 5.909 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 13%, chỉ đạt 948 tỷ đồng. Theo đó, công ty hoàn thành được 78% kế hoạch doanh thu nhưng lại vượt 18% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đáng chú ý, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của PPC đề ra chỉ tiêu lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với kết quả thực hiện của năm 2018, với mức giảm 44,5%. Đây cũng chính là lý do khiến cho dù lợi nhuận giảm nhưng PPC vẫn vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC) cũng đặt kế hoạch lãi ròng năm 2019 chỉ vỏn vẹn 16 tỷ đồng, giảm 67% so với kết quả đạt được năm 2018. Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của OGC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 51,4 tỷ đồng, giảm gần 9% so với 9 tháng năm 2018. Tuy nhiên, kết quả này của OGC cũng đã gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tương tự, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) cũng đề ra các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2019 đều giảm mạnh so với kết quả của năm 2018. Trong đó, doanh thu giảm 27% còn lợi nhuận sau thuế giảm 49%. Theo báo cáo tài chính quý III/2019 của PVTrans, trong 9 tháng năm 2019, công ty đạt 5.826 tỷ đồng doanh thu và 585 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 4% và 16% so với 9 tháng năm 2018. Kết quả này giúp PVTrans vượt 6% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều biến động, việc DN đặt kế hoạch thận trọng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đặt chỉ tiêu ở mức quá thấp để rồi vượt kế hoạch một cách dễ dàng đôi khi lại làm mất lòng tin của nhà đầu tư vào khả năng hoạch định của ban lãnh đạo DN. Theo đó, các DN cần có những tính toán kỹ lưỡng để đưa ra các chỉ tiêu sát với thực tế. Nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ càng về kế hoạch và kết quả kinh doanh của các DN để tránh bị ăn “bánh vẽ”.
Khải Kỳ
Theo haiquanonline.com.vn
Không còn khoản thu lớn từ bán con, Gemadept (GMD) báo lãi 547 tỷ đồng trong 9 tháng, bằng 1/3 cùng kỳ
Trong đó Gemadept đạt xấp xỉ 200 tỷ đồng LNST trong quý 3/2019, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD) công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần đạt 697,7 tỷ đồng, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó chi phí giá vốn giảm nhẹ nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 282,6 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 40,5%.
Quý 3 các công ty liên doanh liên kết mang lại gần 53 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 80% so với quý 3 năm ngoái. Kết quả, trừ thêm các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và thuế, phí, Gemadept còn lãi sau thuế 199,7 tỷ đồng, tăng 15,4% so với lợi nhuận đạt được quý 3 năm ngoái. Trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 162 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu thuần đạt 1.996 tỷ đồng, xấp xỉ bằng cùng kỳ. Chi phí giá vốn giảm nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 803,6 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu của Gemadept, doanh thu từ hoạt động khai thác cảng chiếm ưu thế với 1.760 tỷ đồng thu về, đóng góp 88% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ hoạt động logistics, cho thuê văn phòng...
Tuy nhiên không có khoản thu lãi từ "bán con" như năm ngoái, nên lợi nhuận trước thuế còn gần 612 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 547 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 450 tỷ đồng. EPS giảm từ 5.684 đồng xuống còn 1.396 đồng. Tổng LNST chưa phân phối lũy kế đến cuối quý 3 còn 897 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 3/2019 dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn còn 360 tỷ đồng (giảm 315 tỷ đồng so với đầu năm) còn dư vay nợ thuê tài chính dài hạn còn 1.413 tỷ đồng (giảm 178 tỷ đồng).
Mạnh Linh
Theo Nhịp sống kinh tế
Lĩnh vực ngân hàng có nguy cơ "rửa tiền" rất cao Đây là số liệu thống kê được nêu ra tại Báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017 do Thanh tra Chính phủ vừa công bố. Lĩnh vực ngân hàng có nguy cơ "rửa tiền" cao Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB),...