Nhiều đại học nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 điểm
Ngày 12/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn để các trường xét tuyển đại học. Lãnh đạo một số trường đại học top đầu nhận định điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nhưng không đột biến.
Sáng 12/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) là 15,5 cho tất cả khối thi. Đại diện nhiều trường cho biết thí sinh đạt từ điểm sàn có thể nộp hồ sơ vào trường.
Ngay sau khi có điểm sàn, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đưa ra mức điểm nhận hồ sơ vào tất cả các ngành của trường. Theo đó, đối với hệ đại học chính quy, điểm sàn xét tuyển các ngành của trường là: 15,5 điểm cho tất cả khối thi. Đối với hệ cao đẳng, điểm sàn xét tuyển các ngành của trường là 10 cho tất cả khối, ngành.
Năm 2016, điểm sàn xét tuyển của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là 15 điểm. Điểm trúng tuyển vào các ngành dao động từ 15,5-20,25 điểm, các ngành mới điểm trúng tuyển từ 15,5-17 điểm, các ngành truyền thống từ 17,5-20,25 điểm.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã công bố điểm sàn xét tuyển đối với từng ngành, cao nhất là 22,5 điểm đối với ngành Kỹ thuật ôtô và thấp nhất 18 điểm đối với một số ngành Kinh tế gia đình, Công nghệ chế biến lâm sản… Các ngành Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, mức điểm nhận hồ sơ lần lượt là 30 và 28 (nhân đôi hệ số môn tiếng Anh).
Năm 2016, điểm trúng tuyển vào các ngành của ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM dao động từ 18,25-23,25 điểm, chưa kể các ngành nhân đôi hệ số môn thi.
TS Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào trường là 15,5 ở tất cả ngành học.
Theo đề án tuyển sinh đã công bố trước đó, ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (nhận hồ sơ xét tuyển) là 15,5 điểm ở tất cả ngành học, bằng điểm sàn do Bộ GD&ĐT công bố.
Năm 2016, điểm sàn xét tuyển của ĐH Ngân hàng TP.HCM là 15. Điểm chuẩn tất cả ngành bậc đại học là 20,5, liên thông đại học chính quy là 15 điểm.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng quản lý đào tạo, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết điểm chuẩn vào trường năm nay chắc chắn sẽ tăng, nhưng cụ thể thế nào còn phải chờ qua đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới.
“Năm nay, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh cả nước nên sự cạnh tranh giữa các thí sinh sẽ gắt gao hơn. Thêm vào đó, mặt bằng điểm thi cũng cao, qua đó đẩy điểm chuẩn lên”, ông Hà phân tích.
Cũng theo ông Hà, Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo ngành Dược, chỉ tiêu trong năm đầu tiên là 50 thí sinh. Như vậy, năm 2017 ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tuyển sinh 1.250 chỉ tiêu.
TS Lê Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết phải xem xét thận trọng trước khi đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến.
Theo ông Chính, năm nay, điểm thi của thí sinh cao nên dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng. Nhưng việc ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh toàn quốc có tác động nguồn tuyển của ngành Y nên hiện tại chưa đoán trước được.
Thạc sĩ Trần Đình Huyên, Trưởng ban Quản lý Đào tạo ĐH Ngoại Thương (cơ sở 2 TP.HCM) cho hay: “Căn cứ phổ điểm năm nay, điểm chuẩn của ĐH Ngoại thương (cả cơ sở Hà Nội và TP.HCM) sẽ tăng, nhưng không biến động nhiều”.
Ông Huyên cho biết dù hiện tại chưa có thống kê cụ thể thí sinh đăng ký vào trường có điểm thi như thế nào nhưng qua các năm, điểm chuẩn của ĐH Ngoại thương cũng khá cao.
Video đang HOT
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, ĐH Ngoại thương thông báo nhận hồ sơ xét tuyển khối A từ 22,5 điểm, các khối còn lại là 21,5. Cơ sở Quảng Ninh là 18 điểm.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Tiến Tuấn.
Trao đổi với Zing.vn, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng một số ngành “hot” luôn có điểm chuẩn cao như Báo chí, Quan hệ quốc tế, Ngữ văn Anh, Nhật Bản học… Năm nay, khả năng điểm chuẩn sẽ tăng nhưng không nhiều.
Ông Hạ cho biết ngành Báo chí – Truyền thông đang nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Vài năm gần đây, điểm chuẩn ngành học này cao nhất trường.
Ông Hạ cho rằng thí sinh yêu thích nghề báo nhưng có điểm thi không khả quan hoàn toàn có thể chọn học một ngành khác trong trường, đồng thời đăng ký học song song ngành Báo chí – Truyền thông.
Tại khu vực phía bắc, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội – cho biết đạt từ 20 điểm trở lên, các em có thể tự tin đăng ký vào trường.
Theo ông Đạt, số liệu thống kê đăng ký tuyển sinh đợt một cho thấy ĐH Kinh tế Quốc dân đứng top 5 trong số các trường xét nguyện vọng một và tất cả nguyện vọng.
GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết: “Năm nay, điểm chuẩn của nhà trường sẽ tăng nhẹ và tăng không đồng đều giữa các ngành, dự kiến tăng từ một đến hai điểm. Để quyết định đăng ký vào ngành nào đó của trường, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của 1-2 năm trước”.
ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 21. Ngày 13/7, trường sẽ công bố chính thức. Tuy nhiên, mức điểm này vẫn chưa chắc chắn, dao động từ 20 trở lên. Trường sẽ có mức điểm nhận hồ sơ khác nhau cho từng ngành. Một số ngành có thể chỉ nhận hồ sơ của những thí sinh đạt từ 23 điểm trở lên.
Thông tin từ ĐH Thủy Lợi cho biết điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15, 5 điểm.
GS.TS Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Hà Nội – cho biết: Trường có một ngành tiên tiến và 8 ngành chất lượng cao (đào tạo hoàn toàn bằng Tiếng Anh) sẽ có ngưỡng điểm đầu vào cao hơn mức điểm sàn. Những ngành thông dụng, truyền thống của nhà trường sẽ có mức xét tuyển bằng điểm sàn.
Ông Chứ cho biết thêm qua số liệu cho thấy điểm sàn năm nay của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng việc tuyển sinh. Khảo sát số thí sinh nộp nguyện vọng trong đợt một cho thấy số thí sinh vào trường khá đông.
Ông Phạm Ngọc Thạch – Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội – cho biết những năm qua, mức nhận hồ sơ của thí sinh vào trường thường tăng 2 điểm so với điểm sàn. Năm nay, nhà trường chưa họp để thống nhất. Mức điểm nhận hồ sơ có thể sẽ tăng.
Điểm chuẩn vào trường công an có thể cao hơn năm ngoái
Theo thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Thư ký hội đồng tuyển sinh Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân (Bộ Công an), số lượng đăng ký xét tuyển thực tế vào ngành có thể giảm sau khi thí sinh biết điểm thi và thay đổi quyết định.
Qua thống kê, 4.000 hồ sơ nộp về Học viện An ninh Nhân dân, trong khi chỉ tiêu hệ sĩ quan năm nay là 260, tỷ lệ “chọi” 1/24. Ông Tuấn dự kiến mức điểm chuẩn 2017 có thể tương đương hoặc cao hơn năm ngoái.
Theo Zing
Điểm thi cao khiến các trường top trên khó tuyển sinh
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, ĐH Bách khoa Hà Nội quan tâm những thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên. Số thí sinh đạt điểm này ở mỗi môn thi tương đối lớn.
Ngày 7/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2017.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - trả lời phỏng vấn Zing.vn về phổ điểm thi và việc xét tuyển vào trường.
Điểm chuẩn sẽ tăng so với năm ngoái
- Ông có nhận xét gì về phổ điểm thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT công bố?
- Phổ điểm có sự phân bố tốt hay xấu dựa vào đỉnh để xác định nghiêng về phía bên phải (điểm cao) hay bên trái (điểm thấp).
ĐH Bách khoa Hà Nội quan tâm phổ điểm của môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh không nhiều ở môn Văn và Sinh. Chúng tôi đặc biệt chú ý môn Toán, nhiều ngành kỹ thuật của ĐH Bách khoa Hà Nội đòi hỏi nhân đôi điểm môn này. Những thông tin từ phổ điểm rất đáng để suy nghĩ.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.
ĐH Bách Khoa Hà Nội quan tâm những thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên. Tuy nhiên, nhìn theo phổ điểm có thể thấy số lượng thí sinh đạt điểm này tương đối lớn. Đặc biệt, các cột điểm đặt liền kề nhau, ví dụ từ 7 điểm đến 7,2 điểm đều có số lượng thí sinh nhiều gần bằng nhau (môn Toán có hơn 20.000 em). Điều này thể hiện sự phân hóa không rõ nét ở thí sinh có điểm cao.
Theo nhận định chung, mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái có thể dẫn đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm chuẩn sẽ tăng, đặc biệt là ở các ngành "hot".
- Những ngày gần đây, dư luận quan tâm "mưa điểm 10" ở kỳ thi THPT quốc gia. Ông có thể lý giải nguyên nhân thí sinh đạt điểm cao tăng đột biến như vậy?
- Việc có nhiều thí sinh đạt điểm 10 không phải do coi thi dễ. Năm nay, việc coi thi được đảm bảo nghiêm ngặt, có sự tham gia giám sát của cả Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, trường đại học. Hình thức thi bằng trắc nghiệm cũng hạn chế việc gian lận thi cử, trừ các trường hợp gian lận bằng công nghệ cao chưa được phát hiện.
Điểm thi năm nay cao hơn các năm có thể do đề thi phù hợp hơn, nội dung thi chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12, số môn thi cũng tăng so với năm ngoái (từ tối thiểu 4 môn thành 6 môn). Tuy nhiên, điểm thi cao không đồng nghĩa chất lượng học sinh tốt hơn các năm trước.
- Thí sinh có điểm thi cao có gây khó khăn trong việc tuyển sinh của nhà trường không?
- Điểm cao quá sẽ khó tuyển sinh. Tuy vậy, nhà trường cũng đã lường trước khó khăn này.
ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường top trên bắt buộc phải chọn tiêu chí phụ để tuyển sinh. Không có tiêu chí phụ thì không thể xét tuyển được.
Dự kiến năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra 2 tiêu chí phụ. Mọi năm, trường chỉ có một tiêu chí phụ là lấy điểm môn Toán từ cao xuống, nếu đủ sẽ dừng lại.
Năm nay, môn Toán nhân hệ số 2. Tiêu chí phụ thứ nhất là tổng điểm của ba môn (không cộng điểm ưu tiên khu vực và các cuộc thi, kỳ thi học sinh giỏi), sẽ công bằng hơn cho thí sinh. Tiêu chí phụ thứ hai là nguyện vọng nào cao hơn sẽ được ưu tiên.
Ví dụ, 2 thí sinh có điểm bằng nhau, em đăng ký nguyện vọng 2 vào ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ được ưu tiên so với bạn có nguyện vọng 3.
Nên biết lượng sức khi xét tuyển đại học
- Trước những thay đổi nêu trên, ông có lời khuyên như thế nào cho thí sinh?
- Quy chế của Bộ GD&ĐT năm nay tạo điều kiện tối đa cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, mỗi thí sinh, phụ huynh phải là những người thông thái, nghiên cứu kỹ về quá trình xét tuyển, điểm trúng tuyển ở các năm trước, xu hướng trong tương lai qua các kênh tư vấn tuyển sinh của trường và nhiều phương tiện khác.
Thí sinh nên biết lượng sức mình, đặc biệt trong một năm điểm thi có sự thay đổi mặt bằng chung như 2017. Việc Bộ GD&ĐT không hạn chế số lượng nguyện vọng không gây khó khăn vì đã có bộ phận lọc ảo.
- Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia đã được tiến hành trong 3 năm, theo ông, có nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học trong tương lai?
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên tách hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, việc này cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
Tôi cho rằng mỗi phương thức thi đều có ưu và nhược điểm riêng. Từ năm 2014 trở về trước, hai kỳ thi được tổ chức với nhiều căng thẳng, tốn kém. Tuy nhiên, tìm giải pháp chung cho các kỳ thi là điều khó.
Cá nhân tôi cũng mong muốn trong tương lai, chúng ta có một kỳ thi riêng để các trường xét tuyển đại học, một kỳ thi khác là tốt nghiệp có thể được triển khai nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, điều này còn được quy định bởi luật pháp.
Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, cho rằng về mặt lý thuyết, điểm cao sẽ ảnh hưởng việc tuyển sinh. Điểm thi cao thì điểm trúng tuyển sẽ phải tăng lên.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết: Nhìn vào phổ điểm có thể thấy lượng thí sinh đạt điểm cao năm 2017 nhiều hơn so với năm 2016.
Những năm trước, khi điểm càng lên cao, số lượng càng ít đi, phổ điểm xuống dốc nhanh, nhưng năm nay phổ điểm thoải, xuống dốc dần dần. Điều này có thể gây khó khăn trong việc xác định ngưỡng trúng tuyển của các trường top trên.
Theo Zing
Điểm sàn đại học 2017 là 15,5 cho tất cả khối thi Sáng 12/7, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển đại học năm 2017. Điểm sàn là 15,5 áp dụng cho tất cả khối thi. Sau khi Hội đồng họp kết thúc sáng nay, điểm sàn xét tuyển đại học chính thức được công bố. Theo đó, điểm sàn xét...