Nhiều chuyện khó hiểu trong chọn sách giáo khoa lớp 1
Theo Bộ GD-ĐT kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 ở 63 tỉnh thành cho thấy địa phương nào cũng chọn từ 3 bộ trở lên, trong khi đó đơn vị cung cấp lại khẳng định có tỉnh 100% chọn sách giáo khoa của họ.
Trưng bày triển lãm một bộ sách giáo khoa lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo dục VN – ẢNH: TUYẾT MAI
Mỗi địa phương chọn từ 3 bộ trở lên?
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết tính đến thời điểm này, đã có 60 sở GD-ĐT gửi công văn về Bộ GD-ĐT, báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; 3 sở GD-ĐT còn lại cũng cho biết các trường đã lựa chọn xong, Sở đã gửi báo cáo bằng đường công văn về Bộ. “Như vậy, có thể khẳng định 100% các sở đã hoàn thành công việc lựa chọn SGK và gửi tổng hợp về Bộ GD-ĐT theo đúng thời gian quy định”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, phân tích kết quả lựa chọn mà báo cáo gửi về cho thấy tất cả đầu sách đều được lựa chọn. Mỗi địa phương chọn từ 3 bộ trở lên; rất nhiều địa phương chọn các đầu sách của cả 5 bộ.
Chưa thực hiện công khai kết quả chọn SGK
Theo yêu cầu và quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phải công khai kết quả chọn sách ít nhất 4 tháng trước năm học mới để người dân biết và chuẩn bị. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi ngày khai giảng năm học mới chỉ còn hơn 3 tháng nữa, nhưng ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy phần lớn các trường vẫn chưa công khai bộ SGK được lựa chọn. Ngay tại Hà Nội, chỉ có số ít các trường ngoài công lập thực hiện đúng quy định này. Còn lại hầu hết các cơ sở giáo dục dù đều có trang web, nhưng vẫn chưa thông báo cho phụ huynh và xã hội biết họ chọn những sách nào cho học sinh lớp 1 trong năm học tới.
Việc công khai đến nay chỉ có cách thông báo tại trường và trên trang web của trường, của phòng GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT. Thế nhưng, thậm chí khi PV Thanh Niên hỏi “xin” thông tin kết quả chọn sách từ các phòng GD-ĐT và sở GD-ĐT để cung cấp cho người dân, cũng đều bị từ chối, hoặc “trì hoãn” rất khó hiểu!
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cho hay ngay sau khi hội đồng chọn SGK làm việc xong, có kết quả cuối cùng thì việc đầu tiên là nhà trường đưa văn bản chính thức về kết quả chọn lên trang web của trường để người dân, phụ huynh lớp 1 dự kiến sẽ gửi con vào trường trong năm học tới biết; tiếp đến mới là gửi văn bản báo cáo phòng GD-ĐT.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà trường chọn SGK nhưng phụ huynh học sinh mới chính là người phải trả tiền để mua bộ sách ấy cho con học. Không có lý do gì họ không được biết trường mà họ sắp gửi con vào sẽ học những SGK nào.
Không cấp nào được yêu cầu các trường chọn SGK giống nhau
Video đang HOT
Như Thanh Niên đã phản ánh, đơn vị xuất bản bộ SGK lớp 1 mang tên Cánh Diều đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về kết quả chọn SGK, trong đó khẳng định 100% trường học ở Long An đã chọn đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục của bộ Cánh Diều.
Ngày 19.5, trả lời trên Báo Thanh Niên, bà Lê Thị Song An, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Long An, cho biết hơn 70% trong tổng số 218 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh chọn bộ sách Cánh Diều. Trên cơ sở này, Sở đã trình UBND tỉnh Long An phê duyệt, báo cáo về Bộ GD-ĐT để áp dụng cho 100% học sinh lớp 1 (29.000 em) trong năm học 2020 – 2021. Theo bà Song An, sắp tới Sở sẽ có thông báo đến các trường để thông tin đến phụ huynh học sinh, nhằm tạo sự chủ động đối với phụ huynh, học sinh.
Ngày 22.5, Bộ GD-ĐT khẳng định theo văn bản báo cáo mà Bộ nhận được từ các sở GD-ĐT, không có địa phương nào chỉ chọn SGK từ duy nhất bộ SGK nào đó và Long An cũng không là ngoại lệ.
Chiều cùng ngày, đại diện đơn vị biên soạn và xuất bản bộ SGK Cánh Diều vẫn khẳng định họ nhận được văn bản có dấu đỏ của Sở GD-ĐT Long An nên mới thông tin 100% trường học của Long An chọn SGK cả 9 môn/hoạt động giáo dục của bộ SGK này.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đơn vị soạn thảo thông tư hướng dẫn chọn SGK trong các cơ sở giáo dục, cho biết theo Thông tư 01 mà Bộ GD-ĐT ban hành thì việc chọn SGK thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, quyền chọn sách lớp 1 thực hiện cho năm học tới là của các đơn vị trường học. Nhà trường thành lập hội đồng chọn SGK, thực hiện các bước lựa chọn theo đúng quy định của Bộ; sở GD-ĐT chỉ có trách nhiệm ở khâu tổng hợp kết quả chọn sách của tất cả trường học trên địa bàn tỉnh, thành phố để cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn; đồng thời báo cáo Bộ GD-ĐT.
Do vậy, ông Thành khẳng định Bộ hay UBND tỉnh và sở GD-ĐT đều không có quyền chỉ đạo điều chỉnh kết quả chọn SGK của cấp trường, nếu việc lựa chọn ấy không có vi phạm gì. Nếu địa phương nào giải thích rằng có 70% trường chọn 1 bộ SGK nào đó mà UBND cấp tỉnh lại phê duyệt cho 100% trường lựa chọn là hoàn toàn sai, vi phạm quyền lựa chọn SGK của cấp trường đã được Nghị quyết 88 của Quốc hội và Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT quy định.
Cũng theo ông Thành, kể cả khi thực hiện theo luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ tháng 7.2020), giao việc chọn SGK cho UBND tỉnh thì thông tư mà Bộ GD-ĐT đang dự thảo cũng nêu rõ phải bắt đầu lấy ý kiến từ giáo viên, đến tổ bộ môn, đến nhà trường, những ý kiến này được gửi lên phòng giáo dục, sau khi tập hợp ý kiến của các trường, phòng sẽ gửi lên hội đồng chọn SGK của tỉnh.
Do vậy, ông Thành khẳng định từ năm học 2021 – 2022, cấp tỉnh chọn SGK nhưng không có nghĩa là cả một tỉnh đều chọn đồng loạt cùng 1 đầu sách, hoặc bộ SGK nào đó. Ngay cả trong dự thảo đang lấy ý kiến góp ý và thông tư đã ban hành để áp dụng cho việc chọn SGK lớp 1 năm học tới, khi nói về tiêu chí lựa chọn SGK đều khẳng định: “Phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, và của từng khu vực của địa phương đó. Ngay như trong cùng 1 tỉnh thì quyển SGK này phù hợp với vùng này, nhưng có thể với vùng khác mà tiêu chí của tỉnh đặt ra chưa chắc đã phù hợp. Chính vì vậy mới có câu là phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, và của từng khu vực của địa phương đó”, ông Thành cho biết.
Sách giáo khoa lớp 1 mới: Có tỉnh 100% trường chọn cùng một bộ?
Trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới cho năm học tới, Bộ GD-ĐT cho rằng không có địa phương nào chỉ chọn một bộ sách giáo khoa nào đó, nhưng theo đơn vị xuất bản, có tỉnh chọn 100% cùng một bộ.
Tham quan, tìm hiểu về SGK lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - BÁ HẢI
Bộ chưa nhận được thông tin
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết đến hết 30.5, Bộ này mới có thống kê việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo báo cáo của khoảng 30 địa phương thì tất cả các đầu sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt đều được lựa chọn, không có cuốn SGK nào bị bỏ qua. Cũng không có địa phương nào chỉ chọn một bộ SGK nào đó.
Thế nhưng, theo thông tin gửi báo chí của đơn vị xuất bản bộ SGK Cánh Diều thì 100% các trường ở tỉnh Long An chọn toàn bộ 9 cuốn của bộ SGK này. Ở tỉnh Sơn La, 100% các trường chọn SGK 5 môn: toán, đạo đức, âm nhạc, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm. Ở Phú Thọ, 100% các trường chọn SGK 4 môn: tiếng Việt, toán, tự nhiên xã hội và giáo dục thể chất. Ở Thái Nguyên, 100% các trường chọn SGK 3 môn: tiếng Việt, toán, tự nhiên xã hội. Ở tỉnh Nam Định, 100% các trường chọn SGK 2 môn tiếng Việt, tự nhiên xã hội...
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị có tới 4/5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt, cho biết đã nhận kết quả lựa chọn sách của 22 tỉnh/TP gửi đến, với tỷ lệ bình quân chọn đạt gần 80%. Có 14 tỉnh chọn từ 80% trở lên. Các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hòa, Quảng Bình, Đắk Nông có tỷ lệ chọn 100%. Các tỉnh có tỷ lệ từ 80 - 94% gồm: Trà Vinh, Bến Tre, Nghệ An, Quảng Nam, Cao Bằng, Đắk Lắk, TP.HCM, Kiên Giang...
Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nơi có tới 4 bộ SGK được phê duyệt, việc có 100% các trường ở địa phương nào đó chọn sách của nhà xuất bản này cũng là dễ hiểu
Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT
Khi được đề nghị bình luận về việc 100% các trường học trong một địa phương chỉ chọn một bộ SGK, ông Thái Văn Tài cho biết Bộ GD-ĐT chưa nhận được thông tin cụ thể về trường hợp nào như vậy.
Ông Tài cho rằng: "Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nơi có tới 4 bộ SGK được phê duyệt, việc có 100% các trường ở địa phương nào đó chọn SGK của nhà xuất bản này cũng dễ hiểu vì tuy cùng một đơn vị xuất bản nhưng họ có 4 bộ SGK khác nhau. Điều này khác với việc cả tỉnh chỉ chọn một bộ SGK".
Ông Tài cũng cho biết chậm nhất ngày 20.5, các nhà xuất bản có SGK lớp 1 phải nhận được đầy đủ thông tin về số lượng SGK được các nhà trường, địa phương lựa chọn tương ứng với số học sinh để kịp lên kế hoạch in ấn, xuất bản. Trường hợp nếu có cuốn SGK nào được lựa chọn quá ít, ví dụ cả tỉnh/TP chỉ có một trường chọn một cuốn SGK nào đó thì các nhà xuất bản cũng phải trả lời họ có cung ứng được với số lượng quá ít như vậy không. Nếu không thì các cơ sở cũng phải có phương án dự phòng.
Quản lý thế nào khi các trường dạy SGK khác nhau?
Có thể thấy từ năm học tới, mỗi quận, huyện của Hà Nội và một vài tỉnh, thành khác sẽ có nhiều SGK khác nhau. Câu hỏi đặt ra là công tác quản lý chuyên môn của cấp phòng, sở GD-ĐT sẽ thế nào?
Bà Phan Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết: "Trong một trường có thể sử dụng sách từ nhiều bộ khác nhau nên quản lý sẽ phải thay đổi, không thể bám sát vào một bộ như lâu nay mà phải bám vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình từng môn, từng lớp học".
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, cũng cho biết khi có nhiều SGK thì dù trường chọn sách nào để giảng dạy chính thức thì đó cũng chỉ là tài liệu dạy học chứ không phải là "pháp lệnh" như quan điểm trước đây. Do vậy, ông Vũ cho rằng việc đánh giá giờ dạy của giáo viên phải theo chương trình chứ không theo cuốn SGK nào cả.
"Tương tự như vậy, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng cần tuyệt đối tránh bám vào SGK cụ thể để ra đề, nhất là đối với những cuộc thi vượt khỏi cấp trường. Có như vậy cả người dạy và người học mới yên tâm về việc mỗi trường lựa chọn một cuốn/bộ SGK khác nhau", ông Vũ nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, khẳng định: "Chúng tôi sẽ phải thuộc từng cuốn SGK, trường nào sử dụng sách nào. Tuy nhiên, đây là cơ hội rất tốt để các trường phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xây dựng tốt hơn kế hoạch giáo dục riêng của từng trường, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh", ông Thuận chia sẻ.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cũng nhấn mạnh việc một trường sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Hiện nay, khung chương trình mới là pháp lệnh, còn SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Bên cạnh đó, cả 5 bộ SGK đều đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt. Dù học theo tài liệu nào cũng đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng đầu ra lớp học, cấp học được quy định.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng nhiều lần khẳng định khi có nhiều SGK thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ căn cứ vào chương trình chứ không ra đề theo bất cứ SGK nào.
Hà Nội chọn từ nhiều bộ SGK khác nhau
Đến thời điểm này, các trường ở Hà Nội đã hoàn tất việc chọn SGK lớp 1 và đang báo cáo Sở GD-ĐT. Lãnh đạo phòng GD-ĐT nhiều quận ở Hà Nội đều cho hay có nhiều bộ sách được chọn chứ không có bộ nào được chọn 100% ở các quận, cũng không có bộ nào chiếm tỷ lệ áp đảo tới 80 - 90%...
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, cho biết quận có 15 trường tiểu học, cả 5 bộ SGK đều có những môn được các trường lựa chọn chứ không có bộ SGK nào bị "từ chối" hoàn toàn ở tất cả các môn. Có một số cuốn sách được 14/15 trường lựa chọn và ngược lại có nhiều cuốn không trường nào hoặc chỉ có 1 trường lựa chọn.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, cũng cho biết có một số nơi chỉ giới thiệu một số bộ sách cho các trường lựa chọn nhưng Q.Ba Đình chủ trương giao toàn quyền tự chủ cho các nhà trường và tất cả các trường đều được tiếp cận đầy đủ cả 5 bộ sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Long An chọn sách Cánh Diều do lựa chọn của giáo viên
Ngày 19.5, bà Lê Thị Song An, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Long An, cho biết hơn 70% trong tổng số 218 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh chọn bộ sách Cánh Diều (9 cuốn, trong 8 môn). Bộ sách hợp tác giữa 3 đơn vị: Nhà xuất bản ĐH Sư phạm, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM và Công ty đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam.
Trên cơ sở này, Sở đã trình UBND tỉnh Long An phê duyệt, báo cáo về Bộ GD-ĐT để áp dụng cho 100% học sinh lớp 1 (29.000 em) trong năm học 2020 - 2021. Bộ sách được công bố giá bán là 199.000 đồng, cao hơn một số bộ sách khác.
Theo bà Song An, sắp tới Sở sẽ có thông báo đến các trường để thông tin đến phụ huynh học sinh nhằm tạo sự chủ động đối với phụ huynh, học sinh. "Trên cơ sở thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở đã thực hiện đúng quy trình từ đầu đến cuối để có sự thống nhất trong lựa chọn bộ sách Cánh Diều. Cụ thể, ngày 20.12.2019, Sở và các trường đã nhận được các bộ sách "chào hàng" và sau khi có cơ chế làm việc khẩn trương, nghiêm túc của giáo viên tại các trường, đã đưa ra lựa chọn, báo cáo về Sở. Sở cũng thống nhất chọn bộ sách này vì nội dung được trình bày dễ hiểu, các em sẽ dễ tiếp thu hơn và qua đó có điều kiện phát huy được tính sáng tạo... Tôi khẳng định Sở không có định hướng gì đối với các trường trong nhiệm vụ này", bà Song An nói. - Bắc Bình
Chọn sách giáo khoa: Sách 'Cánh diều' áp đảo Ngày 20-5, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT báo cáo kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 mới. Xu thế 'chọn theo bộ sách giáo khoa' vẫn nổi trội hơn 'chọn theo môn'. Và kết quả cũng nhiều bất ngờ... Một tác giả của sách giáo khoa toán "Cùng học để phát triển năng lực" tập huấn cho giáo...