Nhiều đề xuất cho tuyển sinh đại học
Học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đã đưa ra những đề xuất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cũng như tuyển sinh đại học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Quảng Nam – Ảnh: ĐỨC TÀI
Trong đó, có ý kiến cho rằng nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương và đại học nên tuyển sinh theo nhiều cách.
* Thầy Trần Văn Đúng (giáo viên môn văn Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM): Việc tuyển sinh nên giao cho trường đại học
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất chính là đề thi. Vì đề thi không phân hóa dẫn đến việc các trường ĐH khó tuyển sinh. Như vậy, kỳ thi chỉ mới đáp ứng được mục tiêu thứ nhất là xét tốt nghiệp. Vì vậy, tôi mong năm tới kỳ thi này sẽ được giao về cho các địa phương để giảm bớt áp lực cho học sinh.
Ngoài ra, việc này cũng tránh được tình trạng dịch bệnh phức tạp nhưng học sinh vẫn đi thi vì không còn cách nào khác.
Điều quan tâm nhất của giáo viên và học sinh lớp 12 bây giờ không phải là thi tốt nghiệp THPT, bởi hầu hết đều đậu. Cái chính là phương pháp tuyển sinh vào ĐH, CĐ như thế nào? Tôi mong việc tuyển sinh sẽ được giao cho các trường ĐH tự chủ.
Họ sẽ đề ra phương án tuyển sinh sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ngày càng thu hút số thí sinh tham gia và số trường ĐH, CĐ dùng kết quả xét tuyển vào ĐH.
Tôi mong việc xét tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH năm tới thực hiện theo cơ chế mở như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đó là tổ chức nhiều đợt trong năm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
* Khánh Linh (học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội): Mong có nhiều đợt thi
Nếu đổi mới tuyển sinh đại học theo hướng có nhiều đợt tuyển trong năm, tương ứng với đó là các phương thức xét tuyển đa dạng hơn như đại học nước ngoài, thì rất tốt. Vì như vậy học sinh không phải cố sức tập trung cho một đợt thi.
Với việc một năm có vài đợt tuyển sinh, tùy theo quy định của trường đại học mà thí sinh trượt đợt này có cơ hội ôn tập để thi đợt sau. Nếu trường tuyển sinh bằng xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì cũng tiện để những thí sinh chưa kịp lấy chứng chỉ đợt này được đăng ký đợt sau.
Cá nhân tôi muốn các trường đại học hoặc các trung tâm khảo thí có hình thức thi riêng, không lấy điểm xét tuyển tốt nghiệp THPT, vì điểm tốt nghiệp hai năm gần đây có mức điểm khá cao. Điểm cao do đề dễ nhưng cũng có sự hoài nghi về sự coi thi, chấm điểm chặt lỏng khác nhau ở mỗi địa phương.
* Cô Thanh Hằng (giáo viên THPT, Hải Phòng): Nên bỏ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT
Trường tôi năm 2021 có trên 70% học sinh lớp 12 trúng tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và bài kiểm tra đánh giá năng lực, tư duy do các cơ sở đào tạo tổ chức. Số còn lại kết hợp xét tuyển điểm thi và những phương thức khác.
Nhiều học sinh đỗ vào các trường tốp cao như Học viện Ngoại giao, ĐH Ngoại thương theo phương thức xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Các em đã đỗ ĐH rồi sẽ không quá căng thẳng với việc thi tốt nghiệp THPT.
Video đang HOT
Nên nếu kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ, do sở GD-ĐT quy định tùy theo tình hình thực tế thì sẽ đỡ vất vả cho cả học sinh và các trường nếu như tình hình dịch bệnh chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Việc Bộ GD-ĐT ra đề thi chung thì cho dù kỳ thi giao cho địa phương vẫn phải thống nhất lịch thi, phương thức thi trên toàn quốc.
Thực tế năm 2021 cho thấy nhiều địa phương vất vả ứng phó với dịch COVID-19 nhưng vẫn phải tổ chức thi theo 2 đợt thi do Bộ GD-ĐT quy định.
* Chị Hoàng Lan Anh (Nghĩa Lộ, Yên Bái): Phải sớm công bố
Xét tuyển học bạ, tổ chức kỳ thi riêng hay vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đều được nhưng cần công bố sớm. Học sinh lớp 12 chỉ có nửa năm để hoàn thành chương trình kết hợp ôn thi trong hoàn cảnh có thể phải chuyển đổi liên tục giữa học trực tiếp và trực tuyến.
Nếu không có hướng đi rõ ràng, các trường cũng không thể tận dụng cơ hội học sinh quay lại trường để tập trung ôn luyện.
Con tôi muốn dự tuyển vào tốp trường có khả năng cạnh tranh cao, nhưng theo dõi việc tuyển sinh năm vừa qua, tôi thấy các trường này xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nhiều. Trong khi học sinh lớp 12 ở miền núi thì khó có thể có chứng chỉ trước kỳ tuyển sinh năm sau. Điều này không riêng tôi mà nhiều phụ huynh khác cũng lo lắng.
Tôi mong các trường đa dạng nhiều hình thức xét tuyển nhưng vẫn nên có kỳ thi tương tự như thi tốt nghiệp THPT để có thêm cơ hội cho thí sinh ở những địa bàn không thuận tiện trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ.
* Thầy Phan Trọng Quý (giáo viên môn hóa Trường trung học Thực hành, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT
Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì nếu không thi học sinh sẽ mất động lực học tập. Mà nếu tách ra thi tốt nghiệp THPT, thi vào ĐH riêng cũng sẽ rất căng thẳng và áp lực.
Thế nên, tốt nhất vẫn nên giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định như nhiều năm nay. Cái cần thay đổi chính là đề thi. Cần thay đổi cấu trúc đề cho phù hợp với mục tiêu “2 trong 1″, trong đó đề phải phân hóa rõ ràng trình độ thí sinh.
Tôi đề nghị đề thi mỗi môn cần có hai phần. Phần 1 dùng để xét tốt nghiệp THPT, phần 2 dùng để xét tuyển vào ĐH. Số lượng câu hỏi của phần 2 ít nhất phải bằng 2/3 số câu hỏi của phần 1, chứ không phải chỉ có vài câu phân hóa như đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay.
Sau khi có điểm thi, việc xét tốt nghiệp THPT sẽ được tính như sau: điểm phần 1 nhân hệ số 2, điểm phần 2 chỉ có hệ số 1. Nhưng khi xét tuyển vào ĐH thì điểm phần 2 sẽ được nhân hệ số 2 và điểm phần 1 chỉ có hệ số 1.
* Nguyễn Diệp Diễm Quỳnh (học sinh lớp 12A4, Trường THCS – THPT Đào Duy Anh, quận 6, TP.HCM): Tuyển sinh theo nhiều cách khác nhau
Hiện tại tôi rất lo lắng và mong chờ những thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Tôi đang ở nhà tại tỉnh Kiên Giang và học trực tuyến nên sợ mình sẽ phải trải qua một kỳ thi vất vả như các anh chị khóa trước năm 2021.
Do vậy, tôi mong năm 2022 sẽ được xét tốt nghiệp THPT mà không phải thi, vì thực ra, nếu có thi thì hầu hết học sinh sẽ đậu.
Vấn đề còn lại là thi vào ĐH mà thôi. Tôi mong Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH tuyển sinh bằng nhiều hình thức khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự tuyển.
Riêng với các trường ĐH tốp đầu thì có thể tự tổ chức kỳ thi riêng dành cho những học sinh có năng khiếu và có nguyện vọng tham gia.
7 năm tổ chức kỳ thi THPT và 6 vấn đề gây tranh cãi
Bên cạnh những điểm tích cực, đổi mới thì kỳ thi THPT từ năm 2015 đến nay bộc lộ không ít những bất cập, cần cải tiến.
Từ năm 2014 về trước, các kỳ thi quốc gia hằng năm được tổ chức nhiều đợt riêng rẽ, trong khoảng một tháng. Trong đó 1 đợt thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh do các Sở GD&ĐT thực hiện; 3 đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng do các trường thực hiện.
Hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học được tổ chức liên tiếp vào thời điểm gần nhau với cùng nội dung thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 cho số lượng thí sinh lớn. Điều này gây tốn kém, áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Do đó, năm 2015 lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay còn gọi là kỳ thi 2 trong 1. Mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi được các chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong đổi mới thi cử, giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và phụ huynh.
Sau 7 năm đổi mới hình thức thi THPT có tới 6 sự kiện gây tranh cãi gồm: Điểm sàn tăng giảm liên tục, đổi thi trắc nghiệm, cơn mưa điểm 10, điểm chuẩn vượt ngưỡng tuyệt đối, cộng điểm ưu tiên quá cao, gian lận nâng điểm.
Hai năm 2015 và 2016, Bộ GD&ĐT tổ chức 8 môn thi với 2 loại cụm thi (cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi để tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì; cụm thi liên tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng do trường đại học chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT).
Ở kỳ thi 2 trong 1 này, các thí sinh không cần chọn trường trước khi thi. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, căn cứ vào điểm số đạt được, các em mới cân nhắc để đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp.
Kỳ thi cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trục trặc lớn nhất trong năm đầu tiên tổ chức thi là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin khi công bố kết quả thi và thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Điều này gây ra những cuộc nộp rút hồ sơ trong tích tắc, không kiểm soát được thí sinh ảo. Đỉnh điểm là câu chuyện thí sinh ở Hà Tĩnh phải thuê xe cứu thương để kịp ra Hà Nội rút hồ sơ trường nọ, nộp vào trường kia do điểm xét tuyển của một số trường thay đổi liên tục lên xuống như chứng khoán.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT.
Rút kinh nghiệm sau 2 năm đầu, năm 2017, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên 63 tỉnh thành, mỗi địa phương thành lập một cụm do Sở GD&ĐT chủ trì, các trường đại học, cao đẳng phối hợp.
Năm này, các thí sinh thực hiện 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Đồng thời, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi, môn thi (trừ bài thi Ngữ văn). Mỗi thí sinh cùng phòng thi có mã đề riêng, bài làm của thí sinh được chấm bằng máy tính.
Việc chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm, nhất là với môn Toán vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia. Họ cho rằng điều đó khó đánh giá thực chất chất lượng học sinh.
Cũng vì áp dụng bài thi trắc nghiệm ở tất cả các môn (trừ Ngữ văn), nên năm 2017 xuất hiện "cơn mưa điểm 10". Từ chỗ chỉ 57 điểm 10 ở 8 môn vào năm 2016 thì đến năm 2017 tới 4.235 điểm 10 ở 9 môn. Điểm thi cao kéo theo điểm chuẩn vào các trường đại học cao nhất từ trước đến nay. Điển hình như Học viện An ninh nhân dân lấy tới 30,5 điểm khối C với nữ.
Điểm chuẩn lạm phát, khiến nhiều đại học phải đặt ra các tiêu chí phụ trong xét tuyển đầu vào, điều này làm không ít thí sinh tuột mất cơ hội vào đại học dù đủ điểm đỗ nhưng trượt ở tiêu chí phụ.
Nhìn chung, kết quả của kỳ thi năm 2017 được các chuyên gia đánh giá chưa đạt độ phân biệt cao, phần nào gây khó khăn với công tác tuyển sinh của một số trường đại học, đặc biệt những trường top đầu.
Năm 2018, đề thi THPT quốc gia được đánh giá khó hơn nhiều so với năm trước đó. Để giảm tình trạng lạm phát điểm chuẩn, Bộ GD&ĐT điều chỉnh mức điểm cộng ưu tiên theo đối tượng, khu vực tối đa từ 3,5 xuống còn 2,75 điểm trong xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn riêng cho ngành Sư phạm và ngành Y dược để đảm bảo chất lượng xét tuyển đầu vào không quá thấp, gây tranh cãi xã hội như năm 2017.
Đặc biệt, vào năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia gây chấn động khi nhiều thí sinh ở khu vực miền núi phía Bắc điểm thi cao bất thường. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an vào cuộc, phát hiện 221 thí sinh (Hà Giang 114 em, Sơn La 44 và Hòa Bình 63) được nâng điểm. Có em được nâng tới hơn 9 điểm một môn, đưa tổng điểm lên tới 29,95/ 3môn.
Vụ bê bối này khiến 16 cán bộ, gồm cả phó giám đốc sở, giáo viên, lãnh đạo địa phương... bị khởi tố và ngồi tù. Các thí sinh được nâng điểm bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển hoặc buộc thôi học ở các trường đại học.
Khi đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm, hứa điều chỉnh cả về kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo kết quả thi chính xác.
Năm 2019, rút kinh nghiệm công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GD&ĐT triển khai áp dụng nhiều giải pháp điều chỉnh nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo hướng tăng cường vai trò của các trường đại học, cao đẳng; tăng cường ứng dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin trong tổ chức thi. Đặc biệt tăng cường chức năng bảo mật của phần mềm chấm thi trắc nghiệm. tăng cường thanh tra, kiểm tra trong tổ chức thi. Kỳ thi diễn ra êm đềm, không có sự việc nổi cộm.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2020, sau khi Luật giáo dục sửa đổi có hiệu lực, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Từ đây, Bộ GD&ĐT xác định lại mục tiêu chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp, bỏ cách nói kỳ thi 2 trong 1. Về tuyển sinh đại học, Bộ GD&ĐT giao quyền chủ động cho các trường tự chủ tự quyết định. Do đó, đề thi được đánh giá dễ hơn, phổ điểm thi ở các môn cao hơn, điểm chuẩn hầu hết đại học lại tăng.
Mặc dù, Bộ GD&ĐT thay đổi mục đích của kỳ thi, nhưng hầu hết trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đầu vào.
Năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp và kéo dài ở các địa phương. Đề thi tiếp tục được giảm tải do chương trình được tinh giản, học sinh trải qua hai đợt học online bởi COVID-19.
Kỳ thi năm nay phải chia thành hai đợt. Lần đầu tiên trong lịch sử các địa phương phải xin đặc cách tốt nghiệp cho hơn 15.000 thí sinh do ảnh hưởng của dịch. Do đề dễ nên điểm thi 2021 tăng mạnh, đặc biệt là môn tiếng Anh với phổ điểm kỳ lại khi có hai đỉnh. Số điểm 10 lên tới hơn 24.000, gấp hơn 4 lần năm ngoái.
Cũng vì đề thi dễ, nên một lần nữa xuất hiện "cơn mưa điểm 10" và "lạm phát" điểm chuẩn xảy ra tương tự năm 2017. Điểm chuẩn một số ngành tăng gần 11 điểm. Các trường Đại học Hồng Đức, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội xuất hiện mức chuẩn từ 30 trở lên.
Cũng vì chủ quan và ảo điểm nên 165 em đạt 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) bị trượt đại học. Nhiều chuyên gia cho rằng đề thi dễ, không phân loại cũng là một phần nguyên nhân. Vấn đề thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của các đại học lại được đặt ra.
TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, nên tách bạch hai kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích quá khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh đại học lại mang tính chuyên sâu nên không thể dùng 1 kết quả để đạt được 2 mục tiêu như những năm vừa qua.
Tương tự, TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, việc điểm chuẩn đẩy tăng vọt là do đề thi tốt nghiệp THPT phân hoá không tốt, không phân loại được thí sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT, các trường đại học lên phương án nghiên cứu và thay đổi mô hình kỳ thi như hiện nay để đánh giá đúng thực chất, thực học và đúng năng lực của học sinh phổ thông.
Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT gửi công văn đề nghị các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025 mới, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH: Riêng hay chung? Thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới. Nhiều chuyên gia khẳng định phải tách rời hai hoạt động này, trong khi cũng không ít người có ý kiến ngược lại. Một phòng thi tại điểm thi THPT Việt Yên (Bắc Giang)...