Nhiều ĐH ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh, thí sinh cần lưu ý những gì?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT trong những năm gần đây, nếu học sinh đạt IELTS từ 4.0 trở lên (hoặc tương đương) sẽ được miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và được quy đổi thành 10 điểm.
Nhiều trường ĐH, trong đó có cả những trường top cao cũng ưu tiên với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Vậy khi tham gia xét tuyển, thí sinh cần lưu ý những gì?
Lưu ý về cách tính điểm của các trường
Về cơ bản, khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, các trường sẽ ưu tiên xét tuyển, có trường xét tuyển thẳng, nhưng cách tính điểm quy đổi của các trường tương đối khác nhau. Thí sinh cần cần nhắc thật kỹ các yêu cầu tính điểm đó để tránh sai sót.
Vì dụ, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic từ 5.0 trở lên (hoặc tương đương) có thể đăng ký quy đổi thành điểm môn tiếng Anh tốt nghiệp khi sử dụng các tổ hợp có môn tiếng Anh để xét tuyển bằng điểm thi. Nhà trường không áp dụng quy đổi chứng chỉ IELTS đối với thí sinh tham dự bài kiểm tra tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì cho phép quy đổi điểm tiếng Anh, trong đó điểm xét tuyển bằng điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh và điểm hai môn (gồm Toán và một môn bất kỳ trừ tiếng Anh, thuộc tổ hợp xét tuyển của trường) cộng điểm ưu tiên. Với IELTS 5.5 điểm, thí sinh sẽ được quy đổi thành 10 điểm tiếng Anh; tăng dần đến 8.0 – 9.0 sẽ được quy đổi thành 15 điểm. Trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu.
Còn tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội xét tuyển những thí sinh có điểm trung bình các môn của từng học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt từ 7 trở lên và có chứng chỉ IELTS Academic từ 5.5 trở lên. Với những đối tượng này, điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = (Điểm quy đổi từ chứng chỉ hoặc giải) x 2 Điểm trung bình chung các học kỳ lớp 10, 11, 12 Điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, nếu đạt 5.5 IELTS sẽ tương đương 8 điểm quy đổi; 6.0 IELTS tương đương 9 điểm quy đổi; IELTS 6.5 – 9.0 tương đương 10 điểm quy đổi.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có chính sách ưu tiên đối với thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn tiếng Anh. Với những thí sinh có IELTS đạt 5.0 sẽ có điểm quy đổi để xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là 7 điểm; từ 7.0 trở lên sẽ được quy đổi thành 10. Thí sinh có chứng chỉ IELTS phải còn hiệu lực đến thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển đại học, đồng thời thí sinh cần nộp bản sao công chứng về học viện để xét quy đổi điểm tuyển sinh.
Học viện Tài chính xét tuyển kết hợp bằng cách lấy điểm Toán cùng môn Ngữ văn, Vật lý hoặc Hóa học từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm tiếng Anh được quy đổi từ chứng chỉ quốc tế. Theo đó, IELTS 5.5 sẽ được quy thành 9,5 điểm; IELTS 6.0 sẽ được quy thành 10 điểm.
Video đang HOT
Khi xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh, thí sinh cần đọc kỹ phương án và cách tính điểm quy đổi của các trường (Ảnh: Khánh Huy)
Trường top cao cũng ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh
Khối các trường ĐH Y – Dược điểm chuẩn hàng năm rất cao năm nay cũng có những ưu tiên đối với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh. Như Trường ĐH Dược Hà Nội năm nay, ngoài cộng điểm cho thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, trường này còn cộng điểm khuyến khích cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 5.5 trở lên. Điểm khuyến khích cao nhất là 2 với chứng chỉ tiếng Anh. Nếu đạt nhiều chứng chỉ hoặc nhiều giải, thí sinh chỉ được chọn mức điểm khuyến khích cao nhất, không cộng nhiều lần…
Năm 2021, Trường ĐH Y Hà Nội xét tuyển dựa theo hai phương thức là dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đối với tất cả ngành đào tạo) và xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế đối với ngành Y khoa đào tạo tại Hà Nội.
Hai phương thức trên độc lập với nhau. Thí sinh có thể đăng ký cả hai phương thức khi xét tuyển. Thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển bởi các phương thức tuyển sinh khác.
Hội đồng tuyển sinh cũng sẽ xem xét tuyển thẳng thí sinh trong đội tuyển quốc gia tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế và có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên, phải báo cáo đề tài dự thi bằng tiếng Anh trước hội đồng tuyển sinh và được tất cả thành viên hội đồng tuyển sinh dự họp đồng ý, thì được xem xét tuyển thẳng vào tất cả ngành phù hợp nội dung đề tài dự thi của thí sinh.
ĐH Ngoại thương cũng công bố 6 phương thức xét tuyển, trong đó, có phương thức: Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. Điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển là phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật) theo qui định của nhà trường, có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7,5 trở lên và điểm thi tốt nghiệp THPT 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường (Toán-Lý, Toán-Hóa hoặc Toán- Văn) đảm bảo ngưỡng qui định của trường.
Và phương thức xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. Với phương thức này, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương.
Vẫn nên thi tổ hợp có môn tiếng Anh
Theo đề án tuyển sinh đã được các trường ĐH công bố, hầu hết đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Với phương thức xét tuyển kết hợp giữa xét hồ sơ với điểm thi tốt nghiệp, hay quy đổi điểm chứng chỉ.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình – Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Với bất kỳ phương thức xét tuyển nào, thì một trong những vấn đề thí sinh cần quan tâm nhất đó là vấn đề về lựa chọn ngành, nghề đăng ký, chương trình đào tạo. Và nếu còn băn khoăn giữa nhiều trường, thí sinh nên chọn thi tổ hợp có môn tiếng Anh. Bởi vì nếu thi tiếng Anh thì các bạn có cơ hội xét tuyển vào rất nhiều trường khác nữa”.
Nhiều chuyên gia cho lời khuyên, ngay cả khi xét tuyển bằng chứng chỉ, điều rất quan trọng là, các em cần ghi nhớ các mốc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển, cập nhập thông tin trúng tuyển… của trường mình đăng ký xét tuyển để kịp thời điều chỉnh, tránh trường hợp nghĩ rằng đã đủ yêu cầu tiếng Anh là nghiễm nhiên đỗ.
Ưu tiên chứng chỉ IELTS: Có thiếu công bằng với học sinh nông thôn?
Việc mở rộng ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng với thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS có thể sẽ thúc đẩy phong trào học tiếng Anh. Tuy nhiên điều này có tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh nông thôn?
Bùng nổ ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Tuần qua, hàng loạt trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2021. Bên cạnh các phương thức xét tuyển như dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập (học bạ), kỳ thi đánh giá năng lực... nhiều trường đã mở rộng ưu tiên xét tuyển thậm chí là tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như A-Level, SAT... hoặc có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL, IELTS...
Theo ghi nhận của PV. VOV2, hiện có khoảng 30 trường đại học thông báo ưu tiên và xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 - 6.5. Đơn cử như trường đại học Bách Khoa Hà Nội, thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương) và có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên sẽ được xét tuyển thẳng vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý.
Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT (từ 1100/1600), A-Level, ACT (từ 22/36) và IELTS (từ 6.0) và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương.
Học viện Ngoại giao xét tuyển thẳng những thí sinh có điểm trung bình cộng kết quả học tập của 3/5 kỳ học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8 trở lên và có chứng chỉ IELTS academic (hoặc tương đương) đạt từ 7.0 trở lên...
Mùa tuyển sinh đại học năm 2021, nhiều trường đại học dành chỉ tiêu đáng kể ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL, IELTS.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo (Đại học Ngoại thương) cho rằng, hiện nhiều chương trình đào tạo của các trường đại học hiện nay sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, thậm chí là ngôn ngữ giảng dạy. Ví dụ, đại học Ngoại thương 17/32 chương trình đào tạo dạy bằng ngoại ngữ, trong đó có 14 chương trình dạy bằng tiếng Anh. Do vậy, việc xét tuyển thí sinh có năng lực ngoại ngữ để theo học được các chương trình đào tạo này là điều quan trọng.
"Các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS có độ tin cậy cao nên việc xét tuyển dựa vào các chứng chỉ này sẽ là một xu hướng của các trường đại học". - PGS.TS Vũ Thị Hiền nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Trung Kiên, trưởng phòng tuyển sinh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, việc sử dụng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là xu hướng của tất cả các trường đại học trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Đối với trường đại học Bách Khoa Hà Nội, nếu thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS để cộng điểm (hay quy đổi điểm) xét tuyển vào các chương trình tiên tiến, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ là một lợi thế rất lớn không chỉ tăng cơ hội trúng tuyển mà việc học tập sau này sẽ rất thuận lợi.
Học sinh nông thôn lấy tiền đâu để luyện thi TOEFL, IELTS?
Theo dõi công tác tuyển sinh đại học trong nhiều năm qua, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, việc không còn kỳ thi "2 trong 1" mà chỉ là kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến các trường đại học thiếu những căn cứ "tin cậy" tuyển sinh phù hợp nhu cầu đào tạo của trường mình. Do vậy việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hay các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế là một giải pháp mà các trường sử dụng để bù đắp lỗ hổng này.
Việc mở rộng ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc có thể sẽ thúc đẩy phong trào học tiếng Anh. Tuy nhiên điều này vô hình chung tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Học sinh ở những khu vực này khó có điều kiện về tài chính và môi trường học tập thuận lợi để ôn thi chứng chỉ TOEFL hay IELTS.
Thầy Vũ Khắc Ngọc: "Rất nhiều phụ huynh đã cho con tham gia vào cuộc đua luyện thi TOEFL, IELTS từ rất sớm để có chứng chỉ được ưu tiên xét tuyển lớp 10, đại học. Dĩ nhiên điều này cũng có mặt tích cực nhưng bất cứ cái gì làm quá cũng sẽ trở nên méo mó".
"Có những học sinh ở các tỉnh gần Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên... hàng tuần gia đình vẫn phải thuê taxi cho các em lên các trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội ôn thi IELTS và để được học giáo viên bản ngữ. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy. Các trường đại học tuyển sinh dựa trên các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cần có sự tính toán chi tiết để không cản trở, hạn chế cơ hội của nhóm yếu thế hơn trong xã hội." - Thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.
Trong chương trình Diễn đàn VOV2 (phát sóng ngày 24/03), một thính giả gọi điện tới chương trình cũng tỏ ra lo lắng vì thực tế nhiều gia đình hiện nay không có đủ điều kiện để cho con tham gia cuộc đua luyện thi chứng chỉ TOEFL hay IELTS. Nếu tỉ lệ xét tuyển dựa trên các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tăng cũng có nghĩa cơ hội của những thí sinh không có những chứng chỉ này sẽ bị thu hẹp và đây cũng là một thiệt thòi rất lớn.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, nếu các trường đại học thực sự quan tâm đến năng lực ngoại ngữ, năng lực tiếng Anh của học sinh thì nên chăng Bộ GD-ĐT hoặc các trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh chung cho học sinh. Như vậy học sinh sẽ có một thước đo ngoại ngữ bằng một kỳ thi chung mà không tốn kém như các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Cơ hội nhận chứng chỉ IELTS có giá trị toàn cầu từ Kỳ thi Tài năng IELTS Lần đầu tiên, Kỳ thi Tài năng IELTS (The IELTS Talent Contest) do Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương Đoàn, Công ty TNHH British Council (Việt Nam) và Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ là cơ hội cho thanh niên Việt Nam nhận chứng...