Nhiều điểm mới trong xét tuyển ngành khoa học sức khỏe
Các trường ĐH, CĐ khối ngành khoa học sức khỏe đã cung cấp nhiều thông tin mới trong việc xét tuyển năm nay tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học tương lai với chủ đề các ngành liên quan y tế, sức khỏe.
Các khách mời tham gia tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều 19.2 – Đào Ngọc Thạch
Chương trình được trực tuyến và phát lại tại các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Thêm phương thức xét tuyển, thêm ngành mới
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, về khối ngành khoa học – sức khỏe, ngoài việc xác định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào như năm trước, dự thảo quy chế năm nay cho thấy Bộ giám sát rất chặt chẽ kỳ thi đánh giá năng lực riêng của trường tổ chức khi xét tuyển các ngành.
Với Trường ĐH Duy Tân, lần đầu tiên, năm nay trường sẽ xét học bạ đối với ngành y đa khoa, răng hàm mặt với 50% chỉ tiêu mỗi ngành. Trường cũng đưa ra mức điểm xét tuyển tối thiểu với 2 ngành này là 25 điểm/3 môn, cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD-ĐT là 1 điểm.
Theo thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, năm nay trường có mở ngành mới là kỹ thuật hình ảnh y học bên cạnh các ngành đã đào tạo nhiều năm nay là dược sĩ, điều dưỡng, xét nghiệm y học.
Ngành học luôn cần thiết trong xã hội
Tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý khối khoa học sức khỏe có nhiều ngành khác nhau. Lâu nay thí sinh vẫn quan tâm nhiều hơn đến y đa khoa, răng hàm mặt dù các ngành khác cũng quan trọng không kém trong cuộc sống. Thậm chí như ngành dược, thí sinh cũng có thể học chuyên về dược lâm sàng, sản xuất thuốc… Như gần đây có sự khan hiếm dung dịch nước rửa tay, trên cơ sở tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, viện nghiên cứu các trường ĐH cũng tự điều chế nước rửa tay, hỗ trợ việc phòng, chống dịch Covid-19. Đây là tầm quan trọng của các ngành khoa học sức khỏe bên cạnh y đa khoa, răng hàm mặt.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết y tế sức khỏe là một ngành mà không bao giờ xã hội không cần. Chẳng hạn tình hình dịch Covid-19 hiện nay mà không có đội ngũ y bác sĩ thì sẽ không biết ra sao. Nhưng dù chọn ngành nào trong khối ngành này đi nữa thì tố chất cần thiết là lòng yêu thương con người. Năng lực phải học tốt, giỏi các môn khoa học tự nhiên và đam mê nghiên cứu, cập nhật công nghệ thường xuyên. Hơn nữa, cần cập nhật liên tục về ngoại ngữ giao tiếp và ngoại ngữ chuyên ngành. Thầy thuốc cũng phải am hiểu về pháp luật để hành nghề cho đúng.
“Nếu không theo đuổi đúng các ngành này thì thí sinh cũng có thể học ngành liên quan như công nghệ sinh học, kỹ thuật y sinh… cho những nguyện vọng kế tiếp”, thạc sĩ Phương đưa ra lời khuyên.
Những lưu ý về xét tuyển, học phí
Một vấn đề thí sinh rất quan tâm là học phí và chi phí học tập khối ngành khoa học sức khỏe.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, học phí các ngành khối này luôn cao nhất tại các trường, đặc biệt các trường tư, vì tiền trang bị phòng thí nghiệm, thực hành… rất lớn. Trên trang thituyensinh.vn, hằng năm Bộ GD-ĐT bắt buộc trong đề án tuyển sinh đưa lên trang này, các trường ĐH phải công bố học phí khóa tuyển sinh năm đó.
Thí sinh cũng cần quan tâm lộ trình tăng học phí ở các trường. Nhưng ít khi các trường tăng gấp đôi học phí hằng năm vì phải cam kết về học phí với sinh viên. Tuy nhiên, sinh hoạt phí cũng là điều thí sinh cần quan tâm, nhất là học ở thành phố lớn. Đối với ngành y, từ năm 2 – 3 trở đi, sinh viên sẽ ít có thời gian đi làm thêm vì thực hành rất nhiều. “Sinh viên học ngành y đừng nghĩ rằng vừa học vừa làm thêm để trang trải học phí vì điều này rất khó”, tiến sĩ Hải thông tin.
Theo thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, học phí các ngành sức khỏe của trường sẽ không thay đổi trong suốt các năm học từ khi vào đến khi ra trường. Ngoài ra, do học theo chế độ tín chỉ nên học phí nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào số lượng tín chỉ mà sinh viên đăng ký.
Các phương thức tuyển sinh
Trường ĐH Duy Tân: Đào tạo các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược, điều dưỡng. Phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, xét điểm thi THPT quốc gia và xét điểm học bạ.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Đào tạo các ngành dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học. Phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét học bạ, điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm kỳ thi riêng do trường tổ chức.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Đào tạo các ngành y đa khoa, y học dự phòng, dược, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học. Phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia, học bạ, điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm kỳ thi riêng do trường tổ chức.
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: Đào tạo các ngành dược, điều dưỡng, xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học. Phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ.
Tư vấn trực tuyến truyền hình
Thí sinh nào phù hợp với nhóm ngành kinh tế – ngân hàng – luật ?
Ngày 21.2, Báo Thanh Niên tổ chức buổi thứ 3 chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Chọn ngành học tương lai với nhóm ngành kinh tế – ngân hàng – luật”.
Chương trình được phát tại: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Chương trình sẽ diễn ra trong 4 đợt (mỗi đợt kéo dài 60 phút). Chuyên gia tham dự gồm đại diện các trường ĐH: Mở TP.HCM, Việt – Đức, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Hoa Sen, Duy Tân, Quốc tế Sài Gòn, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, CĐ Đại Việt Sài Gòn.
Theo Thanh Niên
Thí sinh nào đủ điều kiện xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe?
Để xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe, thí sinh cần đáp ứng các điều kiện về ngưỡng điểm tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ngoài điểm số, theo học nhóm ngành này thí sinh cần có thêm các yếu tố khác.
Các thông tin liên quan đến nhóm ngành sức khỏe sẽ được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến buổi thứ 2 của Báo Thanh Niên diễn ra với chủ đề 'Chọn ngành học cho tương lai với khối ngành y tế-sức khỏe' vào 14 giờ 30 ngày 19.2.
Chương trình được phát trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Chọn ngành học sau khi hoàn thành chương trình THPT là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Ngành học đó không chỉ đúng với năng lực, sở trường bản thân mà còn cần phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội và ra trường tìm được việc làm nuôi sống bản thân, gia đình.
Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến nhóm ngành y tế-sức khỏe - Đào Ngọc Thạch
Nhận rõ tầm quan trọng của việc hướng nghiệp trên, phần nội dung quan trọng đầu tiên của chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên đề cập đến việc lựa chọn ngành học phù hợp cho tương lai.
Nhóm ngành đầu tiên trong chương trình tư vấn chiều nay là nhóm ngành y tế-sức khỏe. Tham dự chương trình, đại diện các trường ĐH và CĐ có đào tạo khối ngành này sẽ cung cấp những thông tin mới nhất về tuyển sinh các ngành này. Đặc biệt là những lưu ý về quy định riêng ngưỡng điểm tối thiểu khi xét tuyển vào các ngành sức khỏe theo quy định của Bộ GD-ĐT năm nay.
Chuyên gia tham dự chương trình gồm:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh-Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
- Thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
- Thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn
Bắt đầu từ tuần này, Báo Thanh Niên sẽ tăng cường số lần tổ chức trong tuần chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến về chọn ngành học tương lai 2020. Việc tăng cường tổ chức này nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh nghỉ dài phòng tránh dịch Covid-19, thường xuyên truy cập mạng internet nói chung và chuyên mục giáo dục trên kênh thanhnien.vn nói riêng để tìm hiểu thông tin mới nhất về thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH-CĐ và chọn ngành năm 2020.
Tuần này, chương trình diễn ra vào ngày 19.2 (chủ đề nhóm ngành y tế-sức khỏe) và ngày 21.2 (nhóm ngành kinh tế-ngân hàng-luật).
14:34
Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn trực tuyến CHỌN NGÀNH HỌC CHO TƯƠNG LAI với khối ngành Y TẾ- SỨC KHỎE
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân thông tin: Học ngành nào vừa phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, ra trường tìm được việc làm phù hợp nuôi sống bản thân, gia đình và nuôi dưỡng những hoài bão của mình là mục đích quan trọng nhất để thí sinh lựa chọn ngành nghề học tập. Nhận rõ tầm quan trọng của việc hướng nghiệp nên những nội dung đầu tiên của chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên đặt trọng tâm vào lựa chọn ngành học phù hợp cho tương lai.
Ngành đầu tiên mà chương trình tập trung vào nhóm ngành Y TẾ- SỨC KHỎE. Ngành học này càng đặc biệt quan tâm hơn khi chúng ta đang chứng kiến các nhân viên y tế trong thời gian vừa qua đã phải nỗ lực như thế nào để ứng phó và chăm sóc bệnh nhân trong mùa dịch Covid-19.
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook Báo Thanh Niên và kênh YouTube. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh-Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
- Thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
- Thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn
Khách mời tham gia chương trình - Đào Ngọc Thạch
14:55
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Có thể nói đến thời điểm này, học sinh và sinh viên cả nước vẫn chưa trở lại trường nhập học vì dịch Covid-19. Với tình hình phòng, chống dịch bệnh khả quan như hiện nay, hy vọng mọi việc sẽ nhanh ổn định.
Quan trọng là học sinh năm nay thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT có nói có thể lùi kỳ thi, nhưng chưa chính thức. Nhưng tuần vừa qua Bộ có một cuộc họp với các trường để tổng kết tuyển sinh 2019 và tuyển sinh 2020.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải: Về cách tuyển sinh, cơ bản năm nay không có gì thay đổi. Có thay đổi chăng là các trường ĐH có đa dạng hơn phương thức tuyển sinh - Đào Ngọc Thạch
Về cách tuyển sinh, cơ bản năm nay không có gì thay đổi. Có thay đổi chăng là các trường ĐH có đa dạng hơn phương thức tuyển sinh. Các em cần lưu ý trường mình dự định thi vào.
Về khối khoa học - sức khỏe, năm ngoái Bộ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia cũng như xét học bạ. Năm nay, dự thảo quy chế không có gì thay đổi. Đối với xét học bạ, điểm tối thiểu xét tuyển ngành y là ít nhất 8.0 điểm/môn và các ngành khác 6.5 điểm/môn.
Đất nước ta vẫn thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Đây là cơ hội cho các bạn quan tâm đến nhóm ngành nghề này.
Khối khoa học sức khỏe có nhiều ngành khác nhau. Thí sinh có thể học y đa khoa, răng hàm mặt, dược, điều dưỡng... Thậm chí như ngành dược cũng có thể học chuyên về dược lâm sàng, sản xuất thuốc... Như gần đây có sự khan hiếm dung dịch nước rửa tay, trên cơ sở tiêu chuẩn của WHO, viện nghiên cứu các trường ĐH cũng tự điều chế nước rửa tay, hỗ trợ việc phòng, chống dịch Covid-19. Đây là tầm quan trọng của các ngành khác bên cạnh y đa khoa, răng hàm mặt.
Riêng với Trường ĐH Duy Tân, khối ngành khoa học sức khỏe vẫn tuyển sinh như năm ngoái: y đa khoa, răng hàm mặt, dược, điều dưỡng. Năm nay, trường có điểm mới là xét học bạ ngành y đa khoa, răng hàm mặt với 50% chỉ tiêu. Tuy nhiên, mức điểm xét tuyển sẽ là 25 điểm/3 môn, cao hơn ngưỡng của Bộ GD-ĐT 1 điểm. Điểm xét tuyển các ngành khác như ngưỡng của Bộ.
Riêng xét tuyển điểm thi THPT quốc gia, các bạn có thể tham khảo điểm năm ngoái: y đa khoa (21), dược (20 điểm), điều dưỡng (18 điểm).
14:57
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương: Y tế sức khỏe là một ngành mà không bao giờ xã hội không cần, ví dụ tình hình dịch bệnh hiện nay mà không có đội ngũ y bác sĩ thì chúng ta sẽ đi đâu về đâu. Nhóm ngành này sẽ có 3 nhóm công việc. Thứ nhất là học làm bác sĩ (y, y học cổ truyền học ít nhất 6 năm sau đó làm việc ở bệnh viện 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề). Thứ hai là dược sĩ, trực tiếp nghiên cứu sản xuất thuốc hoặc quản lý, kinh doanh thuốc. Danh mục đào tạo các ngành này còn khiêm tốn và cần được phép của Bộ GD-ĐT khi mở ngành.
Riêng ngành dược tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trường sẽ xét tuyển thẳng theo quy định của bộ; xét dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia (năm ngoái điểm trúng tuyển ngành này là 22); xét tuyển học bạ với quy định học lực; xét tuyển dựa vào điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM; xét dựa điểm kỳ thi riêng do trường tổ chức.
14:58
Thạc sĩ Hồ Thanh Tình: Đội ngũ quan trọng để phòng chống dịch bệnh là bác sĩ y học dự phòng, đội ngũ này có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Học ngành này cần có tư duy thông minh, tố chất yêu thương con người, sự kiên trì nhẫn nại để theo đuổi việc học kéo dài, can đảm, cẩn thận, tỉ mỉ và những người này còn cần có sự hy sinh. Muốn học ngành này cần xem mình đã đủ các yếu tố trên chưa.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo 7 ngành khối sức khỏe, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn các ngành này năm trước để xác định năng lực của mình - Đào Ngọc Thạch
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo 7 ngành khối sức khỏe, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn các ngành này năm trước để xác định năng lực của mình.
15:05
Thạc sĩ Đường Anh Tân: Gần 1 tháng qua, vấn đề sức khỏe được đưa lên hàng đầu đối với cả nhân loại chứ không chỉ Việt Nam. Nhưng không phải năm nay là năm "sốt" về vấn đề sức khỏe mà các em mới quan tâm. Các em cần xem xét 18 năm qua các em có quan tâm hay không để chọn lựa. Các em phải yêu thích, có năng lực... mới có thể theo học lâu dài khối ngành này.
Nếu cảm thấy năng lực không đủ vào trường ĐH, vẫn có thể theo đuổi đam mê, nguyện vọng ở bậc CĐ. Các trường CĐ vẫn có khối ngành sức khỏe, các em có thể học, sau đó liên thông lên bất kỳ các trường ĐH nào có khối ngành này.
Riêng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, hơn 10 năm qua đã chú trọng khối ngành sức khỏe. Đó là trường đào tạo ngành dược, điều dưỡng để cung cấp nhân lực các bệnh viện, trung tâm y tế...
15:19
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Năm nay, lần đầu tiên Trường ĐH Duy Tân quyết định thêm một phương thức xét tuyển nữa với ngành y đa khoa và răng hàm mặt là xét học bạ. Các năm trước ngành này chỉ xét điểm thi THPT quốc gia. Lý do là trường dựa vào số liệu thông kê, đặc biệt căn cứ vào công tác tổ chức đào tạo, yêu cầu đầu vào có thay đổi lớn của trường.
Hiện nay, trường có điểm khác biệt đào tạo 2 ngành này với trường khác. Đầu tiên, trường sử dụng CNTT với mô hình 3D, IoT, kết nối thế giới thực với thế giới ảo để sinh viên trải nghiệm mô hình ảo tương tự như mô hình thật dưới các phần mềm 3D công nghệ thực tải ảo về thân thể người, 3D mổ nội soi, 3D hồi phục nhồi máu cơ tim... Bên cạnh đó, sinh viên học ngành y học tiếng Anh tương đối nhiều ngay từ năm 1. Cuối cùng là các em phải thực hành ở các hệ thống bệnh viện.
Trong những khóa tuyển sinh trước, trường chỉ dựa vào điểm thi THPT quốc gia. Sau khi phân tích, trường thấy một số em có điểm thi THPT quốc gia cao, điểm học bạ thấp. Thứ 2 là vai trò bác sĩ rất quan trọng. Phải có thần kinh đủ mạnh mẽ chống chọi áp lực bệnh, bệnh nhân, áp lực thời gian... Vì vậy, trường dựa vào kỳ thi THPT quốc gia với áp lực kỳ thi rất lớn. Tâm lý không vững thường không đạt được điểm cao. Trường đã tuyển được kỹ năng chịu áp lực của thí sinh qua bước sơ loại này.
Nhưng năm nay, khi phân tích ngành khác, những em có 8 điểm/môn học rất tốt khi vào ĐH, không có em nào học bị tụt. Vì vậy, trường thử nghiệm thêm một phương thức nữa cho ngành y đa khoa. Độ khó của đề THPT quốc gia ở 3 năm gần đây cũng không còn gây căng thẳng như trước. Các em học giỏi tiếp cận đề thi rất nhẹ nhàng.
Nhưng chúng tôi cẩn trọng hơn. Bộ yêu cầu điểm xét tuyển tối thiểu 24 điểm/3 môn, trường quy định phải 25 điểm/3 môn.
Tuy nhiên, chia sẻ các em một lời khuyên. Học ngành gì cũng cần tham vấn anh chị đi trước, những người đã làm trong lĩnh vực đó. Học ngành y, răng hàm mặt là một ngành có sức học khó khăn nhất trong tất cả các ngành. Ở Trường ĐH Duy Tân còn học công nghệ và tiếng Anh nữa. Những ngành còn lại như điều dưỡng, dược thì nhẹ nhàng hơn.
15:26
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương: Dù học ngành nào trong khối ngành sức khỏe đi nữa thì tố chất cần thiết là lòng yêu thương con người, năng lực phải giỏi các môn khoa học tự nhiên và đam mê nghiên cứu, cập nhật công nghệ thường xuyên. Hơn nữa, các bạn cần cập nhật liên tục về ngoại ngữ giao tiếp và ngoại ngữ chuyên ngành. Thầy thuốc cũng phải am hiểu về pháp luật để hành nghề cho đúng.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương: Dù học ngành nào trong khối ngành sức khỏe đi nữa thì tố chất cần thiết là lòng yêu thương con người, năng lực phải giỏi các môn khoa học tự nhiên - Đào Ngọc Thạch
Về kỹ thuật y sinh, thí sinh cần lưu ý thêm một số thông tin. Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngành này đào tạo đội ngũ kỹ sư kỹ thuật y sinh, đào tạo theo hướng máy móc thiết bị y tế. Trong ngành y sinh đào tạo cơ bản về giải phẫu sinh lý, qua đó học những kiến thức cơ bản về lý, sinh, điện tử...
Riêng ngành thú y, trường đào tạo theo hướng bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi, thú cưng. Ngành này còn nghiên cứu về dược thú y, nghiên cứu thuốc trong điều trị bệnh thú y. Cơ hội việc làm cho những người học ngành này đang rất rộng.
15:34
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Theo Nghị định 99, khi tốt nghiệp văn bằng của ngành thú y sẽ ghi là "bác sĩ thú y". Hiện nay, tại các thành phố lớn, khi đời sống vật chất được nâng cao, con người rất quan tâm các động vật gần gũi như chó, mèo. Nếu thật sự yêu thích ngành này, các em có thể thuyết phục ba mẹ để theo học.
15:36
Một bạn đọc hỏi: Đạt giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật có được xét tuyển vào khối ngành sức khỏe không?
- Thạc sĩ Hồ Thanh Tình: Năm nay trường có 5 phương thức xét tuyển: xét học bạ, thi THPT quốc gia, năng lực do trường tổ chức, xét kỳ thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và các diện xét tuyển thẳng khác. Trong đó, trường vẫn dành chỉ tiêu ngành sức khỏe cho xét tuyển thẳng. Tuy nhiên, thí sinh vẫn phải đạt các điều kiện tối thiểu về học lực. Ví dụ, ngành y khoa điều đầu tiên là học sinh giỏi để nộp hồ sơ, trên cơ sở đó trường sẽ xét tiếp từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu. Chưa chắc đủ điều kiện là trúng tuyển mà còn chờ vào công bố xét tuyển của trường. Thí sinh có nhiều lựa chọn, không xét học bạ thì có thể dự kỳ thi riêng của trường.
15:45
Thạc sĩ Đường Anh Tân: Năm nay Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn có mở ngành mới là kỹ thuật hình ảnh y học, sử dụng máy móc, công nghệ để chụp chiếu cơ thể con người. Các em cũng có thể lưu ý chọn học.
Thạc sĩ Đường Anh Tân: Năm nay Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn có mở ngành mới là kỹ thuật hình ảnh y học - Đào Ngọc Thạch
Các em tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện xét tuyển. Nhưng với các ngành khối sức khỏe, các em cần đạt ít nhất 16.5 điểm để nộp hồ sơ. Khối ngành này cũng có chỉ tiêu giới hạn.
Ngoài việc liên thông các trường ĐH, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cũng đang có chủ trương thành lập trường ĐH nên khi chính thức thành lập, các em có thể liên thông lên ĐH ngay tại trường.
15:47
Một bạn đọc hỏi: Thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh có được tuyển thẳng vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành?
Thạc sĩ Hồ Thanh Tình: Thí sinh có học lực giỏi lớp 12 và đạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, trường dành 15% chỉ tiêu cho phương thức này. Trường hiện có 2 ngành liên thông từ TC lên ĐH khối ngành sức khỏe. Học phí các ngành sức khỏe của trường năm nay khoảng 40 triệu đồng/năm (tùy tín chỉ).
15:49
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Để xét tuyển vào ĐH năm 2020, nếu dùng phương thức xét tuyển học bạ, các em có thể dùng kết quả học bạ năm trước xét bình thường. Nếu dùng kết quả xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia, các em cần đăng ký thi năm nay, dùng kết quả thi năm nay để xét tuyển.
15:52
Bạn đọc hỏi: Học phí khối khoa học sức khỏe tại các trường như thế nào?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Trên trang thituyensinh.vn, hằng năm Bộ GD-ĐT bắt buộc trong đề án tuyển sinh đưa lên trang này, các trường phải công bố học phí khóa tuyển sinh năm đó. Ở Trường ĐH Duy Tân, năm ngoái thu 50 triệu đồng/năm, nhưng có trường thu cao hơn, tùy trường.
Các em cần quan tâm lộ trình tăng học phí của các trường. Ngoài ra, sinh hoạt phí là điều các em cũng cần quan tâm, nhất là các em học ở thành phố lớn. Ở ngành y, ở năm 2 - 3 trở đi, các em sẽ ít có thời gian đi làm thêm vì thực hành rất nhiều. Các em học ngành y đừng nghĩ rằng vừa học vừa làm thêm để trang trải học phí. Điều này rất khó.
15:59
* Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết về khối ngành y tế-sức khỏe để có thể quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH trong thời gian tới. Chương trình sẽ tiếp tục với khối ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh là kinh tế vào thứ sáu (21.2) cũng tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook báo Thanh Niên và kênh YouTube.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại.
Theo Thanh niên
Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh trước bối cảnh Covid-19 Trong kỳ nghỉ dài ngày để phòng tránh dịch bệnh do Covid-19 gây ra, học sinh lớp 12 chắc chắn là những người lo lắng nhất bởi trước mặt các bạn là kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ. Việc hoàn thiện kiến thức, ôn tập, chọn ngành, chọn trường,... dù sẽ có sự hỗ trợ từ nhiều phía nhưng vẫn...