Nhiều đại học hoãn thi, cho sinh viên nghỉ tiếp
Học viện Tài chính thông báo đến hết tháng 2, sinh viên không phải tới trường, đồng thời dừng thi kết thúc học phần, thi hết môn.
Theo thông báo ngày 20/2, Học viện Tài chính (Hà Nội) sẽ duy trì việc học trực tuyến đến ngày 29/2. Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài ba tuần (từ 13/1 đến 2/2), Học viện Tài chính đã bốn lần ra văn bản cho sinh viên nghỉ học, mỗi lần kéo dài một tuần.
Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) ra thông báo lần thứ tư về việc kéo dài thời gian không tổ chức học tập trung của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Theo đó, tất cả người học sẽ được nghỉ thêm một tuần, từ 24/2 đến hết 1/3. Các lớp học phần sẽ tiếp tục học theo hình thức Blended Learning. Trường không tiếp nhận sinh viên vào ký túc xá trong thời gian này.
Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng đón sinh viên trở lại. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 ở một số quốc gia đang xấu đi nên sẽ lùi lịch học thêm một tuần, kỳ học mới bắt đầu vào ngày 2/3. Nhà trường đề nghị sinh viên tự học, thường xuyên cập nhật thông tin về giảng viên, lớp học tại cổng thông tin đào tạo và khai báo thông tin y tế với trường.
Đại học Thủy lợi (Hà Nội) hôm qua quyết định cho sinh viên nghỉ hết 1/3. Nhà trường tổ chức học online một số học phần, còn kế hoạch học bù, học kỳ song song và học kỳ hè sẽ có thông báo chi tiết sau.
Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường. Ảnh: Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) cho tất cả nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, học sinh tiếp tục dừng tập trung học ở các cơ sở của trường từ ngày 24/2 đến hết 1/3. “Học sinh, sinh viên toàn trường cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông báo mới, tích cực tham gia học tập trực tuyến, đồng thời giữ gìn sức khỏe và tinh thần học tập tốt nhất”, thông báo của trường nêu.
Các đại học Tài chính – Marketing, Công nghiệp thực phẩm TP HCM ra thông báo tương tự. Ngày 21/2, Đại học Xây dựng (Hà Nội) thông báo các lớp sinh viên, học viên bắt đầu học tập theo hình thức trực tuyến từ ngày 24/2 cho đến khi có thông báo học tập trung trở lại.
Quyết định cho sinh viên nghỉ thêm được đưa ra dựa trên công văn ngày 14/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ đề nghị lãnh đạo các đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp sư phạm xem xét cho tất cả người học nghỉ hết tháng 2.
Trước đó, nhiều trường đã cho sinh viên nghỉ hết tháng 2, như: Học viện Bưu chính viễn thông, Báo chí và Tuyên truyền, Tòa án, Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Thái Nguyên…
Video đang HOT
Dương Tâm
Theo VNE
Làm nghiêm túc, đào tạo trực tuyến hiệu quả hơn dạy học truyền thống
Không chỉ được triển khai trong thời gian sinh viên tạm nghỉ do dịch COVID-19, đào tạo trực tuyến đang được nhiều trường đầu tư mạnh nhằm đa dạng mô hình đào tạo, học tập trong thời đại 4.0.
Giảng viên Trường đại học Hoa Sen được tập huấn về đào tạo trực tuyến trước khi giảng dạy chính thức - Ảnh: V.T
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - phó hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM) - cho rằng phần lớn các nghiên cứu đều cho thấy nếu thiết kế tốt việc phối hợp các hoạt động tương tác trực tiếp và hoạt động tương tác trực tuyến, chất lượng học tập cao hơn cách dạy chỉ có tương tác trực tiếp.
Kết hợp dạy trực tuyến và truyền thống
* Thưa ông, dạy và học trực tuyến được trường triển khai bắt buộc hay tự chọn, trường triển khai thế nào?
- Hiện nay, ở Trường đại học Hoa Sen, việc học trực tuyến được triển khai với hình thức cho phép sinh viên tự chọn. Sinh viên được khuyến khích tham gia học tập trực tuyến. Tuy nhiên, định hướng trong thời gian tới nhà trường sẽ triển khai một số môn học bằng hình thức trực tuyến bắt buộc dựa trên đặc thù của từng môn học.
Chúng tôi không hoàn toàn giảng dạy 100% trực tuyến mà triển khai dưới hình thức đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo theo phương pháp truyền thống - Blended Learning. Đây là một trong các phương pháp giảng dạy rất hiệu quả được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng.
* Việc dạy và học trực tuyến tại trường thực hiện như thế nào? Có tương tác trực tiếp hay chỉ đơn thuần chỉ đưa bài giảng lên hệ thống?
- Hệ thống trực tuyến E-Learning tại Trường đại học Hoa Sen cung cấp tối đa khả năng tương tác trực tiếp giữa sinh viên với giảng viên thông qua hình thức video conferencing theo đúng thời khóa biểu. Sau khi buổi tương tác trực tiếp kết thúc, người học sử dụng hệ thống mlearning để thảo luận, trả lời câu hỏi kiểm tra kiến thức, viết bài luận, xem video, đọc tài liệu học tập, trả lời trắc nghiệm dạng game, phản hồi về chất lượng dạy cho bộ phận đảm bảo chất lượng...
Việc tăng cường tính tương tác này sẽ giúp học viên nắm bắt bài học tốt hơn, hứng thú với học tập nhiều hơn so với hình thức đào tạo truyền thống.
* Với hình thức này, kết quả có được tính vào việc đánh giá kết quả kết thúc môn của sinh viên không, thưa ông?
- Việc triển khai và thực hiện môn học bằng hình thức E-Learning các môn học được thiết kế và đánh giá liên tục quá trình học tập của học viên. Những kết quả đánh giá này được tính vào điểm kết thúc môn học.
Phải có sự đầu tư nghiêm túc
* Đào tạo trực tuyến đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng, nội dung học, phương pháp, tập huấn giảng viên... Trường đã có sự chuẩn bị thế nào?
- Đào tạo trực tuyến là một phần trong chương trình của trường được áp dụng từ năm 2014 và đã trải qua nhiều đợt nâng cấp để có hệ thống hoàn thiện như hiện nay.
Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho riêng hệ thống học tập trực tuyến, phòng studio quay phim chuyên nghiệp, ban hành các chính sách khuyến khích xây dựng học liệu số, đào tạo giảng viên xây dựng các khóa học E-Learning, mua các dịch vụ trí tuệ nhân tạo tích hợp cho hệ thống E-learning để phát hiện đạo văn và dự đoán kết quả người học dựa trên dữ liệu các khóa học đã tham gia và xây dựng campus ảo trong Second Life.
Hệ thống E-learning của trường hoạt động tốt trên cả các thiết bị di động lẫn các máy tính thông thường. Riêng trong học kì 1 năm học 2019-2020, hệ thống đã phục vụ 2,73 triệu lượt truy cập của giảng viên và sinh viên toàn trường.
* Đào tạo trực tuyến và đào tạo truyền thống có ưu và nhược điểm gì thưa ông?
- Những ưu điểm nổi bật của phương thức đào tạo trực tuyến theo mô hình kết hợp (blended learning) là phát triển kĩ năng, tư duy cần có của người lao động thế kỉ 21; tính linh hoạt cho nhà trường, người học và giảng viên; dễ dàng đáp ứng nhiều phong cách học tập khác nhau.
Tuy nhiên, để dạy học trực tuyến cho có chất lượng thì không phải là điều đơn giản. Nhà trường phải đầu tư tốt cho phương pháp giảng dạy, nền tảng công nghệ và học liệu số. Trái với suy nghĩ của nhiều người, dạy học trực tuyến cho có chất lượng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn dạy học truyền thống. Chính vì vậy mà học phí các chương trình học cấp bằng online chất lượng cao của Anh, Mỹ có học phí cao hơn chương trình truyền thống.
* Dạy và học trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian sinh viên nghỉ học hay là một giải pháp lâu dài để đa dạng phương pháp cũng như loại hình đào tạo của trường?
- Từ năm ngoái, nhà trường đã ban hành chiến lược đại học thông minh với chính sách E-Learning day và E-Learning week. Vào các ngày E-learning day, E-learning week, tất cả campus đều đóng cửa nhưng mọi hoạt động phải diễn ra bình thường. E-learning day và E-learning week là bài kiểm tra tổng thể năng lực hạ tầng CNTT, công tác tập huấn và là phương án dự phòng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Nhờ có chiến lược này từ trước, khi xảy ra dịch COVID-19, chúng tôi đã ở thế chủ động. Chúng tôi xác định đây cũng là cơ hội đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược đại học thông minh. Đối với Trường đại học Hoa Sen, đào tạo trực tuyến chắc chắn là một hướng đi và giải pháp lâu dài trong thời đại công nghệ 4.0.
Sinh viên hào hứng, chất lượng minh bạch
Bà Doãn Thị Ngọc, giảng viên khoa Khoa học xã hội Trường đại Học Hoa Sen, cho biết trong học kỳ vừa qua bà có ứng dụng giảng dạy Elearning kết hợp với lớp học truyền thống. Mặc dù lớp học online nay còn mới mẻ với sinh viên, nhưng càng học thì các bạn càng tham gia nhiệt tình bởi có nhiều ưu điểm.
Thời gian học Elearning rất linh hoạt, sinh viên được cung cấp nguồn tài liệu mở rất đa dạng và hấp dẫn như: các video khác nhau, các bài báo nghiên cứu, nhiều ebook, nhiều đường link phù hợp với từng bài học hay chủ đề. Trên thực tế, chi phí mua tài liệu thường là rào cản lớn đối với sinh viên, nhưng đối với khóa học online, các em được trang bị nguồn tài liệu rất dồi dào.
Về khả năng tự học, học online sẽ tăng khả năng chủ động và tương tác giữa sinh viên với nhau. Cách thức kiểm tra và đánh giá sinh viên khi học Elearning rất chính xác và công bằng. Đánh giá là một quá trình liên tục với nhiều hoạt động học tập khác nhau và luôn để lại bằng chứng.
MINH GIẢNG thực hiện
Theo Tuổi trẻ
Kiến nghị cho sinh viên nghỉ học hết tháng 3 tránh Covid-19: Trường ĐH nói gì? Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, TP.HCM đề xuất cho học sinh, sinh viên, học viên cả nước nghỉ học đến hết tháng 3. Trước đề xuất này, đại diện các trường ĐH có ý kiến khác nhau. Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong phòng thí nghiệm - Hà Ánh Sáng nay 20.2, trước diễn biến của...