Nhiều cơ hội từ ngành trọng điểm
Những ngành đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương dù được gọi là trọng điểm nhưng ít được thí sinh quan tâm, trong khi điều kiện học tập, cơ hội việc làm luôn hơn hẳn các ngành được cho là “hot”
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, nhận xét: “Tình trạng thí sinh ít mặn mà với những ngành trọng điểm có lẽ do nhận thức của các em nghĩ rằng đây không phải là nghề “hot”. Từ đó đổ xô vào các ngành vốn được quan niệm là “hot” như nhóm ngành kinh tế… để rồi phải xếp hàng vất vả chờ việc khi ra trường”.
Một buổi thực tập của sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản, Trường ĐH Nha Trang
Video đang HOT
Không “hot” nhưng hấp dẫn
Để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, Trường ĐH Trà Vinh đã liên kết với hơn 300 doanh nghiệp và các đơn vị để đào tạo theo nhu cầu cũng như cung ứng lao động ở những ngành trọng điểm. Ví dụ ngành văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (với 2 chuyên ngành văn hóa Khmer Nam Bộ và văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ), khóa đầu tiên (tốt nghiệp năm 2011) hiện chưa ra “lò” nhưng trường đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các đơn vị báo, đài, ban dân tộc, trung tâm văn hóa, thông tin…
Tương tự, ngành ứng dụng công nghệ in hai chiều và ba chiều được Trường ĐH Trà Vinh hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài để đào tạo và cung ứng lao động. Ông Huỳnh Ngọc Mẫn, phó trưởng khoa hóa học ứng dụng của trường, cho biết phía doanh nghiệp luôn tạo điều kiện đáp ứng giảng viên để đào tạo kỹ năng thực tế cho sinh viên. Hơn 80% sinh viên ra trường đã được nhận vào doanh nghiệp này làm việc mà không cần đào tạo lại.
Ông Trần Danh Giang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết nhu cầu của xã hộivề nhân lực cho lĩnh vực thủy sản là rất cao nên ngay lúc sinh viên của trường tốt nghiệp, doanh nghiệp thường chờ sẵn để phỏng vấn, tuyển dụng.
Theo khảo sát của Trường ĐH Tây Nguyên, hơn 85% sinh viên tốt nghiệp từ các ngành trọng điểm của địa phương như bảo quản và chế biến nông sản, khoa học cây trồng, lâm sinh, quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường… đã có việc làm phù hợp.
Đầu vào dễ “thở”
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, cho rằng với những ngành trọng điểm, thí sinh không chỉ được lợi do cơ hội việc làm cao mà còn ở chỗ điểm đầu vào thường thấp. Thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy hầu hết những ngành trọng điểm ở các trường địa phương luôn có điểm chuẩn đầu vào chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD – ĐT và luôn thừa chỉ tiêu cho nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Chẳng hạn chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành như bảo quản và chế biến nông sản, khoa học cây trồng, lâm sinh… ở Trường ĐH Tây Nguyên luôn tương đương với các ngành khác, trong khi điểm chuẩn lại chỉ bằng điểm sàn.
Theo ông Trần Danh Giang, chỉ tiêu ở các ngành cũng như nhóm ngành trọng điểm tại Trường ĐH Nha Trang năm nào cũng rộng cửa cho thí sinh. Những ngành như kỹ thuật khai thác thủy sản, kỹ thuật tàu thủy, công nghệ chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, quản lý nguồn lợi thủy sản, kinh tế và quản lý thủy sản…, nhu cầu của xã hội luôn cao nhưng lại ít thí sinh biết để đăng ký thi.
Tại Trường ĐH Bạc Liêu, ngành nuôi trồng thủy sản cũng ít thí sinh quan tâm trong khi chỉ tiêu khá cao và đây là thế mạnh của bán đảo Cà Mau. Tương tự, thế mạnh của tỉnh An Giang là sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu tuyển dụng cho lĩnh vực này rất cao trong khi những ngành học như sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm sinh – kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt của Trường ĐH An Giang lại luôn khan hiếm thí sinh trong các kỳ tuyển sinh của những năm qua.
Thực trạng nêu trên cho thấy nếu thí sinh có nguyện vọng thi vào những ngành trọng điểm của các địa phương thì ít phải lo lắng hơn đến tỉ lệ chọi, chỉ tiêu…
Thực tập dễ dàng
Ông Lê Văn Toàn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận định: “Rõ ràng những ngành trọng điểm ở địa phương sẽ tạo cho sinh viên nhiều lợi thế và cơ hội hơn. Đó là cơ hội thực tập dễ dàng ở các doanh nghiệp tại địa phương, cơ hội cao có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp vì tiềm năng, nhu cầu nhân lực của địa phương ở những ngành trọng điểm luôn lớn”. Đơn cử như việc sinh viên được đào tạo từ những ngành như xây dựng công trình cảng biển, công nghệ kỹ thuật hóa học chuyên ngành hóa dầu… của Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu luôn có doanh nghiệp “đón” sẵn.
Theo Người Lao Động