Nhiều điều đặc biệt tại lễ tôn vinh tân giáo sư, phó giáo sư
QĐND Online – TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư cấp Nhà nước (HĐCDGSNN) nhấn mạnh như vậy tại Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2014 cho 644 GS, PGS, sáng 4-2, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Phạm Vũ Luận đã tới dự.
Tân giáo sư trẻ nhất trong lịch sử
Theo thông tin từ HĐCDGSNN, năm 2014, có 822 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại 89 HĐCDGSNN cơ sở, trong đó có 92 ứng viên GS và 730 ứng viên PGS. Qua 3 vòng sàng lọc, bỏ phiếu, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã xét, công nhận 59 GS và 585 PGS mới của đợt năm 2014.
Trao đổi với báo chí, TSKH Trần Văn Nhung cho biết, điều đặc biệt nhất, thú vị nhất trong đợt công nhận GS, PGS năm 2014, về tuổi đời là GS trẻ nhất và GS cao tuổi nhất trong lịch sử 38 năm qua (1974-2014). Đó là GS Phan Thanh Sơn Nam, 37 tuổi, chuyên ngành Hóa học, giảng viên Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và GS Lê Ngọc Canh, 81 tuổi, chuyên ngành Nghệ thuật, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Video đang HOT
Đông đảo các đại biểu đến dự buổi lễ.
Chức danh PGS trẻ nhất được trao cho hai người cùng sinh năm 1981, đó là TS Từ Trung Kiên, chuyên ngành Chăn nuôi, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên và TS Hoàng Quý Tỉnh, chuyên ngành Sinh học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội. PGS cao tuổi nhất là nhà giáo Vũ Tự Lân (81 tuổi), chuyên ngành Nghệ thuật, nguyên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện có 2 người đang giữ kỷ lục PGS trẻ nhất 29 tuổi đó là TS Toán học Phạm Hoàng Hiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đợt năm 2011 và nữ TS Hóa học Nguyễn Khánh Diệu Hồng, đợt năm 2012, (NCS ở Anh Quốc theo học bổng 322, con gái của GS, TS Hóa học Đinh Thị Ngọ) cả hai mẹ con đều Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Một điều đặc biệt của năm nay là có 2 tân giáo sư đang giữ chức vụ thứ trưởng là: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến (Anh hùng lao động, Nhà giáo ưu tú) và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến (Nhà giáo ưu tú, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh).
Có một cặp vợ chồng cùng sinh năm 1962 cùng được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS ngành Tâm lý học đợt này là chị Đỗ Ngọc Khanh và anh Lê Văn Hảo cùng công tác tại Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
“Nhìn chung các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn, nhưng vẫn chưa trẻ được như các nước phát triển” – GS Trần Văn Nhung nhận định.
“Chúng ta rất vui mừng được biết số GS và PGS được xếp công nhận hàng năm không ngừng được trẻ hóa. Ngày càng có nhiều nhà giáo, nhà khoa học và các tác giả có các công trình nghiên cứu có giá trị đối với sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh của đất nước và có uy tín trên trường quốc tế. Nhiều kết quả đã được ứng dụng một cách có hiệu quả trong thực tế” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Phải xây dựng thế hệ trẻ say mê học tập
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, các GS, PGS là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ tri thức cho đất nước, góp phần xây dựng nên một thế hệ trẻ say mê học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. GS Phạm Vũ Luận hy vọng, với vinh dự và trách nhiệm mới này, các GS, PGS sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình, của quê hương, của cơ sở đào tạo, phát huy uy tín và ảnh hưởng của mình trong cộng đồng khoa học và trong xã hội, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp đổi mới giáo dục-đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ để đưa đất nước ngày càng phát triển.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao quyết định cho các tân GS.
Theo thống kê của HĐCDGSNN, từ năm 1976 đến hết năm 2014, sau 38 năm, tổng số GS, PGS được công nhận ở nước ta là 11.097, gồm 1.628 GS và 9.469 PGS. Năm 2014, số GS, PGS tăng so với năm 2013 là 73 người, cùng với đó giới chuyên môn cao cũng nhìn nhận rằng số ứng viên có công bố khoa học quốc tế tăng lên, nhất là ở những ngành về khoa học tự nhiên, công nghệ và y học. Trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), số giờ dạy, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cũng tăng lên. Nguyên nhân là những năm gần đây, các tiêu chuẩn về chất lượng khoa học và đào tạo đối với các ứng viên GS, PGS được nâng lên. Cụ thể là có nhiều bài báo khoa học có chất lượng được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc gia và quốc tế như SCI, SCIE, SSCI, ISI… và quốc gia; quan tâm đến các chỉ số IF, H; kiểm tra chất lượng và phân biệt các sách chuyên khảo, giáo trình và tham khảo, năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, được yêu cầu cao hơn để hội nhập quốc tế, tăng số giờ giảng đối với giảng viên thỉnh giảng… Vì vậy mà số ứng viên có công bố khoa học quốc tế tăng lên nhất là ở những ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và y học.
Tại buổi lễ, tân GS Phan Thanh Sơn Nam nói, chức danh GS là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới với trách nhiệm nặng nề hơn chứ không hoàn toàn kết thúc một sự nghiệp khoa học. Sau khi đạt được chức danh GS, ngoài việc thực hiện những nghiên cứu của riêng cá nhân mình, tôi còn có trách nhiệm hỗ trợ cho các bạn trẻ hơn trên con đường nghiên cứu khoa học. Xin được làm một nét gạch nối giữa thế hệ các bạn trẻ hơn tôi với thế hệ cha anh để cùng nhau học hỏi kiến thức và kinh nghiệm và kiến thức từ những thế hệ đi trước, cũng như hỗ trợ lẫn nhau trên con đường đi tới chân trời khoa học.
GS Phan Thanh Sơn Nam mong muốn, giới khoa học sẽ được nhà nước quan tâm hơn nữa, đặc biệt là trong công việc đổi mới cách thức nghiên cứu khoa học công nghệ và quản lý tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc và cống hiến cho đât nước một cách hiệu quả nhất.
Theo pdnd.vn