Nhiều đại học chỉ tuyển được vài chục sinh viên
Giảm điểm sàn, kéo dài thời gian tuyển sinh đến 30/11 nhưng lượng hồ sơ của nhiều trường chỉ đạt 20-30%, có nơi tuyển được vài chục sinh viên.
Ông Hoàng Trung Hưng – trưởng phòng tuyển sinh đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) – cho biết tuyển sinh năm nay trường chỉ mở được hai ngành tiếng Anh và tiếng Trung với vỏn vẹn hơn 20 sinh viên. Số thí sinh nộp hồ sơ và trúng tuyển vào các ngành khác chỉ vài chục, không đủ mở lớp nên trường đã trả lại hồ sơ cho thí sinh.
Nhiều ngành đóng cửa
Khó khăn nhất là các trường ngoài công lập. Một cán bộ Trường Đại học Phú Xuân (Huế) than vãn đây là kỳ tuyển sinh bết bát nhất của trường trong 10 năm qua. Kết thúc tuyển sinh, trường chỉ tuyển được khoảng 55% chỉ tiêu. Các ngành tiếng Trung, tiếng Pháp, điện tử phải đóng cửa do không có người học. Mặc dù vậy, đây vẫn còn là con số đáng mơ ước với rất nhiều trường đại học khác.
PGS.TS Phạm Bá Phong, hiệu trưởng Trường Đại học Yersin (Đà Lạt), cho biết trường chỉ tuyển được 20% chỉ tiêu. Nhiều ngành như môi trường, công nghệ sinh học, tiếng Anh, tin học phải đóng cửa. “200 sinh viên này trường tuyển ngay giai đoạn đầu, từ tháng 10 về sau hầu như không có thí sinh nộp hồ sơ vào trường. Việc kéo dài thời gian xét tuyển đến ngày 30-11 không có ý nghĩa gì cả. Năm nay nhiều trường công lập cũng chỉ lấy điểm bằng điểm sàn nên dĩ nhiên thí sinh sẽ chọn trường công lập”, ông Phong nói thêm.
Video đang HOT
Ngày 16/11, nhiều phụ huynh và sinh viên đến rút học phí tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Theo ban giám hiệu, nhiều thí sinh rút hồ sơ, học phí để xét tuyển vào trường khác sau khi một số trường được phép hạ điểm sàn.
Ở khu vực phía Bắc, các trường Đại học quốc tế Bắc Hà, Thành Đô có số lượng thí sinh nhập học chỉ vài chục đến 100. Ở phía Nam, Trường đại học Cửu Long (Vĩnh Long) cũng chỉ tuyển được 30% trong tổng số 3.200 chỉ tiêu bậc đại học,cao đẳng dù đã kéo dài thời gian xét tuyển đến 30/11 và được “hộ mệnh” bởi công văn cho phép các trường ở Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ được “hạ điểm sàn”, tăng giãn cách khu vực.
“Số sinh viên trúng tuyển trường đã tuyển từ đợt đầu, tháng 11 hầu như không có thí sinh. Công văn của Bộ GD-ĐT ra quá trễ nên cũng chỉ vài thí sinh nộp hồ sơ không giúp cải thiện được tình hình”, TS Dương Lương Sơn, trưởng phòng đào tạo, chia sẻ.
Cũng nằm trong tình cảnh khó khăn chung, ông Phan Văn Thơm – hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô – nói bộ cho phép hạ điểm chuẩn quá muộn, các trường và thí sinh đã ổn định việc học hành nên chẳng có bao nhiêu thí sinh nộp hồ sơ. Trong số hơn 100 thí sinh nhập học theo diện này, đa số là sinh viên đã trúng tuyển Cao đẳng của trường xin chuyển lên đại học.
Ngay cả các trường công lập, đại học vùng cũng rơi vào tình cảnh chung này. Phân hiệu Ninh Thuận của Trường Đại học Nông lâm TP HCM không tuyển đủ chỉ tiêu và buộc phải ghép sinh viên vào một số ngành để đào tạo. Phân hiệu Quảng Trị củađại học Huế cũng rơi vào tình cảnh tương tự. đại học Thái Nguyên cũng không tránh khỏi tình trạng cửa mở nhưng không có người vào. Các trường thành viên như đại học Nông lâm, Công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa học chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu dù đã vận dụng cơ chế ưu tiên đặc thù cho khu vực Tây Bắc và đã xét tuyển đến đợt thứ sáu.
Không nên kéo dài thời gian xét tuyển
TS Nguyễn Kim Quang – Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) – cho rằng việc kéo dài thời gian xét tuyển thêm gần hai tháng so với những năm trước đã không đạt được mục tiêu như mong muốn. “Chính sách này của Bộ GD-ĐT chủ yếu để giúp các trường khó khăn trong tuyển sinh nhận được đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên thực tế cho thấy các trường này vẫn khó khăn, thậm chí nhiều trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên. Rõ ràng mục tiêu ban đầu của chính sách này đã không đạt được”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, một số thay đổi trong tuyển sinh năm 2012 vừa qua đã lộ ra hạn chế nhất định. Về phía thí sinh đã không xác định dứt khoát, an tâm trong việc chọn trường do việc các trường tự đưa ra kế hoạch, quy định xét tuyển riêng. Chính điều này dẫn đến việc thí sinh thay đổi nguyện vọng, gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh. “Khi thí sinh đã có đủ điều kiện để xét tuyển bổ sung thì không cần khoảng thời gian quá dài. Việc kéo dài thời gian xét tuyển bổ sung như năm nay là điều không cần thiết”, ông Quang khẳng định.
&’ThS Võ Văn Tuấn – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Văn Lang, cho biết việc bộ kéo dài thời gian xét tuyển cho phép thí sinh nộp nhiều hồ sơ đã tạo ra số thí sinh trúng tuyển ảo rất nhiều và làm mất tính ổn định trong tuyển sinh của các trường. “Khi kết thúc xét tuyển, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu nhưng sau đó một số trường công lập hạ điểm chuẩn nên nhiều thí sinh rút hồ sơ. Hơn nữa nhiều trường công lập năm nay lấy bằng điểm sàn nên việc kéo dài thời gian xét tuyển không còn ý nghĩa trong việc giúp các trường tốp dưới tuyển đủ chỉ tiêu”, ông Tuấn nói.
Theo Tuổi trẻ
Hà Nội công bố quy hoạch mạng lưới các trường học
Ngày 29/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức Hội nghị "Công bố quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và mạng lưới trường học của Thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn 2030."
Theo đó, ở bậc mầm non đến năm 2015, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học đạt ít nhất 35%, trẻ mẫu giáo đạt 90%; 100% trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới giáo dục mầm non, 80% cơ sở giáo dục mầm non ứng dụng tin học trong quản lý và giáo dục trẻ; tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%.
Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu được đầu tư xây thêm phòng lớp mới. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Từ nay đến năm 2030, mục tiêu toàn thành phố xây dựng thêm 724 trường mầm non (bao gồm 500 trường công lập và 224 trường ngoài công lập); trong đó, mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non công lập kiên cố.
Với bậc tiểu học, duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020; tỷ lệ trường tiểu học công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%; giảm sĩ số bình quân từ 35 học sinh/lớp vào năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020.
Đồng thời, xây dựng thêm 234 trường tiểu học trong giai đoạn 2011-2030 bao gồm cả công lập và ngoài công lập; trong đó phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa; xây dựng mô hình trường dịch vụ chất lượng cao.
Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, huy động thanh, thiếu niên đi học đúng độ tuổi đạt 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020; tỷ lệ trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%.
Đến năm 2030, dự kiến xây thêm 108 trường trung học cơ sở và 112 trường trung học phổ thông. Riêng với hệ giáo dục từ xa đến năm 2020, huy động trên 95% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt. Huy động trên 99% số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi ra học lớp xóa mù chữ. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng và hoạt động tốt. Ngoài ra, thu hút 99,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chưa học trung học phổ thông vào học chương trình giáo dục thường xuyên; phấn đấu đến năm 2030, xây dựng 3 cơ sở giáo dục từ xa cấp thành phố.
Theo TTXVN
Tuyển sinh 2012: Hàng loạt ngành học phải đóng cửa Hôm nay "chốt hạ" thời gian xét tuyển của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Mùa tuyển sinh năm nay kéo dài hơn mọi năm, thế nhưng tình hình tuyển sinh ở nhiều trường còn khó khăn hơn các năm trước, hàng loạt ngành học phải đóng cửa. Giảm gần 50% thí sinh nhập học Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long)...