Nhiều địa phương chọn 2 cụm thi THPT quốc gia
Bộ GD&ĐT yêu cầu, đến hết ngày 5/3, các địa phương chốt phương án tổ chức cụm thi. Thời điểm này, đa số các tỉnh đã lên phương án duy trì 2 cụm thi, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã hoàn tất việc khảo sát và lên phương án thi THPT quốc gia. Dựa vào đặc thù địa phương có địa hình khá rộng lớn với hơn 50% thí sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp nên năm nay, Hòa Bình quyết định chọn phương án tổ chức 2 cụm thi.
Tuy nhiên, Hòa Bình đến nay chưa có trường ĐH nên địa phương sẽ huy động cơ sở vật chất ở các trường nghề, trường CĐ phục vụ thi.
2 cụm thi có lợi cho thí sinh
Tương tự, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, dựa trên kết quả khảo sát đơn vị dự kiến sẽ tổ chức 2 cụm thi.
Ông Trác Văn Đây, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho hay, đơn vị cũng định hướng lựa chọn phương án tổ chức 2 cụm thi. Theo ông Đây, nếu chỉ tổ chức một cụm thi ĐH ở thành phố thì thí sinh vùng giáp ranh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp sẽ đi lại vất vả, tốn kém.
Ông Đây nói, là địa phương có tổ chức dạy học môn ngoại ngữ nhưng chất lượng chưa cao nên Bộ GD&ĐT cho phép học sinh chỉ thi hai môn bắt buộc là Văn – Toán, hai môn còn lại tự chọn. Được biết, Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu yêu cầu học sinh đăng ký môn thi đến hết tháng 3/2016.
Bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trước mắt đơn vị đăng ký tổ chức 2 cụm thi. Tuy nhiên, đơn vị khuyến khích các trường THPT tuyên truyền để thí sinh hiểu việc tham gia cụm thi ĐH nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ sẽ có lợi hơn.
Bà Lệ phân tích: “Một số học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp, tuy nhiên khi có kết quả điểm số cao lại nộp hồ sơ đi xét tuyển ĐH, CĐ. Trong trường hợp này, học sinh không có nhiều trường để nộp hồ sơ xét tuyển trong khi nếu thí sinh đăng ký thi với hai mục đích nếu điểm không đạt thì chỉ xét tốt nghiệp thôi vẫn không sao”, bà Lệ nói.
Riêng tại Hà Nội, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) thông tin, sở vừa gửi công văn yêu cầu các trường THPT thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi, đăng ký môn thi của học sinh lớp 12, từ đó mới lên kế hoạch đảm bảo sự chính xác.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 Hà Nội có 8 cụm thi do ĐH chủ trì và 1 cụm thi địa phương với 19 điểm thi. Tuy nhiên, việc bố trí các điểm thi chưa hợp lý khi có thí sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp nhưng phải đi xa 50km. Nhiều thí sinh vẫn phải thuê trọ để dự thi.
Video đang HOT
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong.
Tỉnh có quyền lựa chọn 1 hoặc 2 cụm thi
Nếu như kỳ thi THPT quốc gia 2015 quy định ngoài các cụm thi địa phương chỉ có 38 cụm thi do trường ĐH chủ trì thì năm nay với quy chế mới, các tỉnh có quyền lựa chọn phương án tổ chức cụm thi.
Theo đó, các địa phương có thể tổ chức 1 hoặc 2 cụm thi phục vụ thí sinh thi xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Đây bước đầu được coi là phương án tối ưu, tạo thuận lợi cho thí sinh không phải đi xa hàng trăm kilômét, tốn kém nhiều tiền ăn, ở.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các địa phương vẫn chờ hướng dẫn cụ thể của bộ. Các địa phương hiện vẫn làm công tác khảo sát, quyết định cụm thi và lên kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Theo một lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm nay trên cơ sở phương án trình của các Sở GD&ĐT, tỉnh có quyền duyệt, quyết định phương án tổ chức một hay hai cụm thi. Về cơ bản, Bộ GD&ĐT không can thiệp vào quyết định tổ chức cụm thi của các địa phương. Tuy nhiên, theo vị này, có những địa phương địa bàn rộng, nếu chỉ tổ chức 1 cụm thi sẽ không thuận lợi cho thí sinh nhưng những địa phương nhỏ nếu tổ chức 2 cụm thi là không cần thiết.
Bà Mai Thị Lệ cho rằng, việc tổ chức 2 cụm thi thuận tiện hơn cho thí sinh nhưng điều khó khăn nhất là kinh phí và công tác tổ chức thi. Còn ông Trác Văn Đây lại cho hay: “Địa phương đang lên kế hoạch tổ chức thi thử để học sinh có trải nghiệm, qua đó các trường cũng biết học sinh đang yếu ở đâu để lên kế hoạch ôn tập”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đây, việc tổ chức một cuộc thi thử cho hơn 4.000 học sinh chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, đơn vị phải chờ Ủy ban tỉnh phê duyệt. “Nếu không được thi thử, đơn vị cũng sẽ chỉ đạo các trường tổ chức các đợt thi, khảo sát để học sinh tự tin tham dự kỳ thi”, ông Đây nói.
PGS Văn Như Cương cho rằng: “Việc cho phép mỗi tỉnh tự quyết định phương án tổ chức cụm thi có thể dẫn đến chuyện không đảm bảo công bằng, khách quan giữa thí sinh các địa phương”.
Ông Cương ví dụ: “Một địa phương có trường ĐH về phối hợp chủ trì thi, ngay từ đầu được tỉnh đối đãi tốt có thể… nương tay với thí sinh”.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Nhiều cách tuyển sinh mới: Thí sinh lợi nhưng thêm nỗi lo
Tuyển sinh bằng bài luận, phỏng vấn, thư giới thiệu... là những thay đổi đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh 2016. Để thích ứng, thí sinh cần học thực chất và mở rộng kiến thức xã hội.
Kỳ thi "ba chung" - chung đề, chung đợt và ngày thi, chung kết quả - do Bộ GD&ĐT tổ chức từ năm 2002. Trước đó, mỗi trường tự tổ chức thi tuyển, tự ra đề và chấm thi.
Năm 2014, một mặt Bộ GD&ĐT tổ chức "ba chung" cho các trường chưa kịp xây dựng phương án tuyển sinh riêng, mặt khác cho các trường tự chủ tuyển sinh. Đến 2015, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Hình thức tuyển sinh mới
Năm nay, các trường triển khai nhiều cách tuyển sinh đa dạng. Trong đó, hình thức tuyển sinh mới được Đại học Quốc gia TP HCM thử nghiệm là đánh giá bằng bài luận, thư giới thiệu của thầy cô.
Đại học Hoa Sen cũng áp dụng hình thức viết luận để tuyển thí sinh có nguyện vọng và quyết tâm theo đuổi ngành nghề. Đối với nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng (thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất), trường cho phép thí sinh nộp tuyển tập tác phẩm nghệ thuật (từ 7 đến 10 tác phẩm) do chính bản thân sáng tác thay vì tham gia thi 3-4 tiếng đồng hồ.
Thí sinh dự thi đại học. Ảnh: Anh Tuấn.
Trong khi đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thi năng khiếu trong năm 2015 và tiếp tục áp dụng trong năm nay. Trường sẽ tổ chức thi bổ sung môn Năng khiếu báo chí gồm 2 phần trắc nghiệm (3 điểm), tự luận (7 điểm), cho nhóm ngành Báo chí.
Đặc biệt, trường sẽ xét tuyển bằng phỏng vấn trực tiếp thí sinh dự tuyển vào chuyên ngành Quay phim truyền hình, Báo ảnh. Đây là lần đầu tiên trường tổ chức phỏng vấn thí sinh dự thi hai chuyên ngành này.
Không chỉ ở lĩnh vực Báo chí - Truyền thông tuyển sinh dưới hình thức phỏng vấn, khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM cũng mới bổ sung phần sơ tuyển bằng phỏng vấn hoặc trắc nghiệm. Điều này hạn chế tình trạng thí sinh có điểm cao là nộp vào trường, bất chấp có yêu nghề hay phù hợp không?
Năm nay, một mô hình mới cũng được áp dụng: Các trường liên kết tuyển sinh theo nhóm. Theo đó, một số trường kỹ thuật khu vực Hà Nội như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Giao thông Vận tải... dự kiến tạo thành nhóm tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM cũng cho biết, trường dự kiến tuyển sinh theo nhóm, ban đầu gồm 7 đơn vị thành viên: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ Thông tin, Khoa Y.
Một nhóm 5 trường đại học khác cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội làm căn cứ tuyển sinh là Đại học Thủ đô, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Đại học Tài Nguyên Môi trường.
Những trường là thành viên của nhóm sẽ tạo một kho dữ liệu xét tuyển và dùng chung một phần mềm xét tuyển. Từ kho dữ liệu chung và căn cứ tiêu chí xét tuyển của từng trường, mỗi trường sẽ tự tính để xác định điểm chuẩn cho mình.
Thí sinh cần cân nhắc lựa chọn
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, việc các trường đại học tự chủ tuyển sinh giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn. PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng, sự tự chủ tuyển sinh của các trường thời điểm hiện tại không giống trước kỳ thi "ba chung". Trước đây, số lượng trường còn ít, tự lo tuyển sinh. Hiện tại, những hình thức mới được áp dụng thể hiện sự tiến bộ trong giáo dục đại học.
Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT đánh giá, Việt Nam đã hội nhập quốc tế và khu vực, vì vậy giáo dục cũng phải mở cửa, học tập các nước tiên tiến. Trong đó, tự chủ đại học và sự mở rộng về mô hình tuyển sinh là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi các trường phải có kinh nghiệm chuyên môn, tinh thần sáng tạo.
Trong đó, nhiều hình thức thi tốt, đặc biệt là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thí sinh chỉ thi một buổi, 140 câu hỏi bao quát chương trình, làm bài thi trên máy tính... Đó là bước tiến bộ, làm giảm áp lực cho thí sinh và người nhà. Sự đa dạng trong đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội giúp học sinh không học lệch, học tủ.
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, học sinh có nhiều lợi thế nhưng cũng thêm nỗi lo. Để thành công trong những kỳ thi, xét tuyển theo mô hình mới, các em cần học thật, thi thật, tránh tình trạng học tủ hay trông chờ số phận.
Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh phải liên tục cập nhật kiến thức xã hội, rèn luyện kỹ năng giao tiếp để hoàn thành những bài thi trắc nghiệm đa dạng hay vượt qua vòng phỏng vấn.
Đặc biệt, học sinh cần xác định sớm ước mơ, nghề nghiệp để có sự chuẩn bị tốt. Suy nghĩ "thi liều" sẽ khiến các em mất cơ hội trong những mô hình thi, xét tuyển mới.
Trước những đổi mới trong tuyển sinh năm nay, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ chia sẻ, về hình thức nộp hồ sơ xét tuyển, Bộ GD&ĐT nên giữ nguyên ba cách để học sinh đa dạng chọn lựa: Trực tiếp, trực tuyến và đường bưu điện. Bởi nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, thậm chí ngay cả ngoại thành Hà Nội không phải ở đâu cũng phổ cập Internet.
Trong khi đó, các em có thể nhờ người nộp trực tiếp. Nhiều thí sinh ở gần trường cũng không nhất thiết phải sử dụng hai cách online và qua đường bưu điện.
Theo Zing
Hệ trung cấp liên tiếp nhận hung tin Hiệu trưởng các trường trung cấp dự báo 2016 là năm khó khăn trong tuyển sinh, bởi theo dự thảo quy chế tuyển sinh, ngưỡng đầu vào hệ CĐ chỉ cần tốt nghiệp THPT. Trong dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ...