Nhiều đề nghị điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh 2016
Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách ưu tiên trong tuyển sinh để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh.
* PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội): Cần đánh giá sức học của sinh viên diện ưu tiên và không ưu tiên.
Việc giảm điểm chuẩn cho các em ở vùng khó khăn, người dân tộc thiểu số, là một hướng nhân văn. Tuy nhiên, cũng từ góc nhìn này, tôi thấy nếu ưu tiên để thí sinh được nhập học nhưng các em không có thực lực, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo thì không phải giúp mà làm hại các em. Bởi vậy, khi đưa ra mức ưu tiên hay nói chính xác là mức giảm điểm chuẩn, cũng cần cân nhắc tới yếu tố này.
Muốn vậy, trước khi đưa ra quy định cần phải dựa vào dữ liệu trong vài năm gần nhất, so sánh tương quan kết quả học tập giữa những sinh viên được vào trường nhờ ưu tiên và sinh viên không được ưu tiên (khu vực 3). Nếu kết quả học tập của sinh viên vào trường theo diện ưu tiên quá thấp so với sinh viên khu vực 3 thì cũng cần phải xem xét lại mức điểm ưu tiên (mức giảm điểm chuẩn).
Nhiều thí sinh trúng tuyển vào ĐH Y dược TP HCM nhờ được cộng điểm ưu tiên. Trong ảnh: thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường này năm 2015. Ảnh: Tuổi Trẻ.
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Chỉ điều chỉnh chính sách ưu tiên theo khu vực.
Số liệu từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho thấy, trong số 4.611 thí sinh trúng tuyển năm 2015 có 2.941 thí sinh trúng tuyển nhờ cộng điểm ưu tiên, chiếm tỷ lệ 64%; trong đó ưu tiên theo đối tượng chỉ có 26 thí sinh, còn ưu tiên khu vực có đến 2.884 thí sinh! Trong số 26 em có 20 em vừa đối tượng vừa khu vực.
Tôi đề xuất chỉ điều chỉnh chính sách ưu tiên theo khu vực. Vùng Tây Nam bộ vẫn là vùng trũng về giáo dục, nên cần tăng số lượng các tỉnh vùng Tây Nam bộ, như một số huyện biên giới với Campuchia của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang…
Nên bỏ chính sách ưu tiên cho các vùng bãi ngang ven biển, vì các vùng này phần lớn người dân đánh cá khá giàu. Đồng thời giảm thang điểm ưu tiên còn 1/2 so với trước, tức khu vực 1 còn 0,75 thay vì 1,5 điểm.
* TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP HCM): Nên ưu tiên khu vực cho các trường địa phương.
Tôi chỉ muốn đề cập đến ưu tiên khu vực. Thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực là ở vùng nông thôn, xã khó khăn về điều kiện học tập, cả đội ngũ giáo viên cũng thiệt thòi so với khu vực có điều kiện, việc hưởng ưu tiên là xứng đáng.
Theo tôi, để cân bằng và bù đắp sự thiếu thốn của các em học sinh ở khu vực khó khăn (ưu tiên khu vực) thì chỉ nên ưu tiên xét vào các trường ĐH, CĐ của địa phương nằm trong khu vực đó, để các trường này có điều kiện đón nhận các em có kết quả khá tốt, sau này các em phục vụ phát triển địa phương, góp phần cân đối kinh tế – xã hội vùng miền.
Video đang HOT
* TS Nguyễn Kim Quang - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP HCM: Nên để các trường quyết định.
Chính sách ưu tiên khi áp dụng phải là sự khuyến khích, hỗ trợ cho những thí sinh thiệt thòi. Thực tế sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền ở VN hiện nay không quá lớn.
Hiện chính sách cộng điểm đối tượng cho thí sinh dân tộc ít người là khá rộng. Năm 2015, quy chế đã có sự điều chỉnh về việc này, hiện vẫn có những thí sinh dân tộc ít người nhưng sống ở các thành phố lớn vẫn được hưởng ưu tiên là chưa hợp lý.
Chính sách ưu tiên khu vực cũng chưa phản ánh đúng, vì cùng khu vực đó vẫn có những người có điều kiện sống, học tập không thua gì người ở thành phố. Bộ GD&ĐT chỉ cần đưa ra khoảng điểm ưu tiên (0,25 – 0,5 điểm chẳng hạn), còn điểm ưu tiên khu vực phải do các trường ĐH, CĐ quyết định, để thu hút thành phần người học cần thiết, tăng quyền tự chủ cho các trường.
* TS Lê Chí Thông – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP HCM): Cần giảm khoảng cách điểm ưu tiên khu vực.
Để công bằng đối với tất cả thí sinh, bỏ việc ưu tiên khu vực theo hộ khẩu là hợp lý. Thực tế cho thấy, hộ khẩu không nói lên được thật sự thí sinh sống ở khu vực có điều kiện như thế nào. Nếu căn cứ vào trường THPT thí sinh theo học ba năm học THPT để tính điểm ưu tiên sẽ hợp lý hơn.
Còn việc xác định địa phương nào là khu vực 1, khu vực 2 – nông thôn, khu vực 2… cũng cần công bố tiêu chí rõ ràng, để đạt mục tiêu ưu tiên cho thí sinh vùng khó khăn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần giảm khoảng cách điểm giữa các khu vực từ 0,5 xuống 0,25 điểm. Những năm trước điểm thi vào trường chúng tôi phổ điểm kéo dài từ 19 đến 27 điểm. Khi đó, việc cộng 1-2 điểm ưu tiên là không chênh lệch lớn. Nhưng khi thí sinh biết điểm trước rồi mới đăng ký xét tuyển thì phổ điểm thu hẹp lại.
Trong khi điểm ưu tiên cao nhất đến 3,5 điểm là quá lớn. Năm 2015, điểm số không làm tròn (tính đến 0,25), vì vậy mức chênh lệch giữa các khu vực cũng nên điều chỉnh lại, cách nhau 0,25 điểm để đảm bảo công bằng cho thí sinh.
* PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT): Quy định ưu tiên sẽ giữ ổn định như năm 2015
Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, về cơ bản chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng vẫn giữ ổn định như năm 2015. Khi xây dựng dự thảo quy chế thi và tuyển sinh ĐH, CĐ, chúng tôi căn cứ vào đề nghị của Ủy ban Dân tộc và việc phân tích dữ liệu tuyển sinh của ba năm gần đây.
Theo dữ liệu đã phân tích, nếu như không cộng điểm ưu tiên, đúng là tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên sàn ở khu vực 1, 2 giảm hẳn. Còn nếu cộng điểm ưu tiên thì tỉ lệ đạt trên sàn ở các vùng khó khăn tương đương với các khu vực thành thị (khu vực 3). Nếu không cộng điểm ưu tiên, nguồn tuyển từ các vùng khó khăn hơn sẽ sụt giảm rõ.
Trong khi đó, đứng ở khía cạnh đảm bảo công bằng giữa thí sinh tại vùng có điều kiện học tập và vùng không có điều kiện học tập, việc cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực là cần thiết.
Năm 2015, có hiện tượng một số ngành “ nóng” tập trung nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Về việc này, chúng tôi sẽ cân nhắc đề xuất điều chỉnh. Và để tránh tình trạng thí sinh nhầm lẫn khi kê khai diện ưu tiên đối tượng, khu vực, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ công bố cụ thể, rõ ràng hơn về việc này.
Theo Trần Huỳnh – Vĩnh Hà/Tuổi Trẻ
Nên cân nhắc việc mở rộng cụm thi THPT quốc gia
Cần hết sức cân nhắc việc mở rộng các cụm thi nếu như chưa đủ các điều kiện bảo đảm việc tổ chức thi an toàn, coi thi nghiêm túc và chấm thi công bằng, chính xác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngày 3/2, đã công bố Văn bản 525 về các chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2016. Văn bản nêu một số thay đổi quan trọng của kỳ thi, trong đó đáng chú ý nhất là những thay đổi về cụm thi.
Theo đó, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức: Cụm thi cho thí sinh (TS) dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT (gọi tắt là cụm thi ĐH); cụm thi cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.
Chấm thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM. Ảnh:Người Lao Động.
Cụm thi năm 2015 phân bổ không đồng đều
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi tỉnh do sở GD&ĐT chủ trì).
Toàn quốc có 1.005.626 TS đăng ký dự thi; trong đó, 728.830 TS thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì (chiếm hơn 72%) và 276.796 TS thi tại cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì (chiếm gần 28%); huy động gần 100.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ va giáo viên các trường THPT tham gia.
Cụm thi tỉnh: Cả nước có 3 địa phương không tổ chức cụm thi tại địa phương (TP HCM, Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương), tuy nhiên, chỉ Bình Dương mới thực sự là tỉnh duy nhất không có cụm thi nào trên địa bàn tỉnh vì ở TP HCM và Đà Nẵng đều có cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
Quy mô TS của các cụm thi địa phương khá nhỏ: Phân nửa số cụm thi địa phương (30/61 cụm) có số TS dưới 4.000, cả nước chỉ có 4 cụm thi địa phương có trên 10.000 TS, đông nhất là cụm thi Thanh Hóa (gần 16.000 TS).
Cụm thi liên tỉnh: 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì được tổ chức ở 23 tỉnh, thành phố. Trong 38 cụm thi này, chỉ duy nhất có ĐH Nông Lâm TP HCM không có cơ sở chính (chỉ có phân hiệu) trên địa bàn được phân công chủ trì cụm thi.
Quy mô của các cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì lớn hơn nhiều, bình quân có 20.000 TS/cụm thi; chỉ có 2 cụm có số TS dưới 10.000, có 4 cụm thi có trên 30.000 TS. Hà Nội và TP HCM đều có 8 cụm thi và cũng là các địa phương tập trung đông TS nhất: TP HCM gần 160.000 TS và Hà Nội gần 130.000 TS.
Cân nhắc mở rộng các cụm thi
Với tinh thần của văn bản mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, số cụm thi ĐH thay vì là 38 ở năm 2015 sẽ tăng lên chí ít là 64 (chưa kể các địa phương có đông TS như Hà Nội, TP HCM... sẽ phải có nhiều hơn 2 cụm).
Giả sử các địa phương như TP HCM, Đà Nẵng và Bình Dương tiếp tục không tổ chức cụm thi địa phương như năm 2015 thì số cụm thi tốt nghiệp cũng đã là 61. Như vậy, nếu các tỉnh vẫn giữ cụm thi tốt nghiệp mà không "sáp nhập" vào cụm thi ĐH thì dự kiến số cụm thi THPT quốc gia 2016 lên đến ít nhất là 125 cụm thay vì 99 cụm như năm 2015.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tình huống "học sinh học cùng lớp nay ngồi chung phòng thi" sẽ phổ biến trên quy mô cả nước vì trước đây khi trộn lẫn TS của ít nhất 2 tỉnh vào một cụm thi, tình trạng học sinh quen biết nhau ngồi chung phòng thi đã khá nhiều.
Còn nhớ khi bắt đầu áp dụng quy định "thi theo cụm và chấm chéo" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, cả nước chỉ có 572 cụm thi liên trường (từ 3 trường trở lên) nhưng chỉ 1 năm sau, số cụm đã tăng gần gấp ba do tình trạng "rã đám" và "chẻ nhỏ" các cụm thi liên trường và hệ quả là đến năm 2012, phải bỏ thi theo cụm vì quy định này đã trở nên vô nghĩa do có quá nhiều cụm thi "chỉ có một trường".
Việc nhiều học sinh học cùng lớp và thi tốt nghiệp cùng phòng khiến kỳ thi này chỉ là cuộc dạo chơi của nhiều học sinh và tỷ lệ tốt nghiệp năm 2014 đạt kết quả 99,09% là hệ quả tất yếu.
Vì vậy, cần hết sức cân nhắc việc mở rộng các cụm thi nếu như chưa đủ những điều kiện bảo đảm việc tổ chức thi an toàn, coi thi nghiêm túc và chấm thi công bằng, chính xác. Thậm chí, nếu địa phương có quy mô TS nhỏ hoặc tại các thành phố có nhiều trường ĐH lớn thì chỉ nên có một loại cụm thi ĐH.
Mong rằng Văn bản 525 chỉ là chủ trương chung, còn Quy chế thi THPT quốc gia 2016 sẽ có những quy định hợp lý hơn để bảo vệ được các kết quả tốt đẹp mà kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã đạt được.
Có độ vênh trong công tác coi thi ở 2 cụm thi
Báo cáo tổng kết kỳ thi THPT quốc gia 2015 của Bộ GD-ĐT cho thấy mặc dù tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì cao hơn tại các cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì (xem ra có vẻ hợp lý) nhưng đã có độ vênh nhất định giữa các loại cụm thi trong công tác coi thi khi số vụ vi phạm quy chế thi năm 2015 tăng gấp 3 lần so với tổng số vi phạm trong 3 đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, mà hầu hết chỉ được phát hiện và xử lý tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì (766 vụ năm 2015, bao gồm khiển trách 49, cảnh cáo 27 và đình chỉ thi 690; so với 260 vụ năm 2014).
Hơn thế nữa, số trường hợp kỷ luật này thường tập trung ở một vài điểm thi, thậm chí ở một vài phòng thi trong cụm thi, chứ không phải đều khắp các cụm thi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa/Người Lao Động
Thứ trưởng GD&ĐT: 'Công bố điểm ở tất cả cụm thi quốc gia' Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia 2016, tối 3/2, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga đã trả lời phỏng vấn Zing.vn. Theo ông Ga, quy chế thi THPT quốc gia 2016 được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Công văn số 743/VPCP-KGVX ngày 1/2 của Văn phòng Chính phủ),...