Nhiều đại học tổ chức xem tứ kết Asiad giữa Việt Nam – Syria
Ngay sau khi Việt Nam thắng Bahrain, nhiều trường đã lên kế hoạch xem bóng đá tập trung với màn hình lớn hàng trăm inch.
Tối 27/8, Việt Nam sẽ đá trận tứ kết với Syria trong khuôn khổ môn bóng đá nam Asiad 2018. Để tiếp lửa cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo, nhiều đại học “xả cửa”, tổ chức offline xem bóng ngay tại trường.
Đại học Lâm nghiệp Hà Nội thông báo trên fanpage của trường với tiêu đề “Tiếp tục vòng tứ kết thần kỳ…”. Theo đó, Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên sẽ tổ chức buổi tường thuật trực tiếp trận bóng giữa Olympic Việt nam và Syria tại hội trường G6 với sức chứa khoảng 1.000 người.
“Các bạn nhớ chuẩn bị cờ Tổ quốc và dụng cụ cổ vũ để thể hiện tinh thần dân tộc và tạo không khí sôi động”, Đoàn trường gửi lời nhắn tới sinh viên.
Anh Lương Thế Hưng, chuyên viên Phòng Đào tạo Đại học Lâm nghiệp, thông tin nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức chiếu các trận bóng ở ASIAD ngay sau khi Đài truyền hình kỹ thuật số VTC thông báo mua được bản quyền.
“Đây là một trong những hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các bạn sinh viên và tạo sân chơi cho sinh viên K63 mới nhập trường”, anh Hưng nói và cho biết thêm trước đó, trường từng tổ chức xem bóng đá tập thể để sinh viên đồng hành với đội tuyển Việt Nam từ giải U23 châu Á.
Hội trường Đại học Lâm nghiệp chật kín sinh viên cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết giải U23 châu Á diễn ra vào tháng 1. Ảnh: Đại học Lâm nghiệp
Ngay sau khi Olympic Việt Nam vượt qua Olympic Bahrain để lần đầu trong lịch sử vào tứ kết Asiad, Đoàn trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) đã lên kế hoạch phối hợp với Hội nghệ sĩ Huế tổ chức offine cổ vũ cho thầy trò Park Hang- seo trong trận tứ kết gặp Olympic Syria. Trường đang gấp rút lắp đặt một màn led rộng 24 m2 trước sân trường với sức chứa khoảng 2.000 người.
Thầy Hoàng Nguyễn Tuấn Minh, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học, cho biết để tạo không khí sôi động, trước trận và giờ nghỉ giữa hiệp sẽ có chương trình ca nhạc do các ca sĩ trẻ của Hội nghệ sĩ Huế biểu diễn. Nhà trường cũng khuyến khích sinh viên, cán bộ đến theo dõi trận đấu mặc áo đỏ cờ vàng tiếp lửa cho Olympic Việt Nam vượt qua Olympic Syria vào bán kết.
“Hiện nay, các đội nhóm, câu lạc bộ sinh viên đã lên kế hoạch bán cờ, áo, băng rôn cho sinh viên và người hâm mộ đến theo dõi trận đấu để gây quỹ tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi ở các xã khó khăn”, thầy Minh cho hay.
Video đang HOT
Câu lạc bộ Truyền thông Sinh viên Sao Đỏ của Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) đã được nhà trường đồng ý cho tổ chức xem bóng đá tập trung tại hội trường với sức chứa gần 1.000 chỗ ngồi và màn hình led 300 inch ngay trong khuôn viên trường.
Nguyễn Hồng Nghiêm, sinh viên năm 4, Chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết đây không phải lần đầu tiên nhà trường tổ chức hoạt động này. Vào tháng 1/2018, khi U23 Việt Nam thi đấu tại giải U23 châu Á, trường đã tổ chức xem ba trận tứ kết, bán kết và chung kết.
“Ngay trận đấu vòng 1/8 bóng đá nam Asiad vừa diễn ra hôm 23/8 vừa qua, trường cũng tổ chức và thu hút khoảng 700 người, trong đó có một số thầy giáo. Trận tứ kết này là trận lịch sử. Tôi hy vọng hội trường gần 1.000 chỗ sẽ kín để tái hiện không khí cổ vũ đội tuyển Việt Nam như ở giải U23 châu Á”, Nghiêm nói.
Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã đồng ý để Ban Quản lý ký túc xá của trường tổ chức xem trực tiếp trận tứ kết giữa Việt Nam và Syria tại sân ký túc xá nhằm tiếp lửa cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo.
Tại Asiad 2018, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam nằm ở bảng D cùng với Nhật Bản, Nepal và Pakistan. Chiến thắng ở cả ba trận, Việt Nam bước vào vòng 1/8 gặp Bahrain với tư cách là đội nhất bảng. Ngày 23/8, Việt Nam giành chiến thắng tối thiểu 1-0 để lần đầu tiên ghi tên mình vào trận tứ kết Asiad. Trận đấu giữa Việt Nam và Syria sẽ diễn ra vào lúc 19h30 tối 27/8.
Võ Thạnh – Dương Tâm
Theo Vnexpress
"Trường Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập"
Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập chứ không phải để các em phải sang nước khác học tập.
Ngày 24/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên.
Chưa có sự liên kết ba nhà: Nhà trường - doanh nghiệp - nhà quản lý
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, quy mô đào tạo của Đại học Đà Nẵng hiện nay là 55.413 sinh viên, trung bình hàng năm tuyển sinh 11.000 chỉ tiêu cho bậc Đại học và 1.500 chỉ tiêu trình độ Cao đẳng.
Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập. Ảnh: AN
"Đại học Đà Nẵng phấn đấu trở thành Đại học đẳng cấp quốc tế, phát triển theo hướng đại học nghiên cứu, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực.
Đến năm 2025, một số trường Đại học thành viên trở thành đại học nghiên cứu và Đại học Đà Nẵng nằm trong nhóm 5 Đại học hàng đầu Việt Nam đẳng cấp khu vực và quốc tế, thuộc nhóm 200 đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á và nhóm 500 Đại học hàng đầu khu vực châu Á", ông Vũ cho hay.
Góp ý cho sự phát triển của nhà trường, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường đại học trong khu vực và ngay cả giữa các trường ở Đà Nẵng. Vai trò dẫn dắt của Đại học vùng Đà Nẵng đang có "nguy cơ bị đe dọa".
Ông Dũng cho biết, vừa rồi thành phố làm việc với các doanh nghiệp Công nghệ thông tin và Du lịch đều kêu thiếu nhân lực trầm trọng nhưng nhà trường lại không đáp ứng đủ.
"Chúng ta chưa có sự hợp tác tốt giữa ba nhà là: Nhà trường - nhà sử dụng lao động (doanh nghiệp) - nhà quản lý.
Bởi chúng ta đào tạo nhưng thả nổi cho thị trường quyết định, không có dự báo nguồn nhân lực.
Để rồi hậu quả là nhà trường đào tạo ra những ngành nghề không phù hợp, sinh viên thất nghiệp trong khi ngành mà doanh nghiệp cần tuyển thì không".
Ông Dũng nói thêm, Đà Nẵng từng kỳ vọng vào chương trình đào tạo ngoại ngữ sẽ giúp địa phương này có được một nguồn nhân lực phục vụ du lịch phong phú.
Nhưng cách đào tạo không đúng khiến học sinh chỉ biết đọc thông, viết thạo nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài thì lúng túng, không nói chuyện được.
Do đó, ông Dũng đề nghị nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, cho "ra lò" những lứa sinh viên năng động, không thụ động.
"Trong làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ thì nhà trường phải đào tạo ra những sinh viên biết tự tạo công ăn việc làm cho mình và người khác. Chứ không phải là những sinh viên ra trường rồi cắp cặp đi xin việc", ông Dũng nói.
"Lôi kéo con em mình ở lại học tập"
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ ấn tượng với con số 70% sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng của Đại học Đà Nẵng.
"Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập. Nếu có chương trình đào tạo chất lượng cao, môi trường học tập tốt thì không việc gì các em phải đến nơi khác học.Ông Nghĩa khẳng định, hướng phát triển của thành phố là bên cạnh dịch vụ du lịch, y tế thì giáo dục thuộc nhóm ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Đà Nẵng đang tìm kiếm các đối tác để đầu tư và làm việc đó. Thành phố kỳ vọng sẽ xây dựng thành một trung tâm đào tạo đẳng cấp".
Do đó, Bí thư Nghĩa đề nghị Đại học Đà Nẵng phải chuyển đổi mạnh mẽ, khẩn trương hoàn thiện và chuyển về Làng Đại học (tại phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn). Nếu chậm trễ, làng đại học này có thể sẽ bị chia 5 sẻ 7 và lúc đó các nhà đầu tư khác sẽ nhảy vào.
Ngoài ra, về hướng đào tạo của trường phải hướng đến các ngành nghề mà thành phố đang khát nguồn nhân lực. Đó là ngoại ngữ, công nghệ thông tin và du lịch.
Ông Nghĩa cũng dẫn ra câu chuyện về các khu công nghệ cao Đà Nẵng, đó là hướng đầu tư mà nhà trường nên hướng đến.
Các trường cần tập trung đào tạo những ngành mà mà Khu công nghệ cao này cần đến. Ngoài ra, Bí thư Đà Nẵng yêu cầu nhà trường tổ chức ngày khai giảng là một ngày vì học sinh, sinh viên.
Đó phải thực sự là ngày hội của thầy trò chứ không phải là ngày hội "của các bác muốn lên tivi". Ông Nghĩa nói nhà trường nên tổ chức một cách khoa học, tạo ra những niềm vui trong ngày đầu tiên các em đến trường.
Theo giaoduc.net.vn
Nghệ An: Gia đình quá khốn khó, nữ sinh trúng tuyển vào ĐH Y dược có nguy cơ phải từ bỏ ước mơ Chưa đầy một tuần nữa là tới ngày Nguyệt sẽ phải vào Trường ĐH Y dược Thái Bình nhập học. 12 năm học với quyết tâm, ước mơ cháy bỏng được học tiếp đại học, trở thành người thầy thuốc chữa bệnh cứu người giờ đây có nguy cơ khép lại vì hoàn cảnh gia đình quá khốn khó khi người mẹ nghèo...